Vinamilk ký hợp đồng xuất khẩu trị giá hơn 12 triệu USD
Ngay ngày đầu tiên tham gia Hội chợ chợ Gulfood 2016 tại Dubai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký được hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sữa bột cho trẻ em trị giá 12,5 triệu USD.
Từ 21/2 đến 25/2, Vinamilk tham dự hội chợ Gulfood 2016 được tổ chức tại Trung tâm thương mại Thế giới Dubai, nhằm đẩy mạnh hơn nữa hình ảnh, hoạt động của Vinamilk ở khu vực Trung Đông, cũng như kết nối được với khách hàng ở các nước lân cận và châu Phi.
Điều đáng mừng là ngay ngày đầu tiên tham gia Hội chợ này, Vinamilk đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sữa bột cho trẻ em trị giá 12,5 triệu USD.
Gian hàng Vinamilk thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các khách hàng và đối tác tại Gulfood
Có thể nói, ngay trong những ngày đầu năm sau Tết nguyên đán, việc Vinamilk ký được hợp đồng như vậy được coi là tin vui, bởi tìm kiếm được đối tác kinh doanh, đặc biệt là đối tác nước ngoài luôn là mong muốn của doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Hội chợ Gulfood 2016, Vinamilk đem đến những dòng sản phẩm trọng tâm đã thành công ở thị trường như sữa bột, bột dinh dưỡng, sữa đặc nhằm quảng bá mạnh hơn nữa hình ảnh của Vinamilk tại thị trường Trung Đông và châu Phi, đồng thời giới thiệu các sản phẩm sữa bột và bột sản phẩm mới xuất khẩu thị trường.
Video đang HOT
Với kinh nghiệm hơn 15 năm thâm nhập và phát triển tại thị trường Trung Đông, Vinamilk đã và đang mở rộng danh mục sản phẩm với các dòng sản phẩm mới như sữa đặc, bột dinh dưỡng nhằm thỏa mãn được nhu cầu đặc trưng của người tiêu dùng ở đây. Điều này đã góp phần tạo nên sự phát triển vượt bậc của Vinamilk ở Trung Đông trong 5 năm gần đây với tốc độ tăng trưởng doanh số trung bình từ 38% trong giai đoạn 2010-2015.
Ông Võ Trung Hiếu – Giám đốc Kinh Doanh Quốc tế Vinamilk giới thiệu với các đối tác các sản phẩm mới của Vinamilk tại hội chợ
Theo Vinamilk, thông qua việc tham gia hội chợ, Vinamilk xem đây là đầu mối cửa ngõ để gặp gỡ các khách hàng từ các quốc gia xung quanh, trao đổi thông tin về thị trường, chào hàng và xúc tiến ký kết các hợp đồng thương mại mới. Bên cạnh đó, hoạt động lần này cũng là một hình thức để Vinamilk hỗ trợ các nhà phân phối của mình tại thị trường để quảng bá sản phẩm, và tìm kiếm thêm những đối tác tiềm năng. Những hoạt động này sẽ là bước đệm ban đầu để Vinamilk triển khai kế hoạch tại thị trường Trung Đông với mục tiêu tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm, thông qua việc phối hợp với các nhà phân phối tập trung vào các thị trường mấu chốt và nhiều tiềm năng như Iraq, Syria, Yemen. Đồng thời, doanh nghiệpk tiếp tục tung thêm sản phẩm mới cho các ngành hàng quen thuộc, phát triển thêm các kích cỡ ,bao bì mới đem lại cho người tiêu dùng tại đây những sự lựa chọn đa dạng.
Được biết, năm 2015, doanh thu của Vinamilk đạt khoảng hơn 40.222 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với 2014 và nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.922 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Cũng trong năm 2015, doanh nghiệp này đã sản xuất và đưa ra thị trường gần 6 tỉ sản phẩm sữa các loại phục vụ người tiêu dùng cả nước.
Hội chợ Gulfood 2016 là một hội chợ thường niên trong lĩnh vực thực phẩm, thức uống và khách sạn với khối lượng giao dịch lên đến hàng tỷ USD. Đây là nơi sẽ kết nối các quốc gia và nhà cung cấp, mở các kênh phân phối cho các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có liên quan, và làm nổi bật vai trò chiến lược của Dubai như là một trung tâm đầu não của thương mại công nghiệp thực phẩm toàn cầu. Năm 2015, với hơn 100.000m2 diện tích trưng bày, hội chợ đã thu hút hơn 4.200 doanh nghiệp tham dự đến từ 87 quốc gia, với lượng khách tham quan gần 85.000 đến từ 156 quốc gia (64% khách quốc tế và 36% khách từ UAE).
