Virus Bunya chủng mới có thể truyền từ người sang người, 9 ca tử vong
Tính từ đầu năm nay, Trung Quốc đã ghi nhận ít nhất 60 ca mắc hội chứng sốt giảm tiểu cầu (SFTS), căn bệnh gây ra bởi virus Bunya lây sang người từ bọ ve.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho biết, loại virus này còn có thể truyền từ người sang người, Thời báo Hoàn cầu đưa tin.
Bọ ve chứa virus Bunya trong phòng thí nghiệm (ảnh: Xinhua)
“Dựa trên các trường hợp trước đó, virus Bunya có thể lây truyền từ bọ ve hoặc người bị nhiễm sang người khác qua đường máu, đường hô hấp hoặc vết thương hở”, bác sĩ Sheng Jifang – chuyên gia về virus Bunya, giám đốc Bệnh viện Liên kết số 1 của Đại học Y Chiết Giang – cho biết.
Theo chuyên gia Sheng, 3 năm trước, Trung Quốc ghi nhận một bệnh nhân nhiễm virus Bunya tử vong. Một thời gian sau, 16 người khác từng tiếp xúc với thi thể bị xuất huyết nặng của bệnh nhân trên đã bị lây bệnh.
“Các nhân viên y tế, người nhà của bệnh nhân nhiễm virus Bunya nên thực hiện những biện pháp bảo vệ cần thiết khi tiếp xúc người bệnh. Mọi người không nên đi vào rừng rậm, bụi rậm, May mắn là bọ ve không thể bay. Chúng ta nên tránh những khu vực có thể xuất hiện bọ ve”, bác sĩ Sheng nói.
Theo bác sĩ Sheng, bọ ve từ khi còn là ấu trùng đến lúc trưởng thành đều hút máu động vật máu nóng. Những trường hợp nhiễm virus Bunya thường tăng đáng kể trong mùa hè vì đây là mùa sinh sản của bọ ve.
Virus Bunya được phát hiện lần đầu tiên cách đây 11 năm tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Bệnh do virus này gây ra có tỷ lệ tử vong từ 1 – 5%. Tuy nhiên, khác với chủng năm 2009, virus Bunya đang lây lan tại Trung Quốc là chủng mới.
“Chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị nào cho virus Bunya. Khi nhiễm virus, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt”, chuyên gia Sheng nói.
Các triệu chứng ban đầu khi nhiễm virus là mệt mỏi, sốt, đôi khi là sốt phát ban. Số lượng tiểu cầu và bạch cầu của bệnh nhân giảm thấp, rối loạn chức năng đa cơ quan.
Bệnh nhân mắc SFTS thể nhẹ có thể tự khỏi, nhưng người mắc bệnh biểu hiện nặng thường bị rối loạn chức năng đa cơ quan, suy đa tạng, thậm chí là tử vong.
“Bọ ve chủ yếu được tìm thấy ở các vùng núi và các khu vực có động vật hoang dã. Một số vùng đất ngập nước và công viên rừng trong thành phố cũng là môi trường sống của bọ ve. Cho đến nay, các bệnh nhiễm virus Bunya mới được phát hiện chủ yếu là do bọ ve cắn”, Leng Peien, giám đốc tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thành phố Thượng Hải, cho biết.
Đến ngày 6.8, tỉnh An Huy ghi nhận 5 người tử vong vì virus Bunya, trong khi thành phố Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông ghi nhận 4 ca tử vong.
Bờ kè bị vỡ cuốn trôi xe máy xúc xuống sông ở Trung Quốc
Đoạn bờ kè của con sông bị vỡ, cuốn trôi xe máy xúc xuống nước. Vụ việc xảy ra ngày 22/7 tại huyện Lư Giang thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Lợi ích bất ngờ từ trái dứa Do có hàm lượng vitamin C cao, dứa giúp kích thích bạch cầu, chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch.