‘Vivarium’ – địa ngục trần gian không lối thoát
Bộ phim của Imogen Poots – Jesse Eisenberg mang đến trải nghiệm kỳ lạ xen lẫn rùng rợn về một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc sẽ ra sao trong bối cảnh tách biệt hoàn toàn.
Gemma (Imogen Poots) và Tom (Jesse Eisenberg) là đôi trẻ đang dự định cùng nhau xây dựng tổ ấm. Họ tìm đến một công ty bất động sản và được giới thiệu cho khu dân cư Yonder.
Tuy nhiên, người môi giới ( Jonathan Aris) của họ có cách nói chuyện kỳ lạ. Khi giới thiệu đôi trẻ ra sân sau, người này bỗng nhiên biến mất.
Gemma cùng Tom sau đó sớm phát hiện ra mình đang mắc kẹt trong một mê cung không lối thoát. Thứ duy nhất có thể ra vào chính là căn nhà số 9 được gã môi giới kia mời chào.
Những tưởng việc mắc kẹt tại một nơi xa lạ không hề có lý do đã là điều đáng sợ, cả hai còn nhận được một đứa trẻ trong chiếc hộp cùng nhu yếu phẩm hàng ngày. Một dòng chữ ghi rõ rằng hãy nuôi đứa bé lớn lên, rồi Gemma và Tom sẽ được “giải thoát”.
Biến nỗi sợ hãi trong việc nuôi con thành chất liệu rùng rợn
Vivarium có kết cấu đơn giản, ngắn gọn, với nội dung cường điệu hóa nỗi sợ làm cha mẹ của các đôi trẻ. Đây là khoảng thời gian họ không biết bản thân cần gì hay thực sự muốn gì, và liệu họ có dám hy sinh, đánh đổi nhiều thứ khi trở thành các bậc phụ huynh hay không.
Gã môi giới bí ẩn đẩy hai nhân vật chính vào mê cung không lối thoát.
Gemma và Tom ở đầu phim luôn nghĩ rằng chỉ cần ở cạnh nhau, cả hai sẽ cảm thấy bất cứ nơi đâu cũng là nhà. Khi rơi vào mê cung, dù được chu cấp đầy đủ và không phải mang nỗi lo “cơm – áo – gạo – tiền”, họ vẫn như sống trong cơn ác mộng. Và sự căng thẳng càng tăng cao khi đứa trẻ xuất hiện.
Đứa trẻ trong Vivarium rõ ràng không phải là người bình thường bởi tốc độ tăng trưởng chóng mặt, có thể giả giọng nó hệt như cha mẹ nuôi. Mỗi khi nó đói hay không được thỏa mãn nhu cầu bản thân sẽ la hét ầm ĩ. Đây vốn là những điều mà một đứa trẻ bình thường hay làm, nhưng nay được cường điệu hóa đến mức ám ảnh trong Vivarium bởi đạo diễn Lorcan Finnegan.
Sự đối nghịch từ giới tính trong một mối quan hệ
Trong bối cảnh bế tắc không lối thoát, sự đối nghịch trong tư duy và cách suy nghĩ của hai nhân vật chính trong phim là đại diện rõ rệt cho hai giới.
Tom đại diện cho hầu hết phái mạnh khi chưa sẵn sàng làm bố. Họ luôn tìm cách gạt bỏ đứa con, tìm kiếm lối thoát để không phải đương đầu với sự thật. Cụ thể ở đây, khi nhận ra sân của ngôi nhà có thể đào được, anh đã dốc hết sức vào công việc đến nỗi tình cảm dành cho người bạn đời ngày càng trở nên lạnh nhạt.
Tom luôn tìm cách trốn thoát khỏi thực tại đến mức quên đi cả người mình yêu thương.
Còn Gemma thì đại diện cho phái đẹp với thiên chức làm mẹ dường như đã ngấm sâu vào trong mạch máu. Cô nhẫn nại, tỉ mỉ trong việc chăm sóc đứa trẻ, dù biết đó không phải là con mình.
