Virus corona lan rộng làm dấy lên lo ngại về ‘đại dịch’
Với sự gia tăng đáng báo động số ca nhiễm không có liên hệ rõ ràng với Trung Quốc, các chuyên gia tin rằng căn bệnh giống cúm này có lẽ sẽ sớm đi đến giai đoạn không thể ngăn chặn.
Vũ Hán hóa ‘thành phố ma’ sau một tháng phong tỏa vì virus corona
Cho đến nay, COVID-19 đã lây nhiễm hơn 78.000 người trên toàn cầu và giết chết hơn 2.400. Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus và tử vong đều ở tỉnh Hồ Bắc.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm virus corona chủng mới đã tăng gần 25 lần trong một tuần, biến nước này thành nơi có nhiều ca nhiễm thứ hai sau Trung Quốc.
Tại Singapore, các ổ dịch có nguồn gốc từ hai nhà thờ, một hội nghị kinh doanh khách sạn, một cửa hàng sản phẩm y tế và một công trường xây dựng.
Tại Italy, vùng dịch nóng nhất châu Âu cho đến nay, giới chức y tế đã xác nhận 152 ca nhiễm trong 3 ngày.
Tại Iran, dịch bệnh bùng phát, với tỷ lệ tử vong lên đến 18%, đã dẫn đến các ca nhiễm mới ở Lebanon và Canada – dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy lần này virus có thể lây lan rộng hơn so với trước đây.
Chủng virus corona mới, gây ra căn bệnh được đặt tên là “Covid-19″, đang trên đà tiến đến giai đoạn đại dịch, khi dịch bệnh phát triển ở nhiều quốc gia, nhiều châu lục cùng lúc.
Trong bối cảnh có sự gia tăng đáng báo động số ca nhiễm không có mối liên hệ rõ ràng với Trung Quốc, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tin rằng căn bệnh giống cúm này có lẽ sẽ sớm đi đến giai đoạn không thể ngăn chặn, theo Washington Post.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ngồi nghỉ tại lối vào một bệnh viện ở thành phố Daegu, tâm điểm dịch virus corona tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP.
Cửa sổ cơ hội đang dần khép lại
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa tuyên bố Covid-19 là đại dịch và những hậu quả tàn khốc nhất, bao gồm hơn 2.400 người chết, vẫn đang ở Trung Quốc. Song những tuyên bố từ tổ chức có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ, đã trở nên đáng lo ngại hơn trong những ngày gần đây, khi việc khống chế dịch bệnh ngày càng trở nên nan giải.
“Cửa sổ cơ hội vẫn còn đó, nhưng cửa sổ cơ hội đang dần khép lại”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 21/2. “Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng trước khi nó khép lại hoàn toàn”.
Trong giai đoạn đầu của bất cứ dịch bệnh nào, chuyên gia y tế công cộng thường xuyên theo dõi các liên hệ của từng người bệnh. Các chuyên gia xây dựng sơ đồ cây những người có thể mắc bệnh, với các nhánh bao gồm bất kỳ ai có thể đã bắt tay với người bệnh hoặc bị người bệnh hắt hơi trúng. Song khi số ca nhiễm được xác nhận đã lên đến gần 80.000 người, việc truy tìm các liên hệ của từng người có thể sớm trở nên phi thực tế.
Nếu dịch bệnh trở thành đại dịch thực sự, một phần lớn dân số – một phần ba, một nửa, thậm chí hai phần ba – có thể mắc bệnh, nhưng không có nghĩa là ai cũng bộc lộ triệu chứng. Từ “đại dịch” gợi lên nỗi sợ hãi, nhưng nó mô tả mức độ lan rộng của dịch bệnh, chứ không phải là tỷ lệ tử vong của nó.
“Nếu chúng ta đi khắp thế giới và có một quả bóng ma thuật có thể phát hiện ra tất cả những người dương tính, chúng ta sẽ thấy điều đó ở nhiều quốc gia”, Michael Mina, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại tại Trường Y tế công cộng T.H. Chan Harvard, nói. “Không bao giờ biết được cho đến khi chuyện đó xảy ra”.
Các chuyên gia nghi ngờ virus đang lây lan một cách âm thầm.
“Tôi nghĩ chúng ta nên giả định rằng loại virus này sẽ sớm lan rộng trong cộng đồng ở đây, nếu nó chưa xảy ra và mặc dù có những hành động mạnh mẽ, chúng ta nên nỗ lực nhiều hơn để giảm thiểu tác động”, Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói.
“Điều đó có nghĩa là cần bảo vệ những người có khả năng mắc bệnh nặng và chết”.
Số ca nhiễm ở Italy đã tăng từ 5 lên đến 152 chỉ trong 3 ngày, tập trung ở hai vùng giàu có Lombardy và Veneto ở phía bắc, với 3 ca tử vong. Luca Zaia, chủ tịch vùng Veneto, cho biết việc theo dõi virus lan từ nơi này sang nơi khác đang trở nên khó khăn hơn.
“Nó càng lúc càng cho thấy rằng việc có những ca nhiễm khác là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Zaia nói.
Du khách đeo khẩu trang tại Quảng trường Nhà thờ Lớn (Piazza del Duomo) ở Milan, thủ phủ vùng Lombardy của Italy. Ảnh: AFP.
Tại Hàn Quốc, nếu số ca nhiễm được thống kê vào ngày 18/2 là 31, thì đến ngày 24/2, con số này đã lên đến 833. Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản, nơi có hơn 600 hành khách đa quốc tịch nhiễm virus trên một tàu du lịch, để trở thành ổ dịch lớn nhất sau Trung Quốc. Daegu, thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc, cũng đứng trước nguy cơ trở thành một Vũ Hán thứ hai.
Lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp độ cao nhất trong thang 4 cấp. “Dịch Covid-19 đang đứng trước biến chuyển rất lớn”, Tổng thống Moon Jae In phát biểu hôm 23/2. “Vài ngày tới là giai đoạn rất quan trọng”.
Lây lan âm thầm
Việc khống chế virus sẽ dễ dàng hơn nếu người nhiễm có biểu hiện triệu chứng rõ ràng hơn, như các ca Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng, hay SARS, vào năm 2003. Song những người nhiễm virus mới dường như không phải lúc nào cũng cho thấy dấu hiệu bị bệnh một cách đáng chú ý.
Trên thực tế, hầu hết ca Covid-19 đều nhẹ. Tài xế taxi và người tại các hội nghị kinh doanh đã phát tán virus và trong số hơn 600 hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật Bản đã cho kết quả dương tính, khoảng một nửa không có triệu chứng rõ ràng.
Thông tin rằng một số bệnh nhân phát bệnh rất lâu sau khi họ nhiễm virus cũng đang đặt ra câu hỏi về việc liệu thời gian ủ bệnh của virus có dài hơn 14 ngày hay không, có khả năng gây nghi ngờ về các tiêu chí cách ly đang được áp dụng.
Một nghiên cứu mới từ một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế, được đăng trên mạng hôm 17/2, ước tính rằng hai phần ba số ca nhiễm ở Vũ Hán, Trung Quốc, trước khi áp dụng các hạn chế đi lại vào ngày 23/1, là lây từ những người không được ghi nhận mắc bệnh.
Một báo cáo trên Tạp chí Y học New England cho thấy căn bệnh này có khả năng lây nhiễm cao nhất ngay sau khi mọi người bắt đầu cảm thấy ốm, lây như bệnh cúm. Một nghiên cứu được công bố trên JAMA hôm 21/2 ghi nhận trường hợp một cô gái 20 tuổi ở Vũ Hán đã lây bệnh cho 5 người thân, dù cô chưa bao giờ cho thấy dấu hiệu bệnh.
“Những gì chúng tôi thấy là loại virus này sẽ rất khó kiểm soát”, Jeffrey Shaman, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia và đồng tác giả của nghiên cứu đăng tải hôm 17/2, nói. “Về mặt cá nhân, tôi không thể nghĩ chúng ta có thể làm được”.
Nhà dịch tễ học ở Harvard, Marc Lipsitch, ước tính rằng 40 đến 70% dân số có khả năng nhiễm virus nếu dịch bệnh trở thành đại dịch. Không phải tất cả những người đó đều có triệu chứng bệnh, ông lưu ý. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra – ước tính 2% – cũng có thể giảm theo thời gian khi các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về mức độ lây lan của virus.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Virus corona chủng mới có thể đặc biệt phù hợp với việc lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng vì các triệu chứng của nó có thể không thể phân biệt được với cảm lạnh hoặc cúm.
