Việt Nam xem xét mua điện của Lào: Nỗi buồn Mekong
Về mặt kinh tế mua điện của Lào sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cần xem xét thêm khi nước này xây nhiều nhà máy thủy điện trên sông Mê Công.
Chủ trương đúng
Liên quan đến ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đa dạng hóa nguồn cung cấp điện cả trong nước và nhập khẩu, liên kết lưới điện với các nước láng giềng, trong đó chú trọng đến hợp tác mua bán điện với Lào nhằm bù đắp những thiếu hụt về điện khi phải giảm phát triển một số nguồn điện không đảm bảo an toàn và môi trường, trao đổi với PV, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng đây là một chủ trương đúng nằm trong kế hoạch từ trước của Việt Nam.
Về mặt kinh tế mua điện của Lào sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cần xem xét thêm khi nước này xây nhiều nhà máy thủy điện trên sông Mê Công. Ảnh minh họa
Theo vị chuyên gia, năm 2015, Thủ tướng có quy hoạch điện 7 bổ sung, tức là quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, trong đó đánh giá lại nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tới để cơ cấu lại các nguồn điện.
“Trong cơ cấu nguồn điện của tổng sơ đồ 7, điện than trước kia chiếm tới 56% thì nay có giảm bớt khoảng 20.000 MW.
Bên cạnh đó cũng đặt ra 2 vấn đề. Một là giảm bớt nhiệt điện than, hai là tăng điện từ năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời… Đó là hướng đi tương đối đúng đắn.
Đến bây giờ phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị xem lại sơ đồ điện 7. Như tôi được biết, trong tổng sơ đồ mới đã lùi điện hạt nhân từ năm 2020 xuống năm 2028 có tổ máy đầu tiên. Đến thời điểm này lại lùi nữa, tức là, từ nay đến năm 2030 sẽ không có nhà máy điện hạt nhân.
Vì vậy Phó thủ tướng yêu cầu phải cân đối lại nữa. Nếu không có điện hạt nhân thì chúng ta giải quyết bằng cách bổ sung nhiệt điện than. Thứ hai là đẩy nhanh hơn năng lượng tái tạo. Hướng thứ 3 là nếu thiếu thì có thể nhập của nước ngoài.
Hiện nay thì phần lớn đang nhập của Trung Quốc. Trong tương lai thì Lào lại xây dựng nhiều nhà máy thủy điện thì khả năng Việt Nam lại mua điện của Lào”, vị chuyên gia nói.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay thì việc Việt Nam mua điện của Lào là hoàn toàn bình thường và có nhiều thuận lợi hơn so với sản xuất trong nước.
Video đang HOT
“Nếu Lào có sản lượng để bán thì việc mua bán quốc tế qua biên giới với vấn đề điện cũng bình thường rồi, chứ không có gì phức tạp.
Thứ hai là giá mua của Lào cũng không đắt, chúng ta có thể chấp nhận được vì sản xuất điện bằng cách xây dựng thủy điện sẽ bớt đi các chi phí so với nhà máy nhiệt điện than.
Tiếp theo là dùng nhiệt điện than hiện nay thì ô nhiễm môi trường lại là vấn đề lớn, nguồn than trong nước chưa đảm bảo, chúng ta phải nhập từ nước ngoài với giá cao. Cho nên nếu thay thế được nhiệt điện than bằng các nguồn thủy điện là điều rất tốt”, ông Lâm nhấn mạnh.
Dù thừa nhận có nhiều điểm thuận lợi trong việc mua bán điện với Lào tuy nhiên vị chuyên gia cũng lưu ý, chúng ta phải cải thiện hệ thống truyền tải điện cũng như cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc vận tải an toàn.
“Vấn đề quan trọng là điều kiện kỹ thuật có đảm bảo hay không? Vấn đề cơ sở hạ tầng, nâng hệ thống truyền tải điện từ Lào sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Lào để đảm bảo việc vận tải cho an toàn và đủ được số lượng. Nếu số lượng lớn thì phải đầu tư những trạm lớn, đó là cái chính thôi”, ông Lâm nhấn mạnh.
Người dân các tỉnh biên giới được lợi
Theo tính toán của vị chuyên gia, trong giai đoạn 2015-2016, mỗi năm Việt Nam cần tới 156 tỷ KWh điện. Trong khi đó, sản lượng điện nhập từ nước ngoài về chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, khoảng trên dưới 5%.
