VinFast bắt đầu hoạt động tại Bắc Mỹ và châu Âu
Hãng xe Việt đã đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan vào hoạt động từ ngày 12/7, chuẩn bị ra mắt thị trường.
Đây là 5 thị trường trọng điểm nằm trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của VinFast ngay từ những ngày đầu, với mục tiêu trở thành hãng ôtô điện thông minh trên toàn cầu. Hơn một năm qua, hãng đã hoàn thiện bộ máy, thiết lập nền tảng kinh doanh ở những quốc gia này.
Bên cạnh đội ngũ quản lý cấp cao người Việt, VinFast thu hút nhiều chuyên gia ôtô và kinh doanh từ Tesla, BMW, Porsche, Toyota, Nissan tham gia hoàn thiện hệ thống, mở rộng mạng lưới đối tác.
Ôtô điện VF e35. Ảnh: VinFast
Bước đầu, hãng tập trung vào Pháp, Đức và Hà Lan trước khi mở rộng ra các nước khác tại châu Âu. Mỗi thị trường sẽ có một kế hoạch kinh doanh riêng để tiếp cận. Bản thân các sản phẩm cũng được tuỳ biến về thiết kế, tính năng để phù hợp với nhu cầu của khách cũng như điều kiện vận hành tự nhiên.
Với việc đi vào hoạt động từ bây giờ, VinFast sẽ có hơn nửa năm để chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc mở bán sản phẩm. Cụ thể, hai mẫu VF e35 và VF e36 sẽ bán ra trên toàn cầu từ tháng 3/2022.
Tiếp cận bằng xe điện là lựa chọn thức thời của hãng xe Việt. Bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cho rằng việc châu Âu và Bắc Mỹ công bố lộ trình cấm bán ôtô xăng, dầu là cơ hội lớn để VinFast chinh phục các thị trường này.
Ngay cả nhiều hãng ôtô truyền thống trên thế giới cũng mới chỉ bắt đầu bước vào con đường xe điện vài năm gần đây, bởi vậy khoảng cách giữa các hãng lâu đời và start-up trong mảng xe điện là không rõ ràng. Nếu một hãng mới nhưng tiềm lực tài chính, công nghệ mạnh hoàn toàn có thể chiến thắng các “ông lớn”. Tesla là một minh chứng.
Jeremy Snyder, với hơn 10 năm là quản lý cấp cao tại Tesla và hiện là giám đốc phát triển thị trường của VinFast tại Mỹ cho biết: “Chúng tôi tự tin VinFast có thể cạnh tranh sòng phẳng với những thương hiệu hàng đầu tại Mỹ hiện nay”. Trong khi đó, bà Hải cũng khẳng định ngoài chất lượng sản phẩm, chính sách bán hàng thì “dịch vụ hậu mãi theo phong cách Á Đông” cũng là một yếu tố mới lạ để khách hàng đón nhận VinFast.
Hai sản phẩm “chào sân” VF e35 và VF e36 là những mẫu crossover, SUV điện cỡ trung và lớn, trang bị nhiều tiện ích, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất của NHTSA (Cục an toàn giao thông quốc gia Mỹ) và Euro NCAP. Cả hai sẽ tích hợp các tính năng ADAS (hỗ trợ lái tự động) và Smart Service (hệ thống thông tin giải trí thông minh) do VinFast cùng các đối tác nghiên cứu và phát triển.
Video đang HOT
Hai mẫu xe này cũng vẫn thừa hưởng thành quả của sự hợp tác giữa VinFast và các tên tuổi trong ngành công nghệ và công nghiệp bốn bánh như Pininfarina, ZF, Durr, Bosch, ABB, Faurecia, Dassault, Google.
