Vinh danh những người sẵn sàng sẻ chia sự sống
Vượt qua tâm lý sợ hãi và nhiều rào cản từ gia đình, xã hội, nhiều người đã tình nguyện hiến tạng sau khi mất đi vì một lý do nào đó để duy trì sự sống cho những người đang mắc bệnh hiểm nghèo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp y tế” cho những người hiến tạng. Ảnh: Phương Vy – TTXVN
Chương trình ghép tạng không thể thành công nếu không có sự hy sinh tự nguyện của những người hiến tạng. Họ đã chia sẻ sự sống của mình cho những người thân và cho cả những người không quen biết trong xã hội. Trong số những người hiến tạng và đăng kí hiến tạng về dự lễ vinh danh sáng nay, có không ít những gương mặt trẻ. Như trường hợp một cô gái sinh năm 1988 hiện đang là nghiên cứu sinh ở Trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt – Nhật, không chỉ sẵn sàng hiến tạng của mình mà đã đăng ký hiến toàn bộ cơ thể phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học sau khi qua đời.
Bản thân là một người kinh doanh, thế nhưng anh V.H.T. (50 tuổi) ở quận Gò Vấp cũng không ngần ngại khi đăng ký tham gia hiến tạng. Anh T. cho biết: “Cách đây khoảng 6 tháng, trong khi xem một bản tin về chương trình ghép tạng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi thực sự xúc động và cảm thấy đó là một nghĩa cử rất nhân văn. Ngay sau đó, tôi đã liên hệ với số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm ghép tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy để làm các thủ tục đăng ký ghép tạng và đã được cấp thẻ Đăng ký ghép tạng.
“Bản thân tôi khá may mắn khi có cơ thể đều lành lặn, đầy đủ trong khi đó có rất nhiều người không may mắn như vậy. Tôi chỉ mong muốn chẳng may khi mình mất đi thì có một cơ hội để cho những người khác có thể sống tiếp. Gia đình tôi khi biết chuyện cũng đều ủng hộ việc làm này. Tôi cũng mong rằng có nhiều người thay đổi suy nghĩ của mình để có thể tạo cơ hội cho nhiều người khác được sống tốt hơn”, anh T. chia sẻ.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các bệnh viện đã bày tỏ sự biết ơn đối với những người đã hiến tạng và đăng kí hiến tạng khu vực phía Nam trong 23 năm qua. Những người này, hoặc có mối quan hệ với người nhận hoặc không nhưng họ vẫn quyết định dành tặng một phần cơ thể của mình nhằm nối dài sự sống cho người khác. Đây là hành động, nghĩa cử cao đẹp cần được xã hội ghi nhận.
Trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho những người hiến tạng. Ảnh: Phương Vy – TTXVN
Cải thiện khan hiếm nguồn tạng
Tại Việt Nam , các ca ghép tạng được thực hiện từ năm 1992 tại Học viện Quân y và Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ năm 2010, việc ghép tạng có bước phát triển khi tiến hành ghép gan và thận từ người cho chết não. Sau 23 năm, cả nước đã ghép thận cho 1.200 trường hợp, ghép gan 30 trường hợp, 10 trường hợp được ghép tim và một trường hợp được ghép thận-tụy. Riêng khu vực phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghép được 456 ca thận và 11 ca gan.
Đánh giá về kỹ thuật ghép tạng ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngành y đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng đối với bệnh nhân cho còn sống, người cho chết não ở các tạng như thận, gan, tim; bước đầu cũng đã thực hiện một số ca ghép tế bào gốc máu, tủy, tim, giác mạc, đặc biệt là các cơ xương khớp. Bộ Y tế đang chuẩn bị cho phép thực hiện ghép phổi và tụy trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện nhiều ca ghép, ngành Y trong nước đã xây dựng được ê-kíp gây mê hồi sức, miễn dịch, chống thải loại có trình độ khá thuần thục, tiếp cận được với những thành tựu y tế tiên tiến của thế giới.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực tương đối mới mẻ này, nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của việc hiến tạng vẫn là nguồn tạng. Do vấn đề tâm lý, tôn giáo… mà số lượng người hiến tạng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó nhu cầu ghép tạng tại nước ta là rất lớn. Số người suy tạng cần được ghép tại Việt Nam là trên 8.000 người bị suy thận giai đoạn cuối, trên 1.500 người cần được ghép gan, trên 6.000 người chờ ghép giác mạc và hàng trăm người có nhu cầu được ghép tim, phổi, tụy tạng… Nhiều trường hợp hiến tạng không thể lấy từ người cho sống được như tim, phổi, tụy tạng… Chỉ tính riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính đã có trên 3.000 người cần được ghép thận.
Video đang HOT
Trước nguồn tạng khan hiếm và hiện chủ yếu chỉ trông chờ từ nguồn tạng của người thân hiến tặng khi còn sống, việc hiến tạng từ những người chết não hay ngừng tim cần được xem là hướng đi mới. Bởi trên thế giới, ở những nước tiên tiến có tới 90-95% nguồn tạng là từ người cho chết não, còn ở nước ta 95% là người cho sống. Do đó, cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong dân chúng về vấn đề hiến tạng. Người hiến tạng phải vượt qua rào cản về tâm lý, tâm linh, phong tục… và xem đây là nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn.
