Virus corona – Chưa có thuốc đặc trị, chống đến cùng hay học cách sống chung
Những đặc tính có phần vượt trội của virus corona chủng mới (2019-nCoV) đang khiến khả năng loại trừ hoàn toàn virus nguy hiểm này khỏi cuộc sống trở thành “mục tiêu bất khả thi”.
Virus corona – Chưa có thuốc đặc trị, chống đến cùng hay học cách sống chung. (Nguồn: Fda.gov)
“Di chuyển” nhanh hơn đại dịch SARS, khả năng lây lan từ người sang người theo cấp sô nhân, kể cả khi chưa xuất hiện triệu chứng, 2019-nCoV nhanh chóng “phủ sóng” bốn châu lục.
Kịch bản đẹp nhất là khi các công tác kiểm dịch và hạn chế đi lại thực sự đem lại hiệu quả. Bước đầu tiên này sẽ giúp ngăn chặn sự lan rộng và bùng phát trên diện rộng. Sau đó là công tác diệt trừ virus, để 2019-nCoV không còn nhiều cơ hội trở lại, như bác sĩ dịch tễ học Mike Ryan – Trưởng phòng cấp cứu y tế tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mong muốn. Đó là những gì đã từng xảy ra với dịch SARS năm 2002-2003.
Nhưng tiếc rằng, nhiều chuyên gia đã nhận định, một cái kết đẹp như vậy ngày càng khó xảy ra. Tuần trước, trên một bài báo trên tờ The Lancet, các nhà khoa học thuộc Đại học Hong Kong thậm chí đã lo ngại về tình huống những cơn bùng phát mới xuất hiện ngoài Trung Quốc, lan truyền ở một số khu vực độc lập, như tại các thành phố lớn trên toàn cầu.
Sống chung với corona
Lo ngại trên có vẻ như ám chỉ về một kịch bản thất bại, nhưng nếu nó xảy ra trong tương lai, thì dự báo đó thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoạch định trong các hệ thống chính sách công: Một thế giới – trong đó, nCoV tồn tại như một yếu tố xấu nhưng không thể loại bỏ.
“Không phải là quá sớm để nói đến điều này”, bác sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins khẳng định. Virus đường hô hấp đặc biệt khó kiểm soát, vì vậy trên trang mạng khoa học chuyên về y học và sức khỏe STAT (Mỹ), bác sĩ Adalja đã đề cập, “rất có thể dịch bệnh nguy hiểm đang bùng phát hiện nay kết thúc với việc virus này trở thành virus đặc hữu (chỉ một virus luôn tồn tại trong một cộng đồng)”.
Trên thực tế, chủng virus corona tìm thấy ở Vũ Hán là một loài mới và chưa từng được tìm thấy trước đây. Ngoài ra còn có 6 loại virus corona khác đã được biết tới và có khả năng lây nhiễm ở người. Hai loại trong số đó là là MERS-Cov và SARS-Cov cực kỳ nguy hiểm, mức tác động và ảnh hưởng vượt xa các chủng corona khác. Chủng virus gây bệnh SARS từng khiến hơn 8.000 lây nhiễm, gần 1.000 người thiệt mạng. Còn Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông MERS đến nay đã gây tử vong cho hơn 800 bệnh nhân.
Nhưng có tới 4 chủng virus corona đặc hữu đang tồn tại chung với cuộc sống của con người. “Rất có thể 2019-nCoV sẽ trở thành chủng thứ 5 đặc hữu”, Giáo sư Stephen Morse – một nhà dịch tễ học và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm mới thuộc Đại học Columbia nhận định. Vị chuyên gia này cho biết, ông đã nghĩ tới kịch bản đó, vì so với cúm mùa loại virus này không hẳn có đặc điểm gì quá đặc biệt.
Thuật ngữ virus corona nghe có vẻ mới mẻ, nhưng phần lớn mọi người đã không ít lần chạm trán nó. Bốn chủng virus corona không còn xa lạ với con người, chúng thường gây ra các bệnh về đường hô hấp trong mùa Đông-Xuân và ít gây hậu quả xấu. Hai trong số đó là OC43 và 229E được phát hiện vào những năm 1960, nhưng vốn tồn tại trong bò và dơi từ trước đó nhiều thế kỷ. Hai virus còn lại là HKU1 và NL63 thì mới chỉ được phát hiện sau dịch SARS 2003-2004, nhưng chúng cũng đã ẩn náu trong động vật từ trước đó.
Ở mặt bi quan hơn, 2019-nCoV sẽ trở thành chủng virus corona đặc hữu thứ 5, có nghĩa là thêm một loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mới. (Nguồn: Pound Sterling)
Không biết các loại virus này đã tồn tại bao lâu ở người trước khi con người biết đến? Và cả bước “nhảy” của nó từ động vật sang người cũng xảy ra trước khi có ngành virus học, nên hiện chưa có câu trả lời chính xác, liệu bước nhảy ban đầu đó có tạo nên một đại dịch hay không?
Chuyên gia về cúm Richard Webby, thuộc Bệnh viện nhi St. Jude cho biết, bốn virus trên đều có những đặc tính nhất định, tùy trường hợp nhiễm bệnh sẽ tìm thấy tác nhân của từng chủng virus corona. Theo vị chuyên gia này, đây có lẽ là kịch bản có khả năng nhất nếu 2019-nCoV không thể loại bỏ được hoàn toàn trong thời gian tới.
Những virus corona đặc hữu phần lớn chỉ gây nên các triệu chứng cảm lạnh thông thường, trong đó, chủng OC43 và 229E phổ biến hơn, đặc biệt ở trẻ em và người già là những người có sức đề kháng yếu. Các triệu chứng phổ biến nhất là sổ mũi, ho và nghẹt mũi trong khoảng 10 ngày, hoặc đôi khi chỉ là hắt hơi, phần lớn không ai bị sốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cả bốn loại trên, đặc biệt là HKU1 có thể gây viêm phổi, đôi khi gây tử vong.
Nhưng hiện chưa có một kết luận chính xác nào về tỷ lệ nhiễm virus corona. Giống như cúm mùa và hậu quả cũng tương tự, một số trường hợp nghiêm trọng, một số nhẹ và rất nhiều trường hợp truyền bệnh mà không có triệu chứng nào.
Nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn khả quan, chúng ta sẽ sớm phát triển được vaccine và các biện pháp đối phó hữu hiệu. Ở góc bi quan hơn, 2019-nCoV sẽ trở thành chủng virus corona đặc hữu thứ 5, có nghĩa là thêm một loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mới và thậm chí là những cái chết mà con người phải đối mặt.
Chuẩn bị đi… 2019-nCoV sẽ trở lại như cúm mùa
Theo chuyên gia Webby, điều kiện thời tiết hiện nay cho thấy chủng virus corona mới chịu được nhiệt độ thấp, thích điều kiện khô, mát của mùa Đông-Xuân. Đó là lý do tại sao cúm mùa, cũng như các virus corona đặc hữu khác ít phổ biến trong những tháng ấm và ẩm ướt. Nếu chủng virus corona mới giống như thế, thì sự xuất hiện của mùa Hè, cùng với những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh từ cộng đồng sẽ khiến 2019-nCoV suy yếu, rồi bị dập tắt. Nhưng cũng giống như virus cúm, hết dịch không có nghĩa là nó đã hoàn toàn biến mất.
Thực tế, số ca mắc bệnh và tử vong được xác nhận cho thấy, 2019-nCoV mới có tỷ lệ tử vong khoảng 2%, ít hơn rất nhiều so với10% ở SARS và không thể so sánh với 37% của MERS. Trong khi đó, dù tỷ lệ tử vong ở cúm mùa ít hơn 0,1%, thì vẫn giết chết hàng chục nghìn người Mỹ vào năm ngoái. Còn tỷ lệ tử vong trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1917 cũng đã lên tới 2,5%.
Một kịch bản là thế giới đã trải qua thêm một đại dịch về đường hô hấp. Sau đó, tùy thuộc vào những gì 2019-nCoV gây ra, nó hoàn toàn có thể ổn định rồi trở thành một bệnh mới về đường hô hấp và thường trở lại theo mùa. “Mức phí” mà con người phải trả sẽ phụ thuộc vào số lượng người nhiễm bệnh và mức độ nguy hiểm trong đại dịch lần này.
Video đang HOT
Theo baoquocte
Virus Vũ Hán: Thế giới đứng bên bờ một đại dịch khác
Số ca nhiễm tăng nhanh ở mức báo động khiến các nhà nghiên cứu lo sợ virus có thể đang lan ra trên toàn cầu. Nhưng họ chưa dự đoán được mức độ nghiêm trọng của dịch.
Virus corona Vũ Hán đang lây lan từ Trung Quốc có khả năng trở thành đại dịch trên toàn cầu, theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới, với những gì được xác nhận chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Viễn cảnh thật nan giải. Một đại dịch - dịch bệnh cùng lúc xảy ra ở hai hoặc nhiều lục địa - có thể gây ra những hệ lụy toàn cầu, bất chấp việc hạn chế đi lại và kiểm dịch chưa từng thấy đang được thực hiện ở Trung Quốc và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đến nay vẫn chưa nắm rõ liệu chủng virus corona mới gây chết người đến mức nào, do đó, không chắc chắn về mức độ thiệt hại mà một đại dịch có thể gây ra. Song càng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng mầm bệnh dễ lây truyền giữa người với người.
Một số chuyên gia y tế cũng lo ngại rằng số ca nhiễm trên thực có thể cao hơn nhiều con số được công bố vì bệnh nhân chỉ được xác nhận nhiễm virus sau hai lần xét nghiệm dương tính. Do thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm, thống kê chính thức hiện nay có thể chưa phản ánh đúng thực tế dịch bệnh.
Giáo sư David Hui Shu-cheong, chuyên gia về hô hấp tại Đại học Hong Kong, cho biết thống kế chính thức ở Vũ Hán có thể "chỉ là phần nổi của tảng băng trôi" vì chỉ phản ánh các trường hợp cấp tính khi bệnh nhân nhập viện.
"Có rất nhiều ca bệnh trong cộng đồng vẫn chưa được ghi nhận", ông Hui nói.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng virus corona chủng mới này đang phát tán giống cúm, có khả năng lây truyền cao, hơn là giống các chủng virus di chuyển chậm trong cùng họ như SARS (hội chứng hô hấp cấp) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).
"Nó rất, rất dễ lây truyền, và gần như chắc chắn sẽ trở thành một đại dịch", tiến sĩ Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đánh giá.
"Nhưng đây sẽ là thảm kịch? Tôi không biết".
Trong 3 tuần qua, số trường hợp được xác nhận dương tính với chủng virus mới đã tăng vọt từ khoảng 50 ca ở Trung Quốc lên đến hơn hơn 20.600 ca tại ít nhất 27 quốc gia và vũng lãnh thổ; và đã có hơn 400 người chết.
Song các mô hình dịch tễ học khác nhau ước tính rằng số ca nhiễm trên thực tế là 100.000 hoặc thậm chí nhiều hơn. Mặc dù sự lây lan không nhanh như cúm hay sởi, nhưng đó cũng là một bước nhảy vọt vượt xa những gì các nhà virus học đã thấy khi SARS và MERS xuất hiện.
Khi SARS được khống chế vào tháng 7/2003 sau 9 tháng lây lan, chỉ có 8.098 ca nhiễm được xác nhận. MERS xuất hiện từ năm 2012, nhưng chỉ có khoảng 2.500 trường hợp được biết đến.
Theo các chuyên gia, sự không chắc chắn lớn nhất hiện nay là có bao nhiêu người trên thế giới sẽ tử vong. SARS đã làm chết khoảng 10% số người mắc bệnh, còn với MERS, 3 người nhiễm có 1 người tử vong.
"Bệnh cúm Tây Ban Nha" năm 1918 đã lấy đi tính mạng của khoảng 2,5% số bệnh nhân - nhưng vì nó đã lây nhiễm cho quá nhiều người và chăm sóc y tế khi đó không được như ngày nay, 20 đến 50 triệu người đã chết.
Tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp đã được xác nhận nhiễm virus corona Vũ Hán đang dao động ở mức 2%, mặc dù tỷ lệ này có khả năng giảm khi nhiều xét nghiệm được thực hiện và các trường hợp nhẹ hơn được phát hiện.
"Khả năng không thể khống chế virus đang ngày càng tăng", tiến sĩ Thomas R. Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hiện điều hành Resolve to Save Lives, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về chống dịch bệnh, nói.
"Nó sẽ tiếp tục lây lan, như cúm và các sinh vật khác, nhưng chúng ta vẫn không thể biết được nó sẽ lan xa, lan rộng hay chết chóc đến mức nào".
