Viettel: Lịch sử sang trang
22 năm thực sự là một quãng thời gian quá dài với những người Thể Công thích… hoài cổ. Rốt cuộc họ cũng được thỏa mãn với chức vô địch của Viettel, vốn dĩ được xem là những hậu duệ của những “cơn lốc đỏ” lẫy lừng.
Nhắc đến Thể Công, ngay lập tức người ta nhắc đến năm 1998. Ngày ấy, HLV Trương Việt Hoàng là một trong những thành viên nâng cao chiếc cúp vô địch quốc gia. Và cũng từ đó, Thể Công chỉ còn vang bóng, chỉ còn là những câu chuyện bên chén trà, bên cốc bia hơi ở cái sân Cột Cờ rêu phong. Ngày ấy, Bùi Tiến Dũng mới chỉ là cậu bé lên 3. Bằng con đường nào đó, Dũng đã ở đây, đeo chiếc băng đội trưởng Viettel để cùng nâng cao chiếc cúp vô địch với HLV Trương Việt Hoàng, chứng nhân của 22 năm về trước.
HLV Việt Hoàng cùng các đồng đội thế hệ 1998 đã khép lại những ngày huy hoàng của Thể Công. Còn Bùi Tiến Dũng mở ra một trang sử mới cho Viettel. Mà thật ra, cái tên Thể Công và Viettel chẳng liên quan gì đến nhau. Thể Công có một sứ mệnh vô cùng đặc biệt trong lịch sử bóng đá Việt Nam, còn Viettel đơn giản chỉ là tên của một tập đoàn đầu tư cho bóng đá. Dù vậy, giữa 2 cái tên ấy có một sợi dây xuyên suốt và nó đi suốt chiều dài của lịch sử với rất nhiều thế hệ lừng danh, với rất nhiều “tượng đài” bóng đá. Bùi Tiến Dũng và các đồng đội được xem như “hậu duệ” nối tiếp con đường hào hùng ấy. Đúng thế, Thể Công đôi khi chỉ là tiếng vọng lịch sử trong tâm trí của Dũng, của những cầu thủ sinh năm “9x”. Dù vậy, nếu nhìn lên khán đài, hẳn họ cũng đã hiểu được sứ mệnh của những người viết thêm những trang mới trong lịch sử đội bóng.
Viettel vô địch và phá vỡ sự thống trị của người láng giềng Hà Nội FC. Họ bước lên một đỉnh cao mới và như người ta nói “trên đỉnh cao là gió”, cho nên nhiệm vụ của HLV Trương Việt Hoàng sẽ càng thêm nặng nề. Một ví dụ đơn giản, tới đây, họ phải “phân thân” trên nhiều mặt trận và mặt trận nào cũng phải xác định là chơi cho xứng đáng với vị thế của một tập đoàn lớn. Lịch sử sang trang và đấy là lúc Viettel đã xếp “mâm trên” chứ không còn ngồi “chiếu dưới” như cái cách mà họ lầm lũi rồi nâng cao chiếc cúp vô địch V.League.
Người Thể Công tiếp nối ở Viettel
Đầu mùa 2019, Viettel ký hợp đồng với HLV Lee Heung Sil và ông này nắm đội bóng đến tháng 6 năm ngoái thì phải ra đi vì thành tích không được như mong muốn.
Sau đó, trợ lý Nguyễn Hải Biên ngồi "ghế nóng" và đưa đội bóng này lọt vào vị trí thứ 6 cuối mùa giải, trước khi HLV Trương Việt Hoàng về cầm đội.
Thực tế, trừ HLV Lee Heung Sil, những HLV nắm Viettel đến nay đều là người gốc Thể Công trước đây và HLV Trương Việt Hoàng cũng thế. Thành danh từ Thể Công và từng cùng CLB này vô địch giải đấu năm 1998, HLV Trương Việt Hoàng luôn mang đậm tính triết lý của Thể Công trước đây để áp dụng vào những CLB mà ông cầm quân từ Hải Phòng cho đến giờ là Viettel.
Ở đấy, HLV Trương Việt Hoàng luôn đòi hỏi cao ở các học trò tính kỷ luật và sự thân tình, gần gũi học trò của ông đã tạo ra sự đoàn kết rất lớn ở Viettel, giúp CLB này hoàn thành mục tiêu vô địch ở mùa 2020, điều mà ngay trước mùa giải thầy trò ông Trương Việt Hoàng cũng chưa dám nghĩ đến.
Nhìn lại hành trình vô địch của Viettel, HLV Trương Việt Hoàng chia sẻ: "Khó khăn nhất của chúng tôi là ở vòng 3 của giai đoạn 2, lúc áp lực tranh chức vô địch được đẩy lên cao. Khi đó chúng tôi vừa phải bám đuổi Sài Gòn FC và bị Hà Nội phả hơi nóng vào sau gáy. Mừng là tất cả anh em đều đồng lòng và cùng nhau vượt qua gian khó".
Truyền thống của Thể Công vì thế vẫn được tiếp nối ở Viettel!
Viettel vô địch V-League 2020: 'Nhà vua' đứng giữa những lằn ranh Sau chức vô địch V-League 2020, Viettel đang đứng giữa những lằn ranh tạo nên bởi nhiều ý kiến trái chiều. Liệu họ có phải Thể Công hào hùng năm xưa hay chỉ là đội bóng mới lên hạng hai năm trước? Viettel vô địch V-League 2020 chỉ sau hai năm lên hạng. (Ảnh: VPF) Viettel chính thức vô địch V-League 2020 sau...