Hương Thủy
Theo_Hà Nội Mới
Gỡ khó cho người chăn nuôi bò sữa
TP Hồ Chí Minh hiện có tổng đàn bò sữa lớn nhất nước với khoảng 100.000 con, trong đó, huyện Củ Chi chiếm khoảng 70%, sản lượng sữa đạt khoảng 500 tấn/ngày. Hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa đều bán sản phẩm cho Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Friesland Campina Việt Nam (nhãn hiệu Cô gái Hà Lan). Thời gian gần đây, có đơn vị thu mua đặt ra hàng loạt hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn và thông báo sẽ giảm sản lượng thu mua khiến người chăn nuôi lo lắng...
Sữa giảm cả giá và lượng
Hộ ông Võ Văn Thẳng ở ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ năm 2003, đến nay, đàn bò của gia đình ông được 80 con, sản lượng sữa đạt khoảng 500 kg/ngày. Nhờ đầu tư chuồng trại đạt chuẩn và chăn nuôi đúng kỹ thuật nên đã tạo được niềm tin nơi đơn vị thu mua, đầu ra của sản phẩm ổn định. Sản phẩm sữa của trang trại ông Thẳng có giá bán dao động từ 12.000 đến 13.000 đồng/kg, mức giá tương đối có lãi. Gần đây, đơn vị thu mua thông báo, sắp tới chỉ thu mua khoảng 90% sản lượng. Trao đổi với chúng tôi, ông Thẳng lo lắng: "Trước thông tin này, bà con chăn nuôi không dám đầu tư tăng đàn và sắp tới sẽ dần loại thải những con không đạt, nếu không sẽ lỗ nặng. Nếu phía đơn vị kia chỉ thu mua 90% sản lượng, 10% còn lại chỉ mua với giá 7.400 đồng/kg, với giá như vậy, thà đổ cho bê ăn còn hơn".
Một hộ chăn nuôi khác ở xã An Phú cho biết, năm 2014, gia đình có 30 con bò sữa, nay chỉ còn tám con. Lý giải nguyên nhân giảm đàn, đại diện hộ này cho biết: Đơn vị thu mua thông báo sản phẩm sữa của gia đình bị nhiễm tạp trùng, tạm ngưng thu mua 14 ngày, trong khi mỗi ngày đàn bò cho sản lượng khoảng 110 kg, đành phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ. Gia đình tôi đã loại thải dần đàn bò với giá bán 30 triệu đồng/con. Hiện giờ, đơn vị thu mua sữa đã thu hồi hợp đồng. Đơn vị thu mua cho rằng, sản phẩm sữa của gia đình tôi nhiễm tạp trùng thì biết vậy, chứ đâu lấy gì kiểm chứng. Từ giá đến chất lượng sữa đều do bên mua định đoạt, nông dân chẳng biết thực hư ra sao. Tôi mong có một cơ quan độc lập kiểm tra chất lượng sản phẩm, đồng thời lo đầu ra ổn định, giá bán có lãi thì bà con mới tiếp tục tái đàn, nếu không sẽ bán hết...
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú Tăng Văn Đạo cho biết, toàn xã hiện có 422 hộ chăn nuôi bò sữa với khoảng 6.000 con. Những năm qua, nhờ chăn nuôi bò sữa, địa phương thực hiện thành công chủ trương giảm hộ nghèo, tăng hộ khá. Nhưng nay, bà con chăn nuôi đang đứng trước khó khăn do các đơn vị thu mua đưa ra hàng rào kỹ thuật chất lượng quá khắt khe.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi Nguyễn Văn Cảm, qua khảo sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn, giá thành mỗi kg sữa dao động từ 8.500 đến 10.500 đồng, phụ thuộc vào chi phí thức ăn, điện, nước, công lao động và tùy theo số lượng đàn bò nhiều hay ít. Nếu theo giá của các đơn vị thu mua đưa ra thì nông dân chỉ hòa vốn.
