Việt Nam phản đối, Đài Loan hạ giọng vụ tập trận trái phép ở Trường Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng cuộc tập trận này chỉ là “thói quen và quy mô đã không mở rộng so với các năm trước” sau phản đối của Việt Nam.
Đài Loan tập trận bắn đạn thật bất hợp pháp tại đảo Ba Bình, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 4/11 đưa tin, Đài Loan đã “hạ thấp tầm quan trọng” của cuộc tập trận bắn đạn thật (bất hợp pháp – PV) đang tiến hành trên đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) và tin rằng nó sẽ không gây lo ngại, căng thẳng trong khu vực.
Anna Kao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng cuộc tập trận này chỉ là “thói quen và quy mô đã không mở rộng so với các năm trước” sau phản đối của Việt Nam. Tuy nhiên Đài Bắc vẫn bảo lưu quan điểm gần như toàn bộ Biển Đông là “lãnh thổ” của Trung Hoa dân quốc?! Và Đài Loan sẽ không cản trở tự do đi lại của tàu thuyền trong khu vực hay làm bất kỳ điều gì khiến căng thẳng gia tăng.
Trong khi đó, lấy cớ Trung Quốc và Việt Nam đang xây dựng cải tạo các đảo ở Trường Sa và “uy hiếp trực tiếp đảo Ba Bình”, sáng hôm nay Nghiêm Minh – Bộ trưởng Quốc phòng, Vương Tiến Vượng – Cục trưởng Cục Cảnh sát biển và Khâu Chí Vĩ, nghị sĩ đại diện Ủy ban Quốc phòng và ngoại giao Viện Lập pháp Đài Loan lên đường thị sát bất hợp pháp đảo Ba Bình.
Đoàn quan chức Đài Loan ra Ba Bình với ý đồ thẩm định khả năng chiến đấu của lực lượng đồn trú, xem xét phương án trang bị tên lửa phòng không tầm ngắn và đặt tàu chiến thường trực bất hợp pháp ở đảo này.
Trước khi đi Khâu Chí Vĩ tuyên bố rằng gần đây Trung Quốc và Việt Nam mở rộng cải tạo các đảo, bãi đá ở Trường Sa trong khi Đài Loan vẫn còn bị động, đảo Ba Bình thì lại ở quá xa, “nếu Trung Quốc xuất kỳ bất ý, Đài Loan rất khó giữ nổi đảo Ba Bình”.
Tuần trước, Ủy ban Quốc phòng và ngoại giao Viện Lập pháp Đài Loan đã thông qua nghị quyết phân bổ ngân sách và yêu cầu Bộ Quốc phòng Đài Loan bố trí tên lửa phòng không và chiến hạm thường trú bất hợp pháp ở đảo Ba Bình. Lâm Úc Phương, nghị sĩ nắm vai trò chủ đạo trong phương án cải tạo đảo Ba Bình cho rằng căn cứ Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập uy hiếp đảo Ba Bình mạnh nhất.
Truyền thông Trung Quốc và Đài Loan gần đây thường viện cớ “Việt Nam cũng xây dựng, cải tạo ở Trường Sa” để ngụy biện cho việc làm bất hợp pháp của họ bởi lẽ, Việt Nam mới thực sự là chủ nhân hợp pháp của quần đảo Trường Sa và việc tăng cường phòng thủ là đương nhiên, hợp pháp. Các bên liên quan trong đó có Trung Quốc và Đài Loan đã nhảy vào tranh chấp, chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo, bãi đá ở Trường Sa và việc cải tạo của họ là bất hợp pháp – PV.
Mặt khác, Tuyên bố chung của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN ký kết năm 2002 gần như đã bị các bên này mà chủ yếu là Trung Quốc xem như không có khả năng ràng buộc. Họ vẫn tiếp tục, thậm chí đẩy mạnh hoạt động bất hợp pháp thay đổi hiện trạng.
Nếu Việt Nam với tư cách là nước có chủ quyền hợp pháp với quần đảo Trường Sa chỉ biết kêu gọi các bên liên quan (nhảy vào tranh chấp, chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa) tôn trọng DOC và không thay đổi hiện trạng mà Việt Nam không làm gì khác khi họ cứ lấn tới thì quả là ngây thơ, không tưởng và “mắc bẫy đạo đức” mà Bắc Kinh giăng ra – PV.
