Việt Nam trao trả hài cốt quân nhân Hoa Kỳ lần thứ 147 tại sân bay Đà Nẵng
Sáng 11/12, tại sân bay Đà Nẵng, Cơ quan tìm kiếm tù binh và người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA) phối hợp cùng Văn phòng tìm kiếm người mất tích Việt Nam (VNOSMP) tổ chức lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ.
Hai bên ký kết thủ tục trước khi tiến hành bàn giao 3 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ (ảnh Minh Hằng)
Đây là đợt trao trả hài cốt quân nhân Hoa Kỳ lần thứ 147 của Việt Nam. Tại buổi lễ, Chính phủ Việt Nam đã trao trả 3 bộ hài cốt được cho là của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Ba bộ hài cốt là do công dân đơn phương giao nộp và là kết quả của các cuộc khai quật trong đợt hoạt động hỗn hợp lần thứ 133 ở Việt Nam với 76 chuyên viên Hoa Kỳ và trên 200 người Việt Nam cùng hợp tác tại các hiện trường ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế. Các bộ hài cốt này sẽ được đưa tới phòng giám định của DPAA tại Hawaii để kiểm tra thêm.
Nghi thức bàn giao hài cốt quân nhân Hoa Kỳ (Minh Hằng)
Video đang HOT
Năm 2018 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 30 năm hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sự kiện trao trả hài cốt này càng thể hiện sự hợp tác mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vấn đề nhân đạo này.
Đô đốc Jon Kreitz – Phó Giám đốc DPAA cho biết, DPAA có trách nhiệm tìm kiếm những quân nhân mất tích trong chiến tranh. Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu công việc này từ những năm 80 và đó là nền tảng cho sự phối hợp giữa 2 nước cùng hướng đến tương lai.
Đô đốc Jon Kreitz (trái) nói về sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc trao trả hài cốt quân nhân (ảnh Minh Hằng)
Đô đốc Jon Kreitz nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể làm được những việc như ngày hôm nay nếu như không có sự phối hợp và giúp đỡ của người dân và Chính phủ Việt Nam”.
Đại tá Nguyễn Hữu Lương – Phó Giám đốc VNOSMP cho hay, tính đến năm 1983, Việt Nam đã trao trả cho Hoa Kỳ hơn 300 hài cốt và được phía Hoa Kỳ đánh giá cao. Trên nền tảng hợp tác và nhân đạo đó, năm 1995, Hoa Kỳ hợp tác toàn diện với Việt Nam và thiết lập quan hệ hỗn hợp tìm kiếm hài cốt. Đây là đợt hoạt động hỗn hợp lần thứ 133 ở Việt Nam.
Ba hài cốt do công dân đơn phương giao nộp và là kết quả của các cuộc khai quật trong đợt hoạt động hỗn hợp lần thứ 133 ở Việt Nam (ảnh Minh Hằng)
Hoa Kỳ cũng đã giúp Việt Nam tìm kiếm hơn 1.000 hài cốt bộ đội mất tích trong chiến tranh. Những năm gần đây, phía Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam xử lý xong ô nhiễm chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng và tiếp tục sẽ xử lý tiếp vấn đề này ở sân bay Biên Hòa. Ngoài ra, Hoa Kỳ giúp Việt Nam trong việc rà phá bom mìn ở Quảng Trị, Đại tá Lương cho biết thêm.
Minh Hằng
Theo NTD
Hoàn thành xử lý 90.000m3 bùn đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng hoàn thành, các lực lượng đã xử lý triệt để được khoảng 90.000 m3 bùn đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000 m3 bùn đất ô nhiễm dioxin dưới ngưỡng cần xử lý.
Chiều ngày 6/11, tại Đà Nẵng, Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo về kết quả hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ thực hiện dự án ô nhiễm chất độc dioxin khu vực sân bay Đà Nẵng.
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và một số nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Hội thảo kết quả hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ thực hiện dự án ô nhiễm chất độc dioxin khu vực sân bay Đà Nẵng được tổ chức chiều 6/11
Khu vực sân bay Đà Nẵng là một trong những điểm nóng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam. Ngày 1/4/2011, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân (chủ đầu tư) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện Dự án từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 60 tỷ đồng, nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ khoảng 110 triệu USD.
Đại tá Phạm Quang Vũ - Trưởng phòng Khoa học quân sự (Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân) cho biết, các lực lượng đã xử lý triệt để được khoảng 90.000 m3 bùn đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000 m bùn đất ô nhiễm dioxin dưới ngưỡng cần xử lý.
"Việc xử lý làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ phơi nhiễm dioxin đối với con người và môi trường tại sân bay Đà Nẵng, xóa tên danh sách điểm nóng ô nhiễm dioxin, tạo tâm lý cho cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực sân bay. Quá trình thực hiện dự án đảm bảo an toàn, không có sự cố đáng tiếc về môi trường và con người", Đại tá Pham Quang Vũ nhấn mạnh.
Xử lý dioxin tại Sân bay Đà Nẵng
Theo đánh giá của đơn vị quan trắc môi trường độc lập là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, toàn bộ đất, trầm tích có nồng độ dioxin/furan vượt ngưỡng cần tẩy độc theo TCVN 8183:2009 ở cả đầu Bắc và đầu Nam sân bay đã được tẩy độc. Nồng độ dioxin/furan trong vật liệu ô nhiễm sau tẩy độc ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đều đạt mục tiêu đạt ra là nhỏ hơn 150pg/g. Nồng độ dioxin trong nước mặt, nước ngầm, không khí ở các khu vực tiếp giáp với khu dân cư đã cơ bản ở mức cho phép.
Kết luận hội thảo, TS.Thân Thành Công - Chánh Văn phòng 701 đánh giá dự án đã đạt mục tiêu đề ra, xử lý thành công đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm cho con người và môi trường xung quanh. Dự án đã mang lại hiệu quả và ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực, cả về sức khỏe cộng đồng, môi trường, kinh tế, xã hội và để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, giám sát, vận hành và ứng dụng công nghệ trong dự án. Những kết quả của dự án thể hiện những cam kết của Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và sự mong mỏi rất nhiều năm của người dân Việt Nam để có một môi trường sống an toàn, không còn ô nhiễm chất độc dioxin sau chiến tranh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn những thách thức cần được quan tâm, đó là vấn đề phải điều chỉnh quy mô, khối lượng dự án do khảo sát ban đầu chưa kỹ; những thách thức kỹ thuật trong xử lý do những điều kiện khí hậu và môi trường đặc thù của địa phương...
Khánh Hồng
Theo Dantri
90 nghìn khối đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã được xử lý Dự án đã xử lý triệt để được khoảng 90.000m3 bùn đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000 m3 bùn đất ô nhiễm dioxin dưới ngưỡng cần xử lý; bàn giao 18,7ha đất đã được xử lý phục vụ mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng. Quá trình quan trắc môi trường xử lý dioxin tại Sân bay Đà Nẵng....