Các chuyên gia ước tính mất khoảng một tuần để số ca nhiễm trong một cộng đồng nhất định tăng gấp đôi. Dựa vào đó, có lẽ sẽ mất vài tuần để một ổ dịch mới mới được cơ quan y tế địa phương chú ý, theo Trevor Bedford, nhà sinh học tính toán tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ. Đến giữa tháng 3, ông ước tính, các quan chức mới biết được liệu có sự lây nhiễm trong cộng đồng và một đại dịch thực sự hay không.
Virus này đã xuất hiện ở mọi tỉnh thành của Trung Quốc đại lục và đang lan rộng trong các cộng đồng ở Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… theo bà Nancy Messonnier, quan chức hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
“Tôi muốn nói rõ rằng chúng ta chưa thấy sự lây lan trong cộng đồng ở Mỹ”, bà nói hôm thứ 21/2. “Tuy nhiên, điều đó rất có thể xảy ra, thậm chí chắc chắn sẽ xảy ra”.
Ranh giới mong manh
Cho đến nay, Mỹ có 35 ca nhiễm, khoảng một nửa trong số đó là hành khách trở về từ tàu du lịch Diamond Princess, nơi virus đã lây nhiễm cho hơn 600 người trong khi tàu bị cách ly ở thành phố Yokohama, Nhật Bản. Một số công dân Mỹ khác được sơ tán cũng có kết quả dương tính theo kết quả xét nghiệm của phía Nhật, nhưng giới chức Mỹ chỉ thống kê những trường hợp này sau khi họ xác nhận kết quả.
“Lúc này không thể dự đoán được liệu dịch bệnh hiện tại có trở thành đại dịch thực sự hay không”, Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, thành viên nhóm chống virus corona của nước này, cho biết.
“Nếu một số lượng lớn quốc gia không thành công trong việc ngăn chặn việc lây nhiễm qua nhiều thế hệ, thì chúng ta có thể chứng kiến đại dịch tiếp theo”.
Ranh giới giữa dịch bệnh và đại dịch rất mong manh và mỗi chuyên gia có một định nghĩa hơi khác nhau về việc khi nào dịch bệnh trở thành đại dịch. Nói chung, đại dịch có nghĩa là có những dòng lây nhiễm tự duy trì ở nhiều quốc gia và châu lục – nơi “sơ đồ cây” người mắc bệnh có thể bắt đầu bao trùm toàn bộ dân số.
Một số chuyên gia vẫn lạc quan rằng điều này sẽ không xảy ra, một phần vì chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp cực đoan để bắt người dân ở yên trong nhà. Mặc dù tổng số ca nhiễm tiếp tục tăng lên, tốc độ tăng rõ ràng đã chậm lại. Những thay đổi trong cách Trung Quốc xác định và thống kê ca nhiễm đã cản trở nỗ lực của các chuyên gia bên ngoài muốn hiểu rõ các con số.
“Tôi không muốn tự mãn. Tôi không muốn nói rằng chúng ta đã ra khỏi rừng”, Ian Lipkin, nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, nói. Gần đây ông đã tới Trung Quốc để hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh và đã tự cách ly trong hai tuần sau khi trở về.
“Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không đang ở trong tình huống tồi tệ như chúng ta có thể đã nghĩ, và đó là do mọi người đang nỗ lực cùng nhau trên quy mô quốc tế”, ông nói.
Các thành viên một khu dân cư ở Vũ Hán mặc đồ bảo hộ đi giao thực phẩm. Ảnh: AFP.
WHO có thể do dự khi tuyên bố một đại dịch, vì việc này đi kèm với những hậu quả chính trị và kinh tế quan trọng. Khi WHO tuyên bố dịch cúm H1N1 năm 2009 là đại dịch, quyết định này sau đó đã bị một số quốc gia chỉ trích vì họ cảm thấy nó gây ra nỗi sợ hãi không cần thiết cũng như các phản ứng thái quá. Chẳng hạn, tuyên bố đại dịch đã khiến nhiều quốc gia bỏ ra số tiền lớn cho vaccine, dù chủng cúm H1N1 cho thấy độc lực tương đối nhẹ.
