Việt Nam trong mắt phái đoàn Mỹ
Sự hiếu khách và tình cảm nồng hậu của người Việt Nam để lại ấn tượng mạnh trong lòng phái đoàn Mỹ.
Người dân chào đón đoàn xe của Tổng thống Obama tại TP.HCMKHẢ HÒA
Trong thời gian tháp tùng Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam, nhiều chính trị gia nước này đã liên tục cập nhật cảm xúc, cảm nghĩ của họ về đất nước hình chữ S trên các trang mạng xã hội như Facebook hoặc Twitter…
Sốc vì xe máy
Nghị sĩ Mỹ Beto O’Rourke đến từ bang Texas cung cấp khá chi tiết về lịch trình của ông cũng như phái đoàn Mỹ tại Việt Nam trên trang Facebook. Trong thời gian lưu trú tại một khách sạn ở Hà Nội, ông O’Rourke đã thưởng thức cà phê ở đây và tấm tắc khen ngon.
Tuy nhiên, nghị sĩ O’Rourke chia sẻ rằng ông thật sự sốc với tình hình giao thông tại Việt Nam: “Có quá nhiều xe máy trên đường phố. Tôi thấy cả một gia đình 4 người, trong đó có 2 trẻ nhỏ, đèo nhau trên một chiếc xe máy. Thật là nguy hiểm. Dường như chẳng có luật lệ giao thông nào cả, mọi người lúc chạy ở làn đường này lúc thì ở làn đường khác. Đèn xanh, đèn đỏ gì họ cũng chạy tuốt. Tôi nhìn thấy nhiều vụ xe đối đầu nhau tại các ngã ba, ngã tư…”.
Chính trị gia Mỹ thật sự thích thú trước thói quen tập thể dục vào sáng sớm của người dân ở gần khách sạn nơi ông lưu trú. Ông viết: “Tôi ngạc nhiên khi thấy dường như cả thành phố thức dậy sớm và mọi người đổ ra đường tập thể dục lúc 6 giờ 30 sáng. Người người chạy bộ, đi bộ, đạp xe hay tập dưỡng sinh, khiêu vũ. Mọi người đều cười tươi, tận hưởng không khí ngoài trời”.
Ông O’Rourke cũng viết về bài phát biểu gây xúc động của Tổng thống Obamatại Trung tâm hội nghị quốc gia: “Cả khán phòng chật kín, hơn 2.000 người, và bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia. Tổng thống đã thể hiện sự tôn trọng sâu sắc mà ông dành cho người dân Việt Nam khi nhắc tới những nhân vật lịch sử và nổi tiếng trong suốt một nghìn năm. Tổng thống nói về mối quan hệ gần gũi trong quá khứ giữa hai nước, trong đó có giai đoạn Thế chiến 2, khi người Việt Nam cứu các phi công lái máy bay chiến đấu Mỹ bị bắn rơi”.
Tổng thống Obama vẫy chào khi lên máy bay rời VN. ĐỘC LẬP
Video đang HOT
Trải nghiệm không bao giờ quên
Cũng theo ông O’Rourke, phái đoàn Mỹ thật sự ấn tượng trước sự chào đón nồng nhiệt của người dân tại TP.HCM. Ông viết: “Tổng thống còn tham dự nhiều sự kiện trong cả ngày nhưng có lẽ điểm nhấn thực sự là sau khi chúng tôi đáp xuống TP.HCM (còn được biết với tên Sài Gòn). Từ lúc đoàn xe của chúng tôi rời sân bay cho đến khi tới khách sạn, hai bên đường và trên các vỉa hè có rất nhiều người dân Việt Nam cười tươi, vẫy tay chào đón, lộ rõ sự phấn khích, thậm chí cả với những hạ nghị sĩ từ Texas ngồi trên chiếc xe đi sau xe của tổng thống. Tình cảm họ dành cho nước Mỹ, cho Tổng thống Obama và người dân Mỹ quá lớn. Đội ngũ của Tổng thống Obama nói với tôi rằng đó là những đám đông lớn nhất mà họ từng chứng kiến. Tôi hy vọng hai nước chúng ta có thể tận dụng tối đa sự thiện chí này”.
Tương tự, ông Joaquin Castro, một hạ nghị sĩ khác, đã đăng lên Facebook một đoạn clip ông tự quay về cảnh người dân chào đón đoàn xe kèm chú thích: “Thật vinh dự khi tháp tùng Tổng thống Obama đến Việt Nam trong vài ngày qua và gặp gỡ các lãnh đạo chính trị, các nhà cải cách và các công nhân ở nước này. Đây là góc nhìn của tôi về màn đón tiếp nồng hậu không thể tin được mà người Việt Nam dành cho tổng thống trong chuyến thăm của ông”.
