Virus corona ủ bệnh 24 ngày: Học sinh muốn nghỉ, bác sĩ bảo không cần thiết
Trước thông tin thời gian ủ bệnh của virus corona có thể lên tới 24 ngày, có học sinh muốn tiếp tục nghỉ học. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại cho rằng không cần thiết vì chưa xác định chính xác corona ủ bệnh trong bao lâu.
Có nên cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2?
Lý giải nguyên nhân mong muốn được tiếp tục nghỉ học sau 2 tuần nghỉ để phòng tránh lây nhiễm virus corona, Thiên Quân học sinh Trường THCS Phú Thọ (Q.11, THCM ) cho biết, vừa cập nhật thông tin ủ bệnh của loại virus này lên tới 24 ngày nên Quân và nhiều bạn bè của mình rất lo lắng.
“Tết vừa rồi rất nhiều bạn trong trường đi du lịch nước ngoài, trong đó có một số nước đã có ca dương tính với virus corona. Nếu đúng là virus corona ủ bệnh tới 24 ngày thì đến ngày 17.2, khi bọn em quay lại trường vẫn chưa loại trừ hết được nguy cơ lây bệnh từ những bạn đi du lịch về nếu có mang mầm bệnh”, Quân nói và cho rằng các trường nên cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2 và chấp nhận việc kéo dài kỳ học qua kỳ nghỉ hè.
Học sinh học online trong thời gian nghỉ học. – Bảo Châu
Tương tự, Châu Thanh Tuyền, học sinh Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức) cho rằng, hiện nay thời đại 4.0 đã rất thông dụng với việc sử dụng internet, vì vậy học sinh có thể liên hệ giáo viên hoặc sử dụng YouTube, Google để tự học không phải nhất thiết phải đến trường sớm.
“Tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp, trong khi trường học là nơi tập trung nhiều người, đặc biệt với những em học sinh bậc tiểu học và mầm non ý thức phòng bệnh chưa cao thì việc nghỉ học là vẫn nên”, Tuyền nói và cho biết, trường của mình nằm sát bên bệnh viện Thủ Đức, xung quanh cũng có rất nhiều trường khác từ mầm non đến tiểu học, THCS… nên trong trường hợp không may có một người bị bệnh thì rất dễ lây lan.
Cũng đồng quan điểm, Q.A, học sinh trường THCS Trường Sơn (Q.Gò Vấp) cho rằng mỗi lớp học khoảng 38-40 học sinh, có những trường có hàng nghìn em theo học nên nguy cơ lây lan bệnh khá cao.
Video đang HOT
“Ngành y tế khuyến cáo nên hạn chế những nơi tập trung đông người trong khi một ngày học sinh phải học hai ca; trong phòng học gắn máy lạnh. Tập trung 40 học sinh trong môi trường lạnh không thoáng khí trong 4-5 tiếng như thế chưa kể phải học ca hai buổi chiều có phải là môi trường dễ lây lan không. Em nghĩ nên suy nghĩ lại việc có nên hay không nên cho các em đi học vào tuần sau”
Học sinh chỉ cần phòng tránh tốt là được
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm – Nội thần kinh, bệnh viên Nhi đồng 1 thì hiện nay vẫn chưa xác định chính xác được thời gian ủ bệnh của virus corona là trong bao lâu.
“Nhiều nghiên cứu từ số lượng lớn bệnh nhân dương tính với virus corona hiện nay đều xác nhận thời gian ủ bệnh của virus corona không vượt quá 14 ngày. Trong môi trường Trung Quốc, giờ số người bệnh rất nhiều, việc xác định những ca dương tính bắt đầu ủ bệnh từ đâu cũng rất khó. Nếu chính xác mình phải tìm những thông tin trên những bài báo cáo khoa học, những bài đã được giới chuyên môn xác nhận và được thế giới công nhận”, bác sĩ Khanh nói.
Theo nghiên cứu mới của các chuyên gia Trung Quốc, thời gian ủ bệnh của dịch nCoV lên đến 24 ngày thay vì 14 ngày theo cách nghĩ hiện nay – AFP/Getty
Theo ông, để phòng bệnh hiệu quả trong trường học, điều quan trọng nhất bây giờ là các thầy cô nên dạy cho học sinh cách phòng chống bệnh đúng quy trình, tự bảo vệ mình. Trường cũng cần phải dạy cho các em cách xử lý như thế nào khi trường có ca mắc bệnh. Điều này cực kỳ quan trọng.
Tương tự TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cũng cho rằng Trung Quốc xác định thời gian ủ bệnh của bệnh do virus corona gây nên có thể kéo dài 24 ngày tuy nhiên ở Việt Nam, theo điều tra bệnh thì hầu hết bệnh nhân phát bệnh tối đa sau 14 ngày tiếp xúc với người bị dương tính.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hiện chỉ mới tiếp nhận điều trị một bệnh nhân dương tính và thời gian ủ bệnh của ca này được xác định là 12 ngày. “Mình mới có một ca duy nhất nên chưa thể khẳng định được thời gian ủ bệnh chính xác của virus corona là bao lâu”, bác sĩ Châu chia sẻ.
Ông cũng nhận định: “Theo tôi nghĩ thì nguy cơ lây lan virus corona trong trường học ở TP.HCM là không cao, vì các em đã được nghỉ học 2 tuần để tự kiểm tra, cách ly trước khi đến trường. Hơn nữa, với những em đi về từ vùng dịch, hoặc bị sốt, nghi nhiễm các trường cũng đã cho nghỉ ở nhà. Chỉ cần giáo dục các em ý thức phòng bệnh tốt là có thể kiểm soát được tình hình”.
