Vinasun kiện Grab và cuộc chiến giữa 4.0 với 2.0
Khá nhiều người đang lo lắng taxi công nghệ 4.0 sẽ thua taxi truyền thống 2.0 trong vụ kiện Vinasun – Grab. Nhưng “phán quyết” của người dùng sẽ có sức nặng hơn tất cả. Bất cứ hãng nào, nếu cứ mải mê tranh tụng, không đổi mới phục vụ, thì mới chính là người thua, cho dù có được tòa xử thắng.
Phiên tòa Vinasun kiện Grab đang gây sự chú ý đặc biệt với dư luận, không đơn thuần do yêu cầu của Vinasun đòi Grab phải bồi thường thiệt hại hơn 41,2 tỷ đồng, mà còn do quan điểm của Viện Kiểm sát tại phiên tòa cho rằng Grab như đơn vị kinh doanh vận tải.
Thực tế, ứng dụng gọi xe trực tuyến như Grab và Uber được xem là những biểu tượng rõ ràng nhất của kỷ nguyên cách mạng công nghệ. Nó phát triển toàn cầu, dù cho đến giờ, sau bao năm hoạt động thì người ta vẫn chưa thể đặt tên một cách chính xác bản chất mô hình kinh doanh của Uber, Grab là công ty vận tải hay đơn thuần là sản phẩm kỹ thuật số.
Bản thân cả Uber và Grab đều nhiều lần khẳng định mình là các công ty công nghệ chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải, kết nối giữa các khách hàng có nhu cầu và những đối tác có xe nhàn rỗi. Nhưng đã có nhiều quốc gia và có thể sắp tới là Việt Nam, nếu ý kiến của Viện Kiểm sát được tòa chấp nhận, xem các hãng gọi xe là công ty vận tải.
Bắt đầu năm 2017, đại diện các hãng taxi ở Barcelona, Tây Ban Nha khởi kiện Uber cạnh tranh không lành mạnh, đã “bỏ qua” các điều luật kinh doanh của ngành vận tải truyền thống. Cuối năm 2017, tòa Công lý châu Âu (ECJ) phán quyết xem Uber là một công ty vận tải.
Kết quả trên được đưa ra khi trận chiến pháp lý giữa Uber và các hiệp hội taxi truyền thống tại châu Âu đã kéo dài nhiều năm. Nhưng xem ra, cuộc chiến chưa dừng lại ở phán quyết của ECJ, bởi nó chỉ dừng lại ở giá trị tham khảo, chứ không mang tính bắt buộc và đến nay chưa có quốc gia nào thực hiện theo phán quyết này, ngoại trừ một số điều chỉnh.
Định nghĩa về taxi ở Việt Nam cũng khá đơn giản: “Ôtô taxi là loại xe ôtô có không quá 8 ghế (kể cả ghế người lái) được thiết kế để vận chuyển khách đáp ứng các điều kiện tại Chương II của Quy định này”. “Kinh doanh vận tải khách bằng taxi là kinh doanh vận tải khách bằng ôtô có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền”.
Và đấy chính là “cái cớ” để Vinasun kiện Grab, như CEO Jerry Lim của Grab Việt Nam nói. Đây là vụ kiện đầu tiên trên thế giới mà một doanh nghiệp taxi kiện một công ty công nghệ với cáo buộc bị sụt giảm lợi nhuận. Điều này khá lạ, bởi đến nay Grab không hề bị Bộ Công Thương – cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh thổi còi, nhưng lại bị đối thủ taxi truyền thống kiện.
Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam có định nghĩa khá hay. Ông cho rằng Grab, có hai cách hiểu: Cách hiểu 1: Grab = Mr. App; Cách hiểu 2: Grab = Mr. App Mr. Chở. Mr. Chở ở Việt Nam và có một cái xe ( xe máy hoặc ô tô).
Về mặt pháp lý, khi một hoạt động có sự tham gia của 2 Mr. là A và B, anh có thể kiện Mr. A, hoặc Mr. B, hoặc kiện cả Mr. A và Mr. B, nhưng anh không thể kiện Mr. AB. Thực tế không hề tồn tại Mr. AB. Nguyên đơn chỉ kiện Mr. App, nhưng lại muốn Mr. App bao gồm Mr. Chở để gọi chung là “doanh nghiệp vận tải” để thắng trận.
