Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ: Bước phát triển mới
Từ tháng 6/2014-12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở LHQ.
Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc)
Hòa bình là nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng và mục tiêu thiêng liêng, xuyên suốt của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước.
Văn kiện Đại hội X của Đảng nhấn mạnh cần “góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới,” đồng thời khẳng định kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế theo tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế,” “tham gia tích cực vào các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực,” tích cực, chủ động tiến hành hoạt động “ngoại giao quốc phòng và an ninh” song song với “ngoại giao chính trị.”
Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Việt Nam nghiên cứu, thúc đẩy việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng; là điểm sáng trên nhiều bình diện trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng. Tháng 11/2012, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…”
Chủ trương này cũng được cụ thể hóa tại Nghị quyết 806 của Quân ủy Trung ương và được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “… giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.”
Chủ trương này khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thể hiện bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế của Quân đội Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, quân nhân Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng hội nhập, tham gia thành công vào việc thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế, tạo công cụ hữu hiệu để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình, từ đó nâng cao tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Hiện thực hóa chủ trương bằng những đóng góp thiết thực
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết từ tháng 6/2014-12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc đánh giá cao, dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ.
Video đang HOT
Năm 2020, ba sỹ quan của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các bài kiểm tra của Liên hợp quốc để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ; Sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Cộng hòa Trung Phi.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 với biên chế 70 cán bộ, nhân viên thuộc Học viện Quân y, nhằm sẵn sàng triển khai thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được triển khai đến Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan vào tháng 10/2018. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 53 sỹ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình . Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao.
Hiện Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 4 sỹ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân; cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra.
Hiện Việt Nam đang chuẩn bị Đội công binh gồm 295 người để sẵn sàng triển khai khi có điều kiện thích hợp.
Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang góp phần thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một thành viên của Liên hợp quốc, góp phần bảo vệ hòa bình, duy trì ổn định, phát triển thịnh vượng ở trong khu vực và tại các điểm nóng trên thế giới.
Hoạt động này còn góp phần nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia nói chung và của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng; củng cố quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tạo môi trường hợp tác đa quốc gia, dân tộc, trao đổi và tích lũy kinh nghiệm làm việc, xử lý tình huống trong môi trường làm việc khắc nghiệt, hình thành bản lĩnh, khả năng thích nghi cho quân nhân Việt Nam để ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, góp phần vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc ngay từ trong thời bình.
Kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam cũng góp phần vào việc giúp Việt Nam trở thành Ủy viên không Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với tỷ lệ phiếu bầu cao kỷ lục (192/193 quốc gia thành viên).
Chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Cùng với đối ngoại của Đảng, nhà nước, nhân dân, đối ngoại quốc phòng đã được khẳng định là một kênh quan trọng, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; từng bước xây dựng lòng tin chiến lược, “quyền lực mềm” và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục xác định và khẳng định tầm quan trọng tại Nghị quyết 806 về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được phát triển lên một tầm cao mới trên cơ sở kế thừa những giá trị của thời đại. Bác Hồ khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” và “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước.”
Chiến lược này được xác định rõ tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo đó, Đảng khẳng định, cần “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến.”
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt những tư tưởng đó trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chưa từng để bị động, bất ngờ. Trong đó, kênh đối ngoại quốc phòng với điểm nhấn là hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã góp phần từng bước xây dựng lòng tin chiến lược, “quyền lực mềm” cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có đề cập tới nhiệm vụ trọng tâm về: “Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước…”
Đại hội XIII của Đảng đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội, trong đó cũng nêu rõ nội dung: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung độ từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.”
Tháng 11/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với 100% đại biểu tham gia tán thành. Điều này thể hiện sự đồng thuận cao của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; cụ thể hóa cam kết chính trị của Việt Nam tiếp tục tham gia sâu rộng và có đóng góp thiết thực vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hiện thực hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đồng thời, Nghị quyết này là nền tảng pháp lý quan trọng về quy trình triển khai, mở rộng hình thức, địa bàn tham gia, đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.
Những kết quả nổi bật, được lượng hóa trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cho thấy đây là một trong những “kế sách” đúng đắn, được kiểm chứng qua thực tiễn, qua đó phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường và Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường quan hệ về cả song phương, đa phương; tham gia nhiều diễn đàn khu vực ASEAN, châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quốc tế./.
Nỗ lực khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/dioxin tại Việt Nam
Sáng 8/1, tại Hà Nội, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, các thành viên Ban Chỉ đạo 701.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; giải quyết chế độ, chính sách trợ cấp, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ; tăng cường hiệu quả quản lý, thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ, Bộ Quốc phòng-Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp với các địa phương triển khai bảo đảm nguồn vốn, vận động tài trợ quốc tế thực hiện các dự án.
Giai đoạn 2010-2020, tổng diện tích khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 500.000 ha, trong đó hơn 400.000 ha do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80.000 ha do các tổ chức quốc tế thực hiện. Hơn 12.624 tỷ đồng là tổng nguồn lực đã được dành cho công tác khảo sát, rà phá bom mìn, trong đó từ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 là 1.427 tỷ đồng, từ các dự án đầu tư phát triển là 9.000 tỷ đồng, từ viện trợ không hoàn lại của nước ngoài khoảng 2.197 tỷ đồng (tương đương với 95,5 triệu USD). Trong giai đoạn hiện nay, việc rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30.000-50.000 ha/năm.
Các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin được tổ chức khắc phục cơ bản, trong đó có việc hoàn thành xử lý, cô lập ở sân bay Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), đang tiến hành nghiên cứu xử lý ở sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sân bay ASo (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế); tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ cho nạn nhân ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học/dioxin.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 701 đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS, đến nay, đã xử lý khoảng 260 tấn chất độc CS trên địa bàn các tỉnh thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9; khoanh vùng chống lan tỏa cho 18 điểm xử lý tập trung tại các tỉnh; xây dựng bản đồ các điểm phát hiện tồn lưu...
Tính đến nay, có khoảng 163.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 73.000 con đẻ của họ đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của các nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin từng bước được cải thiện thông qua các chương trình, dự án, hoạt động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các tổ chức có liên quan.
Kết luận Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị Ban Chỉ đạo 701 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43 năm 2015, số 14 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Nghị định số 18 của Chính phủ về quản lý, thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn; thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 701 tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch quốc gia, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin; tập trung hoàn thiện các văn bản về bảo đảm chế độ, chính sách, biện pháp hỗ trợ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin và con cháu của họ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong nước, quốc tế để tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam; tổ chức thực hiện các dự án về xử lý dioxin, dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc hóa học, dự án rà phá bom mìn bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Quá trình triển khai các dự án cần chú ý bảo đảm an toàn đối với con người, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn ODA.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 701 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá bom mìn; đề tài nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin có nguồn gốc từ chiến tranh hóa học kết hợp với xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy có nguồn gốc từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt.
Song song với việc tăng cường giải quyết chế độ, chính sách, trợ giúp nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh và con cháu của họ, công tác nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để đấu tranh giành quyền lợi, công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần được tiếp tục tiến hành, bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế./.
Tham gia gìn giữ hòa bình là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng, là điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm gần đây. Chiều 7/1, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng...