Vĩnh Thạnh chủ động phòng tránh, không chủ quan, lơ là với thiên tai
Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Vĩnh Thạnh chịu ảnh hưởng gay gắt của khô hạn, thiếu nước, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Người dân trông chờ các cơn mưa từng ngày để giảm cái nóng oi bức, giảm khô hạn, thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Vĩnh Thạnh, từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện một vài cơn mưa trái mùa, mưa đầu mùa, thường kèm theo gió mạnh, sấm sét rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân.
Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Từ những nguy hiểm trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện yêu cầu các địa phương, ngành Nông nghiệp và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai…”.
Mới đây, cơn mưa lớn kèm theo gió mạnh xuất hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh và đi qua xã Thạnh Quới làm tốc mái hoàn toàn căn nhà của chị Phạm Thị Xuân Lan ở ấp Qui Lân 7. Rất may, cơn mưa kèm theo gió mạnh không gây ảnh hưởng về người, nhưng khiến gia đình chị Lan gặp khó khăn trong việc sửa chữa nhà cửa. Chị Phạm Thị Xuân Lan bộc bạch: “Khi trời mưa, gió mạnh xuất hiện thì cả gia đình tôi tìm nơi ẩn nấp, tránh bị thương tích do nhà tốc mái. Gặp thiên tai, cuộc sống gia đình tôi càng thêm khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương, bà con trong xóm hỗ trợ chi phí, huy động lực lượng sửa chữa nhà nên gia đình tôi đã cố gắng ổn định lại cuộc sống, vượt qua khó khăn”. Sau khi thiên tai xảy ra, UBND xã Thạnh Quới đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình chị Lan sửa chữa nhà cửa.
Do địa phương có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên hằng năm, huyện Vĩnh Thạnh chịu tác động nặng nề bởi hiện tượng sạt lở bờ sông, đồng thời cũng chịu nhiều tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Điển hình tại con lộ bê tông cặp kênh Cái Sắn (phía Bắc Cái Sắn) đi qua các xã Thạnh Quới, Thạnh Mỹ, Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh) thẳng tắp, rộng rãi, thuận tiện cho phương tiện giao thông 2 bánh đi lại. Tuy nhiên, trên tuyến đường này, nhiều đoạn giao thông nằm cặp sát bờ kênh có nguy cơ sụp đổ rất cao. Còn ở những đoạn sạt lở, chính quyền địa phương đóng cừ tràm, bạch đàn, dừa, có đoạn xây dựng bờ kè để bảo vệ tuyến đường. Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Đoạn bờ kênh Bắc Cái Sắn thẳm sâu, nước chảy xiết đạp vào bờ, gây xoáy mòn dẫn đến sạt lở. Nhiều đoạn sạt lở được chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh kịp thời gia cố nên việc đi lại được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở trên toàn tuyến đường này rất cao, đe dọa tính mạng, sinh hoạt của người dân địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Năm cho biết thêm: “Ngay từ đầu năm 2020, huyện Vĩnh Thạnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN từ huyện đến các xã, thị trấn và triển khai kế hoạch PCTT-TKCN đến từng đơn vị, địa phương. Qua đó, chính quyền địa phương, các phòng, ban, hội đoàn thể huyện và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác, đề phòng mưa lớn, kèm theo lốc xoáy, sạt lở bờ sông xảy ra, nhất là khi mùa mưa, bão sắp đến”.
Video đang HOT
Trước khi mùa mưa năm 2020 xuất hiện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vĩnh Thạnh đã yêu cầu các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn và người dân triển khai công tác phòng, tránh, không chủ quan, lơ là với thiên tai. Trong đó, tập trung các giải pháp gia cố, chằng chống nhà cửa, tránh tốc mái, sập đổ khi mưa lớn kèm theo lốc xoáy… Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vĩnh Thạnh, hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh, rạch; mưa lớn, gió mạnh xuất hiện từ đầu năm đến nay nhưng thiệt hại gây ra hạn chế là nhờ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp chủ động biện pháp phòng tránh ngay từ đầu năm. Cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vĩnh Thạnh tập trung triển khai kế hoạch giảm nhẹ thiên tai và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên là các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn. Trong đó yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra các công trình, nhà cửa, nhất là ở các nơi trống trải để chằng chống, tăng độ vững chắc, nhằm hạn chế tốc mái khi có giông gió, lốc xoáy; củng cố các công trình gia cố, ngăn chặn sạt lở tại các điểm có nguy cơ, các đoạn đê bao xung yếu, tránh thiệt hại về người và tài sản; nhắc nhở nhân dân chặt tỉa cây xanh xung quanh nhà, đường giao thông nhằm hạn chế đổ ngã, gây nguy hiểm cho người dân; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa kịp thời, khắc phục hư hỏng khi xảy ra sự cố không an toàn tại các tuyến đường điện trung, hạ thế; phát quang cây cối, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, an toàn giao thông cho người dân; kiểm tra phương tiện an toàn giao thông tại các bến đò, bến phà; tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có mưa, bão xuất hiện…
Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh huy động sức dân thực hiện dọn cỏ, khai thông dòng chảy nhiều tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài hàng trăm km; nâng cấp và sửa chữa nhiều đường đê bao, giao thông nông thôn; đóng cừ tràm, dừa và tấn bạt ni lông, rọ đá chống sạt lở tại các điểm xung yếu… Ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, nhấn mạnh: “Thời điểm này, địa phương rất quan tâm công tác đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi mùa mưa, bão đến. Ban Chỉ huy các cấp cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch, phương án phòng, tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Trong đó, chúng tôi thực hiện theo phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” là chủ yếu, ứng dụng các phương án phòng tránh cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng ngành và địa phương…”.
