Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 với chủ đề Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11-12/11, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu hàng đầu ASEAN, Trung Quốc, Mỹ…
ASEAN và Trung Quốc đang hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông mang tính ràng buộc hơn. Trong ảnh là doanh trại quân đội nhân dân Việt Nam trên đảo Đá Lớn tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: QĐND
Hội thảo Biển Đông lần thứ 5 do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, cùng Hội Luật gia Việt Nam tổ chức vào ngày 11-12/11, với hơn 200 đại biểu là đại diện chính phủ, học giả, chuyên gia đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ… tham dự.
Hội thảo gồm 9 phiên thảo luận chuyên đề xoay quanh những diễn biến mới trên Biển Đông cũng như vai trò của ASEAN và các nước lớn trong, ngoài khu vực trong vấn đề giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột, thông cáo báo chí của Hội thảo cho hay.
Đặc biệt, lần đầu tiên các chuyên gia sẽ thảo luận về những diễn biến pháp lý gần đây, trong đó có sự kiện Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hồi tháng một.
Trong đơn đệ trình lên tòa án quốc tế, Manila bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh, gọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông bao gồm cả vùng biển và các đảo gần các nước láng giềng, là bất hợp pháp. Mặc dù Trung Quốc từ chối ra tòa nhưng vụ kiện vẫn được thụ lý và được dự đoán kéo dài 3-4 năm theo luật pháp quốc tế.
Để làm rõ thêm về vấn đề này, Giáo sư Erik Franckx, thành viên tòa trọng tài thường trực, cơ quan thụ lý hồ sơ vụ kiện Philippines-Trung Quốc, sẽ tham gia Hội thảo với bài phát biểu có tiêu đề: “Tương tác giữa Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) và các cơ quan giải quyết tranh chấp trong việc xác lập và phân định thềm lục địa mở rộng: những khuynh hướng mới”.
Bốn học giả Trung Quốc và Đài Loan cũng sẽ góp mặt trong Hội thảo với các bài phát biểu xoay quanh quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong đó, đáng chú ý là bài phát biểu của bà Nong Hong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật và chính sách đại dương thuộc Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc. Bài phát biểu sẽ giới thiệu cách tiếp cận mới nhưng vẫn có tính kế thừa của Trung Quốc trong quản lý tranh chấp Biển Đông, đi từ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quan chức ngoại giao cao cấp ASEAN và Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành nhóm họp tại Tô Châu, Trung Quốc, hôm 14-15/9, nhằm tham vấn quan chức cao cấp về việc xây dựng COC.
Video đang HOT
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 3 và Cao cấp Đông Á (EAS) được tổ chức tại Brunei hồi tháng 10, các lãnh đạo ASEAN cũng kêu gọi sớm xây dựng COC. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật quyết tâm của Việt Nam trong tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc này.
Theo VNE
'Mỹ muốn dằn mặt Nga trong vấn đề Syria'
Cuộc tấn công của Mỹ vào Syria không chỉ nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học, mà còn là để hỗ trợ phe nổi dậy, dằn mặt Nga và thử nghiệm tính hiệu quả của hệ thống luật quốc tế, một chuyên gia về khu vực Trung Đông Bắc Phi nhận xét.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52), một trong các chiến hạm của Mỹ được điều tới gần Sirya. Ảnh: MaritimeQuest
Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam, trao đổi với VnExpress về những gì đang xảy ra ở Syria.
- Tại sao cuộc nội chiến ở Syria lại kéo dài suốt hơn hai năm rưỡi, dài hơn nhiều so với các nước khác trong Mùa xuân Arab?
- Đây thực chất là một cuộc xung đột xã hội. Giống như những gì từng xảy ra tại Tunisia, Lybia, và nhiều quốc gia Bắc Phi - Trung Đông khác, xung đột ban đầu nảy sinh từ các đòi hỏi dân sinh thông thường, trước khả năng quản lý yếu kém của chính phủ, như tình trạng phân hóa giàu nghèo hay khủng hoảng kinh tế.
Riêng tại Syria, xung đột sau đó đã phát triển thành một cuộc nội chiến nhằm tranh giành quyền lực giữa chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và những lực lượng nổi dậy.
Bởi mục tiêu của cả hai bên là tranh giành quyền lực, nên cuộc chiến này chỉ có thể kết thúc khi một bên giành chiến thắng. Một xung đột, nhất là xung đột vũ trang, càng kéo dài thì càng khiến sự thù hận giữa các bên thêm sâu sắc. Đến nay, gần như không có chỗ cho sự thỏa hiệp.
Hơn nữa, nội chiến ở Syria không chỉ là vấn đề của riêng nước này, bởi sự can thiệp ngày càng sâu sắc của các lực lượng bên ngoài, đặc biệt là nhóm hai nước lớn: một bên là phương Tây, đứng đầu là Mỹ, bên kia là Nga, với sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Tình trạng này càng kéo dài càng càng khiến các cơ chế quốc tế và khu vực như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab bị tê liệt. Ngoài ra, những lực lượng khủng bố quốc tế cũng góp phần khiến xung đột thêm phần phức tạp.
Tóm lại, Syria đã trở thành một địa bàn chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn nội tại cũng như quốc tế, khiến cuộc nội chiến này dần biến thành một "cuộc chiến tranh ủy thác", giữa các lực lượng bên ngoài nước này.
- Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói tới "giới hạn đỏ" đối với Syria trong việc sử dụng vũ khí hóa học từ cách đây hơn một năm, và thực tế là từng có nhiều thông tin về việc chính quyền Damascus dùng loại vũ khí này với thường dân. Vậy tại sao Mỹ lại phải chờ tới lúc này để lên kế hoạch tấn công?
- Không phải tới lúc này Mỹ mới đe dọa sử dụng các biện pháp quân sự. Ngay từ hồi tháng 6/2012, chính phủ Syria đã đưa ra tuyên bố về khả năng sử dụng vũ khí hóa học, một loại vũ khí đã bị cấm theo Công ước 1972 (cấm sử dụng vũ khí hóa học và độc tố), để đáp lại những lời đe dọa tấn công quân sự của phương Tây. Là một trong số ít những quốc gia không tham gia vào công ước nói trên, tuyên bố của chính quyền Assad khiến Washington khi đó chưa thể đưa ra một đưa ra một lệnh trừng phạt kiểu "giới hạn đỏ".
Tuy nhiên, đối với các vấn đề ở Trung Đông - Bắc Phi, chính quyền Barack Obama lại đang thi hành một chính sách rất thực dụng, phù hợp tới tình hình hậu khủng hoảng kinh tế 2008 của Mỹ. Ngay cả tuyên bố hôm qua của ông Obama, trong đó khẳng định Mỹ sẽ không lặp lại những gì từng xảy ra ở cuộc chiến Iraq hồi năm 2003, cũng cho thấy thái độ thận trọng của Washington trong vấn đề Syria.
Đây có thể là thời điểm "thích hợp" cho một cuộc tấn công "chớp nhoáng" bởi vũ khí hóa học và chiến tranh ở Syria đã kéo dài đủ lâu để tạo hiệu ứng chán nản cho các bên liên quan.
- Nga vẫn luôn phản đối bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào Syria, một đồng minh thân cận lâu năm ở khu vực Trung Đông. Vậy Moscow được gì trong việc kiên quyết phản đối đến cùng?
- Syria được coi là đồng minh cuối cùng của Nga tại Trung Đông. Điều này đồng nghĩa với việc, giữ được chính quyền Assad là giữ được chỗ đứng cuối cùng của Nga ở khu vực. Mặt khác, thể diện của Nga đang được đặt cược vào sự tồn vong của chính quyền Syria. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra lúc này là, nếu Mỹ, Anh, Pháp vẫn tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng, thì liệu Nga sẽ phản ứng tới mức độ nào?
Tình hình hiện tại đã khác với năm 1962, thời điểm xảy ra vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba, rất nhiều. Nga sẽ phải cân nhắc rất kỹ cách thức phản ứng, nhiều khả năng là sẽ bỏ phiếu phủ quyết ở Hội đồng Bảo an cũng như cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria, thay vì can thiệp trực tiếp bằng quân sự. Mặc dù có qua điểm cứng rắn trong vấn đề Syria, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang thi hành một chính sách khá thực dụng trong quan hệ với các nước phương Tây. Vì thế, khó có thể hy vọng Moscow sẽ có phản ứng quyết liệt như thời Liên Xô.
Tổng thống Obama hôm qua khẳng định sẽ không biến Syria thành một Libya thứ hai. Ảnh:AFP
- Washington tuyên bố sẽ chỉ phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng trong một tới hai ngày. Mục đích thực sự của toan tính này là gì?
- Trong tuyên bố được đưa ra hôm qua, Tổng thống Obama đã khẳng định cuộc tấn công chỉ để răn đe chính phủ Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học, chứ không nhằm mục đích thay đổi chế độ. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều, nếu cuộc tấn công (chủ yếu dựa vào tên lửa và có thể là cả ném bom) xảy ra, chính phủ Assad đương nhiên sẽ phải chịu tổn thất và suy yếu.
Điều này có lợi cho phe nổi dậy, vốn đang thất thế trên chiến trường. Vậy là rõ ràng, hành động can thiệp quân sự của phương Tây chẳng khác nào "hà hơi tiếp sức" cho các nhóm phiến quân.
Đó chỉ là những điều có thể nhìn thấy ngay, và các nước phương Tây chắc chắn vẫn còn không ít những toan tính trong ý định vượt quyền Liên Hợp Quốc này, chẳng hạn như nhằm "dằn mặt" Nga hoặc kiểm tra tính khả thi của hệ thống Luật Quốc tế.
- Tương lai của Syria liệu có giống Libya sau khi bị liên quân phương Tây tấn công hồi tháng 3/2011?
- Ngay từ đầu, nội chiến ở Syria đã có những điểm các biệt so với những gì từng xảy ra tại các nước Bắc Phi - Trung Đông trong vòng xoáy của Mùa xuân Arab. Vì thế, phương Tây không thể áp dụng kịch bản Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an, trong đó thiết lập vùng cấm bay và cho phép sử dụng vũ lực đối với Libya, vào trường hợp Syria.
Còn về tình hình hậu chiến, chắc sẽ chẳng khác là bao so với những gì đang xảy ra không chỉ ở riêng Libya và còn ở nhiều quốc gia khác trong khu vực. Bởi sau chiến tranh, sự thù hận sẽ còn đeo bám và tác động không nhỏ tới chính quyền tương lai. Để trả lời câu hỏi "Syria đứng dậy ra sao sau nội chiến?", tôi cho rằng bức tranh sẽ không nhiều gam màu tươi sáng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VNE
Yêu sách của Trung Quốc thành tâm điểm Hội nghị biển Đông Tại Hội thảo Biển Đông, GS Tô Hạo thừa nhận nhiều quốc gia đã đưa ra những yêu sách sai lầm tại biển Đông. Với 9 phiên trình bày, 1 phiên kết luận, cùng với thời gian thảo luận, ba ngày của Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 4 dường như vẫn chưa đủ cho các đại biểu bày tỏ hết...