Tôi nhất trí với quan điểm của ông Lương Hoài Nam: “Gọi Grab là “doanh nghiệp vận tải” chẳng khác nào gọi các công ty nước ngoài đang cung cấp hệ thống bán vé máy bay ở Việt Nam là các “hãng hàng không”. Đúng là không để “một doanh nghiệp kém cỏi có thể chết, nhưng không thể vì nó mà làm chết một môi trường kinh doanh, một môi trường kiến tạo phát triển”.
Video đang HOT
Để thắng kiện, Vinasun phải chứng minh 3 vấn đề: Trong kinh doanh Grab có hành vi trái luật; Hành vi trái luật này đã khiến Vinasun thiệt hại; Mối quan hệ nhân quả (trực tiếp) giữa hành vi trái luật và thiệt hại đó. Nhưng theo những lập luận tại phiên tòa, 3 yếu tố đều mờ nhạt.
Muốn để tòa đưa ra phán quyết yêu cầu Grab bồi thường, đại diện VKS có mặt tại phiên tòa phải chứng minh 3 vấn đề lớn: Grab có hành vi kinh doanh trái luật hay không? Thiệt hại về giảm lợi nhuận của Vinansun có phải là thiệt hại chỉ liên quan đến hoạt động kinh doanh taxi không? Nếu như 2 vấn đề trên đã được làm rõ, thì cũng phải xác định thêm mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật của Grab và giả định là có, cần xem những vấn đề sau: Bao nhiều lần khuyến mãi của Grab sai luật? Có bao nhiêu đối thủ khác khiến Vinasun sụt giảm doanh thu (không thể ước tính Grab chịu trách nhiệm 41,2/77 tỷ đồng thiệt hại của họ)…
Các luật sư cho rằng, không thể đơn thuần đưa ra phán quyết ủng hộ Vinasun chỉ bằng những lý luận nặng về cảm tính như hiện tại. Nếu phán quyết của tòa ủng hộ lập luận của VKS, vô hình trung sẽ mở ra tiền lệ kiện cáo, thay vì kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước thay đổi điều kiện kinh doanh taxi truyền thống, lại đi kiện cáo taxi tiên phong để họ vẫn là “người tiên phong”.
Ông Jerry Lim – Giám đốc Grab thì cho rằng: “Thật vô lý khi một công ty công nghệ như Grab bị trừng phạt vì đã có ưu thế công nghệ hơn các mô hình kinh doanh truyền thống nhằm mục đích mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam”.
Hãy bỏ qua Vinasun hay Grab thắng, chúng ta hãy xem người dân được hưởng lợi gì khi sử dụng taxi công nghệ. Người dùng sẽ là “quan toà” phán quyết sự phát triển hay tồn vong một loại hình dịch vụ.
Taxi công nghệ mà đại diện là Grab là một dịch vụ có giá được công bố trước để người mua lựa chọn. Phần lớn cước trên một quãng đường của taxi công nghệ sẽ rẻ hơn taxi truyền thống, nếu thời tiết xấu, cước Grab đắt hơn thì thời gian chờ xe ngắn hơn. Khách hàng của Grab không bị tính tiền gian, chạy gian và xe lại thường mới hơn.
Tài xế Vinasun cầm trên tay các biểu ngữ phản đối Grab trước sân phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Vinasun kiện Grab.
Không chỉ dòng chảy lái xe taxi truyền thống đang chuyển sang taxi công nghệ, mà chính nhiều hãng thay vì kiện cáo cũng đã ứng dụng công nghệ vào việc phục vụ hành khách. Group Taxi ở Hà Nội đã “làm mới” quy trình phục vụ. Nếu khách hàng không cài app thì tổng đài sẽ có tin nhắn thông báo về lái xe, số xe, thời gian và link hành trình…, họ cũng không còn từ chối cuốc ngắn.
Phán quyết của người dùng sẽ có sức nặng hơn bất cứ phán quyết của cá nhân, tập thể nào. Vinasun hay bất cứ hãng taxi, dịch vụ nào, nếu cứ mải mê tranh tụng, không nhanh chóng đổi mới quy trình phục vụ, quan tâm đến hành khách, thì rất có thể họ mới chính là người thua, cho dù có được tòa xử thắng.
Theo Danviet
VKS đề nghị Grab bồi thường gần 42 tỷ cho Vinasun
Xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kiện của Vinasun.
Chiều 23/10, phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ kết thúc phần tranh luận.
