Việt Nam phản đối Trung Quốc đăng ký hơn 400 công ty ở Hoàng Sa
Bộ Ngoại giao cho biết các hành vi đăng ký doanh nghiệp liên quan đến cái gọi là thành phố Tam Sa ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều vô giá trị.
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan, vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói trong họp báo thường kỳ chiều 15/10.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi của VnExpress, đề nghị xác minh và bình luận thông tin từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã đăng ký hơn 400 công ty ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ảnh vệ tinh các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: AMTI.
Video đang HOT
Thông tin này được Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, công bố trên website hôm 22/9.
Theo AMTI, hồ sơ doanh nghiệp công khai cho thấy đến tháng 6/2019, khoảng 446 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhỏ đã đăng ký kinh doanh ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, với tổng số vốn đăng ký của 307 doanh nghiệp trong số đó lên tới 1,2 tỷ USD.
Chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã đề ra mô hình “đăng ký ở Tam Sa, nộp thuế cho Tam Sa” nhưng hoạt động ở nơi khác. Với mô hình này, 2/3 công ty đăng ký ở “thành phố Tam Sa” có địa chỉ hoạt động ở nơi khác.
Theo bà Hằng, các hành vi của Trung Quốc có liên quan đến cái gọi là “thành phố Tam Sa” là không có giá trị, không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.
“Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, bà Hằng nhắc lại.
Việt Nam hoan nghênh tân Thủ tướng Nhật đến thăm
Bộ Ngoại giao cho hay Việt Nam chào đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến thăm trong chuyến công du đầu tiên dự kiến vào tháng 10.
"Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, hai bên duy trì trao đổi tiếp xúc ở các cấp và dưới nhiều hình thức khác nhau. Với tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp với cả hai bên", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo thường kỳ chiều nay.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về thông tin tân Thủ tướng Nhật Suga có thể thăm Việt Nam vào tháng 10.
Thủ tướng Nhật Bản Suga. Ảnh: Reuters.
Theo Kyodo, ông Suga dự kiến thăm Việt Nam và Indonesia vào giữa tháng 10 trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức. Thủ tướng Nhật sẽ ra quyết định cuối cùng về việc có tiến hành chuyến công du hay không sau khi đánh giá tình hình Covid-19 tại Nhật cũng như hai quốc gia Đông Nam Á, nơi dịch bệnh đã được kiểm soát ổn định hơn so với nhiều nước khác.
Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato cho biết Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm duy trì thượng tôn phát luật, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bằng cách xây dựng mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng.
Ông Suga trở thành tân Thủ tướng Nhật sau cuộc bỏ phiếu tại quốc hội hôm 16/9. Ông thay thế cựu thủ tướng Abe Shinzo, người phải từ nhiệm vì vấn đề sức khoẻ.
Việt Nam muốn ASEAN - Trung Quốc sớm nối lại đàm phán COC Việt Nam mong ASEAN và Trung Quốc sớm nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như đề xuất của Philippines, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết. "Việc nối lại đàm phán COC sau thời gian gián đoạn do Covid-19 là ưu tiên của các nước ASEAN và Trung Quốc. Chia sẻ ưu tiên này, Việt...