So sánh mức độ gia tăng số ca nhiễm SARS và virus corona Vũ Hán, theo dữ liệu tính đến 7h30 ngày 2/2 (giờ Hà Nội). Biểu đồ: New York Times.
Trong những ngày đầu của đại dịch cúm năm 2009, "họ nói về Armageddon ở Mexico", tiến sĩ Fauci cho biết. (Loại virus xuất hiện lần đầu tiên ở các khu vực chăn nuôi lợn thuộc bang Veracruz của Mexico). "Song hóa ra nó không quá nghiêm trọng".
Không thể đưa ra ước tính chính xác về mức độ gây tử vong của virus cho đến khi có thể thực hiện một số nghiên cứu nhất định: xét nghiệm máu để xem có bao nhiêu người có kháng thể, nghiên cứu trong gia đình để tìm hiểu nó lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình thường xuyên như thế nào, và giải mã trình tự di truyền để xác định xem liệu một số chủng có nguy hiểm hơn những chủng khác.
Đóng cửa biên giới để ngăn chặn mầm bệnh có tính lây nhiễm cao không bao giờ thành công hoàn toàn, theo các chuyên gia, vì mọi đường biên giới về cơ bản đều có lỗ hổng. Tuy nhiên, việc đóng cửa và kiểm tra nghiêm ngặt có thể làm chậm sự lây lan, giúp các nhà nghiên cứu có thời gian để phát triển các phương pháp điều trị bằng thuốc và vắc-xin
Những ẩn số quan trọng khác bao gồm việc ai có nguy cơ cao nhất, liệu việc ho hay bề mặt ô nhiễm có khả năng làm lan truyền virus cao hơn, virus có thể biến đổi nhanh như thế nào và liệu nó có biến mất khi thời tiết ấm lên.
Ảnh hưởng của một đại dịch có lẽ sẽ khắc nghiệt hơn ở một số quốc gia so với các quốc gia khác. Trong khi Mỹ và các nước giàu khác có thể phát hiện và cách ly những người đầu tiên mang mầm bệnh, các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn sẽ không được như vậy.
"Sự lây lan của nó giống H1N1 nhiều hơn là giống SARS, và tôi ngày càng lo lắng", tiến sĩ Peter Piot, Giám đốc Trường Vệ sinh Dịch tễ và Bệnh nhiệt đới London, cho biết. "Thậm chí tỷ lệ tử vong 1% cũng có nghĩa là một triệu người sẽ có 10.000 người chết".
Các chuyên gia khác tỏ ra thận trọng hơn.
Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu bộ phận phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với STAT News hôm 1/2 rằng có bằng chứng cho thấy virus này vẫn có thể được ngăn chặn và thế giới cần phải "tiếp tục cố gắng".
Tiến sĩ W. Ian Lipkin, chuyên gia "săn" virus tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia, người đang ở Trung Quốc để tư vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này, cho biết mặc dù virus rõ ràng đang lây truyền qua tiếp xúc thông thường, các phòng thí nghiệm vẫn chậm trong việc xử lý mẫu.
Tuy nhiên, cuộc sống ở Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn trong hai tuần qua. Đường phố vắng tanh, các sự kiện công cộng bị hủy bỏ và công dân đang đeo khẩu trang và rửa tay, tiến sĩ Lipkin nói. Tất cả điều đó có thể đã làm chậm lại những gì mà kết quả xét nghiệm cho thấy là sự tăng trưởng theo cấp số nhân về số ca nhiễm.
Hiện không rõ các xét nghiệm được thực hiện trong các phòng thí nghiệm bị quá tải ở Trung Quốc chính xác như thế nào. Một mặt, truyền thông nhà nước Trung Quốc ghi nhận tình trạng thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm và việc xử lý các nút thắt cổ chai, có thể dẫn đến việc thống kê không đầy đủ.
Đài truyền hình CCTV dẫn lời bà Lý Lan Quyên, bác sĩ - nhà dịch tễ học, thành viên hội đồng chuyên gia về virus corona thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết vì không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm ở Vũ Hán nên không phải ai cũng được xét nghiệm.