Mức độ gây tử vong của virus corona mới vẫn khó ước tính. Song trên khắp hành tinh, nhiều hệ thống y tế đang chuẩn bị nếu đại dịch xảy ra. Việc đó bao gồm lập kế hoạch điều trị cho những người nghi ngờ mắc bệnh và bảo vệ nhân viên y tế.
Tại Trung Quốc, cái chết của Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa đã lên tiếng cảnh báo từ đầu về virus mới, cho thấy rõ nguy cơ đối với những người ở tuyến đầu. Theo báo cáo từ cơ quan y tế công cộng Trung Quốc, hơn 3.000 nhân viên y tế đã nhiễm bệnh.
Các chuyên gia y tế công cộng đang đưa ra các chiến lược để duy trì nguồn cung khẩu trang N95, loại khẩu trang chuyên dụng đang khan hiếm rong bối cảnh nhu cầu tăng cao. Họ thậm chí còn nghĩ về những chi tiết nhỏ nhặt như làm thế nào để đảm bảo bệnh nhân không lây nhiễm cho người khác nếu họ sử dụng màn hình cảm ứng để vào ra.
Italy chạy đua ngăn virus corona lây lan
Italy phong tỏa những thị trấn bị ảnh hưởng nặng và cấm tụ họp nơi công cộng ở các khu vực phía bắc nhằm ngăn virus corona lây lan.
Theo news.zing.vn
Người nhiễm virus corona bình phục hiến huyết tương để chữa bệnh
Hàng chục bệnh nhân nhiễm virus corona được chữa khỏi đã tình nguyện hiến huyết tương để giúp điều trị cho những người bệnh khác.
20 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới, còn gọi là Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, đã tình nguyện hiến huyết tương của họ để chữa trị cho những người có triệu chứng nặng ở Vũ Hán, tâm bão dịch bệnh, nhóm nghiên cứu Covid-19 ở Hồ Bắc cho biết.
Những người tình nguyện là các bác sĩ, y tá nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh trong vòng 10 ngày tại Bệnh viện nhân dân số 1 và Bệnh viên Y học cổ truyền Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin.
12 bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng đã được điều trị bằng huyết tương. Một chuyên gia tại Bệnh viện nhân dân số 1 ở quận Giang Hạ, Vũ Hán, cho biết các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân đã được cải thiện sau 12-24 giờ được điều trị bằng huyết tương.
"Chúng tôi đang quan sát kết quả để có phương án cải thiện phác đồ điều trị", vị chuyên gia nói. Người này cho biết thêm việc hiến tặng huyết tương sẽ không ảnh hưởng đến người hiến tặng, sau khi họ được chữa khỏi trong 10 ngày.
Huyết tương người nhiễm Covid-19 phục hồi có thể kháng virus corona một cách hiệu quả. Ảnh: Reuters.
Zhang Dingyu, giám đốc Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, một bệnh viện lớn được chỉ định là nơi điều trị cho các ca nhiễm Covid-19, kêu gọi các bệnh nhân phục hồi hiến tặng huyết tương, vì các thử nghiệm cho thấy nó cho kết quả khả quan đối với các bệnh nhân có triệu chứng nặng và nguy kịch.
Tại Thượng Hải, số liệu chính thức từ cơ quan y tế cho thấy 124 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã phục hồi và xuất viện vào chiều 15/2, trong đó 14 người đã sẵn sàng hiến huyết tương để hỗ trợ nghiên cứu và trị virus corona.
Một số bệnh nhân phục hồi coi việc hiến tặng huyết tương là một cách để trả ơn cho xã hội, sau khi họ được điều trị kịp thời và hiệu quả.
"Trước khi xuất viện, tôi đã học được từ các y tá rằng tôi có thể hiến huyết tương, điều mà tôi nghĩ là rất hữu ích. Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ những người khác và chúng tôi cũng muốn giúp những bệnh nhân khác", Liu, một bệnh nhân phục hồi, người tình nguyện hiến tặng huyết tương nói.
Theo news.zing.vn
Nhóm chuyên gia WHO tới Bắc Kinh làm việc về Covid-19 Các chuyên gia quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử đến Bắc Kinh cuối tuần qua bắt đầu làm việc với những đồng nghiệp Trung Quốc về Covid-19. Các chuyên gia quốc tế do WHO cử đến Bắc Kinh cuối tuần qua đã bắt đầu làm việc với những đồng nghiệp Trung Quốc về Covid-19 (nCoV) trong bối cảnh...