Gỡ khó cho các hộ chăn nuôi
Từ ngày 1-1-2016, Vinamilk tiếp tục ký hợp đồng với người chăn nuôi bò sữa với các điều khoản như trong năm 2015. Riêng Công ty Friesland Campina, bắt đầu từ 1-1-2016, ký hợp đồng với nông dân với các tiêu chí quá khắt khe và có một số thay đổi trong phụ lục hợp đồng. Chẳng hạn, tỷ lệ chất béo phải lớn hơn hoặc bằng 3,6%; vật chất khô lớn hơn hoặc bằng 12,2%; độ nhiễm vi sinh lớn hơn hoặc bằng
4 độ resazurin... Nếu đạt các tiêu chí này thì công ty sẽ thu mua với giá 7.400 đồng/kg, cộng 3.350 đồng tiền thưởng, quy ra giá thu mua là 10.750 đồng/kg. Về sản lượng công ty này chỉ thu mua căn cứ vào sản lượng cùng kỳ và quy ra tiền bằng 90% giá thành cùng kỳ. 10% còn lại, công ty vẫn thu mua nhưng chỉ tính giá 7.400 đồng/kg; 3.350 đồng còn lại công ty dành để hỗ trợ ngành sữa (?). Công ty còn kèm theo điều khoản: Hợp đồng có thể thay đổi tùy theo tình hình thực tế, tạm thời ký hợp đồng với người nông dân sáu tháng đầu năm 2016. Gắt gao hơn, công ty đưa ra tiêu chí, nếu hai tháng liền kề người chăn nuôi bò sữa không đạt các tiêu chí trên sẽ bị cắt hợp đồng không được khiếu nại. "Trước tình hình này, người chăn nuôi phải chọn tuyển con giống tốt, khẩu phần thức ăn, vệ sinh môi trường, chuồng trại mới bảo đảm được. Với cách chăn nuôi bình thường như hiện nay, người chăn nuôi khó đạt các tiêu chí mà công ty đưa ra, nên bán với giá thấp là chuyện bình thường", đồng chí Nguyễn Văn Cảm cho biết.
Đểgỡ khó cho các hộ chăn nuôi bò sữa, trước mắt, huyện Củ Chi vận động bà con tham gia các tổ liên kết; làm việc với các đơn vị thu mua tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, chủ trương của huyện Củ Chi không tăng đàn bò sữa, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung trọng điểm ở chín xã phía bắc. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân vay vốn ưu đãi về lãi suất theo Quyết định 13 của UBND thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng hạ tầng chuồng trại.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Trực, khi TPP có hiệu lực, ngành sữa trong nước bị tác động do giá sữa các nước như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân có giá bán tại chỗ từ 7.200 đến 7.500 đồng/kg, thấp hơn giá ở nước ta. Do đó, người chăn nuôi phải thích nghi "sân chơi" mới bằng biện pháp chỉ giữ lại những con bò có chất lượng cao, nhằm mục đích kéo giảm giá thành sản xuất. Muốn đạt chất lượng và có giá bán tốt, người chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra chất lượng đàn bò theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Nhà nước sẽ hỗ trợ người chăn nuôi đánh giá thể trạng và công tác vệ sinh bò trước khi vắt sữa và vắt sữa bằng máy... nhằm giúp người chăn nuôi không bị thiệt thòi trước các tiêu chí mà người thu mua đưa ra. "Nếu có mối quan hệ lợi ích hài hòa, minh bạch, công khai, hiệu quả; kết nối không vì mục đích loại trừ nhau thì sẽ đem lại lợi ích cho các bên. Về phía người chăn nuôi, cần xem xét các tiêu chí mà phía thu mua đưa ra có hợp lý hay không thì mới ký hợp đồng, nếu không, nguy cơ sẽ bị thiệt hại. Đối với thông tin đơn vị thu mua tự đưa ra hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn về chất lượng, nhưng đến nay chưa có cơ quan kiểm tra độc lập, trước mắt, giữa hai bên nên áp dụng phương pháp "thuận mua, vừa bán". Sở NN-PTNT thành phố sẽ tham mưu về vấn đề này nhằm giúp người chăn nuôi không bị thiệt thòi, đồng thời sẽ làm việc với Công ty Friesland Campina về các hàng rào kỹ thuật để có thông tin cho bà con chăn nuôi trong thời gian sớm nhất" - đồng chí Nguyễn Văn Trực cho biết.
Theo_Báo Nhân Dân
Ông Đinh La Thăng chỉ đạo điện thoại TGĐ: Vinamilk không mua ngay được Đại diện Vinamilk cho biết: Dù ông Đinh La Thăng có gọi điện thoại yêu cầu hỗ trợ nông dân Củ Chi thì Vinamilk sẽ phải đánh giá nhiều mặt, chứ "không thu mua ngay được". Như báo chí đã đưa tin, trong buổi làm việc tại Củ Chi sáng 18-2, lãnh đạo huyện Củ Chi trình bày rằng sữa từ đàn bò...