Việt Trinh: ‘Nhiều diễn viên ghét tôi ghê lắm’
“Diễn viên đã làm việc với tôi, sẽ hiểu tôi làm việc nghiêm túc như thế nào. Tôi không cho phép diễn viên bước vào cảnh quay mà không thuộc thoại”, nữ đạo diễn “Trở về” bộc bạch.
Tôi đã chọn niềm vui và nỗi buồn khác
- Chị vẫn trẻ và đẹp quá! Vậy mà chị nỡ “hành hạ” mình, đi làm đạo diễn chi cho mệt?
- Tôi đâu coi nghề đạo diễn là hành hạ bản thân. Tôi làm vì đam mê và muốn thử thách chính mình. Dẫu phải phơi nắng dầm mưa, tất bật lo cái này cái kia. Nhưng cảm giác dốc sức vào tác phẩm, vượt qua nhiều khó khăn, rồi chờ đợi tác phẩm thành hình, nên dạng, thiêng liêng lắm.
- Nhưng thói đời điều tiếng lắm. Người ta chẳng ngại ngần nói chị làm đạo diễn vì… hết thời làm diễn viên?
- Tôi cũng nghe người ta xì xầm về nghề đạo diễn của tôi, nhưng thanh minh làm gì? Diễn viên đã làm việc với tôi, sẽ hiểu tôi làm việc nghiêm túc như thế nào. Tôi không cho phép diễn viên bước vào cảnh quay mà không thuộc thoại. Nên thời gian đầu có không ít diễn viên ghét tôi ghê lắm, vì tôi… khó quá.
- Đã qua thời đỉnh cao mà vẫn còn ganh ghét. Hình như chị sinh ra để không bình yên?
Video đang HOT
- Nếu là mười mấy năm trước, có lẽ tôi sẽ ghen tức, bực bội, rồi chứng tỏ, và quyết phải hơn người ta. Bây giờ, những thứ đó không còn là niềm vui, nỗi buồn của tôi nữa. Niềm vui của tôi là làm việc thiện, là niệm Phật. Ra đường thấy người ta mặc đồ đẹp hơn mình, xài hàng hiệu, đi xe xịn, tôi mừng cho họ, chứ không ghen tỵ. Từ 2008 đến giờ, tôi không mua bất cứ món hàng hiệu nào. Khi nào bắt buộc tôn trọng tính chất bữa tiệc thì tôi nhờ Công Trí thiết kế giúp những bộ đầm đơn giản, có giá hợp lý.
Tôi cũng chẳng xấu hổ khi nói có nhiều món đồ tôi phải chờ đến đợt sale để mua. Còn những chiếc túi hàng hiệu tôi đang xài là mua từ trước. Bây giờ, tiêu chí đầu tiên của tôi là tiết kiệm và hữu dụng. Tôi cho con trai đi học trường công, học phí 800 – 900.000 đồng/ tháng. Mỗi ngày đưa con đi học, có nhiều người hỏi sao giống Việt Trinh quá vậy? Rồi lại nói chắc không phải, vì Việt Trinh gì mà ăn mặc giản dị quá vậy. Tôi gật đầu chào họ, nói tôi là Việt Trinh đây!
- Chị tâm sự điều này như sự tự hào. Nhưng xin lỗi chị, khán giả có thể cho đó là sự tự hào của kẻ yếm thế! Và, cũng xin lỗi chị, mọi người có được quyền nghi ngờ động cơ làm từ thiện của một ngôi sao đã bước qua bờ ảo vọng?
- Bạn có thấy ai… bỗng dưng thành người tốt chưa? Mọi thứ đều cần quá trình, làm người tốt, cũng phải tốt từ từ. Đúng là thời gian đầu, tôi làm từ thiện nhưng còn ích kỷ lắm. Lúc nào cũng nghĩ làm từ thiện Phật sẽ phù hộ cho mình. Đến khi gặp nhiều cảnh đời, mọi thứ thấm dần vào tôi. Tôi không cầu mong mình nhận được điều gì nữa. Khi cực khổ, đau đớn, tôi tìm đến những người nghèo, cực khổ hơn tôi, và thấy mình có thêm động lực, niềm vui để sống tiếp. Điều tôi tự hào với con trai, là nếu sau này chết đi, tài sản tôi để lại cho con không phải của cải, mà là tấm lòng yêu thương con người và nhân cách sống.
- Quá trình “tốt từ từ” của chị ắt còn nhiều sân si. Chị có buồn, giận, khi đối mặt với thói đời cay nghiệt?
- Sâu trong lòng, tôi cảm ơn thói đời cay nghiệt, và cảm ơn sự không còn nổi tiếng của mình. Trải qua biến cố, đi làm và sống bằng đồng lương đạm bạc, tôi được đúng là Trần Việt Trinh của cha mẹ sinh ra. Còn thời hoàng kim, khi có nhà lầu, xe hơi, nhà hàng, khách sạn hạng sang,… tôi chỉ là Việt Trinh mà thôi. Không ai đứng mãi trên đỉnh cao. Leo lên thì phải biết tự leo xuống, chứ đừng để mình phải lăn hay bò xuống. Bây giờ tôi là Việt Trinh, 40 tuổi rồi. Tre đã già và măng đã mọc. Măng này nối tiếp măng khác, mấy lớp rồi. Trước tôi cũng có người nổi tiếng, rồi đến thời tôi, tôi nổi tiếng, lấn át họ. Quy luật tự nhiên, tránh sao được?
- Nhưng là diễn viên đẹp, mấy ai chịu nhận mình đã hết thời, như chị?