Nhân dịp này, VinFast chính thức công bố sự kiện VinFast EV Day 2021 sẽ được tổ chức vào tháng 10 để giới thiệu danh mục sản phẩm ôtô điện hoàn thiện ở tất cả phân khúc. Trước đó, mẫu ôtô điện đầu tiên của VinFast là VF e34 đã lập kỷ lục tại thị trường Việt Nam khi nhận được hơn 25.000 đơn đặt cọc chỉ sau một thời gian ngắn mở bán.
VinFast và con đường mở rộng tại các thị trường phương Tây
Dù sẽ phải đối mặt với không ít những khó khăn để thành công tại thị trường châu Âu và Mỹ nhưng VinFast được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam.
Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, đang có kế hoạch mở rộng mảng ô tô dưới thương hiệu VinFast sang thị trường Mỹ và châu Âu trong năm tới, theo một nguồn tin.
Đầu năm 2021, VinFast đã thông báo về kế hoạch bán ra những chiếc ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm nay. Xe sử dụng năng lượng xanh của thương hiệu này cũng sẽ cập bến thị trường Mỹ, Canada và châu Âu vào năm 2022.
Tháng 6/2021, hãng xe thương hiệu Việt cho biết California (Mỹ) đã cho phép VinFast bắt đầu thử nghiệm xe điện tự hành của mình tại đây. Có thông tin cho rằng VinFast dự định tung 5 mẫu ô tô điện mới được phát triển và 3 mẫu xe thông minh, trong đó có sản phẩm chỉ bán tại thị trường nước ngoài.
"Đã đến lúc chúng tôi, Vingroup và Việt Nam, thực hiện ước mơ vươn ra toàn cầu và ghi tên mình trên bản đồ thế giới", ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập Vingroup và là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, cho hay.
Tham vọng của Vingroup nhận được quan tâm của các chuyên gia trong ngành.
Đặt ra mục tiêu cao
Theo Báo đầu tư, VinFast đã hạ mục tiêu bán 15.000 xe điện trong năm tới, giảm so với ước tính trước đó là 56.000 xe.
Tuy nhiên, thương hiệu Việt vẫn kỳ vọng trong vài năm tới sẽ chiếm 1% tổng thị phần tại Mỹ, tương đương với việc bán 160.000 - 180.000 ô tô điện mỗi năm.
"Dường như không có đủ sự khác biệt trong các loại xe, công nghệ giữa chúng hay những giá trị bổ sung mà VinFast cung cấp để tạo ra đủ khác biệt, trừ khi hãng có một mức giá thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh", giáo sư Wells nói.
Đây cũng có thể là chiến lược của VinFast, mặc dù chưa có thông tin nào về mức giá được tiết lộ. Vấn đề với việc hạ giá thành là "rất khó khăn để nâng lên sau đó", Wells nói thêm.
Bill Russo, người đứng đầu công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) và là cựu giám đốc điều hành của Chrysler, cho biết: "Những gì VinFast thể hiện là tốc độ vươn ra thị trường và dường như công ty sinh ra để hướng tới toàn cầu".
"Liệu người Mỹ có lựa chọn xe Việt Nam? Ô tô Nhật Bản từng được xem là "chiếc hộp kinh tế" và giá rẻ trong những năm 1970 và ô tô Hàn Quốc được nhận xét là xe tiết kiệm vào những năm 1980. Có thể thấy, các công ty châu Á có tiền lệ phá vỡ quy luật của thị trường", Russo nói thêm.
"Châu Âu có thể là thách thức khó khăn hơn, với một thị trường lớn chẳng hạn như Đức và Pháp. Nhưng VinFast vẫn có cơ hội nếu hình thành quan hệ đối tác phù hợp với các công ty dịch vụ sát sườn với khách hàng (như phân phối, bán lẻ...)".
Những khó khăn không có nghĩa là VinFast sẽ thất bại. Công ty đã tập hợp một đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, nhiều người trong số họ là cựu giám đốc điều hành của General Motors, gã khổng lồ xe hơi của Mỹ, những người có kinh nghiệm trên thị trường.