Nhưng rồi Gemma cũng nhận ra sự thật cay đắng rằng đứa trẻ mới là chất keo giúp gắn kết một gia đình. Với đứa trẻ không phải con người trong phim, một ngôi nhà xinh đẹp với đầy đủ lương thực sống hàng ngày dưới bầu trời xanh tuyệt đẹp chỉ là địa ngục không lối thoát.
Diễn xuất của đôi diễn viên chính Jesse Eisenberg và Imogen Poots rất hài hòa. Những cung bậc cảm xúc và trạng thái tâm lý từ sợ hãi, hoảng loạn đến hy vọng và cuối cùng là phẫn nộ, được cả hai thể hiện tự nhiên, hợp lý theo mạch nội dung tác phẩm.
Dù cho vô cùng sợ hãi, Gemma vẫn thể hiện được bản năng người mẹ thông qua hành động.
Bi kịch tiếp nối bi kịch khiến khán giả cảm thấy bế tắc hệt như hai nhân vật chính trên màn ảnh khi Vivarium dần đi về hồi kết. Có chút đáng tiếc khi kết phim chưa thật sự bùng nổ. Bầu không khí chỉ dừng lại ở một chút bí ẩn, một chút rợn da gà, chứ chưa thể tạo ra nỗi sợ hãi hay ám ảnh tột cùng.
Trailer Vivarium
Vivarium không phải là một bộ phim gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác hay cố gắng lồng ghép thông điệp to tát. Tác phẩm đơn thuần mang đến cho người xem một góc nhìn và trải nghiệm khác về cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, đặc biệt là khi nó xuất phát từ đứa con trong gia đình.
Hiếu Trịnh
Những vai diễn khách mời đắt đỏ trên màn bạc
Có những nhân vật chỉ xuất hiện trong một, hai phân cảnh ngắn ngủi, nhưng giúp người diễn viên bỏ túi số tiền cực lớn, thậm chí lên đến hàng triệu USD.
Charlie Sheen trong Scary Movie 5 (2013): Sau vai khách mời là một gã đàn ông bị sốc thuốc Viagra ở phần 4, Charlie Sheen tiếp tục tham gia phần 5 của Scary Movie chỉ thông qua hai cảnh quay ngắn. Một ngày có mặt trên trường quay của Sheen khiến nhà sản xuất phải rút hầu bao 250.000 USD. Bộ phim dở tệ, và màn xuất hiện của tài tử thực sự nhạt nhẽo. Song, Charlie Sheen vẫn ghi điểm với khán giả bởi hành động sau đó. 100.000 USD từ khoản cát-xê được anh tặng cho Lindsay Lohan để bạn diễn trả nợ thuế. 150.000 USD còn lại thì được Sheen chia đều và gửi tới ba tổ chức từ thiện khác nhau.
Ving Rhames trong Mission: Impossible: Ghost Protocol (2011): Bên cạnh Tom Cruise, Ving Rhames là một gương mặt khác xuất hiện trong cả 6 tập Nhiệm vụ bất khả thi. Anh sắm vai Luther Stickell - một người đồng đội tốt của Ethan Hunt. Tuy nhiên, với phần 4 - Ghost Protocol, màn góp mặt của Rhames ngắn ngủi tới nỗi anh không được đề tên trong phần credits. Dẫu vậy, phân cảnh duy nhất ở đoạn cuối bom tấn hành động giúp Rhames bỏ túi tới 7,7 triệu USD! Hồi 2010, trong một cuộc phỏng vấn, Ving Rhames đã nói rằng nhà sản xuất đề nghị chỉ trả 3 triệu USD, nhưng anh muốn giữ nguyên con số 7,7 triệu USD như hợp đồng ban đầu, bằng không tài tử sẽ rời khỏi thương hiệu.
Jesse Eisenberg trong Camp Hell (2010): Năm 2007, tài tử lập dị nhận lời giúp đỡ một người bạn khi vào vai khách mời có thời lượng dài chưa tới 5 phút trong Camp Hell, và đồng ý nhận khoản thù lao tượng trưng 3.000 USD. Tuy nhiên, khi bộ phim được phát hành dưới định dạng băng đĩa, tên tuổi và hình ảnh của Eisenberg xuất hiện như thể anh sắm vai chính. Nam diễn viên 36 tuổi quyết định đâm đơn kiện Lionsgate cùng Grindstone, và đòi bồi thường 3 triệu USD. Vụ kiện thực tế đến nay chưa ngã ngũ. Nhưng nếu được xử thắng, Eisenberg sẽ nhận được số tiền bằng với kinh phí của toàn dự án!
