Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển, thu nhập tăng gấp 7 lần
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, sau 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với thu nhập bình quân đầu người tăng gần 7 lần, từ 350 USD năm 1998 lên gần 2.400 USD hiện nay.
Sáng 30/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức Hội nghị “Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới”. Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường 20 năm tham gia APEC của Việt Nam (11/1998 – 11/2018), diễn ra đúng một năm sau Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 được tổ chức tại Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị sáng 30/11
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định quyết định tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998 có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam.
“Hai thập kỷ tham gia APEC cũng là hai thập kỷ Việt Nam đạt những thành tựu to lớn trên con đường phát triển và hội nhập. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, là mắt xích quan trọng của nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực.” – Phó Thủ tướng cho hay.
Nhiều thành viên APEC đã trở thành những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tham gia APEC cũng tạo nền tảng để Việt Nam tham gia các sân chơi rộng lớn, có mức độ cam kết cao hơn như WTO, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. 13 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang đàm phán và ký kết là với 17 thành viên APEC.
Hai thập kỷ qua cũng ghi dấu giai đoạn chuyển mình sâu sắc của Diễn đàn APEC trong chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển. APEC đã phát triển vượt lên kỳ vọng, khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, dẫn dắt tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hoà bình và phát triển.
Video đang HOT
“Việt Nam tự hào đã đồng hành cùng các thành viên đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác APEC. Những dấu ấn Việt Nam, nhất là vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017, đã được ghi nhận trên bước đường phát triển của Diễn đàn. Đó là lần đầu tiên APEC xác định triển vọng hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) tại Tuần lễ Cấp cao (TLCC) tháng 11/2006, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực.
Đó là cam kết chung tại Hội nghị Cấp cao Đà Nẵng 2017 về thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, góp phần quan trọng giữ vững đà hợp tác và liên kết, duy trì giá trị cốt lõi của APEC. Đặc biệt, đó là quyết định thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC để khởi động nghiên cứu xây dựng Tầm nhìn cho APEC sau năm 2020.” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam đã đi qua chặng đường 20 năm gia nhập APEC
Phó Thủ tướng cho rằng, APEC cần tiếp tục vươn lên để khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình. Phó Thủ tướng đề nghị cần xác định các mục tiêu và nội hàm hợp tác mới để tiếp tục duy trì các giá trị cốt lõi của APEC. Mọi sáng kiến, dự án, cơ chế hợp tác cần đặt người dân vào trung tâm của phát triển, tăng cường sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Cần nâng cao khả năng thích ứng và vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ban, ngành tiếp tục chủ động đề xuất sáng kiến, ý tưởng, thể hiện vai trò nòng cốt trong nỗ lực triển khai các cam kết và chiến lược dài hạn của APEC. Việt Nam cần tiếp tục đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai tầm nhìn mới APEC cũng như đóng góp định hình cấu trúc mới ở khu vực.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Nhật Bản hỗ trợ ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Việt Nam
Sáng 13/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đồng chủ trì phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 10. Tại đây, phía Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ ODA phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Taro Kono bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản kể từ phiên họp Ủy ban Hợp tác lần thứ 9 vào năm 2017 với sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai bên khẳng định triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhằm thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam; nhất trí phối hợp chặt chẽ, sớm đưa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP vào thực thi.
Hai bên cũng thảo luận về phương hướng hợp tác trong lĩnh vực viện trợ phát triển chính thức ODA, trao đổi tình hình cụ thể một số dự án hợp tác ODA giữa hai nước, các biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ODA cũng như các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam trên cơ sở bảo đảm hiệu quả và phù hợp với pháp luật mỗi nước; nhất trí thúc đẩy hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Hai bên cũng trao đổi về các biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác thương mại, nông nghiệp, tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản như vải, nhãn, vú sữa của Việt Nam và cam của Nhật Bản vào thị trường của nhau.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi lời thăm hỏi và chia sẻ về những mất mát của người dân Nhật Bản sau trận động đất lớn xảy ra ở phía Bắc Nhật Bản.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn và đánh giá cao việc Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ vốn vay ODA cho Việt Nam trong thời gian qua; đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính công, triển khai xây dựng tiêu chuẩn về đô thị thông minh; thúc đẩy hơn nữa hợp tác lao động thông qua tăng cường tiếp nhận lao động chất lượng cao và hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo thực tập sinh, hộ lý.
Phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 10, tại Hà Nội
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cảm ơn sự đón tiếp trọng thị Chính phủ Việt Nam đã dành cho đoàn đại biểu Nhật Bản dịp dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN tại Việt Nam; khẳng định sự phát triển bền vững của Việt Nam sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Theo Bộ trưởng Taro Kono, Nhật Bản ủng hộ và sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững thông qua cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục hỗ trợ ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, hợp tác cải cách hành chính, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục hợp tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2018, qua đó thúc đẩy hợp tác du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu giữa nhân dân và địa phương hai nước.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao thành tựu của ngành công Sáng 28-11, tại Hà Nội, Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã tổ chức hội nghị cho ý kiến đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác công an năm 2018, định hướng nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019 và một số nội dung quan trọng khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và...