Viết tiếp bài URC: URC vẫn cố tình bưng bít thông tin về trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ
Sau gần hai tháng xảy ra sự cố trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm chì cực độc, URC vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào liên quan đến trách nhiệm đối với người tiêu dùng (NTD) ngoài một thông báo ngắn trên trang C2 Life: “Xin lỗi vì đã làm mọi người lo lắng”.
Người tiêu dùng “tẩy chay” URC bằng cách đổ bỏ những chai C2 và Rồng đỏ đã mua về (Ảnh cắt từ clip, nguồn: facebook Hoang Huynh Huynh)
Ngày 31/5, Bộ Y tế chính thức thông báo kết quả thanh tra đối với Công ty TNHH URC, theo đó URC phải nộp phạt tổng số tiền là 5.826.867.000 đồng, thu hồi 2 lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 4/2/2016, HSD 4/2/2017) và nước tăng lực hương dâu Rồng Đỏ (NSX 10/11/2015, HSD 10/8/2016).
Theo luật Bảo vệ người tiêu dùng về hàng hóa có khuyết tật, khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm: Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật ra thị trường, thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông.
Tuy nhiên, kể từ khi 2 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì cực độc bị phát hiện, URC vẫn cố tình bưng bít thông tin và không thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để NTD có quyền lựa chọn tiếp tục sử dụng sản phẩm hay không.
Công ty chỉ mới thu hồi được gần 1.200 thùng của hai lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ vượt ngưỡng chì cho phép. Như vậy còn khoảng hơn 40.000 thùng đã được tiêu thụ hết. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho sức khỏe của NTD? Đối với những người đã lỡ uống C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì, URC sẽ giải quyết hậu quả như thế nào? Rất nhiều NTD đặt ra câu hỏi “Liệu toàn bộ sản phẩm C2 và Rồng đỏ đang lưu hành trên thị trường có an toàn, không bị nhiễm chì hay không?”.
Khảo sát tại một số hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại BigC; Lotte Mart; Satra Food… trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi thấy các trung tâm thương mại này vẫn đang kinh doanh hai sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ. Hỏi một số nhân viên tại đây đa số họ nói không biết 2 sản phẩm này nhiễm chì.
Chị Phan Thị Ngà (Hà Nội) cho biết: “Tôi không có nhiều thời gian để đọc báo nên không hề biết việc sản phẩm của URC có lượng chì vượt mức cho phép, cho đến khi một người bạn nhắc nhở không được mua C2 cho con uống nữa tôi mới biết. Sau đó, tôi đã tìm hiểu thông tin trên mạng và cảm thấy bàng hoàng. Con tôi mới 4 tuổi, những chai C2 mà cháu đã uống hàng ngày liệu có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu hay không, điều này làm tôi thật sự lo lắng. Hiện cháu đang gặp vấn đề về răng miệng, răng cháu bị yếu mòn và gãy từng mảnh vụn nên gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống, tôi sẽ phải đưa con đi khám để tìm ra nguyên nhân”.
Không riêng chị Ngà, rất nhiều NTD cũng không biết đến sự việc nghiêm trọng của URC cho đến khi được mọi người lan truyền thông tin. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người đã ý thức và bắt đầu hành động “tẩy chay” URC bằng cách đổ bỏ những chai C2 và Rồng đỏ đã mua về.
Trước sự việc này, NTD đã lên tiếng yêu cầu Ban lãnh đạo URC phải trực tiếp ra mặt xin lỗi người dân, có trách nhiệm cụ thể với những lô sản phẩm bị nhiễm độc chì đã phân phối và kiểm tra lại toàn bộ những chai C2, Rồng đỏ vẫn đang lưu hành trên thị trường.
Video đang HOT
Hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại BigC, Lotte Mart… vẫn đang kinh doanh hai sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ.
Theo Người Tiêu Dùng
Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì: URC nên cúi đầu xin lỗi như Formosa
Theo LS Trần Tuấn Anh (Cty Luật Thiên Thanh): Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì, URC cần phải có động thái tích cực nhất để khắc phục những thiệt hại đã gây ra.
Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì có nguy cơ "chìm xuồng"
Ngày 31/5, Thanh tra Bộ Y tế đã quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH URC Hà Nội 5.826.867.000 đồng. Thêm vào đó, URC Hà Nội cũng bị buộc phải khắc phục ngay điều kiện kho bảo quản không đạt; thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 4/2/2016; HSD 4/2/2017), Nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX 10/11/2015; HSD 10/8/2016) trước ngày 10/6.
Đáng chú ý là quyết định xử phạt cũng ghi rõ có tới 3.875.244.610 đồng giá trị sản phẩm C2, Rồng đỏ trong 2 lô kể trên không thu hồi được.
Theo ước tính, giá trị nói trên tương đương với hàng triệu sản phẩm nước uống không thể thu hồi. Điều này đồng nghĩa là rất nhiều sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã được đưa vào cơ thể người tiêu dùng hoặc vẫn còn trôi nổi trên thị trường.
Trước đó, theo chỉ đạo của Thanh tra Bộ Y tế: Trong vòng 30 ngày (tính từ ngày ra quyết định xử phạt 31/5/2016), công ty TNHH URC Hà Nội phải có báo cáo về việc thực hiện thu hồi hết sản phẩm C2, Rồng đỏ trong 2 lô nhiễm chì.
Tuy vậy, đến nay là cuối tháng 6/2016, Thanh tra Bộ Y tế vẫn chưa có thông báo chính thức và công khai về việc thực hiện thu hồi này của URC.
PV Chất lượng Việt Nam cũng đã liên hệ qua điện thoại, tin nhắn với ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y để tìm hiểu về kết quả của đợt thanh kiểm tra toàn diện được tiến hành trong tháng 6/2016 đối với hoạt động sản xuất của công ty URC Việt Nam, mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chưa liên lạc được do ông Nhiên "bận họp" và không nghe máy.
Công ty URC cũng nên cúi đầu xin lỗi người dùng Việt Nam như Formosa?
Tính đến thời điểm hiện tại, URC mới chỉ bị buộc khắc phục điều kiện kho bảo quản và thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm trên nhưng trách nhiệm xin lỗi hay bồi thường với hàng trăm, hàng triệu người tiêu dùng đã uống phải sản phẩm C2, Rồng đỏ khuyết tật thì chưa được các cơ quan chức năng và URC làm rõ.
Phải chăng đã đến lúc có một quyết định xử phạt thích đáng hơn dành cho URC Việt Nam?!
Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN cho biết: "Vi phạm hành chính thì Bộ Y tế đã xử phạt xong rồi, mức phạt gần 6 tỷ đồng, nặng hay nhẹ - chúng ta tạm không bình luận hay không xét đến vì nó được đưa vào ngân sách Nhà nước. Nhưng liên quan tới người dùng, họ đã uống rồi, luật pháp cũng đã có, nhà sản xuất phải có trách nhiệm đứng ra bồi thường cho người dùng".
Cũng theo ông Hùng: Nếu là một doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, URC phải chủ động thông báo với người dân: "Với những ai đã trót uống, trót mua phải sản phẩm khuyết tật thì hãy mang các giấy tờ, bằng chứng tới công ty, chúng tôi sẽ bồi thường", phải làm thế, chứ không thể chỉ "ngồi một chỗ", trực chờ người tiêu dùng tới gõ cửa như kiểu thông báo trên fanpage chính thức của C2: "Nếu người tiêu dùng còn giữ bất cứ sản phẩm nào trong hai lô hàng này, vui lòng liên hệ với đường dây chăm sóc khách hàng số 19001740 để chúng tôi tiến hành thu hồi ngay lập tức và hoàn tiền cho quý khách hàng".