ĐBSCL đối mặt hạn, mặn
Tại Bạc Liêu, thiệt hại do khô hạn trên vùng ngọt hóa đã hơn 80 tỉ đồng. Ở An Giang, hạn, mặn đe dọa gần 18.000 ha lúa
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR), dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng ở mức thấp kỷ lục, nên xâm nhập mặn mùa khô của khu vực là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Hàng ngàn ha lúa đang chết khô
Những ngày qua, hơn 5.400 ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1 (tỉnh Bạc Liêu) đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Tiểu vùng ngọt sản xuất rau màu cũng bị ảnh hưởng nặng. Đi đôi với khô hạn, xâm nhập mặn sớm dẫn đến nguy cơ có 5.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại.
Thiệt hại nặng nhất là vùng ngọt hóa trên địa bàn thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn ha lúa đang đối mặt với nguy cơ chết khô. Ngành chức năng thị xã Giá Rai ước tính đến thời điểm này, thiệt hại do khô hạn trên vùng ngọt hóa là khoảng 80 tỉ đồng. Nếu không dẫn nước ngọt về kịp thời thì thiệt hại sẽ rất khó lường.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt kênh thủy lợi vùng ngọt hóa thuộc địa bàn thị xã Giá Rai đã cạn trơ đáy. Nặng nhất là kênh Chống Mỹ (ấp 19, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai) cung cấp nước ngọt cho vùng lúa hàng trăm ha của xã. Để cứu lúa trong thời gian chờ ngành chức năng điều tiết nước ngọt, nhiều hộ dân chấp nhận vét chút nước còn sót lại dưới đáy kênh vốn đã nhiễm phèn để tưới tiêu vì không còn cách nào khác.
Cũng như hàng trăm hộ nông dân vùng ngọt hóa Giá Rai, gia đình ông Nguyễn Văn Việt (ở ấp 19, xã Phong Tân) vừa xuống giống 10 ha lúa được 20 ngày, nay như đang ngồi trên lửa vì nước trong ruộng đang khô dần, trong khi nước kênh đã cạn trơ đáy. "Tình trạng này chỉ cầm cự được khoảng một tuần nữa thôi. Hy vọng ngành chức năng sớm đưa nước từ Ngã Năm (Sóc Trăng) về kịp để cứu được phần nào. Thời điểm gieo sạ chúng tôi không nghĩ nước khô nhanh đến vậy" - ông Việt lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Việt trên cánh đồng lúa đang chết khô vì thiếu nước. Ảnh: DUY NHÂN
Được dự báo từ SIWRR, trước Tết nguyên đán, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị UBND huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đóng cửa cống Vũng Liêm nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và dân sinh.
Theo ông Huỳnh Quang Thọ, nông dân ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tranh thủ những ngày mặn giảm, ông đã nạo vét nhiều mương, ao trữ nước ngọt. "Thời gian độ mặn lên từ 7-10 ngày, sau đó giảm nên việc trữ nước ngọt trong mương sẽ đủ nước cho cây trồng trong thời gian mặn xâm nhập. Ở đây ai cũng có kinh nghiệm đối phó khi có mặn vô" - ông Thọ nói.
Xử lý nghiêm việc tự ý lấy nước
Vụ lúa đông xuân tại ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng lớn do thiếu nguồn nước và chi phí sản xuất cũng rất cao. Do vậy, SIWRR khuyến cáo các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh. Đầu các tháng 2 và 3-2020, khả năng nguồn nước ngọt cũng được cải thiện và cần tận dụng.
Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm nay. Hiện mực nước thượng lưu sông Mekong tiếp tục xuống và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20%-50%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mực nước trên các sông/kênh xuống thấp và thiếu hụt mưa trong mùa khô, hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn, gay gắt hơn và có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất của diện tích 9.361 ha. Trong đó, vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên khoảng 5.099 ha và vùng đồng bằng ở các huyện Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu khoảng 4.262 ha. Trường hợp mặn từ tỉnh Kiên Giang xâm nhập sâu nội đồng, có khả năng ảnh hưởng đến diện tích 9.328 ha sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn.
"Trước mắt, các ngành chức năng cùng các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất; thực hiện nghiêm phương án chống hạn ở các địa phương và của các đơn vị cung cấp nước. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới; sẵn sàng phương án vận chuyển nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân bị thiếu nước cục bộ (nếu xảy ra thiếu nước) ở vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên" - ông Khanh nói.
THỐT NỐT - DUY NHÂN - CA LINH
Theo Nguoilaodong
TP.HCM chủ động ứng phó mùa mưa bão Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận huyện về triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ trên địa bàn thành phố. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, ước tính...