Còn trên trang Twitter, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes chia sẻ: “Cám ơn TP.HCM vì màn đón tiếp chúng tôi sẽ không bao giờ quên”. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Eric Schultz cũng viết trên Twitter: “Hàng trăm ngàn người xếp hàng trên đường phố để chào đón tổng thống – trong 5 năm làm việc tại Nhà Trắng, tôi chưa bao giờ thấy cảnh này”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bày tỏ cảm xúc trước sự tiếp đón nhiệt tình của người dân Việt Nam trong một cuộc họp báo ở TP.HCM: “Tôi phải nói với các bạn rằng trong nhiều năm tôi từng trông đợi một thời điểm khi người ta sẽ nghe đến cái tên “Việt Nam” và nghĩ nhiều hơn về một đất nước thay vì một cuộc xung đột. Và với chuyến thăm của Tổng thống Obama trong tuần này, với đám đông mà chúng ta chứng kiến trên đường phố ngày hôm nay, một màn đón tiếp nồng hậu đáng chú ý, sự phấn khích không thể tin nổi của người dân, khoảnh khắc mà chúng ta có mặt cùng một tổng thống Mỹ tuyệt đối có thể cảm thấy được, và tôi nghĩ đó là một khoảnh khắc chuyển giai đoạn”.
Danh Toại
Theo Thanhnien
64 giờ Tổng thống Mỹ ở Việt Nam
Ngoài các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, phát biểu, nói chuyện với doanh nhân, sinh viên..., Tổng thống Barack Obama còn lên phố ăn bún chả, uống bia hơi, ghé quán trà đá, thăm hỏi, bắt tay người dân trong một chiều mưa.
21h30 ngày 22/5, chuyên cơ Air Force One chở ông Barack Obama cùng đoàn tùy tùng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày. Tổng thống Obama và các lãnh đạo Việt Nam đã tập trung thảo luận về tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới. Sau hơn 20 năm Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ, Barack Obama là tổng thống thứ ba tới Việt Nam sau các cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush. Trong bộ vest đen, sơ mi trắng, người đàn ông quyền lực bậc nhất thế giới tươi cười bước xuống. Ảnh: Giang Huy.
Trong ngày 23/5, Tổng thống Mỹ lần lượt có hội đàm, gặp gỡ với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc họp báo chung lúc 12h50 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Tổng thống Mỹ đã thông báo chính thức về việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Ông Obama cho biết đây là một tiến trình tương đối gian nan giữa Washington và Hà Nội, với các cuộc đối thoại khó khăn từ nhiều năm trước. Để có kết quả trên phải kể đến nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, thượng nghị sĩ John McCain cùng rất nhiều người khác từ cả hai phía. "Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm không phụ thuộc vào nhân tố Trung Quốc hay các cân nhắc khác, mà dựa trên mong muốn của chúng tôi trong việc hoàn tất những điểm kết nối trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam", ông Obama trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Nhà sàn Hồ Chủ tịch. Ông cho cá ở hồ nước trước nhà sàn ăn. "Mong rằng quan hệ nồng ấm giữa nhân dân chúng ta tiếp tục phát triển", ông Obama đã viết trong sổ ghi cảm tưởng tại nhà sàn. Ảnh: Giang Huy.
Hơn 20h tối cùng ngày, Tổng thống Mỹ bất ngờ xuất hiện tại phố Lê Văn Hưu (Hai Bà Trưng) để đi ăn bún chả Hà Nội cùng đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, ghi hình cho chương trình "Anthony Bourdain Parts Unknown" mùa thứ 8 của vị đầu bếp này, dự kiến phát sóng vào tháng 9. Hai người ăn hết hai suất bún chả, nem cùng hai chai bia. Trên trang Twitter của mình, đầu bếp Bourdain cho hay bữa ăn của ông với Tổng thống Mỹ Obama giá 6 USD và ông là người nhận trả tiền. Chủ quán cho biết Tổng thống Mỹ còn gọi thêm 4 suất bún chả mang về trước khi rời đi. Ảnh: Pete Souza.
Sau khi ăn bún chả, Tổng thống Barack Obama chưa vội dời đi ngay mà nán lại khoảng 5 phút bắt tay và để người dân chụp hình. Ông liên tục nói cảm ơn và bắt tay người dân Hà Nội. Sau đó, ông rời đi trên chiếc Cadillac hướng về phố cổ Hà Nội. Ảnh: Bá Đô.