Đồng tình với quan điểm trên, chia sẻ với Chất lượng Việt Nam, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng: URC chưa có bất kỳ động thái nào chăm lo đến sức khỏe của người tiêu dùng, những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những sản phẩm khuyết tật của URC gây ra. Cái mà người tiêu dùng cần không phải số tiền hoàn trả cho giá trị một hai chai nước ngọt, cái mà người tiêu dùng cần ở URC bây giờ là sự trung thực, là động thái quyết liệt trong việc khắc phục hậu quả, là sự quan tâm đến sức khỏe của những người đã trót uống thứ nước "độc" này do URC sản xuất".
URC nên cúi đầu nhận lỗi như Formosa
Sau hơn 1 tháng phát hiện ra sự cố nhiễm chì của C2, Rồng đỏ, cho đến nay, công ty URC Việt Nam vẫn chưa hề lên tiếng, nói lời xin lỗi công khai đến người tiêu dùng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài một lời xin lỗi suông vẻn vẹn, được đăng trên fanpage chính thức của C2.
Mới đây, sau sự cố xả nước thải ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, công ty Formosa Hà Tĩnh đã đồng loạt cúi đầu thành khẩn xin lỗi và nhận trách nhiệm với người dùng.
Có ý kiến cho rằng: Với hành vi đầu độc hàng triệu người dân Việt vì những sản phẩm khuyết tật nhiễm chì, trong đó phần lớn là trẻ em và thanh thiếu niên, thay vì né tránh, URC Việt Nam cũng nên có động thái cúi đầu xin lỗi về mối hiểm họa rất lớn cho sức khỏe người dùng này.
LS Trần Tuấn Anh: URC cần tích cực hơn để khắc phục những thiệt hại do C2, Rồng đỏ nhiễm chì gây ra.
Trong khi đó, theo luật sư Trần Tuấn Anh: Động thái duy nhất để xử lý vụ việc của URC đến nay là thu hồi sản phẩm và đây có lẽ cũng chỉ là một quyết định trên giấy, bởi việc thống kê đối với hệ thống phân phối ở các quán cóc, vỉa hè ở Việt Nam gần như là một điều không thể. Không ai có thể chắc chắn rằng, toàn bộ các sản phẩm còn lại sẽ được thu hồi mà không phải là đang "lang thang" ở đâu đó trên các sạp hàng rong hay trong tủ lạnh của các hộ gia đình.
URC khó có biện pháp thích hợp để thống kê xem đã có bao nhiêu người sử dụng những sản phẩm trên? Ai là người đã sử dụng? Và tác động của nó đến sức khỏe của người tiêu dùng cụ thể như thế nào?
"Không thể để tình trạng nhân dân sống trong thời bình nhưng còn nguy hiểm hơn thời chiến. Sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân có thể bị xâm phạm bất kỳ lúc nào chỉ vì những tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ biết đến lợi nhuận mà bất chấp tất cả" - LS Tuấn Anh nói.
LS Trần Tuấn Anh cũng cho rằng: Chính phủ, các bộ ban ngành có liên quan cần phải có sự chỉ đạo, giám sát đối với quá trình thực hiện công tác phòng ngừa và giảm bớt tác hại của hiện tượng ngộ độc chì có thể xảy đến với hàng triệu người dân.
Mới đây, ngày 30/6/2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng ngừng sử dụng các sản phẩm thuộc diện bị thu hồi, khi mua các sản phẩm tương tự nói trên, người tiêu dùng cần lưu ý kiểm tra ngày sản xuất.
Trong trường hợp đã mua hoặc đã sử dụng các sản phẩm thuộc diện thu hồi nói trên thì nhanh chóng liên hệ với số đường dây nóng trong trường hợp người tiêu dùng muốn liên hệ với Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh để được tư vấn, hỗ trợ về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cung cấp thông tin về vụ việc.
Theo VietQ
C2, Rồng đỏ có chì: Bộ Y tế phạt, 1 tháng sau Công thương mới quyết định thu hồi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa có thông báo thu hồi một số sản phẩm Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ do Công ty URC Hà Nội sản xuất và phân phối có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn công bố. Căn cứ Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và báo cáo của...