Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường tàu cá bị đâm chìm
Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc bồi thường vì đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi với 8 ngư dân ở Hoàng Sa.
Tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại khu vực đảo Phú Lâm, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 2/4 thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong thông cáo ngày 3/4.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, tàu cá của ông Trần Hồng Thọ, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào khoảng 3h sáng. Trên tàu có 8 thuyền viên.
“Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”, bà Hằng nói.
Theo người phát ngôn, hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân, đi ngược lại Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Bà Hằng nhắc lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Video đang HOT
Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau khi đâm chìm, tàu Trung Quốc đã vớt 8 ngư dân, đưa về đảo Phú Lâm. Khi nhận tin báo về tàu bị đâm chìm, ba tàu cá khác của ngư dân Việt Nam cùng đến ứng cứu nhưng bị phía Trung Quốc truy đuổi. Hai tàu bị bắt, lai dắt vào đảo Phú Lâm. 18h ngày 2/4, Trung Quốc thả hai tàu cá và 8 ngư dân.
Ngày 3/4, 8 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được Việt Nam tiếp nhận an toàn.
Cũng trong hôm nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối.
“Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”, người phát ngôn cho biết.
Việt Anh
Quảng Ngãi: Tàu cá bị "giăng lưới" nơi cửa biển
Mỗi lần đưa tàu ra khơi, ngư dân xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) phải đánh cược với may rủi. Chỉ một chút không may, những chiếc tàu cá trị giá hàng trăm triệu đồng sẽ "phơi mình" nơi cửa biển.
Ngày 18/3, sau buổi sáng canh con nước, anh Nguyễn Hùng Vương (xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi) quyết định đưa con tàu 45 CV ra khơi. Tuy nhiên, vừa ra đến giữa cửa Lở thì tàu mắc cạn.
Suốt 2 ngày qua, con tàu trị giá hơn 400 triệu đồng vẫn "phơi mình" trên cát ở cửa Lở.
Con tàu trị giá hơn 400 triệu đồng bị sóng đánh lật ngang, nhiều vật dụng hư hỏng. Đã 2 ngày trôi qua, mọi nỗ lực đưa tàu ra biển đều bất thành.
"Mấy ngày qua mọi người giúp kéo tàu ra biển nhưng không được. Sóng lớn liên tục đánh vào thân tàu, dễ làm vỡ tàu lắm. Vay mượn mấy trăm triệu mà tàu gặp nạn thế này, biết lấy gì mà trả nợ", ngư dân Vương lo lắng.
Xã Nghĩa An là địa phương có số lượng tàu cá nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi. Toàn xã có 1.400 tàu, trong đó phần lớn là tàu đánh bắt xa bờ. Mỗi chiếc tàu cá có giá trị từ vài trăm triệu, đến vài tỷ đồng.
Đóng tàu lớn nhưng lâu nay ngư dân Nghĩa An gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc sản lượng đánh bắt sụt giảm, ngư dân còn lo lắng khi cả 2 cửa biển là cửa Đại và cửa Lở đều bị bồi lấp. Tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên hầu như không thể ra vào.
Xã Nghĩa An có trên 1.400 tàu cá nhưng phần lớn không thể về nơi neo đậu của xã vì cả 2 cửa biển đều bị bồi lấp.
Theo ngư dân Nguyễn Tấn Thiện, nhiều năm rồi, ngư dân Nghĩa An không thể đưa tàu công suất lớn về cảng. Đối với tàu công suất nhỏ vẫn có thể ra vô cửa Đại, cửa Lở nhưng phải đánh cược với may rủi.
"Trước khi muốn ra khơi là phải canh con nước. Sau đó thì thuyền trưởng nào có kinh nghiệm nhất sẽ đi trước, những tàu còn lại cứ theo đó mà đi. Nhưng tình trạng bồi lấp rất phức tạp, nhiều khi người dày dạn kinh nghiệm cũng phán đoán sai, hoặc chỉ cần chệch tay lái là tàu mắc cạn, bị sóng đánh hư hỏng", ngư dân Thiện cho biết.
Khoảng 5 năm trở lại đây, tại khu vực cửa Đại, cửa Lở có rất nhiều tàu cá mắc cạn. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay đã có 3 tàu cá mắc cạn, bị sóng đánh lật hư hỏng hoàn toàn.
Những con tàu liên tục mắc cạn khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Nghĩa An gặp rất nhiều khó khăn
Bà Võ Thị Lệ Thu - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, người dân địa phương sống nhờ vào nghề biển. Tuy nhiên, cửa Đại và cửa Lở bị bồi lấp, tàu thuyền không ra vào được khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc tàu thuyền mắc cạn, hư hỏng thì các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phải đóng cửa do tàu công suất lớn không thể về nơi neo đậu.
"Mấy năm qua, ngư dân Nghĩa An gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Sản lượng đánh bắt sụt giảm dẫn đến nợ nần, rồi cửa sông bồi lấp, tàu thuyền không thể ra vào. Chính quyền địa phương mong muốn tỉnh hỗ trợ nạo vét cửa Đại, cửa Lở để vực dậy nghề đánh bắt hải sản của xã", bà Thu kiến nghị.
Quốc Triều
Quảng Nam: Thăm hỏi, hỗ trợ ngư dân bị cháy tàu ở Trường Sa Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã kịp thời động viên, chia sẻ trước những thiệt hại của 33 ngư dân tàu cá Qna-94646TS bị cháy rụi tại vùng biển Trường Sa. Ngày 28/2, ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã đến thăm hỏi và hỗ trợ cho chủ tàu Tô Văn Thạnh cùng các ngư...