Theo Giáo Dục
Video đang HOT
Biển Đông : Việt Nam cần tỉnh táo trước đòn chiêu dụ của Trung Quốc
Trong tháng 10/2014, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã trở nên "thân hữu" trở lại, với một loạt những cuộc gặp cấp cao, từ cuộc gặp song phương giữa hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu ngày 16/10 tại Ý, cho đến những chuyến thăm viếng lẫn nhau giữa các quan chức cao cấp.
Đáng chú ý nhất là chuyến ghé Hà Nội hôm 26/10/2014 của Ủy viên Quốc vụ đặc trách ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, trên danh nghĩa là để đồng chủ trì cuộc họp thường kỳ lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, nhưng trong thực tế là để thảo luận thêm với Hà Nội về hồ sơ Biển Đông.
Trước đó, vào trung tuần tháng 10, một phái đoàn hơn 10 tướng lãnh Việt Nam do chính Tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu cũng chính thức sang thăm Trung Quốc với kết quả là hai bên đồng ý nối lại quan hệ quân sự và cam kết xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Không khí thân thiện lần này trái ngược hẳn với thời điểm tháng 5-6/2014, vào lúc Bắc Kinh cho kéo giàn khoan HD-981 vào cắm trong thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời hầu như cắt đứt mọi tuyến liên lạc với Hà Nội.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì
Hòa dịu là sách lược, độc chiếm Biển Đông là chiến lược
Giới quan sát tuy nhiên vẫn duy trì thái độ thận trọng trước các động thái mềm mỏng về mặt ngoại giao của Trung Quốc hiện nay, được cho là mang tính chất sách lược - tránh khuấy động tình hình trước hai sự kiện quan trọng là Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh cũng như Hội nghị Trung ương 4 của đảng Cộng sản Trung Quốc - trong khi dụng tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh là mục tiêu chiến lược.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine - Hoa Kỳ, đã lồng các động thái hòa dịu của Trung Quốc hướng về Việt Nam vào trong xu hướng mềm dẻo chung của Trung Quốc trong lãnh vực ngoại giao hiện nay. Tuy nhiên, đối với Giáo sư Long, Trung Quốc còn nuôi dưỡng âm mưu lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo của họ. Do đó, để đối phó với thủ đoạn của Trung Quốc, Việt Nam phải tỉnh táo đừng để sập bẫy.
Trả lời phỏng vấn của PV về các diễn biến mới trong quan hệ Việt Nam Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, giáo sư Long trước hết nêu bật tác động từ bối cảnh khu vực và quốc tế :
Ngô Vĩnh Long : Vì có các hội nghị APEC, ASEAN, EAS... nên các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, phải làm sao để tạo ra hình ảnh là mọi người đang tìm cách cùng nhau bảo vệ an ninh trong khu vực, làm sao để cho các vấn đề đang tranh chấp không rắc rối thêm, làm sao cho kinh tế toàn khu vực phát triển được.
Đó là vấn đề chung cho khu vực. Vấn đề thứ hai là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ có vấn đề là tuần này có bầu cử (Quốc hội), và trong hai năm tới sẽ chuẩn bị bầu lại Tổng thống. Cho nên vấn đề của chính quyền Obama là phải chứng minh cho dân chúng Mỹ thấy là đường lối ngoại giao của Mỹ sẽ đem đến hòa bình, ổn định và phát triển cho Mỹ nói riêng và các nước khác nói chung để Mỹ có lợi. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Gần đây, Trung Quốc đã "xuống nước"
Thành ra Mỹ, cùng với Trung Quốc, đã có những chuẩn bị rất tích cực, để cuộc viếng thăm của Obama gặp các lãnh đạo Trung Quốc được thành công. Đó là lý do vì sao gần đây Trung Quốc đã xuống nước, và đang xoa dịu Mỹ, và Mỹ cũng có thái độ mềm dẻo đối với Trung Quốc.
Khi hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ đang hòa dịu với nhau, đang mềm dẻo với nhau vì những lý do tôi vừa nói, hoặc nhiều lý do khác, như vấn đề kinh tế chẳng hạn - Mỹ hiện là nước đang có kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới, và các nước khác đang cần đến Mỹ như là đầu tàu, và trong đó có Trung Quốc, trong đó có Nhật và có Âu Châu - thì Trung Quốc không muốn có thái độ căng thẳng đối với Mỹ vì điều đó có thể tác hại tới nền kinh tế Trung Quốc.