“Trước đây Việt Nam chủ yếu nhập điện từ Trung Quốc, khoảng 4 -5 tỷ KWh điện để phục vụ nhu cầu điện của người dân các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc như: Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu… Kế hoạch nhập điện từ Lào thì cũng rất ít, nó bù đắp cho vùng biên giới thiếu điện thôi.
Hiện nay, phần lớn việc cấp điện vùng biên giới thì chúng ta chuyển từ các nhà máy lên dẫn đến tổn thất lớn cho nên điện trên đó rất đắt. Còn chuyển điện từ Lào sang thì thuận tiện hơn, gần ngay đó. Nếu chúng ta chuyển về dưới xuôi, về thủ đô Hà Nội bao nhiêu cây số thì lại thành đắt”, ông Lâm nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia khẳng định, việc Việt Nam lên kế hoạch mua điện từ Lào sẽ không tác động gì nhiều đến giá cả bán điện trong nước hay như cạnh tranh, phá thế độc quyền đối với điện nhập từ Trung Quốc.
“Vì vậy, hiện nay, đặt vấn đề nhập của Trung Quốc, nhập của Lào hay Campuchia chỉ giải quyết cho vùng biên giới là chính chứ không phải để thay thế cho điện trong nước”, ông Lâm đánh giá.
Hiệu quả kinh tế nhưng…
So sánh việc mua điện của Lào với kế hoạch sản xuất trong nước, chuyên gia Ngô Đức Lâm cho rằng Việt Nam sẽ có thuận lợi về mặt kinh tế hơn. Tuy nhiên điều ông băn khoăn nhất hiện nay là Lào đang tiến hành xây dựng nhiều nhà máy thủy điện trên sông Mekong và Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối, bày tỏ lo ngại.
“Trung Quốc, Thái Lan , rồi Lào đều xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Mekong. Chúng ta ở cuối nguồn thì thiệt thòi nhất. Trong các hội nghị quốc tế thì Việt Nam phản ứng mạnh mẽ nhất.
Nếu xây dựng hệ thống thủy điện kia, tức là phải chặn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ khiến sinh thái, nước thay đổi thậm chí cuộc sống của người dân cũng thay đổi. Thứ hai là lúc các nhà máy thủy điện xả ra thì cả vùng sẽ bị ngập lụt.
Hiện nay chưa có Luật quốc tế, chưa có người đứng ra giải quyết mà mọi thứ chỉ thương lượng thôi.
Chúng ta không muốn Lào xây dựng thủy điện. Bây giờ họ xây dựng, bán điện thì Việt Nam lại mua. Về tâm lý thì không muốn như vậy, còn đứng về mặt kinh tế thì nói chung là thuận lợi chứ không phải khó khăn gì”, ông Lâm chia sẻ.
Cùng với đó, vị chuyên gia đánh giá theo kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam sẽ có một thị trường điện hoàn hảo mang tính cạnh tranh. Điều này sẽ giúp chúng ta lựa chọn và cân nhắc mua những nguồn điện với giá rẻ hơn, có lợi cho người dân so với thời điểm hiện tại.
“Giá điện của chúng ta nhập hiện nay thì cũng chỉ có 1 chiều thôi, tức là tính chất cạnh tranh trong vấn đề giá là không có.
Đến bây giờ chỉ có 1 công ty mua điện của EVN đặt giá và không có ai là người quyết định được hay không? Trước đây tôi cũng lên tiếng phản đối chuyện có 1 anh bán và 1 anh mua. Vì nó rất khó kiểm soát. Tới năm 2030 khi chúng ta xây dựng được môi trường điện thì sẽ cạnh tranh nhau công bằng hơn. Nếu của Trung Quốc mà đắt thì chúng ta sẽ mua điện của Lào hết. Hoặc ở trong nước nhiều công ty sản xuất rẻ hơn thì nhà nước sẽ lựa chọn chứ cũng không cần mua điện của Lào hay Trung Quốc nữa”, ông Lâm nêu quan điểm.
Theo_Báo Đất Việt
Cắt giảm nhiệt điện than phù hợp với xu hướng toàn cầu
Không phát triển thêm nhiệt điện than là thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về cắt giảm khí phát thải, đẩy mạnh đầu tư năng lượng tái tạo.