Để từng bước cải thiện nguồn tạng khan hiếm, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia có trụ sở tại Bệnh viện Việt-Đức và đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mới đây, đề án thành lập Hội vận động hiến tạng và Hội hiến tạng quốc gia vừa được Bộ Nội vụ và Chính phủ thông qua.
Mặt khác, ngành Y tế cũng sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện chương trình vận động người dân hiến tạng, đặc biệt là mời các chức sắc tôn giáo tham gia vào việc hiến tạng cứu người. Đây được xem là những giải pháp quan trọng là cầu nối giữa người có nhu cầu và người có khả năng tự nguyện hiến mô bộ phận cơ thể người có chỉ số phù hợp sinh học. Từ đó, góp phần kéo dài sự sống hơn nữa cho những người đang phải hàng ngày đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo hiện nay.
Theo NTD
Bức tâm thư con gái liệt sỹ Gạc Ma gửi Bộ trưởng Y tế
Ngày 13/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ra Công văn gửi Sở Y tế Nghệ An về việc hỗ trợ cho gia đình liệt sỹ Phan Huy Sơn tại Diễn Châu (Nghệ An) đã hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.
Sum họp và ly tan
Liệt sỹ Phan Huy Sơn hi sinh trên đảo Gạc Ma đã gần 30 năm, nhưng nỗi đau và những khó khăn của vợ con ông vẫn chưa hề vơi bớt.
Liệt sỹ Phan Huy Sơn quê ở xóm 2, Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1981, ông nên duyên cùng bà Trần Thị Ninh. Đến tháng 2/1982, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Nhập ngũ được một thời gian thì ông được điều vào Cửa Hội, thành phố Vinh, Nghệ An lúc bấy giờ học y tá. Sau đó được cử ra thành phố Hải Phòng học lên y sỹ. Hoàn thành việc học, ông được điều ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển của Tổ quốc.
Năm 1984, bà Ninh sinh con trai đầu lòng là Phan Huy Hà (SN 1984). Ngày vợ sinh con, người lính Phan Huy Sơn được đơn vị cho về phép thăm vợ con. Nhưng niềm vui lại hóa nỗi buồn khi đứa con sinh ra 4 ngày không khóc, 7 ngày không bú, hơn 3 năm mới biết đi, sau này khi khám mới biết Hà bị thiểu năng não.
Giấu nỗi đau gia đình, người lính lại ra đảo làm nhiệm vụ thiêng liêng cho Tổ quốc. Ở đảo Song Tử Tây được 2 năm, ông được nghỉ phép 9 tháng về với gia đình. Thời gian đó, bà Trần Thị Ninh có mang người con thứ hai.
Bà Ninh và cô con gái thứ hai tên Trang rơi nước mắt khi nói về người cha liệt sỹ.
Năm 1988, bà Trần Thị Ninh hạ sinh cô con gái thứ hai. Cũng năm này, người cha Phan Huy Sơn cùng đồng đội hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma.
Chúng tôi đến thăm gia đình, bà Trần Thị Ninh nghẹn ngào kể lại: "Lúc anh ấy rời nhà đi ra đảo, anh ấy còn hứa với tôi là sẽ về ngày tôi sinh cháu. Chỉ mong anh ấy được nhìn mặt con một lần. Thế mà anh đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lúc hy sinh ngay cả mặt đứa con gái thứ hai anh cũng chưa biết mặt... ". Nói đoạn bà Ninh ôm mặt cúi vào đứa con gái mà khóc.
Khó khăn cuộc sống mẹ góa, con côi
Phan Thị Trang (con gái liệt sỹ Phan Huy Sơn) sinh ra không được thấy mặt bố, lớn lên chỉ biết về bố qua những lời kể của mẹ, được nghe rằng bố đã hy sinh trên đảo Gạc Ma. Ngày Trang học lớp 6 mới biết cụ thể bố đã hy sinh như thế nào. Nghĩ về người cha đã hy sinh vì đất nước, Trang luôn cố gắng học thật giỏi và phụ giúp mẹ nhiều hơn trong cuộc sống.
Những năm cấp 2, cấp 3, Trang luôn là học sinh giỏi được thầy cô bạn bè thương mến. Ngày tốt nghiệp THPT, Trang tự tin dự thi và đã đỗ vào Khoa Sinh đại học Vinh.
Học được 2 năm thì em phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Vốn có người anh trai bệnh tật, giờ mẹ cũng bị bệnh, Trang đành phải gác lại giấc mơ học hành.
Nhưng lòng ham học thôi thúc, muốn phải làm được điều gì đó để có thể chữa trị cho mẹ, cho anh, nên năm 2011, Phan Thị Trang tiếp tục thi đỗ ngành Điều dưỡng, Trường cao đẳng Y khoa Vinh (nay là trường ĐH Y khoa Vinh). Tốt nghiệp năm 2014, không có việc làm, Trang về quê cùng mẹ chăm con trâu, đàn lợn, lo toan công việc đồng áng.