"Tại Vũ Hán lúc này, bệnh nhân không thể được phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, cách ly sớm và điều trị sớm. Tôi hy vọng đất nước Trung Quốc có thể hỗ trợ thêm cho Vũ Hán", bà Lý, người đầu tiên đề xuất phong tỏa Vũ Hán, nói.
Một bác sĩ giấu tên tại Bệnh viện Union ở Vũ Hán cho biết nhân viên y tế chỉ có thể kiểm tra khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày và họ phải chờ 48 giờ để có kết quả.
"Khi Ủy ban Y tế Quốc gia công bố các con số, bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm bệnh từ hai ngày trước. Chúng tôi cũng phải bỏ qua những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ dù biết rằng nhiều người sẽ quay lại khi bệnh nặng hơn. Nhưng chúng tôi không có đủ chỗ và đủ giường bệnh", bác sĩ này nói với South China Morning Post.
Tuy nhiên, nguy cơ kết quả bị thổi phổng cũng hiện diện. Tiến sĩ Lipkin cho hay ông biết một phòng thí nghiệm xử lý 5.000 mẫu mỗi ngày, có thể tạo ra một số kết quả dương tính giả, làm thổi phồng thống kê. "Bạn có lẽ không thể kiểm soát chất lượng ở mức đó", ông nói.
Những câu chuyện chưa được xác nhận từ Trung Quốc, và một nghiên cứu được công bố từ Đức, chỉ ra rằng một số người nhiễm virus corona Vũ Hán có thể đã lây cho người khác trước khi họ biểu hiện các triệu chứng. Điều đó có thể làm cho việc kiểm tra tại biên giới khó khăn hơn nhiều, theo các nhà khoa học.
Mô hình dịch tễ học do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu công bố hôm 31/1 ước tính rằng 75% người nhiễm bệnh đến châu Âu từ Trung Quốc vẫn sẽ ở trong thời kỳ ủ bệnh khi đến, và do đó không được phát hiện bởi máy quét tại sân bay. Thiết bị này tìm kiếm những người bị sốt, ho và hô hấp khó khăn.
Song nếu camera nhiệt bỏ qua những người đã trải qua thời gian ủ bệnh và lây nhiễm cho người khác một cách tích cực, số lượng người mang mầm bệnh bị bỏ sót thực sự có thể cao hơn 75%.
Tuy nhiên, những người mang mầm bệnh không có triệu chứng "thường không phải là động lực chính của các dịch bệnh", tiến sĩ Fauci nói. Hầu hết mọi người bị lây nhiễm từ một người mà họ biết là bị bệnh - chẳng hạn như một thành viên gia đình, đồng nghiệp hoặc bệnh nhân.
Các chuyên gia cho biết, nơi dễ bị tổn thương nhất vì virus là châu Phi. Hơn một triệu người Trung Quốc làm việc ở đó, chủ yếu trong các dự án khai khoáng, khoan dầu hoặc xây dựng. Ngoài ra, nhiều người châu Phi làm việc và học tập tại Trung Quốc và các quốc gia khác nơi đã phát hiện virus.
Nếu bây giờ có bất cứ ai ở lục địa này nhiễm virus, "tôi không chắc các hệ thống chẩn đoán đã sẵn sàng để phát hiện ra nó", theo tiến sĩ Daniel Bausch, người đứng đầu các chương trình khoa học của Hiệp hội Y học và Vệ sinh dịch tễ Nhiệt đới Mỹ, đang cố vấn cho WHO về dịch bệnh lần này.
Nam Phi và Senegal có lẽ có thể chẩn đoán được, ông nói. Nigeria và một số quốc gia khác đã hỏi WHO về bộ gene virus và kiến thức họ cần để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, nhưng điều đó sẽ mất thời gian.
Ít nhất 4 quốc gia châu Phi đã cách ly các trường hợp nghi ngờ, theo một bài viết trên South China Morning Post hôm 31/1. Họ đã gửi mẫu đến Pháp, Đức, Ấn Độ và Nam Phi để xét nghiệm.
Hiện tại, dường như virus này sẽ không có nguy cơ lan rộng ở các quốc gia có hệ thống y tế công cộng mạnh, cảnh giác cao, theo bác sĩ William Schaffner, chuyên gia y tế dự phòng tại Bệnh viện Đại học Vanderbilt.