Mới đây, thường trực Chính phủ đã có cuộc họp về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VII) và dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Điều chỉnh Quy hoạch than 60).
Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Cần phải rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than". Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải và đẩy mạnh đầu tư phát triển điện tái tạo.
Tuyên bố này của Thủ tướng đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than từ phía chính phủ Việt Nam. Trong khi Việt Nam đã được biết đến là một trong những nước dẫn đầu thế giới về số lượng các nhà máy nhiệt điện than được quy hoạch xây mới với công suất dự kiến khoảng 60.000 MW, chỉ đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Đánh giá về tuyên bố này, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) hoan nghênh cam kết của Thủ tướng Chính phủ về quyết định đưa đất nước khỏi sự phụ thuộc vào nhiệt điện than. Tuy nhiên, bà Khanh cũng cho rằng, trong Quy hoạch phát triển điện VII hiệu chỉnh, vẫn còn một số lượng đáng kể các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ được xây dựng.
"Nếu Thủ tướng đã thận trọng xem xét và đưa ra quyết định giảm nhiệt điện than, GreenID hy vọng rằng chính phủ sẽ đánh giá lại một cách toàn diện tất cả các nhà máy điện than đã đề xuất và ban hành các chính sách để nhanh chóng đẩy mạnh sự phát triển của năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Song hành với những những nỗ lực này, tất cả các nhà máy điện than hiện có và đang có kế hoạch xây mới cần phải được áp dụng hệ thống kiểm soát ô nhiễm và công nghệ hiệu suất cao phù hợp với tiêu chuẩn và thực tiễn tốt của quốc tế", bà Khanh cho biết.
Việt Nam sẽ dần thay thế các nhà máy nhiệt điện than bằng các dự án nhiệt điện khí để kiểm soát và bảo vệ môi trường.
Việc Việt Nam giảm bớt nhiệt điện than sẽ là một "cú bồi" đối với ngành công nghiệp than toàn cầu vốn đang vật lộn để tồn tại. Số liệu do GreenID mới thu thập được đã cho thấy, nguồn nhiệt điện than của Trung Quốc đã giảm khoảng 4%/năm, dựa trên con số báo cáo suy giảm năm 2014. Nhập khẩu than của Ấn Độ giảm 15% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12/2015.
Cho biết quan điểm của mình, ông Tim Buckley, Giám đốc Nghiên cứu Năng lượng Tài chính Australia, tại Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích Tài chính nói rằng, thị trường nhiệt điện than ngày càng suy giảm do các xu hướng thay đổi ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Do đó, việc Việt Nam - một trong những quốc gia dẫn đầu các nước Đông Nam Á về phát triển nhiệt điện than - đưa ra quyết định sẽ không tiếp tục phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu càng làm nổi rõ hơn sự thoái trào của ngành công nghiệp than toàn cầu.
"Quyết định của chính phủ Việt Nam nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi thị trường điện. Điều này cũng phù hợp với các chiến lược hiện đang được thực hiện bởi Trung Quốc và Ấn Độ. An ninh năng lượng là một trong những nhu cầu cấp bách nhất của bất kỳ quốc gia nào và thúc đẩy phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời và sử dụng năng lượng hiệu quả chính là cách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia từ nguồn tại chỗ", ông Buckley chỉ rõ.
Như vậy, bằng việc chỉ đạo giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tái khẳng định lại cam kết tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu - Paris 2015 (COP21) là đến năm 2030, Việt Nam phải giảm được 8% khí thải nhà kính.
"Phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than; rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải. Thúc đẩy phát triển mạnh điện tái tạo, trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư làm điện mặt trời, điện gió...", Thủ Tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm.
Tới đây, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Quy Hoạch điện VII (QHĐ VII) hiệu chỉnh. Trong bản quy hoạch mới này, dự báo nhu cầu điện được kỳ vọng sẽ thấp hơn so với phiên bản trước, bám sát thực tế phát triển kinh tế, qua đó giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng trong tương lai. Ngoài ra, QHĐ VII hiệu chỉnh được dự kiến sẽ tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam./.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Điện hạt nhân tầm quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng Trong xu thế cả thế giới đối phó với nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng truyền thống, hiện nay điện hạt nhân là sự lựa chọn thích hợp, góp phần tích cực thay thế các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, yếu tố quan trọng khác đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sử...