Virus corona có thể bắn xa 3m khi hắt hơi, bác sĩ Mỹ khuyến cáo 3 việc quan trọng
Khi hắt hơi, giọt bắn chứa virus corona có thể bắn xa 3m và lơ lửng trong không khí trước khi rơi xuống đất.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ, ông có người thân đang sống ở Canifornia, Mỹ – quốc gia đã ghi nhận 11 trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).
Tại Mỹ, người dân được bác sĩ gia đình gửi hướng dẫn chi tiết về cách thức lây truyền cũng như phương pháp phòng bệnh.
Luôn nhớ khẩu trang và xà phòng
Giọt nước bọt chứa virus corona có kích thước khá lớn do đó bất kì khẩu trang thông thường nào (không chỉ N95) đều có thể lọc được. Tuy nhiên, khi người bị nhiễm bệnh hắt hơi ra môi trường, giọt nước bọt chứa virus có thể bắn xa 3 m (khoảng 10 feet) và lơ lửng trong không khí trước khi rơi xuống mặt đất.
Giọt bắn chứa virus corona mới có thể bắn xa 3 m khi hắt hơi. Loại virus này sống được ít nhất 12 tiếng trên bề mặt kim loại
Khi rơi xuống bề mặt kim loại, virus sẽ sống được ít nhất 12 giờ. Vì vậy, hãy luôn nhớ, nếu bạn tiếp xúc với bất kỳ bề mặt kim loại nào, hãy rửa tay bằng xà phòng thật kỹ.
Virus có thể vẫn hoạt động trên vải trong 6-12 giờ. Khi đó, bột giặt thông thường cũng có thể diệt được virus. Đối với quần áo mùa đông không cần/không giặt được hàng ngày, bạn có thể phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời để diệt virus.
Triệu chứng nhiễm virus corona khác cúm
Video đang HOT
Đầu tiên, virus sẽ gây viêm đường hô hấp trên, điển hình là viêm họng, vì vậy cổ họng sẽ có cảm giác đau, khô rát kéo dài từ 3 – 4 ngày.
Sau đó, virus sẽ hòa lẫn vào dịch mũi và nhỏ giọt vào khí quản, xâm nhập vào phổi, gây viêm phổi. Quá trình này sẽ mất 5 – 6 ngày.
Khi bị viêm phổi, các triệu chứng điển hình xuất hiện là sốt cao kèm khó thở. Lúc này, cảm giác nghẹt mũi của bạn sẽ không giống cảm cúm hay các triệu chứng viêm mũi dị ứng thông thường, bạn sẽ có cảm giác như bị nghẹt, bị chìm trong nước.
Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, hãy ngay lập tức đi khám tại các cơ sở y tế.
3 biện pháp phòng ngừa
Hình thức lây nhiễm virus corona phổ biến nhất là do chạm, tiếp xúc những thứ ở nơi công cộng, vì vậy hãy rửa tay thường xuyên. Virus chỉ có thể sống trên tay bạn trong 5-10 phút, nhưng trong 5-10 phút đó có rất nhiều hoạt động có thể xảy ra (vô tình dụi mắt hay ngoáy mũi,…), những hoạt động này làm virus có thể xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài việc rửa tay thường xuyên, hãy súc miệng, súc họng bằng nước súc miệng có tính sát khuẩn để loại bỏ hoặc giảm thiểu virus khi chúng vẫn còn trong cổ họng (trước khi xâm nhập xuống phổi).
Và cuối cùng, hãy chăm sóc, bảo vệ bản thân và đừng quên uống thật nhiều nước.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet.vn
Thế giới chạy đua thử nghiệm các loại thuốc có để trị virus corona
Các bác sĩ và nhà nghiên cứu đang đẩy mạnh thử nghiệm những loại thuốc hiện có để điều trị viêm phổi do vi rút Corona mới (nCoV) gây ra.
Bộ Y tế Thái Lan ngày 2.2 thông báo sức khỏe một bệnh nhân nhiễm vi rút Corona mới đã cải thiện sau khi dùng hỗn hợp thuốc cúm oseltamivir và thuốc điều trị HIV lopinavir, ritonavir. Trước khi dùng thuốc, nữ du khách Trung Quốc 71 tuổi không có dấu hiệu hồi phục trong 10 ngày kể từ khi được xác định nhiễm nCoV. Tuy nhiên, trong vòng 48 giờ sau khi dùng hỗn hợp thuốc này, sức khỏe của bà đã cải thiện và có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.
