Việt Nam tại Liên hợp quốc – niềm tự hào của người làm đối ngoại
Việt Nam là UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiều khả năng trở thành UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với thế hệ chúng tôi, những người có trên 30 năm công tác về LHQ.
Một phiên họp của HĐBA LHQ. (Nguồn: VTV.VN)
Trọng trách của HĐBA, ý nghĩa cuộc bỏ phiếu
Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) gồm 15 nước thành viên trong đó có 5 nước uỷ viên thường trực (UVTT) là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 uỷ viên không thường trực (UVKTT) do Đại Hội Đồng (ĐHĐ) LHQ bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm trên cơ sở phân chia khu vực địa lý.
Ngày 7/6/2019, ĐHĐ LHQ khoá 73 sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu các UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020- 2021. Năm nay, có 6 nước ứng cử vào 5 ghế theo khu vực địa lý sẽ được đưa ra bỏ phiếu. Danh sách 6 nước ứng cử được chốt cuối cùng cho cuộc bỏ phiếu là: Niger và Tunisia (thay 2 ghế hết hạn của nhóm khu vực châu Phi), Saint Vincent và Grenadines (thay 1 ghế hết hạn của nhóm Mỹ La Tinh và Caribe), Việt Nam (thay 1 ghế hết hạn của nhóm khu vực châu Á Thái Bình Dương ). Romania và Estonia đang cạnh tranh (thay 1 ghế hết hạn của nhóm khu vực Đông Âu). Công tác vận động nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước được các nước ứng cử tiến hành sớm trước hàng năm. Theo thủ tục, để được trúng cử tại cuộc bỏ phiếu sắp tới, mỗi ứng cử viên phải nhận được ít nhất số phiếu ủng hộ của 2/3 các nước thành viên LHQ tham gia bỏ phiếu (129/193 nước).
Là 1 trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA được các nước thành viên LHQ trao cho trọng trách duy trì hoà bình và an ninh quốc tế (điều 24 Hiến chương LHQ). Theo đó, HĐBA có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược. Các quyết định và nghị quyết của HĐBA, theo chương VII Hiến chương LHQ, khi đã được thông qua đều mang tính ràng buộc và tất cả các nước thành viên LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành, trong khi các quyết định, nghị quyết của các cơ quan khác của LHQ chỉ mang tính khuyến nghị đối với chính phủ của các quốc gia thành viên.
Với trọng trách nêu trên của HĐBA LHQ, cuộc bỏ phiếu sắp tới có ý nghĩa đặc biệt và được các nước thành viên LHQ rất quan tâm.
Video đang HOT
Việt Nam đã đăng ký ứng cử vào UV KTT HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 từ năm 2010, ngay sau khi kết thúc thành công nhiệm kỳ đầu tiên 2008-2009. Nhằm đạt được số phiếu ủng hộ cao nhất có thể tại cuộc bỏ phiếu sắp tới, thời gian qua Việt Nam đã triển khai một kế hoạch vận động và tuyên truyền rất tích cực, rộng khắp, dưới nhiều hình thức, đặc biệt là việc đưa vào nội dung trao đổi, làm việc của lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước Việt Nam với lãnh đạo các nước trong các cuộc tiếp xúc, các chuyến thăm, tham dự các hội nghị quốc tế… để sớm có được cam kết ủng hộ của họ. Đồng thời, Việt Nam đã tích cực vận động ở New York, Geneve, Hà Nội và thủ đô các nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng triển khai công việc một khi Việt Nam trúng cử.
Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của Liên hợp quốc. (ảnh VNA)
Một Việt Nam luôn nỗ lực
Trong 10 năm qua, thông qua LHQ, Việt Nam đã giới thiệu một cách có hiệu quả để các nước hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hoà bình, hợp tác và phát triển, là bạn và đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như những thành tựu toàn diện trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Những kết quả trên cùng với việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò UV KTT HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, đặc biệt việc lần đầu tiên từ tháng 6/2014 ta cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ, cử một bệnh viện dã chiến cấp II đến Nam Sudan năm 2018… đã giúp các nước có cái nhìn về một Việt Nam tích cực, chủ động, có trách nhiệm và luôn mong muốn được tham gia đóng góp cho LHQ.
Việt Nam đã được nhóm châu Á Thái Bình Dương (gồm 54 nước) ủng hộ và nhất trí thông qua là ứng cử viên duy nhất của nhóm. Điều này thể hiện sự tín nhiệm của họ đối với ta và là thuận lợi lớn để ta trúng cử. Tuy nhiên, từ nay đến lúc bỏ phiếu Việt Nam vẫn phải tiếp tục theo sát vận động để có được số phiếu ủng hộ cao nhất có thể.
Việt Nam là UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiều khả năng trở thành UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với thế hệ chúng tôi, những người có trên 30 năm công tác về LHQ. Nó làm chúng tôi rất vui và tự hào đồng thời nhớ lại giai đoạn công tác đầy gian nan, vất vả sau chiến tranh khi Việt Nam mới trở thành thành viên LHQ năm 1977 đến năm 1991. Trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây cấm vận về kinh tế, chính trị,… phải chịu đựng muôn vàn khó khăn về mọi mặt, đặc biệt về kinh tế, nhìn chung mối quan hệ giữa Việt Nam và LHQ còn ở mức hạn chế. (Tuy nhiên Việt Nam vẫn tranh thủ được các nguồn lực từ viện trợ trực tiếp không hoàn lại của hệ thống phát triển của LHQ phục vụ công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh).