12h trưa 24/5, Tổng thống Mỹ có buổi nói chuyện trước 2.000 trí thức, doanh nhân, sinh viên Việt Nam, đại diện một số bộ ngành tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Khi xuất hiện, ông nói bằng tiếng Việt "Xin chào. Xin chào Việt Nam". Trong bài phát biểu dài 30 phút, ông Obama dành để nói về tiến trình quan hệ Việt - Mỹ. Mối quan hệ ấy từng có thời kỳ "đóng băng" sau chiến tranh, song với nỗ lực suốt nhiều năm của cả hai phía, cuối cùng mối quan hệ ấy tiến tới bình thường hóa hoàn toàn bằng thông báo hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam ngày 23/5. Ông Obama khẳng định thế hệ trước của người Mỹ tới Việt Nam để chiến đấu, nhưng thế hệ sau đến đây để dạy học, tẩy độc dioxin, hợp tác, giúp đỡ toàn diện và làm cho mối quan hệ hai nước sâu sắc hơn. "Mai này, khi người Mỹ và người Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn, như Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi", ông Obama nói. Ảnh: Giang Huy.
12h40 ngày 24/5, đoàn xe đưa Tổng thống Obama rời Trung tâm Hội nghị quốc gia ra sân bay Nội Bài. Dọc đường, đoàn ghé thăm làng Mễ Trì Hạ vốn nổi tiếng bởi đặc sản cốm. Bắt tay người dân, chụp ảnh lưu niệm với chủ quán trà đá, đứng trú mưa dưới chiếc lán tạm... ở làng Mễ Trì Hạ là những hình ảnh cuối cùng của Tổng thống Mỹ trước khi rời thủ đô. 14h15 cùng ngày, chuyên cơ Air Force One cất cánh rời Hà Nội, đưa ông Barack Obama vào TP HCM, muộn hơn so với dự kiến ban đầu khoảng một tiếng. Ảnh: Reuters.
Gần 16h ngày 24/5, Tổng thống Mỹ có mặt tại TP HCM. Lịch trình đầu tiên của ông là tới thăm chùa Ngọc Hoàng ở quận 1. Ngôi chùa hơn 100 năm tuổi được nhiều người dân và du khách quốc tế biết đến là nơi cầu cúng cho việc làm ăn thuận lợi, bình an, phước đức và đặc biệt là cầu tự. Trong lúc tham quan, một nhà sư tại chùa đề nghị ông Obama cầu nguyện trước một bức tượng nếu muốn có con trai. Tổng thống Mỹ đã từ tốn trả lời "Tôi thích con gái". Ảnh: Gia Khanh.
Sau đó,Tổng thống Mỹ gặp gỡ 100 doanh nhân, doanh nghiệp tại tầng 14 của Dreamplex, tòa nhà Miss Áo Dài. Trong hơn một giờ giao lưu, Tổng thống Mỹ cùng với các doanh nhân đã nói về những trở ngại khi lập nghiệp, những mong muốn hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam, Mỹ hay các nhà đầu tư, vấn đề vốn, tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Ảnh: Reuters.
Sáng 25/5, Tổng thống Mỹ có buổi trò chuyện hơn một giờ cùng với nhóm thủ lĩnh trẻ YSEALI - hoạt động cuối cùng trong chuyến công du ở Việt Nam. Cởi áo vest, xắn tay áo sơ mi, Tổng thống Mỹ giữ vai trò dẫn dắt cuộc trò chuyện, trực tiếp trả lời câu hỏi của các thanh niên về nhiều vấn đề. Ông cũng chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình, từ một cậu bé nổi loạn trở thành Tổng thống Mỹ. Ảnh: Thoại Hà.
12h40 ngày 25/5, ông Obama tới sân bay Tân Sơn Nhất, vẫy tay chào mọi người trước khi vào trong chuyên cơ. Rời Việt Nam, Tổng thống Obama tiếp tục đến Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7. Trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo, ông có hơn 50 chuyến công du các nước. Trả lời một phóng viên trong cuộc họp báo chung ngày 23/5, ông đã nói "Tôi hy vọng khi về hưu có thể cùng gia đình đến Việt Nam. Tôi có thể dành thời gian tham quan Việt Nam, hiểu biết thêm về con người, thưởng thức ẩm thực và có lịch trình thoải mái hơn". Ảnh: Hồng Phúc.
Nhóm phóng viên
Theo VNE
Người Trung Quốc không tin bữa tối bún chả của Obama là thật Nhiều người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc đặt nghi vấn về tính chân thực của bức ảnh ông Obama ăn bún chả ở Hà Nội. Bức ảnh bữa tối bún chả với Tổng thống Mỹ Barack Obama được đầu bếp Anthony Bourdain chia sẻ. Ảnh: Instagram Theo Epoch Times, chưa rõ liệu người dân Trung Quốc có biết rằng cuộc gặp...