Cụ thể, đối với học sinh, cách phòng bệnh tốt nhất bây giờ là vẫn nên chủ động phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế như vệ sinh tay sạch sẽ, thường xuyên, nên ho vào khăn giấy, còn nếu ho vào tay thì phải đi rửa tay ngay sau đó. Các em cũng nên tăng cường thể dục thể thao, ăn ngủ khoa học để tăng cường sức đề kháng…
Theo thanhnien
Trường học đối phó với virus corona mới
Đến 17 giờ ngày 8/2, 63 tỉnh, TP trên toàn quốc đã cho học sinh nghỉ học kéo dài để đối phó với dịch bệnh virus corona mới. Các địa phương được yêu cầu vừa đối phó dịch bệnh vừa chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường học.
Các trường học vệ sinh, sát khuẩn để đón học sinh đi học trở lại sau đợt nghỉ kéo dài
Đa số các địa phương cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 16/2, có 4 địa phương chưa thông báo thời gian học sinh nhập học trở lại gồm: Nghệ An, Khánh Hoà, Hà Tĩnh, Điện Biên. Đặc biệt, tại huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) sau khi phát hiện 1 học sinh lớp 10, Trường THPT Võ Thị Sáu dương tính với virus corona mới, 41 học sinh cùng lớp và 6 giáo viên dạy học ở lớp này hiện đang được cách ly và theo dõi sức khoẻ sát.
Ông Phạm Ngọc Thiệu, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu cho biết, ngay sau khi có kết quả em N.T.T.D., học sinh lớp 10 của trường dương tính với virus corona mới do lây nhiễm từ chị gái từ Vũ Hán trở về, nhà trường lập tức có báo cáo gửi Sở GD&ĐT về lịch trình di chuyển, những người học sinh tiếp xúc về Sở.
Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có báo cáo về việc virus corona mới đã xâm nhập trường học. Các quan chức năng cùng cán bộ y tế đã kết hợp hướng dẫn học sinh, giáo viên đã tiếp xúc với học sinh thực hiện cách ly và theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của 6 học sinh trong lớp tiếp xúc gần bệnh nhân và các học sinh, giáo viên có tiếp xúc. Đến thời điểm này, sau 9 ngày tiếp xúc, học sinh và giáo viên đã tiếp xúc học sinh chưa có biểu hiện bất thường gì.
Tại Phú Thọ, ông Trịnh Thế Quyền, Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo, trên địa bàn có 295 học sinh, sinh viên nước ngoài, trong đó có 27 giáo viên, sinh viên Trung Quốc. Địa phương này đưa ra 3 tình huống để đối phó với tình hình dịch bệnh để không bất ngờ. Trong đó, tình huống chưa ghi nhận trường hợp dương tính với virus corona mới, các nhà trường được yêu cầu dừng tất cả hoạt động tập thể ngoài trời cũng như tham quan, dã ngoại. Theo dõi chặt sức khỏe của học sinh, yêu cầu tất cả học sinh có biểu hiện ho, sốt nghỉ học để theo dõi.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, đến thời điểm này học sinh vẫn đang được giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình chặt chẽ, phối hợp phụ huynh, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các trường học được phun khử khuẩn. Tuy Nghệ An là địa phương mới cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học gần đây nhưng trước đó đã cho hơn 1.000 học sinh 6 huyện vùng biên giới nghỉ học để theo dõi sức khoẻ do có người thân đi lao động nước ngoài trở về. Đến thời điểm này, sức khoẻ của học sinh không có biểu hiện gì bất thường.
Trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh toàn quốc nghỉ học kéo dài, học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia lo lắng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng học tập. Một giáo viên dạy online tại Hà Nội cho biết, những ngày qua, thầy tăng các buổi dạy, chữa bài online có lượt học sinh theo dõi và chia sẻ lên con số hàng nghìn lượt. Thời điểm này, học sinh lớp 12 ôn thi THPT quốc gia tăng cường chữa các dạng đề kiểm tra học kỳ I có cấu trúc tương tự đề thi, đề minh hoạ của năm 2019.
Tuy nhiên, các giáo viên địa phương nói rằng, chỉ có một số trường ở TP hướng dẫn giáo viên soạn giáo trình, hướng dẫn học sinh học trực tuyến, đa số học sinh ở các địa phương nghỉ học hoàn toàn. Nhất là trong bối cảnh nghỉ học vì dịch bệnh, các Sở GD&ĐT quán triệt giáo viên không được gom học sinh học nhóm, học thêm nên chủ yếu học sinh được giáo viên giao bài tập để tự học ở nhà.
Sau đợt nghỉ kéo dài này, các Sở GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức học bù cho học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trường hợp cần thiết, tổ chức một số buổi học bù vào thứ bảy hoặc chủ nhật để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong kế hoạch dạy học có 2 tuần dự phòng, tuy nhiên trong trường hợp học sinh nghỉ học kéo dài, Bộ sẽ lùi thời gian kết thúc năm học vào tháng 6 và có thể lùi thời gian thi THPT quốc gia.
HÀ LINH
Theo Tiền phong
'Tin giả phát tán nỗi sợ còn đáng ngại hơn virus corona' Sự lây lan của virus corona khiến nhiều người lo lắng, nhưng họ còn mệt mỏi hơn khi nhận được không ít thông tin thất thiệt về dịch bệnh từ chính những người xung quanh mỗi ngày. "Mai cả nhà mình đừng ai ra đường lúc 4-6h nhé. Người ta phun thuốc chống dịch corona trên bầu trời toàn quốc đấy". Tối 31/1,...