Phát biểu quan điểm, đại diện VKS TP HCM cho rằng, tòa cùng cấp hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết vụ kiện, bởi đây là vụ tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện.
VKS lần lượt đề nghị HĐXX bác yêu cầu của Grab về việc triệu tập Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp cùng tham gia Đề án 24, đại diện công ty thẩm định Cửu Long, vì cho là không cần thiết. "Cũng không cần thiết giám định lại thiệt hại của nguyên đơn", kiểm sát viên nêu quan điểm.
Đại diện người Singapore của Grab (bên trái) tại toà. Ảnh: Hữu Khoa.
Về nội dung, VKS cho rằng Grab trực tiếp vận hành, điều xe, quy định giá cước, mức chiết khấu và quy định xử phạt đối với tài xế. Ngoài ra, Grab còn đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi trong đó có "chuyến xe 0 đồng". Đây là căn cứ cho thấy bị đơn không đơn thuần là đơn vị cung cấp công nghệ mà thực chất là công ty kinh doanh vận tải taxi.
"Việc Vinasun yêu cầu bồi thường thiệt hại do lợi nhuận giảm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi Grab đã không trung thực khi kê khai ngành nghề và có hành vi khuyến mãi không đúng quy định, hơn 70% khách hàng của Vinasun chuyển sang dùng Grab vì giá cước rẻ", đại diện VKS nói.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Vinasun giảm gần 320 tỷ đồng, năm 2016 là hơn 295 tỷ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 53 tỷ, hết quý hai đã có hơn 8.000 nhân viên nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi...
Bởi các lẽ trên, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn thiệt hại.
HĐXX sẽ tuyên án vào chiều 29/10.
Đại diện Vinasun trả lời toà. Ảnh: Hữu Khoa.
Vụ kiện được khởi phát tháng 6 năm ngoái. Nguyên đơn cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.
Vinasun cung cấp cho tòa nhiều văn bản, hình ảnh và hàng chục video... được cho là "chứng cứ Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam". Vinasun chỉ ra, theo Đề án 24, Grab khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hãng taxi công nghệ này đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm....
Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.
Tại phiên xử hồi tháng 2, sau hai ngày tranh luận gay gắt, HĐXX tạm dừng phiên tòa, yêu cầu các đơn sự cung cấp thêm chứng cứ về giấy phép đăng ký kinh doanh, hình thức hoạt động, số liệu liên quan...
Khoảng một tháng sau, TAND TP HCM tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện để chờ kết quả thu thập chứng cứ từ Sở GTVT, Sở Công thương, Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM và Bộ GTVT...
Trong lần mở lại phiên xử vào tháng 9, tòa tiếp tục hoãn xử do đại diện Grab vắng mặt với lý do "đang khiếu nại kết quả thẩm định thiệt hại của Vinasun" lên Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM.
Đại diện VKS xét hỏi hai bên trước khi đưa ra quan điểm. Ảnh: Kỳ Hoa.
Tại phiên xử lần này, Grab giữ nguyên quan điểm tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Đại diện bị đơn cho biết không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng là "cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải" và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Mức giá Grab áp dụng cho khách hàng là do hợp tác xã đưa ra. Căn cứ để thường xuyên thay đổi mức giá là phụ thuộc vào thời gian, thời tiết, nhu cầu thị trường và lập trình dựa trên đơn giá cũng do hợp tác xã cung cấp.
Khẳng định không gây thiệt hại cho nguyên đơn, Grab công bố nghiên cứu thị trường cho thấy Vinasun mất khách hàng đến từ nhiều nguyên nhân như: thái độ của tài xế, thời gian chờ xe lâu, chất lượng xe...
Grab cũng yêu cầu tòa triệu tập các đối tác sử dụng phần mềm trong Đề án 24, đại diện Bộ GTVT, để làm rõ một số vấn đề liên quan đến đề án; hai công ty mà Vinasun đã thuê để nghiên cứu thị trường làm cơ sở đưa ra yêu cầu khởi kiện; đại diện Công ty Cửu Long.
Kỳ Hoa
Theo VNE
Giám đốc Grab Việt Nam lên tiếng vụ bị Vinasun kiện Người đứng đầu Grab tại Việt Nam cho rằng hoạt động Grab là đúng quy định pháp luật và mang lại nhiều tiện ích, tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động vận tải. Như Dân Việt đã thông tin, sau hai ngày xét xử, TAND TP.HCM đã ra quyết định tạm dừng phiên tòa xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại...