Việt Nam thất nghiệp thấp nhất thế giới: Không có cơ sở
“Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện nay là 1,84%, con số này chưa phản ánh đúng đặc điểm thị trường lao động của nước ta”.
Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua. Đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Nhiều người cho rằng đây là con số không thực tế.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Thưa ông, theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện nay là 1,84%. Là một chuyên gia nghiên cứu về lao động, ông nghĩ sao về con số này?
Con số 1,84% được điều tra và công bố vừa qua không phải Bộ Lao động thực hiện. Đây là kết quả điều tra lao động việc làm quý II năm 2014 do Tổng Cục thống kê thực hiện theo phương pháp của Tổ chức Lao động quôc tê (ILO). ILO dùng phương pháp chung của các nước trên thế giới.
Phương pháp có căn cứ nhưng chỉ đúng với điều kiện của các thị trường lao động tương đối ổn định. Thị trường đảm bảo việc làm cho người lao động và kết hợp giải quyết trong lĩnh vực việc làm. Do vậy, con số này chưa phản ánh đúng đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam.
Các nước điều tra lao động dựa vào người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng Việt Nam lại rất khó áp dụng cách này.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp đánh giá được tỷ lệ nghèo đói. Ở những quốc gia với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội nếu thất nghiệp, sẽ khó khăn, nghèo đói.
Những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp thường người dân không được hưởng trợ cấp xã hội. Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm những công việc chất lượng kém, trả lương thấp…
Ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp.
Video đang HOT
Rất nhiều người chờ tuyển dụng tại một Trung tâm giới thiệu việc làm (Ảnh: NLĐ)
Như ông nói, cách điều tra được tiến hành trong một tuần với mẫu lựa chọn 500.000 hộ dân. Phải chăng, cách điều tra, giám sát này chưa hợp lý?
Kết quả tỷ lệ thất nghiệp điều tra trong 1 tuần, với mẫu 500 nghìn hộ dân chưa thể đại diện cho đa số. Và người thất nghiệp, phải thỏa mãn 3 điều kiện: đang không có việc làm, muốn làm việc và đang tìm việc làm.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 44.500 doanh nghiệp giải thể trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm. Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?
Trong quý 2/2014, thất nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước (2,2%). Điều này phần nào thể hiện tính phức tạp của nền kinh tế và thị trường lao động Việt Nam. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, một số khác lại phát triển tốt hơn và có khả năng thuê thêm nhiều nhân công.
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động nhưng gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động cao. Số doanh nghiệp thành lập mới nhưng chiếm tỷ trọng thấp. Quy mô thu hút lao động thấp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chẳng hạn, 8 tháng đầu năm, cả nước có 47.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong khi có tới 44.500 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động.
Năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất châu Á trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam lại thấp nhất thế giới? Ông lý giải sao về điều này?
Năng suất lao động của Việt Nam thấp nhưng chưa đến mức rất thấp. Tuy nhiên, năng suất lao động thấp và tỷ lệ thất nghiệp giảm là mâu thuẫn lớn. Chất lượng nguồn lao động, theo mục tiêu phấn đấu trong năm 2014 là đạt 52% lực lượng lao động được qua đào tạo, đến giờ đã đạt 49% nhưng vấn đề đáng quan tâm là tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề (từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ) mới đạt gần 19% dẫn đến năng suất lao động thấp trong khu vực. Điều đó cũng lý giải thêm về con số thất nghiệp của Việt Nam hiện nay.
Theo ông, Việt Nam cần có những giải pháp gì để nâng cao sức cạnh tranh của đội ngũ lao động hiện nay?
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tạo động lực tăng năng suất lao động cần thiết phải nâng cao chất lượng phù hợp với cơ cấu ngành nghề và nhu cấu sử dụng, gắn đào tạo với sử dụng; đổi mới công nghệ; chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp, phi chính thức vào khu vực có quan hệ lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao.
Theo Khampha
Công khai danh tính người mua dâm: Cứ đại gia thì được làm bậy?
Chỉ phạt tiền người mua dâm thôi thì chưa đủ, chả nhẽ cứ là đại gia, có tiền để anh đi làm bậy?!
Liên quan đề xuất của Hà Nội công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục, nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình.
Người mua dâm sắp tới sẽ bị công khai danh tính tới địa phương, cơ quan đoàn thể?
Người mua dâm tự chuốc lấy hệ quả
Ông Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội:
Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Hà Nội vì đúng ra việc công khai danh tính cũng giúp hạn chế tệ nạn. Tất nhiên cũng có người nói vi phạm đời tư song theo tôi chúng ta tôn trọng đời tư với điều kiện không ảnh hưởng đến phát triển xã hội, chứ đây lại là hành vi tham gia vào tệ nạn xã hội.
Đây cũng là một biện pháp mạnh mẽ đối với người tham gia mua dâm. Tại sao lại chỉ công khai đối tượng bán dâm? Rõ ràng từ trước tới nay chúng ta đã đối xử với người bán dâm và người mua dâm không công bằng, trong khi cả 2 cùng tham gia. Hơn nữa, người chủ động lại thường là người mua dâm.
Trong câu chuyện này, nếu có băn khoăn sẽ là không biết biện pháp trên có hoàn toàn nhân văn hay không, vì có thể sẽ làm ảnh hưởng hạnh phúc, làm đổ vỡ gia đình người ta.
Tuy nhiên, tại sao chúng ta chỉ đặt vấn đề nhân văn từ một phí người mua dâm? Con những người bán dâm thì sao? Sao những người bán dâm lại hoàn toàn không được thông cảm, sao chỉ đặt câu chuyện liệu người mua dâm có còn giữ được hạnh phúc gia đình? Khi vụ việc bị phát hiện, tuy người bán dâm có thể ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng cũng phải tính đến tương lai lâu dài của người ta nữa chứ!
Một xã hội càng đề cao quyền con người, càng đề cao sự tôn trọng đời sống riêng tư thì đúng là khó có thể soi xét rõ ràng nhất là trong những tình huống nhạy cảm, tế nhị, nên vẫn phải tính toán cho kĩ.
Nhưng xét cho cùng, tôi vẫn ủng hộ. Thứ nhất vì mại dâm là tệ nạn vốn rất nhức nhối trong xã hội, mà mình chống mà chống có một nửa thôi thì không thể chống được. Mặt khác, cần đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích của cá nhân. Người mua dâm không được tôn trọng, mất quyền lợi thì cũng là do lỗi của họ. Đem cân nhắc giữa lợi ích xã hội và quyền lợi cá nhân thì lợi ích xã hội vẫn quan trọng hơn.
Phạt tiền thôi là chưa đủ
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Nếu công khai danh tính được áp dụng, có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội khác, chẳng hạn: thái độ kỳ thị của làng xóm, cơ quan, đồng nghiệp...điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì bản thân người mua dâm đã không giữ được phẩm chất đạo đức thì hệ lụy xảy ra là đương nhiên, có lẽ không ai ủng hộ việc làm này.
Mặt khác, hạnh phúc gia đình của ngời bị công khai danh tính có thể bị rạn nứt hoặc tan vỡ song suy cho cùng chính bản thân họ không chung thủy không gìn giữ gia đình hạnh phúc.
Việc giữ bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ là quyền công dân và quyền con người được pháp luật ghi nhận, nhưng một hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, trái với thuần phong mĩ tục và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng thì không thể áp dụng quy định này, do vậy, công khai danh tính người mua dâm là hoàn toàn phù hợp với pháp luật.
Tôi cho rằng, kèm theo hình thức phạt nặng, phải có hình thức bổ sung đi kèm là công khai danh tính. Chỉ có phạt tiền thôi thì chưa đủ vì nếu người mua dâm là đại gia thì anh sẽ nghĩ cứ có tiền để đi làm bậy! Chính vì thế phạt tiền không thể răn đe và không thể giáo dục lâu dài được.
Tất nhiên, biện pháp pháp lý không phải là vạn năng và nó phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống nếu không sẽ không khả thi và nảy sinh nhiều tiêu cực. Do vậy, bên cạnh việc phạt tiền người bán dâm thì biện pháp răn đe khác chính là công khai danh tính, kèm theo các giải pháp kinh tế và xã hội như tuyên truyền giáo dục, hỗ trợ giải quyết việc làm mới là tổng hợp các biện pháp đem lại hiệu quả cao hơn.
Theo Vietbao