Virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở Bồ Đào Nha ít lây lan hơn
Ngày 24/5, Viện Y tế Quốc gia mang tên Tiến sĩ Ricardo Jorge (INSA) của Bồ Đào Nha cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành ở nước này thuộc về chủng virus ít lây lan hơn đang hoành hành tại Tây Phi.
Virus đậu mùa khỉ nhìn dưới kính hiển vi. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng thông tấn Lusa, nhóm nghiên cứu do ông Joao Paulo Gomes, người đứng đầu Bộ phận Phân tích dữ liệu sinh học thuộc Khoa Các bệnh truyền nhiễm của INSA, đã hoàn tất giải trình tự gene của virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nước này. Kết quả cho thấy virus bệnh đậu mùa khỉ ở Bồ Đào Nha có quan hệ “gần hơn với virus bệnh đậu mùa khỉ ở Nigeria”, được phát hiện vào năm 2018 và 2019 ở các nước, trong đó có Anh, Israel và Singapore. Các nhà nghiên cứu cho biết có một chủng virus khác gây bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh hơn đang lưu hành ở Trung Phi.
Mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng không có lý do để lo ngại về căn bệnh này, song các nhà vi trùng học kêu gọi các nước tiến hành phong tỏa chuỗi lây nhiễm, giám sát mạnh mẽ bệnh này và nhanh chóng phân tích mọi ca nghi nhiễm. Cho đến nay, Bồ Đào Nha ghi nhận 39 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, với toàn bộ bệnh nhân ở độ tuổi từ 27-61 và phần lớn trong đó dưới 40 tuổi.
Video đang HOT
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ khi phát hiện vào ngày 7/5 đến nay, 131 ca bệnh đậu mùa khỉ và 106 nghi nhiễm đã được ghi nhận ở 19 quốc gia ngoài châu Phi.
Pháp thông báo chiến lược tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa khỉ
Cơ quan Y tế quốc gia Pháp (HAS) ngày 24/5 thông báo chiến lược tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa khỉ sau khi 3 ca bệnh được phát hiện ở nước này.
Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Bondua, Liberia. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong thông cáo báo chí, HAS cho biết chương trình tiêm chủng này phục vụ những người trưởng thành có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có cả nhân viên y tế. HAS đề nghị chỉ sử dụng tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ thế hệ thứ 3, lý tưởng nhất là trong 4 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, lên tối đa 14 ngày sau đó.
Chương trình tiêm chủng gồm 2 hoặc 3 mũi đối với các bệnh nhân không có khả năng miễn dịch, với mỗi mũi tiêm cách nhau 28 ngày.
Theo HAS, khuyến nghị tiêm chủng sẽ được điều chỉnh tùy theo dữ liệu dịch tễ học và dữ liệu lâm sàng. Trong những ngày tới, Hội y tế công cộng của Pháp sẽ công bố các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Tại Pháp, việc tiêm phòng bệnh đậu mùa là bắt buộc cho đến năm 1979.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã ban hành cảnh báo mới liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh cơ quan này đang điều tra thêm 4 ca nghi nhiễm.
Hiện Mỹ ghi nhận 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, là một nam giới ở bang Massachusetts, người này mới từ Canada trở về nước.
Trong khi đó, 4 ca nghi nhiễm được phát hiện ở New York, Florida và Utah. Những người này đều có xét nghiệm dương tính với virus thuộc chi Orthopoxvirus gây bệnh đậu mùa khỉ. Virus này có họ hàng với bệnh đậu mùa phổ biến.
Tiến sĩ Jennifer McQuiston thuộc CDC dự báo có khả năng Mỹ sẽ phát hiện thêm các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện CDC cũng đang truy vết nhiều ổ bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trong giai đoạn nửa đầu tháng 5 tại vài nước thường không công bố về bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có cả những nước ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, CDC cảnh báo du khách tránh tiếp xúc gần với người bệnh cũng như động vật hoang dã đã chết hoặc còn sống như những loài động vật có vú nhỏ như loài gặm nhấm, loài động vật linh trưởng như khỉ và vượn.
UAE ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 24/5 thông báo ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này, đồng thời khẳng định quốc gia vùng Vịnh đã chuẩn bị đầy đủ trước khả năng bùng phát dịch. Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: Cơ quan an ninh y tế Anh/TTXVN Theo...