Julia Roberts trong Valentine's Day (2010): Valentine's Day là dự án điện ảnh hợp tuyển, bao gồm các câu chuyện nhỏ cùng diễn ra vào ngày lễ Tình nhân, với sự góp mặt của nhiều ngôi sao. Một trong số đó là Julia Roberts. Trong phim, "người đàn bà đẹp" chỉ xuất hiện đúng 6 phút, nhưng nhận thù lao lên tới 3 triệu USD. Trung bình, cứ mỗi giây Roberts xuất hiện trên màn ảnh, chị nhận tới 8.000 USD! Tuy nhiên, ê-kíp Valentine's Day có lẽ cũng không có gì phải phàn nàn khi bộ phim sau đó thu hơn 400 triệu USD toàn cầu.
Michael Biehn trong Alien3 (1992): Bên ngoài loạt bom tấn Alien và Terminator, sự nghiệp của Michael Biehn không mấy khởi sắc. Do đó, anh rất háo hức được trở lại phần 3 sau thành công của Aliens (1986). Tuy nhiên, dự án trải qua rất nhiều thay đổi về mặt nội dung. Từ chỗ là vai chính, nhân vật Hicks của anh gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Đoàn phim đề nghị sử dụng một hình nhân thay thế cho tình tiết cái chết của Hicks, nhưng Biehn từ chối và dọa kiện. Cuối cùng, anh chỉ cho phép ê-kíp dùng một hình ảnh cũ của mình, kèm theo một khoản tiền 6 chữ số chưa bao giờ được các bên tiết lộ.
Sean Connery trong Robin Hood: Prince of Thieves (1991): Nhân vật Richard Sư Tử Tâm của huyền thoại Sean Connery trong bộ phim về Robin Hood (Kevin Costner) chỉ có đúng hai phút xuất hiện với bốn câu thoại, và thậm chí còn không được đề tên trong phần credits. Song, nam diễn viên người Scotland đã nhận được 250.000 USD từ hai ngày quay ngắn ngủi. Sau đó, Connery quyết định dùng toàn bộ số tiền này đi làm từ thiện.
Marlon Brando trong Superman (1978): Huyền thoại Marlon Brando ký hợp đồng nhận vai Jor-El - cha của Siêu Nhân (Christopher Reeve) - vào năm 1975, với mức thù lao 3,7 triệu USD, kèm theo 11,75% từ lợi nhuận sau đó của bộ phim. Tuy nhiên, đạo diễn Richard Donner muốn thực hiện Superman và Superman II cùng lúc, khiến quá trình ghi hình kéo dài tới 19 tháng. Cá nhân Marlon Brando cảm thấy chán chường khi tới lượt mình quay, và tỏ ra thiếu hợp tác khi không học thoại, đòi người giơ cue trên trường quay. Sau đó, Superman thắng lớn với doanh thu lên đến hơn 300 triệu USD, và Brando rốt cuộc nhận được 19 triệu USD từ chỉ 12 ngày quay sóng gió. Sau 35 năm, nếu tính cả yếu tố lạm phát, con số lên tới hơn 50 triệu USD, và đây thường được coi là màn cameo đắt đỏ nhất mọi thời đại.
'Giáng Sinh Đen': Cơn ác mộng mùa Giáng Sinh khiến khán giả rùng mình ớn lạnh Ngoài ra, dưới vỏ bọc bộ phim kinh dị chặt chém, 'Giáng Sinh Đen' thực tế là một tác phẩm nữ quyền sắc sảo, xứng đáng để khán giả thưởng thức và suy ngẫm. Mùa Giáng sinh năm nay, một luồng gió mới lạ mang tên kinh dị đã ùa tới phòng vé bằng bộ phim Giáng Sinh Đen. Bộ phim xoay quanh...