Việt Nam sẽ có tổng hơn 5,65 triệu liều vắc xin COVID-19 trong tháng 3, 4
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, tổng cộng trong tháng 3-4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 5,657 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Cụ thể, trong tháng 3-4/2021 Việt Nam sẽ nhận được 4.177.000 liều vắc xin phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cung ứng.
Theo đó, ngày 25/3 Việt Nam sẽ đón nhận 1.373.800 liều vắc xin và trong tháng 4 sẽ tiếp nhận 2.803.200 liều vắc xin. Tất cả đều là vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Trong tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,48 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua VNVC.
Như vậy, tổng cộng trong tháng 3 – 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 5,657 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
COVAX facility là cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả.
Trước đó, ngày 24/2, lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên gồm 117.600 liều của AstraZeneca đã về đến Việt Nam.
Hôm 8/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm những mũi vắc xin COVID-19 cho những cán bộ y tế và người tham gia chống dịch COVID-19 tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Đến ngày 9/3, ngoài những địa điểm trên, Hà Nội có thêm 1 địa điểm tiêm vắc xin COVID-19 nữa là Bệnh viện Thanh Nhàn; và mở rộng thêm 1 địa điểm tiêm vắc xin ở Gia Lai.
Để triển khai thực hiện tiêm chủng đảm bảo an toàn và hiệu quả, ngày 6/3, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin COVID-19 tại địa phương.
Video đang HOT
Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các đối tượng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; Theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Đồng thời bố trí đủ kinh phí, nhân lực để triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Tổ chức thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng tiêm chủng, loại vắc xin phòng COVID-19, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.
Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
13 tỉnh, thành nào sẽ tiêm vắc xin COVID-19 trong tháng 3 – 4/2021?
Theo Bộ Y tế, 13 tỉnh, thành phố hiện đang có dịch sẽ được triển khai tiêm vắc xin COVID-19, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang.
Thời gian triển khai: tháng 03-04/2021.
Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vắc xin thực tế. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể theo từng đợt.
Những đối tượng được tiêm đợt 1 gồm: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, bao gồm:
Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19.
Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm).
Quân đội, Công an.
Sáng 10/3, không ca Covid-19, một số có phản ứng thông thường sau tiêm
Theo Bộ Y tế, trong hơn 500 người được tiêm vắc xin Covid-19, đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm, chủ yếu là phản ứng thông thường; có 5 người cần được theo dõi xử trí tại bệnh viện.
Tính từ 18h ngày 9/3 đến 6h ngày 10/3, Việt Nam có 0 ca mắc mới Covid-19. Như vậy, tính đến 6h ngày 10/3, Việt Nam có tổng cộng 1587 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 894 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 45.091, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 498
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.045
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 29.548.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:
- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
Lần 1: 48
Lần 2: 42
Lần 3: 118
- Số ca tử vong: 35 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 2.004 ca.
522 người được tiêm vắc xin Covid-19 sau 2 ngày
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), đến cuối giờ chiều 9/3, đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 522 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.
Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 107 người, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã tiêm cho 104 người, tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 206 người.
Hai cơ sở mới triển khai trong ngày 9/3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, TP Hà Nội đã thực hiện tiêm 36 người, Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai thực hiện tiêm cho 69 người.
Theo báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng, Dự án TCMR đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Covid-19 AstraZeneca, tuyệt đại đa số là phản ứng thông thường sau tiêm chủng đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn...
Có 5 trường hợp được theo dõi xử trí tại bệnh viện, trong đó có 2 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử lý theo quy định và tình trạng sức khỏe đã trở lại bình thường; 3 trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp. Sức khỏe của tất cả các trường hợp trên hiện đã ổn định.
Chương trình TCMR đánh giá thực tế triển khai tiêm chủng trong hai ngày qua diễn ra an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép. Do vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin mới, nên người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vắc xin, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Tất cả những người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm, khi phát hiện những biểu hiện bất thường họ phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
377 người tiêm vắc xin Covid-19 ngày đầu tiên chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quôc gia, 377 người tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại 4 điểm tiêm chủng trong ngay đầu tiên đều diễn ra an toàn, 100% số người được tiêm chưa ghi nhân phản ứng sau tiêm. Ảnh: TL. Ngày 8/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia phối hợp với Hệ thống...