Việt Trinh: Tôi từng mắc bệnh ngôi sao
Tôi thừa nhận ở thời điểm đó, cái tôi của mình quá lớn vì mình trẻ mà lại thành công quá sớm. Khi đó, bản thân chỉ biết rằng, như vậy mình rất giỏi, thành công hơn rất nhiều người… – Việt Trinh tâm sự.
Việt Trinh được biết đến là một trong những ngôi sao ăn khách từ những năm 1990. Hàng loạt các vai diễn của chị đã để lại dấu ấn lớn trong lòng công chúng. Bẵng đi thời gian, với những biến cố trong cuộc sống cá nhân, chị gần như “ở ẩn” khỏi showbiz. Sự trở lại của Việt Trinh trong vai trò mới – đạo diễn series phim Trở về nhận được rất nhiều đón nhận từ phía khán giả.
Theo Việt Trinh, sau tất cả danh vọng trong quá khứ, chị không tiếc nuối mà luôn hài lòng với hiện tại vì vẫn còn đam mê vẹn nguyên với nghề.
Nhiều lần muốn từ bỏ nghệ thuật
Lứa các diễn viên cùng thời với chị như Diễm Hương, Lê Tuấn Anh… đều đã xa lánh showbiz và chọn con đường mới. Riêng với chị, sau nhiều năm im ắng lại quyết định trở lại, dù với một vai trò mới. Vậy có lí do gì đặc biệt?
Theo tôi thì nghề chính là nghiệp. Không biết với mọi người thì thế nào nhưng đối với tôi thì nghệ thuật chính là nghiệp lớn của mình.
Đã nhiều lần tôi muốn từ bỏ nó nhưng cũng không thể bỏ được. Từ đó, tôi tự nhủ rằng mình đã lớn lên, trưởng thành bằng nghề này cộng với niềm đam mê, chắc chắn tôi không bao giờ nghĩ đến việc rời xa nó nữa.
Tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật bằng tất cả tâm huyết mà mình đã có suốt mấy chục năm qua. Tôi nghĩ, theo thời gian thì càng ngày nó càng tăng chứ không giảm.
Việt Trinh tâm sự chị hài lòng vì cuộc sống hiện tại
Còn nhớ, ở thời đỉnh cao nhiều người cho rằng chị có phần chảnh và cũng mắc bệnh ngôi sao lắm. Bây giờ khi nhìn lại, chị có thấy nhận xét đó đúng?
Đó là thời kỳ của tuổi trẻ, mà tuổi trẻ thì luôn bồng bột, không ai có thể vượt qua được tất cả những điều đó.
Tôi thừa nhận ở thời điểm đó, cái tôi của mình quá lớn và vì tôi lúc đó còn quá trẻ mà lại thành công quá sớm. Khi đó, bản thân chỉ biết rằng, như vậy mình rất giỏi, thành công hơn rất nhiều người. Còn nhớ, những ngày tháng đó tôi có tất cả mọi thứ mà ai cũng mơ ước: thành công, sự nổi tiếng, nhiều tiền… Chính vì cái tôi đó mà nhiều người nghĩ rằng tôi bị bệnh ngôi sao.
Tuy nhiên, tôi cũng thừa nhận mình bị bệnh ngôi sao một thời gian dài.
Vậy chị đã ngộ ra điều đó và vượt qua nó như thế nào?
Sau nhiều lần vấp ngã tôi cảm thấy tất cả mọi thứ đều là vô thường. Bây giờ mình nổi tiếng thì một thời gian sau chắc chắn sẽ có người nổi tiếng hơn mình. Hơn ai hết tôi hiểu quy luật tre già măng mọc hay đã lên đến đỉnh núi rồi thì mình cũng có lúc phải tìm đường đi xuống. Đó là quy luật của vòng tuần hoàn.
Sau khi rời bỏ những hào quang danh vọng, chị không cảm thấy nuối tiếc
Khi những vinh quang qua đi, đối diện với thực tại, chị có bị sốc?