- Tôi hết thời rồi! Dù cố gắng thế nào, tôi cũng không thể trở lại Việt Trinh của những năm 90. Một đạo diễn từng nói với tôi: “Công nhận thời đó, cái tên em là thương hiệu, khiến người ta mua vé xem phim. Bây giờ phim truyền hình nhiều, có em cũng được mà không có cũng chẳng sao!”. Nghe câu đó, nhiều người sẽ chua chát. Còn tôi chỉ mỉm cười. Rõ ràng người ta đã dùng chữ “thời” để so sánh.
- Nhưng làm sao có thể tin chuyện chị trở lại nghệ thuật mà không mong sự nổi tiếng?
- Nếu nói tôi không mưu cầu nổi tiếng nữa thì… sốc quá! Nhưng tôi nghiệm ra nổi tiếng sẽ cướp đi nhiều thứ trong đời. Ngày trước, tôi bước vào điện ảnh với tham vọng ai ai cũng biết đến mình. Năm 1992, đóng phim Cô nữ sinh bướng bỉnh tiền cát-xê được 15 triệu/ tập, mua được mấy chục lượng vàng.
Thời đó, mỗi ngày thức dậy, điều tôi cầu Phật là hãy cho con đóng được nhiều phim, kiếm được nhiều tiền, giàu thật giàu. Giờ làm đạo diễn, suy tính từng đồng tiền, nhưng niềm vui lớn hơn gấp trăm ngàn lần. Năm 2007, bộ phim Duyên trần thoát tục công chiếu, tôi đi từng chùa kêu gọi tăng ni phật tử mua vé. Số tiền thu được, giúp đỡ các bé mổ bệnh tim, cứu mạng nhiều bé, rồi xây làng dân tộc. Niềm vui đó không phải gấp trăm ngàn lần những ngày phù phiếm?
- Trở lại, được truyền thông ân sủng, nhưng vẫn không bật lên lại. Chị có khủng hoảng vì cuộc tái chiến bất thành?
- Khủng hoảng diễn ra mười mấy năm trước rồi. Đó là khi người ta tuyên án tử với dòng phim “mỳ ăn liền”. Năm đó Sài Gòn bắt đầu kẹt xe. Tôi đi trên cầu Kiệu, nhìn xuống dòng người đông đúc, lòng rối bời, như bị mắc kẹt trong đám người đó vậy. Trong đầu chỉ duy nhất ý nghĩ: “Trời ơi! Mình còn trẻ, còn đẹp, vậy mà không được đóng phim nữa, không nổi tiếng nữa”. Trải qua cơn khủng hoảng thời đỉnh cao, nên về sau, chẳng còn sự khủng hoảng nào “vừa” với tôi nữa!
Những nếp nhăn dễ thương!
- Ngôi sao cùng thời chị – Diễm Hương – đã lui vào ở ẩn. Sao chị không chọn con đường “mất tích” như Diễm Hương, để người ta chỉ có thể nhớ về Việt Trinh thời hoàng kim?
- Không ai chọn được số phận, và không ai thoát khỏi nghiệp mình đã tạo nên. Diễm Hương có số phận, phước phần riêng của chị ấy. Phước phần đã ban cho Diễm Hương cuộc sống hạnh phúc, êm đềm, mà tôi có muốn cũng không lựa chọn được. Khi chưa bước vào cửa Phật, tôi luôn oán trách ông trời, rằng tại sao tôi không làm điều gì ác mà bất hạnh cứ ập xuống cuộc đời. Bước vào cửa Phật, tôi mới hiểu đó là nghiệp mình gây ra, thì mình phải trả. Hai tay có chống nổi bầu trời đâu.
- Chị có thấy nghiệp mình tạo ra khi đang ở đỉnh cao?
- Tất nhiên là có. Thời gian mang thai bé Thiện Nhân, mỗi ngày tôi đều ngồi tụng kinh niệm Phật. Để sám hối. Lúc đó, tất cả hình ảnh về nghiệp tôi gây ra hiển hiện mồn một trong đầu. Tôi ngồi viết ra giấy những cái tên mình vô tình hoặc cố ý gây lỗi cho họ. Người ở gần thì tôi đi gặp, người ở xa tôi gọi điện thoại xin lỗi. Có người rất ngạc nhiên, rằng tại sao tôi lại nhớ chuyện xảy ra mười mấy năm rồi. Xin lỗi họ xong, tôi nhẹ nhõm lắm, như vứt được hai cục đá đeo trên vai vậy.
- Đàn bà sợ nhất cô đơn và thời gian. Chị có đang như vậy?
- Cảm ơn số phận vì đã cho tôi trải qua sự cô đơn ngay khi còn trẻ, để bây giờ tôi quen và không còn sợ hãi. Làm mẹ đơn thân thì hơi cực, nhưng tôi không mệt mỏi, cô đơn. Tôi cũng chẳng có ý định gắn bó cuộc đời mình với ai nữa! Còn thời gian, làm sao tránh khỏi? Lẽ nào tôi tự tạo đau khổ bằng cách đi uống rượu say xỉn, rồi nôn, rồi khóc lóc, để sáng mai ra thấy ngày cứ trôi qua như vậy? Nhìn tôi bây giờ, có thể bạn khen: “Việt Trinh à, nhìn chị trẻ quá”. Nhưng đó là trẻ hơn tuổi 40, chứ làm sao bạn dám dối lòng nói: “Việt Trinh à, nhìn chị cứ như cô gái 20″.
- Chị tưởng tượng như thế nào về một Việt Trinh 70 tuổi?
- Nếu bị ám ảnh về nhan sắc, tôi đã đi thẩm mỹ viện. Bạn nhìn thấy nếp nhăn mỗi khi tôi cười? Tôi gọi đó là nếp nhăn dễ thương.
Theo infonet