“Việt Nam sẽ có vị trí ưu tiên hơn nữa trong chính sách của Mỹ”
“Với vị trí địa lý chiến lược tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chắc chắn sẽ có một vị trí ưu tiên hơn nữa trong chính sách đối ngoại của Mỹ” – ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng nhận định.
Bên lề cuộc Hội thảo “Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa” diễn ra tại Hà Nội ngày 26/1, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thế Giang về quan hệ hai nước.
Ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu-Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng trong cuộc trao đổi với PV Dân trí
Xin ông có thể cho biết những điểm nhấn của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau chặng đường 20 năm bình thường hóa quan hệ?
Điểm nhấn thứ nhất mà ai cũng thấy đó là quan hệ kinh tế, thương mại. Vào năm 1994, tổng kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 233 triệu USD. Mười năm sau đó, con số này đã ở mức 6,5 tỷ USD và tăng vượt bậc lên 35 tỷ vào năm 2014. Quan hệ kinh tế thương mại rất quan trọng vì nó là nền tảng để hai nước phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh kinh tế, thương mại, quan hệ chính trị ngoại giao và niềm tin giữa hai bên cũng là điều đáng ghi nhận, đặc biệt khi hai nước có một quá khứ chiến tranh kéo dài tới 20 năm, từ 1954-1975.
Hợp tác về giáo dục cũng không kém phần quan trọng và nhìn vào con số 16.000 du học sinh Việt Nam ở Mỹ có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Hai bên còn nỗ lực ở những mảng khác như giải quyết hậu quả chiến tranh. Đã 75 năm sau Thế chiến thứ 2, người Hàn Quốc hàng năm vẫn xuống đường biểu tình phản đối việc người Nhật đã làm với họ. Nhưng người Việt Nam không làm như vậy, điều này phần nào chứng tỏ những chuyển biến rất tích cực trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Tuy vậy, hai quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến hậu quả chiến tranh.
Vị trí hiện nay của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã được cải thiện rất nhiều nhiều so với 20 năm trước. Tôi chắc chắn rằng, với vị trí địa lý chiến lược ở khu vực, Việt Nam sẽ có vị trí ưu tiên hơn nữa trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Video đang HOT
Quyết định của Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam, một quốc gia từng bị coi là “cựu thù”, là một bước tiến lớn. Theo tôi, việc dỡ bỏ hoàn toàn chỉ còn là vấn đề thời gian.
Như ông vừa nói, hợp tác kinh tế thương mại là nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước. Nhưng trên thực tế, hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ còn gặp một số khó khăn, chẳng hạn như việc chống bán phá giá? Theo ông, vấn đề này nên được tháo gỡ như thế nào?
Nhìn chung, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển rất mạnh, tuy nhiên trong hai năm vừa qua, Hòa Kỳ đã mất vị trí là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, nhường chỗ cho EU. Khi làm việc với các đối tác Hoa Kỳ, chúng tôi đã đề cập đến điều này và cũng mong rằng bạn sẽ sớm khôi phục lại vị trí.
Còn những chuyện rào cản thuế quan hay phi thuế quan, đặc biệt là việc chống bán phá giá, theo tôi chúng ta cần hiểu đó là vấn đề của kinh tế thị trường phải được lường trước trong quan hệ với Mỹ cũng như với các đối tác khác.
Chúng ta đã nhiều lần khẳng định và phản đối việc áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là không thể chấp nhận và khi thấy sai thì chúng ta phải đấu tranh. Trên thực tế, chúng ta không chỉ đấu tranh song phương mà còn đưa vấn đề này ra cả WTO.
Ngoài rào cản thương mại, theo ông, quan hệ hai nước còn gặp những khó khăn gì khác?
Tôi rất thích ý kiến của cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Lê Văn Bàng, tại hội thảo về hội chứng chiến tranh Việt Nam ở Mỹ và hội chứng Mỹ ở Việt Nam được hình thành trong nhiều năm chiến tranh. Có thể nói đó là một vật cản quan trọng đối với quan hệ hai nước.
Ở Mỹ, nhiều người còn nhìn Việt Nam như một cuộc chiến tranh, một đất nước thiếu dân chủ, nhân quyền… Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều người vẫn nhìn Mỹ như kẻ thù với âm mưu lật đổ chế độ, diễn biến hòa bình.
Ngoài ra trong quá trình phát triển, hai nước đều có lợi ích cụ thể. Khi lợi ích trùng thì tốt và khi lợi ích không trùng thì đương nhiên đó là sự vênh nhau, thậm chí là cản trở quan hệ. Mong rằng những khác biệt đó sẽ không là vật cản, không là điều kiện để cải thiện mối quan hệ hai bên.
Bên cạnh đó, Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn còn những khác biệt về dân chủ, nhân quyền. Chúng ta hình dung rằng giữa hai người cụ thể, thậm chí giữa hai anh em ruột còn có vấn đề, chứ không nói là giữa hai quốc gia với hệ thống chính trị, văn hóa khác nhau và đặc biệt là cả một quá khứ chiến tranh như thế.