Về chính trị giai đoạn này, hoạt động của Việt Nam tại LHQ rất khó khăn, vai trò và vị thế của Việt Nam tại đây bị hạn chế. Tuy nhiên, khi tình hình bắt đầu chuyển biến thuận lợi, năm 1992, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận và đã hoàn thành tốt vai trò chủ tịch nhóm châu Á. Việc này tuy nhỏ nhưng nó đánh dấu sự mở đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ Việt Nam tham gia và ngày càng chủ động, tích cực tham gia vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ như Hội đồng Kinh tế, Xã hội (ECOSOC ), HĐBA, Hội đồng Nhân quyền… và có những đóng góp tích cực như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thời kỳ mới này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ rất tốt, hiệu quả và trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước đang phát triển thành viên LHQ và tổ chức LHQ. Việt Nam đã đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ, cam kết phấn đấu đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt xoá nghèo đói, đi đầu triển khai sáng kiến của LHQ về “Thống nhất hành động”.
Cùng với những kết quả trên và việc ta đã đảm nhiệm thành công vai trò UV KTT HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, việc ta có thể trúng cử vào UV KTT HĐBA trong cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ một lần nữa góp phần nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam; khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và nhà nước ta. Điều này đồng thời thể hiện sự tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam, một nước có đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, tôn trọng và cam kết mạnh mẽ đối với các nguyên tắc và mục tiêu cao cả của LHQ; luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, thúc đẩy vai trò của LHQ và các thể chế đa phương, đặc biệt trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Điều này đồng thời cũng giúp Việt Nam có thêm thuận lợi để phát huy hơn nữa vai trò của Việt Nam tại LHQ nhằm thực hiện nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Với đường lối đối ngoại đúng đắn nêu trên, cùng những nỗ lực và kinh nghiệm tích luỹ được trong hoạt động ngoại giao đa phương nhiều năm qua và với sự ủng hộ, hợp tác của các nước, Việt Nam sẽ có cơ sở thuận lợi để hoàn thành tốt vai trò UV KTT HĐBA LHQ trong nhiệm kỳ của mình, đáp ứng sự tín nhiệm và ủng hộ rộng rãi các nước dành cho Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020.
Theo TG&VN
Uy tín và kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Chỉ vài ngày nữa, Khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ tổ chức bầu 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Việt Nam là một trong các ứng cử viên với tư cách là đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an (HĐBA) gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và 10 thành viên không thường trực. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý và do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với nhiệm kỳ 2 năm.
Với vai trò đặc biệt quan trọng là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế nên HĐBA có quyền hạn rất lớn. Trong khi các cơ quan khác của Liên hợp quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị thì các quyết định và nghị quyết của HĐBA đều mang tính chất ràng buộc, tất cả các thành viên của Liên hợp quốc phải tôn trọng và có trách nhiệm thi hành.
Chính vì thế, được tham gia HĐBA không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để khẳng định uy tín, vị thế mà bất cứ quốc gia nào cũng hướng tới. Từng trải qua các cuộc chiến tranh, chịu nhiều đau thương, mất mát để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ cái giá của chiến tranh và sự cần thiết phải ngăn ngừa chiến tranh. Việt Nam còn là một tấm gương được thế giới ghi nhận trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và giải quyết hậu quả chiến tranh.
Kinh nghiệm quá khứ, thành tựu của sự nghiệp Đổi mới đầy ấn tượng cùng mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã giúp Việt Nam trở thành thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Dù mới lần đầu tham gia nhưng với nỗ lực và trách nhiệm, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực vào hoạt động gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển và thịnh vượng trên thế giới.
10 năm sau lần thử sức đầu tiên, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội trở thành thành viên cơ quan uy tín và quyền lực nhất của Liên hợp quốc với nhiệm kỳ hai năm (2020-2021), kể từ ngày 1-1-2020. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh an ninh thế giới, có thể thấy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Tuy nhiên, thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp nảy sinh bởi mâu thuẫn, tham vọng và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn.
Có thể nói gần như tháng nào HĐBA cũng phải đặt lên bàn nghị sự các cuộc khủng hoảng như tình hình bạo lực ở châu Phi như ở Cộng hòa Trung Phi, Mali, Congo; rồi cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Israel và Palestine, sự gia tăng căng thẳng giữa Iran và Mỹ, chiến sự kéo dài ở Syria và Yemen, tình hình căng thẳng trên Biển Đông...
Thực tế đó đòi hỏi HĐBA và các nước thành viên phải rất nỗ lực trong vai trò mà thế giới trao gửi. Với tư duy mới về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chuyển mạnh từ "tham gia tích cực" sang "chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương", những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, tham gia các diễn đàn đa phương; tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên lần thứ hai...
Đó là cơ sở để Việt Nam tin tưởng đủ sức đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhận được cam kết ủng hộ bằng văn bản của hơn 120 nước và khoảng 30-40 nước cam kết ủng hộ miệng. Theo quy định, chỉ cần được 2/3 số phiếu ủng hộ là trúng cử, nên có thể nói khả năng trúng cử của Việt Nam là rất cao, nhất là khi Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á Thái Bình Dương mà không có đối thủ.
Theo ANTD
HĐBA thảo luận về giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân Ngày 30/1, đại diện 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, đã nhóm họp tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) nhằm thảo luận về tiến trình giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Quang cảnh buổi họp ở Bắc Kinh. (Nguồn: AFP) Phát biểu...