Việt Nam và cơ hội để trở thành thành viên của Hội đồng bảo an LHQ
10 năm sau lần ứng cử đầu tiên, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội trở thành thành viên cơ quan uy tín và quyền lực nhất của Liên hợp quốc với nhiệm kỳ hai năm (2020-2021).
Vào ngày 7/6 tới, Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tổ chức bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong đó có 1 vị trí cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương và Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm này. Hiện, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để đảm nhiệm trọng trách này, trở thành một thành viên đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. – Ảnh: VOV
Với vai trò đặc biệt quan trọng là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế nên HĐBA có quyền hạn rất lớn. Trong khi các cơ quan khác của Liên hợp quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị thì các quyết định và nghị quyết của HĐBA đều mang tính chất ràng buộc, tất cả các thành viên của Liên hợp quốc phải tôn trọng và có trách nhiệm thi hành. Chính vì thế, được tham gia HĐBA không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để khẳng định uy tín, vị thế mà bất cứ quốc gia nào cũng hướng tới.Là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an (HĐBA) gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và 10 thành viên không thường trực. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý và do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với nhiệm kỳ 2 năm.
Dựa vào uy tín và kinh nghiệm, Việt Nam có cơ hội để lạc quan
Trước khi ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 – 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.
Video đang HOT
Để trúng cử trong đợt bỏ phiếu ngày 7/6 tới, Việt Nam phải có được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 trong số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc. Tháng 5/2018, Việt Nam được nhóm Châu Á – Thái Bình Dương đồng thuận thông qua là ứng viên duy nhất của nhóm tranh cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý thì điều này thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên Hợp Quốc ở các khu vực khác bỏ phiếu: “Cho tới bây giờ, có thể nói rằng chúng ta có cơ hội lớn để thắng cử. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta đã có sự ủng hộ và cam kết bằng văn bản của hơn 100 nước và ủng hộ miệng của 30-40 nước nữa”.
Tuy nhiên, theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam vẫn đang tích cực trao đổi, vận động các quốc gia thành viên còn lại ủng hộ bằng văn bản để Việt Nam có thể đạt được số phiếu đủ để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Mong muốn đóng góp tích cực vào nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế
10 năm sau lần ứng cử đầu tiên, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội trở thành thành viên cơ quan uy tín và quyền lực nhất của Liên hợp quốc với nhiệm kỳ hai năm (2020-2021), kể từ ngày 1-1-2020. Quyết định ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc lần thứ hai này, Việt Nam mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, thúc đẩy vai trò của Liên Hợp Quốc và các thể chế đa phương, đặc biệt trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh an ninh thế giới, có thể thấy hiện nay thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp nảy sinh bởi mâu thuẫn, tham vọng và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn. Đảm nhận vai trò mà thế giới tin tưởng trao gửi, Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch để thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất. Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết: “Việc phải làm ngay sau khi bỏ phiếu là kiện toàn lại bộ máy ở cả phái đoàn tại đây cũng như tại các cơ quan ở trong nước để hình thành những cơ chế hợp tác, những cơ chế thông tin để làm thế nào quá trình ra quyết định được nhanh chóng và kịp thời. Việc thứ hai phải làm ngay đó là nghiên cứu ngay những vấn đề mà Việt Nam sẽ đưa ra, sẽ dẫn dắt và sẽ làm chủ trong quá trình tham gia các hoạt động của Hội đồng bảo an trong hai năm tới, đặc biệt là trong hai tháng mà Việt Nam sẽ làm chủ tịch Hội đồng bảo an”.
Từng trải qua các cuộc chiến tranh, chịu nhiều đau thương, mất mát để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ cái giá của chiến tranh và sự cần thiết phải ngăn ngừa chiến tranh. Việt Nam còn là một tấm gương được thế giới ghi nhận trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và giải quyết hậu quả chiến tranh. Kinh nghiệm quá khứ, thành tựu của sự nghiệp đổi mới đầy ấn tượng, vị thế và vai trò ngày càng tăng trên trường quốc tế cùng đường lối đối ngoại rộng mở, Việt Nam chắc chắn sẽ đảm nhiệm tốt vai trò mà cộng đồng quốc tế tin tưởng tín nhiệm bầu.
Theo Dantri
Dấu ấn Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên tại cơ quan quyền lực nhất LHQ
Ngày 18.2.2008, tại phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bàn về Kosovo, Đại sứ Lê Lương Minh - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tuyên bố Việt Nam ủng hộ giải quyết vấn đề Kossovo theo Nghị quyết 1244 ngày 19.6.1999 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đã nhận được sự đồng ý của các bên liên quan. Ảnh: TTXVN.
Những kết quả nổi bật mà Việt Nam đạt được khi hoàn thành trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 đã được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham gia chủ động, thể hiện lập trường độc lập tự chủ, góp phần xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên, nhất là các nước lớn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện được các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đề ra, có nhiều sáng kiến và đóng góp vào các hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được các nước đánh giá cao.
Trong số 4 kết quả chính mà Việt Nam đạt được, nổi bật nhất là Việt Nam không chỉ bắt nhịp nhanh, tham gia đầy đủ 1.500 cuộc họp của Hội đồng Bảo an mà đóng góp tích cực trên tất cả các vấn đề và tất cả các khâu từ phát biểu, tham gia thương lượng, đóng góp xây dựng các nghị quyết, văn kiện.
Ngoài ra, trong lần đầu đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đảm nhận Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban của Hội đồng Bảo an, đặc biệt, 2 lần làm Chủ tịch tháng của Hội đồng Bảo an.
Trong 2 năm ngồi trên "ghế nóng", Việt Nam đã góp phần xây dựng Báo cáo năm về công việc của Hội đồng Bảo an. Việt Nam đã chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo an thông qua 1 nghị quyết về phụ nữ và hòa bình an ninh.
Với tư cách đại diện Châu Á, các vấn đề ở khu vực như hạt nhân Iran, vấn đề Triều Tiên... đã được Việt Nam quan tâm thúc đẩy. Bên cạnh đó, các vấn đề ở các khu vực khác như Châu Phi, Trung Đông cũng được Việt Nam quan tâm thúc đẩy. Trong 2 lần làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an ở nhiệm kỳ này, Việt Nam đều thúc đẩy thảo luận mở về vấn đề hòa bình Trung Đông.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác quan trọng và trong khu vực đều đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong thời gian này.
"10 năm trước, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Thời điểm đó, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng Bảo an, đặc biệt là việc ủng hộ Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của Liên Hợp Quốc" - ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
"Tôi nghĩ Việt Nam là một ứng cử viên nặng ký có nhiều kinh nghiệm bởi các bạn cũng đã từng đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an cách đây 10 năm và tôi nghĩ các bạn biết cần phải làm gì. Điều đó cũng có nghĩa là tất cả đều đặt kỳ vọng khá cao vào Việt Nam sẽ đóng vai trò xây dựng trong Hội đồng Bảo an" - ông Olof Skoog - Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc.
"Trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, Việt Nam đã được Mỹ ca ngợi vì những đóng góp tích cực và sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề then chốt như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố" - GS.Carl Thayer - Đại học New South Wales, Australia.
Theo TTXVN
HẢI ANH
Việt Nam tại Liên hợp quốc - niềm tự hào của người làm đối ngoại Việt Nam là UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiều khả năng trở thành UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với thế hệ chúng tôi, những người có trên 30 năm công tác về LHQ. Một phiên họp của HĐBA LHQ. (Nguồn: VTV.VN) Trọng trách của HĐBA, ý nghĩa cuộc bỏ phiếu Hội Đồng Bảo...