Vĩnh biệt “báu vật dân gian” Hà Thị Cầu
Vào hồi 12h30 trưa nay 3/3, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà nhỏ của cụ tại Yên Mô, Ninh Bình, hưởng thọ 97 tuổi.
Bà Hà Thị Cầu được coi là báu vật sống cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm Việt Nam. Cuộc đời bà đã gắn bó với nghệ thuật hát xẩm từ nhỏ và rong ruổi từ Bắc chí Nam để kiếm sống thực sự bằng những bài hát xẩm.
Lễ viếng bà Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 7h sáng ngày 4/3.
Bà sẽ được an táng vào lúc 9h30 sáng 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).
Bà Hà Thị Cầu không biết chữ, nhưng bà là người thông minh và rất giỏi làm thơ và sáng tác các bài hát xẩm, hầu hết các bài hát xẩm do bà biểu diễn đều do bà tự đặt lời và truyền dạy cho con cháu.
Cuộc đời của bà Cầu nghèo khổ, đến lúc chết cuộc sống của bà cũng vẫn cơ cực như thế. Gia đình bà là hộ nghèo nhất ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Anh Nguyễn Văn Lới, con rể bà Hà Thị Cầu, người gần gũi bà Cầu những giây phút cuối cùng của bà cho biết bà ốm nặng từ trong Tết và gần như không ăn uống được gì. Những ngày gần đây, bệnh tình của bà nặng hơn, bà liệt cả người và không còn nói được nữa.
Mời bạn đọc xem lại một số hình ảnh về nghệ nhân Hà Thị Cầu:
Video đang HOT
Nghệ nhân Hà Thị Cầu trong một dịp biểu diễn tại Hà Nội – Ảnh tư liệu
Bà Cầu trong Xẩm đỏ – phim do Trung tâm Unesco điện ảnh phát triển và Hãng truyền thông Tứ Vân phối hợp thực hiện – Ảnh tư liệu
Đạo diễn Lương Đình Dũng và bà Hà Thị Cầu – Ảnh tư liệu
Nghệ nhân Hà Thị Cầu – Ảnh tư liệu
Bà Hà Thị Cầu đang “truyền nghề” cho một cô gái Hà Nội – Ảnh tư liệu
Theo 24h
'Xẩm đỏ' - tư liệu quý về nghệ nhân Hà Thị Cầu
Dự định quay trong một tháng, cuối cùng bộ phim tài liệu về nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của Việt Nam mất hơn hai năm mới hoàn thành.
Bộ phim không có lời bình, giống như một sự độc diễn của nhân vật. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, anh không muốn đem lời bình vào phim mà muốn để dành phần đó cho khán giả. " Mỗi phim có một tính chất khác nhau. Nếu tôi đưa lời bình vào phim này và dùng lời bình dẫn dắt câu chuyện theo ý đồ của mình thì phim có thể dễ xem hơn, nhưng nó sẽ trở nên khiên cưỡng và thiếu đi tính tự nhiên. Tôi muốn khán giả tự cảm nhận và như đang được xem, được nghe, được đối thoại với chính nhân vật. Mặc dù khi thực hiện phim không sử dụng lời bình cũng hơi vất vả vì phải quay rất nhiều để tìm ra sự xâu chuỗi trong các hình ảnh ấy" - anh lý giải.
Được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ ưu tú và giải thưởng Đào Tấn cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc, bà Hà Thị Cầu lại có hoàn cảnh sống rất khó khăn. Gia đình bà hiện là một trong những hộ nghèo nhất xã, con gái chạy chợ, con rể làm nghề đánh cá.