Trong thời gian này, Phan Thị Trang đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế qua tin nhắn Facebook, trình bày khó khăn và nguyện vọng mong muốn có một công việc làm ổn định để có thể phụ giúp mẹ cùng anh trai nhiều hơn trong cuộc sống.
Anh Phan Huy Hà, con trai liệt sỹ Phan Huy Sơn, bị thiểu năng.
Mong mỏi đợi chờ hồi âm, niềm vui cũng đã đến với gia đình Phan Thị Trang. Nhận được tâm thư của Phan Thị Trang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có Công văn gửi Sở Y tế Nghệ An về việc thu xếp giúp đỡ Trang có một công việc ổn định gần nhà.
Chiều ngày 15/3, trong buổi gặp gỡ tâm sự cùng PV, Trang ngồi bên mẹ khóc và chia sẻ: "Từ thuở bé, ước mơ của em đã muốn trở thành bác sĩ, lớn lên hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ và anh trai đều bị bệnh, công việc của bố ngày xưa cũng là quân y, ước mơ của em lại càng mạnh mẽ thêm. Mong sao Bộ trưởng Y tế và Sở Y tế Nghệ An có thể giúp đỡ em hoàn thành tâm nguyện này".
Bức tâm thư đẫm nước mắt gửi Bộ trưởng Bộ Y tế
Bức thư của Trang viết trên trang Facebook của mình gửi Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cháu chào bác...
Cháu là Phan Thị Trang con gái liệt sỹ tại đảo Gạc Ma năm 1988: Phan Huy Sơn quê tại Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An. Bố cháu đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cháu sinh ra thì bố đã không còn, bố cháu mất ngày 14/3/1988, cháu sinh 27/10/1988. Mẹ cháu mồ côi chồng khi mới bước sang tuổi 25. Anh trai cháu là Phan Huy Hà sinh năm 1984 bị tật bẩm sinh, không biết nói, không biết tự xúc cơm ăn, không biết vệ sinh cá nhân. Ăn uống phải cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi vật ngửa ra cho ăn như một đứa trẻ mới học ăn dặm. Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ mẹ và em giúp từ ăn uống, tắm gội tới vệ sinh. Ban đêm khi ngủ anh cháu còn bị lên cơn động kinh không có người bên cạnh thì không biết làm chết lúc nào.
Tâm sự cùng PV, Trang đã khóc nức nở vì cuộc sống vất vả của 3 mẹ con.
Bố cháu mất, để lại cho mẹ cháu hai đứa con thơ một tàn tật, một đang mang bầu (...)
Trước đây bố cháu là cán bộ y tế của Binh chủng Hải quân, bố mất sớm, anh tàn tật, mẹ thường xuyên đau ốm nên cháu theo học ngành y nhằm giúp đỡ và tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ và anh. Ước mơ của cháu là được trở thành một bác sỹ nhưng vì hoàn cảnh gia đình cháu không có tiền và thời gian học tập nên cháu chỉ đậu cao đẳng điều dưỡng, vì thi đại học y cháu thiếu 2 điểm. Mẹ cháu do vất vả, làm việc quá sức mà một bên thận đã bị teo đi, bên còn lại thì bị sỏi, mẹ bị u xơ tử cung, viêm loét dạ dày tá tràng, thường xuyên phải đi khám và điều trị tại bệnh viện Diễn Châu.
Nữ Bộ trưởng Bộ Y tế đã có phản hồi tới em Trang trên Facebook.
Cháu học xong cao đẳng với sự cố gắng của bản thân và gia đình, trước đây cháu đã học đại học Vinh nhưng vì gia đình khó khăn nên cháu phải bỏ học giữa chừng. Giờ cháu đã tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng mà chưa xin được việc làm, khó khăn lại càng đè nặng lên đôi vai mẹ cháu. Cháu có nạp hồ sơ vào các nơi nhưng không được vì họ đưa con em họ vào hết rồi, cháu buồn lắm, mẹ cháu cố gắng vay mượn chạy việc cho cháu nhưng không được.
Trong khi Đảng và Nhà nước nói quan tâm tới gia đình liệt sỹ đảo Gạc Ma nhưng gia đình cháu chưa nhận được sự quan tâm nào. Qua trang Facebook của Bộ trưởng cháu xin bác giúp đỡ cháu và gia đình cháu. Cháu cảm ơn bác.
Cảnh Huệ - Nguyễn Duy
Theo Dantri
Qua Facebook, Bộ trưởng Y tế giúp con của chiến sĩ Trường Sa Qua mạng xã hội, Bộ trưởng Y tế đã nhận được tâm thư của sĩ quan Nguyễn Anh Ninh kể về hoàn cảnh của con gái của một sĩ quan khác. Văn phòng Bộ Y tế vừa có công văn gửi Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đề nghị giúp đỡ một bệnh nhi là con của chiến sĩ từng...