Tuy vậy, hai bên đã nhận thấy những khác biệt và có chủ trương cũng như nỗ lực để khắc phục điều đó thông qua đối thoại với nhau trong thời gian qua.
Hiện nay, ở đâu đó trên nước Mỹ có thể còn có những phản ứng không tích cực về Việt Nam, nhưng nếu so sánh với 10 năm, 20 năm trước đây thì thấy những phản ứng kiểu này đã giảm rất nhiều. Điều này thể hiện sự cải thiện lớn trong quan hệ hai nước.
Trước những căng thẳng ở Biển Đông vừa qua, Hoa Kỳ đã rất quan tâm và bày tỏ quan điểm. Ông có đánh giá gì về vai trò của Hoa Kỳ trong việc tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông?
Tôi nghĩ rằng những phản ứng trong thời gian vừa qua của Mỹ liên quan đến Biển Đông là phù hợp vì họ không can thiệp vào tuyên bố chủ quyền của các bên liên quan. Thứ hai là họ chỉ quan tâm đến đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải, phù hợp với luật pháp quốc tế và bất kỳ ai hiểu biết lẽ phải và tôn trọng luật pháp quốc tế đều ủng hộ điều này.
Chúng ta có yêu cầu của chúng ta. Khi nói 5 nước 6 bên có tranh chấp, có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thì phải hiểu rằng ai cũng có lý của mình và chúng ta phải tiếp tục đấu tranh cho điều chúng ta mong muốn.
Nam Hằng (thực hiện)
Theo Dantri
Thượng nghị sĩ John McCain đánh giá cao vai trò của Việt Nam
Trong cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Phạm Quang Vinh, Thượng nghị sĩ John McCain đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực đồng thời cũng khẳng định sẽ thúc đẩy việc Mỹ xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, chiều ngày 22/1/2015, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã gặp và chào Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ, một trong những nghị sĩ có thâm niên kỳ cựu nhất trong Đảng Cộng hòa hiện nay.
Đại sứ Phạm Quang Vinh (trái) và Thượng nghị sĩ John McCain
Tại buổi gặp, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã chúc mừng Thượng nghị sĩ (TNS) McCain trong cương vị mới, cảm ơn TNS đã dành những tình cảm quý báu đối với Việt Nam và đóng góp lớn cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, mong muốn TNS tiếp tục ủng hộ việc triển khai hiệu quả, thực chất quan hệ Đối tác toàn diện hai nước vì lợi ích của mỗi bên và vì lợi chung của hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao, Đại sứ chia sẻ những ưu tiên chung trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực phù hợp với khuôn khổ Đối tác toàn diện, thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như khoa học công nghệ, giáo dục, an ninh, quốc phòng; thúc đẩy sớm hoàn tất Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) phù hợp với lợi ích của các nước tham gia và tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực ASEAN- Hoa Kỳ, Cấp cao Đông Á, ARF, APEC... Nhân dịp này, Đại sứ cũng đã chuyển lời mời TNS thăm Việt Nam trong năm nay.
TNS McCain khẳng định coi trọng quan hệ hai nước, cho rằng Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại khu vực, đánh giá cao những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước và hợp tác đối ngoại của Việt Nam. TNS chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm qua, khẳng định sẽ tích cực đóng góp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, thúc đẩy việc xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm về vũ khí và bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam trong năm nay, kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
TNS John McCain và Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng đã trao đổi về các quan tâm chung như tình hình khu vực và Biển Đông, nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải ở khu vực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Cùng ngày, Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng đã gặp và chào Hạ nghị sĩ Eliot Engel đảng Dân chủ, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
Đại sứ Phạm Quang Vinh và Hạ nghị sĩ Eliot Engel
Đại sứ Phạm Quang Vinh thông báo với Hạ nghị sĩ (HNS) về tình hình phát triển đất nước và các chủ trương đối ngoại lớn của Việt Nam và mong muốn HNS tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ.
HNS Eliot Engel đánh giá cao những phát triển quan trọng trong quan hệ hai nước, coi trọng ý nghĩa kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao, cho rằng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có quan hệ quốc hội, là rất quan trọng, không chỉ giúp thúc đẩy lợi ích nhiều mặt của mỗi bên mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định chung của khu vực. HNS Engel coi trọng việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện IPU 132, tích cực ghi nhận lời mời tham dự và cho đây là cơ hội tốt để bố trí thời gian kết hợp thăm Việt Nam.
PV
Theo Dantri
Trục vớt hộp đen thứ hai, phát hiện nhiều mảnh vỡ quan trọng Ngày 13/1, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Indonesia đã trục vớt thành công hộp đen thứ hai của máy bay QZ8501. Dự kiến trong vòng một tháng, kết quả phân tích sơ bộ sẽ được công bố. Đồng thời, các thợ lặn hôm nay cũng định vị được vị trí động cơ máy bay dưới biển. Nhiều mảnh vỡ lớn của máy...