Là một đạo diễn lành nghề, từng quay nhiều phim truyện và quảng cáo, Lương Đình Dũng ước tính, việc quay phim về một nhân vật, không có sự chuyển dịch bối cảnh nhiều sẽ mất cùng lắm một tháng. Không ngờ sự khó khăn trong quá trình thực hiện cùng sự kỹ tính cầu toàn khiến êkíp phải đi lại Ninh Bình nhiều lần trong hai năm trời. Nghệ nhân 95 tuổi lúc hợp tác, lúc từ chối, lúc khóc, lúc cười, nhớ nhớ, quên quên theo căn bệnh tuổi già, có hôm đang hát nửa chừng thì mất giọng. Tuy vậy, Lương Đình Dũng vẫn kiên quyết theo đuổi bộ phim bởi lòng đam mê xẩm và tình yêu với văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Khi cảnh quay cuối cùng kết thúc, bà Hà Thị Cầu nắm tay anh bảo: "May mà con làm sớm chứ bây giờ sắp không hát được nữa rồi con ạ". Từ hơn 1.200 phút quay, chắt đọng lại chỉ còn 35 phút, Lương Đình Dũng và cả êkíp đã phải đau đầu cân nhắc. Đây là một trong số ít sản phẩm mà anh thực sự hài lòng. Dù vậy, nhiều khán giả khi cầm trên tay Xẩm đỏ vẫn cảm thấy tiếc vì phim quá ngắn. Chính vì thế, Lương Đình Dũng dự định sẽ dựng lại một bản phim khác dài hơn để người xem có thể được nghe nhiều hơn những bài hát của "báu vật làng xẩm".
Đạo diễn Lương Đình Dũng đã phải mất nhiều thời gian để thuyết phục nghệ nhân Hà Thị Cầu đồng ý thực hiện bộ phim.
Giải thích về tên phim, vị đạo diễn sinh năm 1973 cho biết: "Tôi muốn gọi nó là Xẩm đỏ vì theo tôi, khi phác họa hát xẩm bằng màu sắc thì sẽ thiên về màu đỏ. Đó là màu báo động về một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền khi những nghệ nhân của nó dần ra đi. Nó còn là màu của nước mắt, mồ hôi của những thân phận nghệ nhân hát xẩm khốn khó, hẩm hiu khi xưa".
Ngoài Xẩm đỏ, Lương Đình Dũng cũng thực hiện sản xuất đĩa DVD chương trình "Hề chèo Việt Nam" với những trích đoạn như Hề cu Sứt, Lý trưởng mẹ Đốp, Thị Mầu lên chùa, Thầy bói đi chợ... làm quà tặng cho Đại hội Unesco thế giới lần thứ 8 tổ chức tại Việt Nam năm 2011 với mong muốn đưa những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Hai diễn viên chính của "Cha cõng con" - bộ phim mà Lương Đình Dũng đang ấp ủ.
Hiện Lương Đình Dũng đã hoàn thiện kịch bản phim truyện 90 phút Cha cõng con và dự kiến khởi quay vào tháng 6/2013. Phim là câu chuyện về một người cha đưa cậu con trai bé nhỏ đi tìm đám mây trong giấc mơ của cậu bé trước khi không thể. Pilar Alessandra - biên kịch nổi tiếng ở Hollywood, người từng được đạo diễn danh tiếng Steven Spielberg chọn làm trưởng bộ phận phân tích kịch bản khi thành lập Hãng Dream Works - đã khóc khi đọc Cha cõng con và tư vấn, hiệu chỉnh kịch bản cho anh trong một thời gian dài. "Giờ đây, kịch bản Cha cõng con khiến tôi thực sự cảm thấy hài lòng. Tôi ước muốn được làm phim này, vì khi còn bé, trên đường đi về quê, tôi đã vô tình chứng kiến cảnh một người con cầm gậy đánh cha mình đến gục ngã, hình ảnh và tiếng la hét đã ám ảnh tôi đến bây giờ. Bây giờ đọc báo thấy những vụ án đau lòng cha mẹ bạc đãi con cái, con cái đánh đập thậm chí sát hại cha mẹ, nó thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó. Tôi tin câu chuyện phim sẽ làm cho khán giả xúc động mạnh" - Lương Đình Dũng trải lòng.
Theo VNE
Lớp học đặc biệt giữa Thủ đô Trước sự mai một của nghệ thuật hát xẩm các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã tổ chức lớp dạy miễn phí loại hình nghệ thuật dân gian cho mọi người ngay tại Hà Nội. Hoạt động được gần 5 năm và diễn ra ngay dưới mái đình Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội cho...