Có một điều rất mừng đó là dù không còn ở trên đỉnh vinh quang, trở về với cuộc sống đời thường nhưng tôi vẫn có cuộc sống rất vui. Tôi hoàn toàn không bị sốc vì điều đó.
Với một người nghệ sĩ, khi hào quang đã qua, nếu không bình tĩnh mà vẫn bị sốc vì chuyện mình không còn nổi tiếng, đó thực sự là nỗi đau lớn. Tôi tự thấy may mắn khi ông trời cho tôi được chữ nhẫn để cảm thấy mọi thứ là bình thường, dù đã qua thời đỉnh cao.
Nhưng không lẽ chị không có cảm giác cô đơn khi rời xa ánh đèn sân khấu?
Đúng là nhiều người sẽ cảm thấy cô đơn và đau khổ nhưng tôi thì không. Có một câu nói tôi rất tâm đắc: Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cái tát để tôi thấy được bản thân mình, soi rọi chính mình. Đúng lúc đỉnh cao của danh vọng, tôi phải đối diện với rất nhiều biến cố lớn tưởng chừng không thể vượt qua.
Video đang HOT
Tôi phải cám ơn cuộc đời vì đã cho tôi trải qua những đau khổ đó để thấy được những gì mình vấp phải, những gì mình đã làm sai. Điều đó là động lực để tôi tìm lại con người thật của mình. Tất cả những điều đó đã “sinh ra” Việt Trinh của ngày hôm nay.
Với chị cuộc sống hiện tại mới là điều đáng quan tâm nhất
Bây giờ, khi đã vượt qua tất cả, có khi nào chị nhớ về thời quá khứ vàng son đó?
Quan điểm của tôi là sống cho hiện tại và không nhìn về quá khứ. Nếu mình cứ đau đáu về những gì đã qua sẽ chẳng thể có được những phút giây thanh thản?
Sống nhìn về quá khứ chỉ thấy khổ đau
Vậy chị có tin tất cả những gì mình trải qua từ khi sinh ra, bước vào con đường nghệ thuật, nổi tiếng và hiện tại đều là nhân quả?
Theo tôi thì nhân quả có thể có từ trong tiền kiếp. Cái gì cũng có nhân duyên và trước tiên mình phải nghĩ về nó.
Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi tại sao mình lại chọn con đường nghệ thuật vì thực tế gia đình muốn tôi trở thành một cô giáo. Khi ôn thi đại học, tôi lén gia đình thi vào trường nghệ thuật để sau này, nó trở thành cái nghề của mình.
Tôi quan niệm, ngay cả nghề nghiệp của mình cũng có nhân quả từ trong tiền kiếp. Tôi có nghe một sư thầy giảng giải rằng có thể trong kiếp trước, trước khi qua đời tôi đã có một ước vọng, khao khát rất lớn là trở thành một diễn viên. Và trong kiếp này, điều đó đã trở thành hiện thực. Tôi nghĩ rằng phải có cả nhân quả và nhân duyên mới có một Việt Trinh của nghệ thuật như ngày hôm nay.
Theo chị, việc trở thành đạo diễn vừa là đam mê vừa là nhân duyên
Việc chị quyết định rẽ hướng sang một con đường khác của nghệ thuật và làm đạo diễn cũng do nhân duyên hay chị đã tính toán trước?
Điều quan trọng nhất khi đến với con đường đạo diễn là tôi được thực hiện những mong muốn của mình. Toàn bộ những ý tưởng mà mình từng nuôi nấng, ấp ủ bây giờ mới có cơ hội thành hình hài là những tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Rõ ràng, khi so sánh với vai trò diễn viên thì nghề đạo diễn rộng lớn hơn rất nhiều. Vì thế, bây giờ tôi thấy hạnh phúc lớn lắm.
Có vẻ như Việt Trinh đã quên hẳn nghề diễn rồi?
Khi còn là diễn viên chưa bao giờ tôi ngồi xem một bộ phim mà mình đóng kỹ như khi là đạo diễn. Đó mới thực sự là đam mê. Thậm chí, trong Trở về 1 tôi chỉ xem thiếu 1 tập mà cảm thấy rất tiếc nuối, hụt hẫng.
Giờ đây đối với tôi đứng sau ống kính là niềm hạnh phúc lớn nhất. Tôi thích được làm cho diễn viên đẹp hơn, diễn tốt hơn… Đó là lý do trong Trở về 2, tôi tạo cho ba nhân vật nữ của mình là Trương Yến, Dư Ánh Hồng và Lan Phương ba màu sắc hoàn toàn không thể trộn lẫn.
Vì thế, nếu bây giờ ai đó mời tôi chụp hình hay đóng một vai diễn nào thì niềm cảm hứng đó nó không còn nữa. Nếu ai đưa cho tôi một kịch bản và mời làm đạo diễn tôi sẽ thích hơn.
Nhưng liệu có phải khi đỉnh cao danh vọng đã qua thì giờ có đóng lại phim chị cũng khó lòng tạo được dấu ấn mới trong lòng khán giả?
Lý do thực sự đó là niềm đam mê đối với dòng phim nhân quả nó quá lớn và luôn thôi thúc bản thân tôi. Thậm chí, nó còn lấn át cả đam mê diễn xuất của tôi nữa.
Còn nếu quay lại với nghiệp diễn thì dù có làm cỡ nào đi chăng nữa tôi cũng không thể vượt qua được đỉnh điểm của mình những năm 1990. Tôi cũng chia sẻ là bản thân mình chưa bao giờ sống về quá khứ vì như thế, mình sẽ chẳng làm được điều gì. Tôi chỉ sống cho hiện tại và cũng không ngóng về tương lai.
Việt Trinh trên phim trường cũng bụi bặm và rất bận rộn
Khi xem Trở về 1 nhiều người nói rằng thấy bóng dáng của Việt Trinh trong đó rất nhiều. Với Trở về 2 này, chị có đặt nhiều hình ảnh bản thân mình, tâm tư, tình cảm vào trong các câu chuyện?
Không chỉ đạo diễn mà mỗi nghệ sĩ nói chung đều có một gu riêng, một dấu hiệu để nhận biết. Tôi thừa nhận bản thân mình cũng vậy.
Tuy nhiên, trong nghệ thuật, đặc biệt là phim ảnh luôn đòi hỏi mỗi người phải tự làm mới chính bản thân mình để không khiến khán giả nhàm chán.
Vì thế, trong Trở về 2 tôi tự tin và cố gắng để làm rất nhiều cái mới. Đó là nét diễn mới, tạo hình mới, bối cảnh mới… để không trùng lặp với Trở về 1. Tôi không dám nói trước nhiều mà hãy để khán giả xem và đánh giá xem có thấy bóng dáng Việt Trinh trong phim và nó được thể hiện như thế nào.
Ngoài dòng phim về nhân quả với series Trở về này, chị có bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm nhiều thể loại khác nữa?
Điều đó hoàn toàn có thể. Tôi rất thích làm phim hành động. Điều này tôi cũng không hiểu sao một nữ đạo diễn như mình mà lại mê thể loại đánh đấm.
Còn về phim điện ảnh thì sao?
Cái đó còn tùy thuộc nhân duyên. Tôi thì có suy nghĩ hơi khác. Mình thích thể nghiệm nhiều thể loại để tìm ra đâu là sở trường. Giống như ngày xưa khi làm diễn viên tôi cũng đã đóng rất nhiều loại vai diễn khác nhau. Bây giờ, khi làm đạo diễn tôi cũng thích mạo hiểm. Và nếu có cơ hội, tôi thích làm nhiều đề tài chứ không chỉ một.
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện!
Tuấn Nguyễn
Theo 24h
Thi sắc đẹp tuổi teen chỉ nên dừng ở cấp trường
Việc nở rộ các cuộc thi nhan sắc học đường dễ khiến học sinh sớm mắc bệnh ngôi sao, hoặc những hành động không hợp với tuổi như ăn mặc "thiếu vải", phát ngôn "gây sốc" - giáo sư Văn Như Cương chia sẻ.
Còn đâu bóng dáng những cuộc thi thanh lịch xưa
Ngày càng nhiều các cuộc thi sắc đẹp dành cho mọi lứa tuổi từ học sinh trung học phổ thông, sinh viên "ra lò". Đây cũng là những sân chơi hấp dẫn dành cho các nữ sinh. Nhưng đằng sau các cuộc thi này cũng tồn tại không ít bất cập.
Trước thực trạng các cuộc thi sắc đẹp dành cho học sinh ngày càng nhiều và đang bị "biến dạng", mới đây vào ngày 4/12, Bộ GD&ĐT đã ra thông báo không khuyến khích các cuộc thi sắc đẹp ở lứa tuổi trung học phổ thông, và yêu cầu các Sở GD&ĐT báo cáo lại về vấn đề này.
Một cuộc thi nhan sắc dành cho học sinh các trường thuộc bậc THPT tại Hà Nội.
Về vấn đề này PGS Văn Như Cương (hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết, trước đây, ở các trường trung học phổ thông, các quận huyện cũng có tổ chức cuộc thi thanh lịch cho học sinh, và cũng có những phần thi như trang phục học sinh, tài năng, ứng xử.
PGS Văn Như Cương nhận định: "Những cuộc thi thanh lịch như thế thì tôi cho rằng có tác dụng rất tốt". Bởi lẽ: "Khi đó người ta không chú ý đến sắc đẹp mà chú ý đến ăn vận thế nào cho lịch sự, đầu tóc thể nào cho ra dáng học sinh và nhất là cách ứng xử trả lời các câu hỏi".
Là hiệu trưởng một trường cấp 3, Phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng còn rất nhiều cuộc thi để teen thể hiện tài sắc thay vì chỉ đua tranh về hình thức.
Ông cũng cho cho rằng hiện nay một số cuộc thi sắc đẹp dành cho học sinh khác với các cuộc thi thanh lịch xưa. Mục đích của các cuộc thi sắc đẹp gần đây không phù hợp với lứa tuổi học sinh, "ở lứa tuổi này, các em cần phải tập trung vào học tập chứ không phải suốt ngày trau chuốt để làm đẹp".
"Vậy thì không nên thi thố về sắc đẹp mà làm xao nhãng học tập của học sinh", PGS Văn Như Cương kết luận.
Thầy Cương nhấn mạnh: "Tại sao các trường lại quy định mặc đồng phục, vì người ta muốn học sinh nên có một sự bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo về mặt hình thức".
Nếu không mặc đồng phục thì có thể mùa đông có những con em nhà giàu sẽ có thể mặc những áo lông rất quý, rất đắt tiền và trái ngược hoàn toàn với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
PGS Văn Như Cương tiếp tục lập luận: "Quy đinh này mong muốn ở lứa tuổi của các em học sinh khi đến trường có thể tập trung cho việc học, ăn mặc tương đối giống nhau, không có ganh ghét, đố kỵ. Thế mà bây giờ mình lại khuyến khích các em đạt giải trong các cuộc thi sắc đẹp đi thì tôi thấy không được" .
Nên chỉ dừng lại ở cấp trường
PGS Văn Như Cương nhấn mạnh hiện nay việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thậm chí cấp quốc gia như Hoa hậu Việt Nam cũng còn tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập. Dường như "người ta bất chấp để tìm một danh hiệu từ những cuộc thi sắc đẹp, như thế tôi thấy thật sự rất có vấn đề" thầy trăn trở.
Người thầy tâm huyết này cũng cho rằng những vấn đề tiêu cực, chạy chọt này rất có thể sẽ xảy ra ở các cuộc thi sắc đẹp dành cho lứa tuổi học trò, khi mục tiêu cũng như tham vọng của các em được đặt nặng.
Bên cạnh đó, đối với lứa tuổi học sinh phổ thông, việc các em đạt được danh hiệu trong các cuộc thi sắc đẹp sẽ giúp các em dễ dàng nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Đây là cơ hội để các em có được những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp sau này.
Các cô gái dù đang hoặc mới tốt nghiệp phổ thông nhưng sớm nổi tiếng và có những hành động, phát ngôn phản cảm.
Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra cho các em những hậu quả khó lường như việc mắc bệnh ngôi sao, hoặc những hành động thiếu văn hóa không phù hợp với lứa tuổi như ăn mặc "thiếu vải", phát ngôn "gây sốc" để làm mình nổi bật...
Khi được hỏi về vấn đề này PGS Văn Như Cương khẳng định "Đây chính là vấn đề tôi lo ngại nhất".
Thầy cho rằng các cuộc thi này nên chỉ dừng lại ở cấp trường hoặc có thể là cụm trường, chứ không nên nâng dần lên thành cuộc thi cấp thành phố Hà Nội, cấp toàn quốc. Chúng ta chỉ nên coi cuộc thi như một sân chơi, một trò chơi mà thôi.
"Nếu chỉ tổ chức ở cấp trường, thì các em dù được giải nhưng cũng không phải trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều sự chú ý, nhưng nếu quy mô lớn hơn như toàn tỉnh, toàn thành phố, toàn quốc thì sẽ khác. Danh hiệu ấy càng to thì sẽ ảnh hưởng đến các em", thầy giải thích.
"Lứa tuổi học sinh còn có rất nhiều cái để thi"
PGS Văn Như Cương cũng gợi mở nhiều hình thức thi phù hợp cho các bạn học sinh mà không nhất thiết phải thi sắc đẹp. Thầy cho rằng nên thay đổi nội dung, hình thức những cuộc thi ấy cho hợp lý hơn.
Các em có thể tổ chức thi đồng phục học sinh đẹp nhất, hay thi mặc áo dài dành cho học sinh đẹp nhất; đồng thời kết hợp với việc tìm hiểu về một vấn đề thì hoàn toàn hợp lý.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trên cương vị hiệu trưởng của trường THPT Lương Thế Vinh, thầy cho biết: "Tôi khuyến khích các em nữ sinh trong trường mình tham gia rất nhiều các hoạt động như văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi kiến thức ...vẫn thường diễn ra ở trường". Thậm chí vừa qua, các học sinh của trường còn được thỏa sức sáng tạo và có một đêm vui Halloween lý thú với phần thi trang phục kinh dị.
Thầy cho biết: "Từ lâu nhà trường cũng không còn tổ chức cuộc thi nữ sinhthanh lịch nữa. Nhưng với rất nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng và bổ ích của trường chắc chắn sẽ thu hút các bạn học sinh".
PGS Văn Như Cương cũng nhấn mạnh cần chấn chỉnh về mục đích, giới hạn, mục tiêu, phạm vi tổ chức của các cuộc thi sắc đẹp nói chung và nhất là các cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên để các em luôn phát triển và có những hành vi đúng với lứa tuổi của mình.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Sinh viên đang lười hỏi và phát biểu "Give me more questions, please" - Lời đề nghị của thầy James Rhodes (giảng viên khoa tiếng Anh - Học viện Báo chí & Tuyên truyền) giống như nài xin để lại nhiều ám ảnh. Là do không biết hay "bệnh ngôi sao"? Thuật ngữ "bệnh ngôi sao" đã được các giáo viên ở 1 trường THCS chuyên sáng tạo ra để chỉ...