VietJet Air dẫn đầu về bay chậm, hủy chuyến
Theo Cục Hàng không Việt Nam, VietjetAir vẫn là đơn vị dẫn đầu trong các hãng hàng không về tỷ lệ số lượng chuyến bay chậm, hủy chuyến khi chiếm tới 51% trên tổng số chuyến bay, trong đó chậm chuyến chiếm hơn 48%.
Theo báo cáo sơ kết công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ về phục vụ hành khách 6 tháng đầu năm 2014 của Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam ( Bộ Giao thông Vận tải), các hãng hàng không Việt Nam có tỷ lệ chậm, hủy chuyến trên tổng số chuyến bay chiếm tới 25%.
Cụ thể, VietjetAir vẫn là đơn vị dẫn đầu trong các hãng hàng không về tỷ lệ số lượng chuyến bay chậm, hủy chuyến khi chiếm tới 51% trên tổng số chuyến bay trong đó chậm chuyến chiếm hơn 48%. Tiếp theo là Jetstar Pacific với 50%. Vietnam Airlines có tỷ lệ hoãn hủy thấp nhất, 14%; Vasco là 17%.
“Con số 25% tỷ lệ chuyến bay chậm hủy là khá cao nếu so với cùng kỳ năm 2013 khi tỷ lệ này có 16% và thực sự gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng dịch vụ hành khách”, Cục Hàng không nhận định.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm, hủy các chuyến bay. Tuy nhiên, có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm.
Ngoài ra, việc các hãng hàng không thông tin cho hành khách các chuyến bay bị chậm có thời gian dài và chưa xác định được thời gian khởi hành còn chưa thỏa đáng gây bức xúc cho hành khách do phải chờ đợi và mệt mỏi khi nhận được thông tin giờ khởi hành thay đổi liên tục.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tại các hãng hàng không giá rẻ vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp hành khách bức xúc, tranh cãi, lớn tiếng khi bị chậm, hủy, cắt khách hoặc bị yêu cầu đóng thêm tiền đối với hành lý quá cước, làm mất an ninh trật tự tại nhà ga, gây kéo dài thời gian làm thủ tục cho nhũng hành khách khác.
“Một số nhân viên của hãng chuyên môn còn hạn chế, cách trả lời giải thích cho hành khách còn chưa thỏa đáng, đồng thời vào một số thời điểm không có nhân viên của đại diện hãng tại khu vực làm thủ tục để giải quyết những bức xúc của hành khách,” báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, VietJet Air dẫn đầu trong danh sách các hãng có chuyến bay chậm, hủy. Ảnh: GTVT
Video đang HOT
Gần 180 sự cố đe dọa an toàn bay
Vẫn theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, đã có 176 sự cố an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay; quản lý hoạt động bay, cảng hàng không sân bay. Cụ thể, 13 sự cố an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay; 14 sự cố quản lý hoạt động bay và 31 sự cố xảy ra tại các cảng hàng không.
Số liệu thống kê về sự cố an toàn hàng không lĩnh vực quản lý hoạt động bay của Cục Hàng không cũng cho thấy, cả nước có 117 chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết xấu, trong đó có 106 chuyến phải bay chờ, tiếp cận hụt, đi sân bay dự bị do thời tiết xấu tại các sân bay và 11 chuyến bay lệch sang biên giới do thời tiết trên đường bay xấu (chưa kể các chuyến bay hủy do thời tiết). Các sân bay bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tháng là Nội Bài (21 chuyến), Tân Sơn Nhất (70 chuyến).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam ước đạt 16,3 triệu khách (tăng tương ứng 13,2%) và 372 nghìn tấn hàng hoá (tăng 24,3%) so với cùng kỳ năm 2013. Tổng lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt đạt 24,7 triệu khách, 448 nghìn tấn hàng hoá, tăng tương ứng 15% về hành khách và 22% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2013.
Đội tàu bay hiện tại của các hãng hàng không Việt Nam bao gồm 102 tàu bay với độ tuổi trung bình 6,2 tuổi; số lượng tàu bay sở hữu là 42 chiếc, chiếm tỷ lệ 41,2% với độ tuổi trung bình là 6,6 tuổi.
Cũng theo báo cáo, ngành hàng không Việt Nam hiện đang quản lý, khai thác hoạt động hàng không dân dụng tới 3 cảng hàng không quốc tế chính là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và 18 cảng hàng không địa phương.
Hiện tại có 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO và VietjetAir. Ngoài ra, còn có 46 hãng hàng không nước ngoài khai thác thường lệ và 3 hãng khai thác không thường lệ tham gia thị trường hàng không Việt Nam.
Ngày 19/6, máy bay 320 mang số đăng ký quốc tịch VN-A692 của Công ty cổ phần Hàng không VietJet Air thực hiện chuyến bay VJ8575 theo chặng bay Hà Nội – Cam Ranh. Tuy nhiên, toàn bộ hành khách, hành lý và hàng hóa được chuyên chở trên chuyến bay VJ8575 lại có hành trình theo vé đi Đà Lạt.
Ngay khi sự cố xảy ra, VietJet Air đã liên hệ với Cục Hàng không đề nghị cấp phép bay bổ sung mang số hiệu VJ 8575D để vận chuyển toàn bộ hành khách, hành lý và hàng hóa của chuyến bay VJ8575 đến Đà Lạt. Chuyến bay bổ sung mang số hiệu VJ 8575D đã hạ cánh tại Đà Lạt lúc 21h50 phút.
Cục Hàng không VN xác định đây là sự cố khai thác bay nghiêm trọng nên đã ra quyết định thành lập nhóm điều tra nhằm xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Sau vụ việc trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã phải lên tiếng gửi lời xin lỗi tới người dân và khách hàng.
Tùng Nguyễn
Theo_VnMedia
Lố bịch trò bịt mắt dư luận của VietJetAir
Hết đổ lỗi cho thời tiết, VietjetAir lại quay sang tố tội cái...Ipad để lấp liếm cho vụ bay nhầm ngớ ngẩn của mình.
Đang từng bước khẳng định mình thì mới đây, sự cố bay nhầm ngớ ngẩn ảnh hưởng khá lớn vị thế của VietjetAir trên thị trường hàng không. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận bất bình nhất là cách hành xử thiếu thành thật của hãng hàng không này.
Trước đó, ngày 19/6, theo lịch trình, chuyến bay Hà Nội - Đà Lạt có số hiệu VJ8861 xuất phát từ sân bay Nội Bài và đến Đà Lạt. Tuy nhiên, toàn bộ gần 200 hành khách đi chuyến bay VJ8861 đã được bay thẳng đến sân bay Cam Ranh - Nha Trang. Khi đến sân bay Cam Ranh, VietJet Air mới bố trí cho khách tiếp tục bay đến Đà Lạt như hành trình đã bán vé. Trong khi đó, gần 200 hành khách khác đi chuyến bay VJ8575 Hà Nội - Nha Trang cùng lúc vẫn yên vị chờ ở sân bay quốc tế Nội Bài dù đã quá giờ khởi hành.
Hết đổ lỗi cho thời tiết, VietjetAir lại quay sang tố tội cái...Ipad để lấp liếm cho vụ bay nhầm ngớ ngẩn của mình.
Mặc dù rõ ràng là bay nhầm đường nhưng ngay trong đêm 19/6, phía Vietjet vẫn cố tình lấp liếm sự cố bằng một thông cáo báo chí sơ sài để biến "con voi" thành "con kiến". Theo lý giải của đại diện hãng hàng không thì việc chuyến bay VJ8861 đi Đà Lạt, đỗ nhầm xuống Cam Ranh là do điều kiện thời tiết.
"Chuyến bay mang số hiệu VJ 8861 khởi hành vào lúc 17h10 từ Hà Nội đi Đà Lạt đã phải thay đổi hành trình bay vì lý do phi công đánh giá tình hình sức gió tại Đà Lạt không thuận lợi hạ cánh và xin phép hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, để chờ tín hiệu thời tiết tốt mới thực hiện hành trình đến sân bay Liên Khương - Đà Lạt", đại diện Vietjet cho hay.
Vị đại diện này cũng không quên nhấn mạnh rằng: "Đây là tình huống đặc thù của ngành hàng không đều xảy ra với các hãng trong nước và trên thế giới".
Nhưng con voi khó có thể chui lọt lỗ kim, biết không thể che mắt công chúng, ngày 22/6, một thông cáo báo chí khác được phát đi với nguyên nhân sơ bộ được phía Vietjet Air xác định là do lỗi phối hợp giữa nhân viên điều phái bay và tổ bay và hãng đang phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam làm rõ và nghiêm túc xử lý trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo đúng các quy định hiện hành.
Về thông tin đổ lỗi cho thời tiết trước đó, Vietjet lý giải rằng đó không phải là thông cáo báo chí chính thức, mà xuất phát từ "nhân viên truyền thông" xử lý thông tin trong đêm 19/6.
"Do nhu cầu cung cấp thông tin gấp từ các cơ quan báo chí ngay trong đêm, nên việc thu nhận thông tin ban đầu của nhân viên này từ các bộ phận khác chưa đầy đủ và chính xác. Vietjet xin cáo lỗi và đã kiểm điểm nghiêm túc về việc này... Vietjet gửi lời xin lỗi tới hành khách về việc này và mong nhận được sự thông cảm của hành khách và các cơ quan truyền thông", thông cáo của Vietjet viết.
Nhưng việc xử lý khủng hoảng của Vietjet chưa dừng lại ở đó, mới đây, một lần nữa công chúng lại té ngửa một lãnh đạo của hãng tiếp tục đổ lỗi cho...cái Ipad về nguyên nhân sự cố.
Cụ thể, trong các thông tin phát đi ngày 23/6, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành của hãng hé lộ việc Cục Hàng không chậm phê duyệt cho phi công VietJet sử dụng Ipad trên máy bay để nhận lịch bay trực tuyến là một phần nguyên nhân dẫn đến sự cố. Trong chuyến bay trên, nhân viên mặt đất của hãng không đưa bản kế hoạch bay mới bằng giấy cho phi công xem.
Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức cũng như hướng xử lý đối với sự cố của Vietjet nhưng kiểu hành xử bất nhất, thiếu tôn trọng dư luận, khách hàng của hãng hàng không này đang khiến hình ảnh Vietjet xấu đi trong mắt công chúng.
An ninh, an toàn là yêu cầu cao nhất và vì thế, trở thành chủ đề nhạy cảm nhất trong ngành hàng không xưa nay. Đó là lý do tại sao bất cứ vấn đề, sự vụ gì trong ngành này đều được công chúng quan tâm đặc biệt, và minh bạch thông tin một cách có trách nhiệm luôn là lựa chọn tốt nhất.
Theo các chuyên gia truyền thông, Vietjet nên tích cực tìm hiểu lỗ hổng trong hệ thống, rà soát các khâu có thể mắc lỗi, tìm ra người chịu trách nhiệm cao nhất thay vì đổ lỗi để lấp liếm như thời gian vừa qua.
Theo Kiến thức
Chương trình Tích hợp: Không có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh? Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định chương trình Tích hợp (thay thế cho chương trình Cambridge) được xây dựng cùng Bộ Giáo dục Anh từ năm 2011. Nhưng phía Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM phủ nhận thông tin này. Không có sự thỏa thuận xây dựng chương trình Tích hợp? Tối qua 30/6, ông Douglas Barnes - Tổng lãnh sự quán Anh tại...