Quan hệ đối tác và IPO
Có thể cho rằng, thành công của VinFast dựa trên hai vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Yếu tố thay đổi cuộc chơi lớn nhất với VinFast có lẽ sẽ là mối quan hệ hợp tác được đồn đoán với Foxconn, công ty gia công điện tử lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan. Hồi tháng 3, có thông tin cho rằng hai công ty đang đàm phán để phát triển pin và các bộ phận điện tử trên xe.
Foxconn đã đầu tư mạnh vào Việt Nam trong những năm gần đây, sau khi chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Đầu năm nay, truyền thông đưa tin công ty Đài Loan có kế hoạch rót thêm 700 triệu USD vào Việt Nam vào năm 2021.
"Sự kết hợp trên có thể tạo nên sự khởi đầu căn bản từ ngành công nghiệp ô tô truyền thống, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì cụ thể", Wells nói.
Yếu tố thứ hai có thể làm thay đổi cuộc chơi đó là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) theo kế hoạch tại Mỹ. Đây được xem là đợt IPO đầu tiên của một công ty Việt Nam.
VinFast ghi nhận khoản lỗ ròng 247,9 triệu USD trong năm 2019, tăng lên 286,6 triệu USD trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, tài chính dường như không phải vấn đề lớn đối với công ty.
Đầu tiên, VinSmart, một công ty con của Vingroup, sẽ chịu chi phí sản xuất và bảo trì pin sạc được sử dụng trên ô tô VinFast. Thông qua cách hạch toán thông minh này, VinFast đã giảm được các khoản nợ phải trả của mình. Ngoài ra, VinFast đã tăng vốn điều lệ lên 1,9 tỷ USD vào tháng 3 năm nay.
Làm việc với JPMorgan và Deutsche Bank, đầu năm nay có thông tin rằng VinFast có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Với mức định giá tiềm năng là 60 tỷ USD sẽ cho phép hãng này huy động được 2 tỷ USD vốn. Tuy nhiên kế hoạch IPO hiện chưa có thông tin gì thêm.
Phát triển và kỳ vọng
Vingroup vươn lên trở thành công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam nhờ đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản trong những năm 2000. Kể từ đó, tập đoàn mở rộng hoạt động thông qua các công ty con, đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả Vinbiocare, một công ty công nghệ sinh học mới ra mắt gần đây.
"Ông Vượng thể hiện tầm nhìn tốt trong lĩnh vực kinh doanh mới này, nhưng việc làm thế nào để ông ấy hiện thực tầm nhìn đó còn quan trọng hơn", ông Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute), cho biết.
Quan trọng không kém trong chiến lược của Vingroup là kế hoạch mở rộng sang các nền kinh tế phát triển của phương Tây, là minh chứng biểu tượng cho tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, trên cả phương diện chính trị và thương mại.
Ông Hiệp cho biết kế hoạch mở rộng sang các thị trường Mỹ và châu Âu của VinFast "dường như được cả chính phủ và người dân Việt Nam đón nhận vì Vingroup hiện được coi là một trong những "quán quân quốc gia" có thể giúp chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam theo hướng đổi mới và hiệu quả hơn".
Và ngay cả khi kế hoạch vươn ra toàn cầu của VinFast không đạt kỳ vọng, nó chắc chắn sẽ đưa những "quán quân quốc gia" đang lên của Việt Nam ra bản đồ thế giới.
VinFast Lux ưu đãi "khủng" tới 140 triệu đồng mừng 2 năm chính thức lăn bánh Chương trình ưu đãi đặc biệt được hãng xe Việt áp dụng với hai mẫu Lux SA2.0 và Lux A2.0 trong tháng 7/2021, mang đến cho khách hàng cơ hội dễ dàng sở hữu những chiếc xe hạng sang với chi phí hấp dẫn. "Ưu đãi kép" với tổng giá trị lớn nhất thị trường Nhằm tri ân những khách hàng luôn tin...