Đẩy mạnh thử nghiệm trên thuốc hiện có
Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm lâm sàng khoảng 30 loại thuốc hiện có, bao gồm cả hỗn hợp thuốc Thái Lan và thuốc chống nhiễm HIV Kaletra từ hãng dược Mỹ AbbVie. Hãng AbbVie tuyên bố sẽ quyên góp một số lượng thuốc Kaletra với tổng trị giá khoảng 2 triệu USD cho chính phủ Trung Quốc.
Nhân viên y tế kiểm tra bệnh nhân nhiễm nCoV tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc ngày 24.1
Các công ty dược đang cạnh tranh nhau để sớm tìm ra thuốc mới chống lại nCoV. Hãng GlaxoSmithKline ngày 3.2 tuyên bố sẽ hợp tác với Liên minh đổi mới trong chuẩn bị phòng chống dịch bệnh CEPI (trụ sở ở Na Uy) để phát triển vắc xin phòng nCoV. Hiện GlaxoSmithKline (trụ sở ở Anh) có 14 loại thuốc điều trị HIV trên thị trường, theo tờ Asian Nikkei Review.
Một số nghiên cứu về các loại thuốc mới cũng đã được đăng tải trên những tạp chí chuyên ngành y khoa trực tuyến. Tính đến 4.2, có 8 nghiên cứu đã được công bố, bao gồm các loại thuốc của một hãng dược Nhật Bản sản xuất.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và một số chuyên gia khác đã công bố nghiên cứu về thuốc điều trị HIV nelfinavir của Nhật Bản ngày 28.1. Trong khi đó nhóm nghiên cứu tại Đại học quân y Trung Quốc và Đại học Tứ Xuyên ngày 30.1 đã công bố báo cáo về thử nghiệm dùng thuốc điều trị HIV của hãng Gilead Science (Mỹ) nhằm giúp chống lại nCoV. Tuy nhiên, cả 2 nghiên cứu này đều là mô phỏng trên máy tính, dấy lên mối hoài nghi về hiệu quả thật sự của thuốc điều trị HIV đối với bệnh nhân thực tế.
Vì sao chọn loại thuốc điều trị HIV?
Các loại thuốc hiện có được chọn dựa trên cách vi rút nCoV phát triển. Vi rút Corona mới, HIV và cúm là những vi rút RNA (là loại vi rút có RNA (axit ribonucleic) làm chất liệu di truyền) nên có những điểm tương đồng. Nhiều loại thuốc hiện có giúp gây ức chế sự phát triển của HIV nên được dự báo sẽ có tác dụng tương tự đối với nCoV.
Sử dụng các loại thuốc hiện có sẽ giúp tăng tốc độ phát triển dược phẩm mới. Lý do là quá trình phát triển thuốc mới thường phải mất hàng thập niên do phải tiến hành thử nghiệm kéo dài trên động vật và lâm sàng trên người.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Trung Quốc nới lỏng một số quy định để rút ngắn thời gian phát triển thuốc trị nCoV.
Vi rút Corona chủng mới lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi tháng 12.2019 và đến nay đã lây nhiễm hơn 20.000 người, làm chết 425 người ở Trung Quốc và lan sang hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, theo AFP.
Nhân viên y tế truyền dịch cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc ngày 3.2
Cần thận trọng
Nhiều chuyên gia cảnh báo hiện không loại thuốc hiện có nào được chứng minh là hiệu quả trong điều trị vi rút Corona mới, do cần phải có thêm nhiều thử nghiệm nên khuyến cáo mọi người đừng đặt quá nhiều niềm tin.
"Nhiều bệnh nhân chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ từ nCoV hoặc hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị. Chính vì thế, chúng ta không thể chắc chắn liệu một loại thuốc có sẵn thật sự giúp bệnh nhân hồi phục sau khi dùng hay không", Hitoshi Oshitani, chuyên gia tại Đại học Y khoa Tohoku (Nhật Bản), cho biết.
Ông Oshitani đồng thời nhắc lại những nỗ lực tìm kiếm thuốc chống lại vi rút Corona gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.
"Lúc bấy giờ, có rất nhiều tin tức trên báo đài và nghiên cứu cho rằng thuốc điều trị bệnh khác giúp chống lại SARS. Tuy nhiên, cuối cùng thế giới cũng không có loại thuốc nào được chứng minh là trị SARS hiệu quả", theo ông Oshitani.
Hồng Anh (Theo Asian Nikkei Review)
Theo canhco.net
Gần 800 công dân Trung Quốc đang lưu trú ở Bình Thuận Đến chiều ngày 4/2, còn gần 800 công dân Trung Quốc đang ở Bình Thuận, trong đó TP Phan Thiết có 364, là khách du lịch hoặc lao động làm việc tại địa phương. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đến chiều ngày 4/2, có 779 người Trung Quốc hiện đang tạm trú tại địa phương, trong đó 716 người mang quốc tịch Trung...