"Mọi bác sĩ ở Mỹ đều có suy nghĩ theo cách này", ông nói. "Bất kỳ bệnh nhân nào bị sốt hoặc có vấn đề về hô hấp sẽ nhận được 2 câu hỏi. 'Anh/chị có phải đã đến Trung Quốc chưa? Anh/chị có tiếp xúc với bất cứ ai có bệnh hay không?' Nếu câu trả lời là có, họ sẽ bị cách ly ngay lập tức".
Giả sử virus lây lan trên toàn cầu, du lịch và giao thương tại các quốc gia bên cạnh Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng - và mức độ khẩn thiết trong việc tìm cách khống chế virus và ngăn chặn tử vong sẽ tăng lên.
Có thể virus corona Vũ Hán sẽ yếu đi khi thời tiết ấm lên. Nhiều loại virus, như cúm, sởi và norovirus, phát triển mạnh trong không khí lạnh, khô. Dịch SARS bùng phát trong mùa đông và số ca nhiễm MERS cũng đạt đến đỉnh điểm vào thời gian này, mặc dù việc này có thể liên quan đến sự lây nhiễm ở lạc đà sơ sinh.
Bốn chủng virus corona nhẹ là nguyên nhân của khoảng một phần tư ca bệnh cúm tại Trung Quốc, cũng lên đến đỉnh điểm vào mùa đông.
Tuy nhiên, ngay cả khi dịch bệnh lắng xuống vào tháng 6, có thể có đợt bùng phát thứ hai vào mùa thu, như mọi đại dịch cúm từng xảy ra, bao gồm những đợt bùng phát vào năm 1918 và 2009.
Cho đến khi đó, một số phương pháp chữa trị có thể đã có, dù sẽ cần thử nghiệm nghiêm ngặt và có lẽ cả áp lực chính trị để có thể áp dụng với giá cả phải chăng.
Tại Trung Quốc, một số loại thuốc kháng virus đang được sử dụng trong điều trị. Một sự kết hợp phổ biến là sử dụng thuốc chứa lopinavir và ritonavir, đồng thời tiêm interferon, một loại protein báo hiệu đánh thức hệ thống miễn dịch.
Tại Mỹ, sự kết hợp này được AbbVie bán với tên gọi Kaletra dùng cho người nhiễm HIV, và nó tương đối đắt tiền. Tại Ấn Độ, hơn chục đơn vị sản xuất thuốc với giá thấp nhất để sử dụng chống lại HIV ở châu Phi và các sản phẩm của họ đã được WHO phê duyệt.
Một lựa chọn khác có thể là một loại thuốc đang được thử nghiệm, remdesivir, mà Gilead giữ bằng sáng chế. Thuốc chưa được phê duyệt để sử dụng cho bất kỳ bệnh nào. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy nó có tác dụng chống lại virus corona và Gilead đã tặng thuốc cho Trung Quốc.
Một số công ty Mỹ đang nghiên cứu vắc-xin, từ nguồn kinh phí kết hợp giữa vốn riêng, tiền đóng thuế và tiền từ các quỹ.
Mặc dù các kỹ thuật hóa học gene hiện đại đã giúp tạo ra các loại vắc-xin mới chỉ trong vài ngày, đạo đức y học yêu cầu chúng phải được thử nghiệm kỹ lưỡng trên động vật cũng như số lượng nhỏ người khỏe mạnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Việc này không thể đẩy nhanh, vì các tác dụng phụ nguy hiểm có thể sau rất lâu mới xuất hiện và vì hệ thống miễn dịch của con người cần thời gian để tạo ra các kháng thể cho thấy liệu vắc-xin có hoạt động hay không.
Liệu những gì đang được thử nghiệm ở Trung Quốc có được chấp nhận ở nơi khác hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm ngặt của các bác sĩ Trung Quốc trong việc thực hiện các thử nghiệm lâm sàng.
"Chúng ta chỉ tin vào Chúa", tiến sĩ Schaffner nói. "Tất cả những người khác phải cung cấp dữ liệu".
Theo Zing
Phòng chống dịch virus corona: Minh bạch để dân không hoang mang PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp Bộ Y tế nhận định, dịch virus corona mới diễn biến quá nhanh, những hiểu biết của y học về virus này còn hạn chế nhưng những kinh nghiệm trong việc dập đại dịch SARS năm 2003 sẽ được áp dụng rất tốt đối với dịch...