Vĩnh Phúc: Dân ủng hộ, nhiều xã về đích sớm
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” – việc triển khai mạnh mẽ quy chế dân chủ kết hợp với dân vận khéo đã tạo nên sự đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Vừa qua, đại diện Văn phòng Điều phối T.Ư đã về thẩm định và đánh giá huyện chỉ còn 2 xã nữa (Bá Hiến,Quất Lưu)là về đích NTM.
Đặt quy chế dân chủ lên hàng đầu
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bình Xuyên luôn nêu cao tinh thần thi đua, đặc biệt là phong trào “dân vận khéo” trong xây dựng NTM. Bởi theo ông Nguyễn Nghĩa Hợp – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bình Xuyên thì công tác dân vận thời nào cũng cần, lúc nào cũng quan trọng và đặc biệt trong xây dựng NTM với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nguồn lực từ sự đóng góp của người dân là chính, thì công tác vận động, dân vận lại càng quan trọng.
Video đang HOT
Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ớt giữ Công ty CP Thương mại Stevia và người dân huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: V.T
Theo đó, trong 5 năm, huyện đã tổ chức được 44 mô hình dân vận khéo, trong đó lĩnh vực kinh tế 10 mô hình, văn hóa 18 mô hình, an ninh quốc phòng 9 mô hình, xây dựng hệ thống chính trị 5 mô hình, mô hình toàn diện 2 mô hình. Điển hình như tổ Dân vận thôn Quang Khai (xã Thiện Kế) đã vận động nhân dân hiến trên 13.000m2 để làm đường giao thông nội đồng; tổ dân phố thôn An Lão (xã Sơn Lôi) đã vận động được 171 hộ dân hiến 1.580m2 đất nông nghiệp, đóng góp 1.020 ngày công lao động và 324 triệu đồng để làm đường giao thông; nhân dân xã Phú Xuân đã hiến 5.606m2 để làm đường giao thông; nhân dân xã Tân Phong hiến 5.445m2 đất, trên 3 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng…
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Xuyên, trong 5 năm xây dựng NTM, huyện đã vận động nhân dân đóng góp được 1.650 tỷ đồng, chiếm 67,23% tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM, trong đó tiền mặt là 17,7 tỷ đồng; hiến đất 42.182m2; góp 24.041 ngày công lao động; nhân dân tự xây dựng, chỉnh trang nhà cửa khoảng 1.611 tỷ đồng. Tính đến nay, huyện đã có 8/10 xã đạt chuẩn NTM, còn 2 xã là Bá Hiến và Quất Lưu dự kiến cuối năm sẽ về đích.
Để có được kết quả trên, ông Hợp cho biết huyện đã áp dụng tuyệt đối quy chế dân chủ. Toàn bộ công việc liên quan đến xây dựng NTM đều đưa ra các cuộc họp bàn với dân. “Từ lấy ý kiến xây nhà văn hóa thôn, đóng kinh phí làm đường giao thông, hay quy hoạch sân bóng, nhà văn hóa, chợ… chúng tôi đều bàn với dân. Người dân họ sống ở đó bao nhiêu năm, họ hiểu xây dựng các công trình ở đâu là hợp lý nhất và điều quan trọng là khi mình bàn với người dân họ cảm thấy được tôn trọng và họ vui vẻ hưởng ứng” – ông Hợp chia sẻ.
Lấy nông nghiệp làm “đòn bẩy”
Ông Nguyễn Huy Hải – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Xuyên cho biết: “Khi triển khai xây dựng NTM, Ban chỉ đạo huyện đã phát động phong trào “Bình Xuyên chung sức xây dựng NTM” với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí khác. Hiện đã có 10/10 xã đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, 100% số thôn, xã có nhà văn hóa…”.
Nhiều tuyến đường ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã được láng bê tông rộng rãi, sạch đẹp từ nguồn vốn của nhà nước và nhân dân. ảnh: V.T
Ông Lưu Văn Chinh – chủ trang trại gia cầm ở thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) cho biết, ông làm trang trại gần chục năm nay. Khi xây dựng NTM, thôn đã vận động làm đường giao thông nông thôn, phát triển trang trại, đồng thời ngân hàng cũng tạo điều kiện cho các hộ vay vốn: “Nhờ chính sách phát triển trang trại và tạo điều kiện vay vốn của nhà nước mà tôi có cơ hội đầu tư lớn vào trang trại. Hiện tôi nuôi khoảng 30.000 gà đẻ trứng, gà thịt/lứa, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng/nằm, nhờ đó gia đình có thêm điều kiện đóng góp xây dựng NTM” – ông Chinh cho hay.
Ông Nguyễn Huy Hải cho biết thêm, ngoài việc phát triển các mô hình trang trại, những năm qua huyện còn tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Như phối hợp với Công ty CP Thương mại Stevia trong việc sản xuất và tiêu thụ ớt.
Anh Nguyễn Văn Luật ở thôn Cơ Khí, xã Gia Khánh- một trong các hộ tham gia mô hình liên kết cho biết: “Tôi nhận thấy mô hình này hiệu quả nên ngoài 1,5ha ruộng của gia đình, tôi còn thầu thêm 1,5ha để trồng ớt. Ớt trồng khó hơn lúa, nhưng kỹ thuật đã có cán bộ công ty hỗ trợ, từ lúc đặt cây giống, bón phân, phun thuốc cho đến thu hoạch nên mình cũng yên tâm. Thuận lợi nữa là đầu ra đã được công ty bao toàn bộ, mình chăm sóc tốt thì thu lời cao”.
Ông Hải cũng cho biết, trong sản xuất phát triển, huyện đã thực hiện đề án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; triển khai thí điểm nhiều mô hình cơ giới hóa, nhân rộng các mô hình cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Dự án chuyển dịch cơ cấu giống lúa 2.815ha, tăng hơn 1.175ha so cùng kỳ, góp phần giảm diện tích lúa Khang dân 18 từ 64,4% năm 2014 xuống còn 45% năm 2015, năng suất trung bình đạt 57,9 tạ/ha, thu nhập tăng 2,5 – 3,5 triệu đồng/ha; Dự án sản xuất dưa chuột, bí xanh hàng hóa tại các xã: Sơn Lôi, Bá Hiến và thị trấn Gia Khánh, với 54ha, năng suất đạt 322 tạ/ha, giá trị kinh tế đạt trên 150 triệu đồng/ha, lãi cao hơn trồng lúa Khang dân 18 trên 40 triệu đồng/ha.
Ngoài ra huyện còn có các dự án phát triển đàn gia súc như: Dự án phát triển đàn bò thịt, đưa các giống bò có năng suất, chất lượng cao vào thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái của địa phương, như giống bò BBB, Limousind, Blackmand… Theo đó, huyện đã cấp hỗ trợ 3.250 liều tinh cho các hộ tiến hành thụ thai cho gần 1.180 con bò, tỷ lệ đạt trên 80% và cấp 14.587 liều tinh giống lợn Landart, Pidur, Pi4, Duroc cho hơn 1.000 hộ… /.
Theo Danviet