Hơn thế nữa Trung Quốc sắp mở Hội nghị Trung ương 4, cho nên Trung Quốc cũng không muốn làm cái gì xáo động trước Hội nghị đó...
Đối với Việt Nam, Trung Quốc cũng thể hiện thái độ hòa dịu, đặc biệt là nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ phụ trách toàn bộ ngành ngoại giao Trung Quốc. Giáo sư nhận định ra sao về các cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì với giới lãnh đạo Việt Nam ?
Ngô Vĩnh Long : Trước hết cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì và giới lãnh đạo Việt Nam, là do phía Việt Nam mời... Việt Nam muốn bắt Trung Quốc nhấn mạnh trở lại sự kiện là những thỏa thuận đã ký kết với Việt Nam không được họ thi hành.
Do đó tại phiên họp giữa Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 27/10, hai bên cho rằng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển lành mạnh, và việc ổn định tình hình giữa hai bên là phù hợp với nguyện vọng giữa hai nước, có lợi cho hòa bình cũng như ổn định và phát triển của khu vực.
Ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh vấn đề này, còn ông Dương Khiết Trì cũng một lần nữa, nói lại rằng vấn đề khôi phục giao lưu và hợp tác giữa hai nước là vấn đề rất quan trọng.
Ý đồ của Bắc Kinh : Lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc
Nhưng mà tôi nghĩ rằng ông Dương Khiết Trì còn có một ý khác nữa : Lôi kéo Việt Nam trở lại quỹ đạo quan hệ với Trung Quốc.
Nếu Việt Nam không hiểu rằng thái độ mềm dẻo của Mỹ hiện nay đối với Trung Quốc bắt nguồn từ việc Trung Quốc hiện đang xuống nước vì nhiều lý do, và nếu Việt Nam tưởng rằng các cuộc gặp của ông Dương Khiết Trì lúc đi thăm Mỹ - như đi đến nhà của bộ trưởng Ngoại giao Kerry, ăn tối ở đó và có vẻ thân thiện - là Mỹ và Trung Quốc đang có những bàn tán đi đêm gì đó, qua đó Việt Nam sợ và đánh giá không đúng và tự nhân nhượng Trung Quốc một cách quá lố, thì tôi nghĩ đây Việt Nam phải suy nghĩ lại, bởi vì các nước lớn có những chính sách lâu dài. Trong ngắn hạn người ta thường mềm dẻo và coi trọng đối tác.
Bắc Kinh muốn kéo Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc Phản ứng của Việt Nam ra sao ?
Ngô Vĩnh Long : Việt Nam hiện nay có nhiều cơ quan làm ngoại giao ...Thành ra vấn đề rất khó nói, bởi vì ở Việt Nam, ngoài Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thương mại cũng làm ngoại giao... Phản ứng của mỗi bên mỗi khác.
Trước hết là phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh : trước những lời dẫn dụ của ông Dương Khiết Trì, thì dĩ nhiên là mềm dẻo, và nói như một nhà ngoại giao là coi trọng việc phát triển quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Buộc được Trung Quốc tái cam kết thực hiện những gì đã ký kết (về Biển Đông)
Ổng nhấn mạnh là hai bên cần triển khai hiệu quả những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh. Và ông nói thêm là để khôi phục giao lưu hợp tác, kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động nào phức tạp mở rộng tranh chấp.
Tất nhiên, theo tôi hiểu, là ông Phạm Bình Minh đã nói rằng Trung Quốc đã không thi hành những vấn đề đó, và bây giờ Trung Quốc nên đàng hoàng hơn, thì mới có thể đẩy mạnh cái quan hệ với Việt Nam.
Đó là phía bên Bộ trưởng Ngoại giao. Ông cũng nhắc lại vấn đề Biển Đông, nhắc lại những vấn đề Trung Quốc đã đồng ý với Việt Nam. Và ông Dương Khiết Trì cũng phải đồng ý với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, và nói là ông nhất trí hay là Trung Quốc nhất trí tăng cường chỉ đạo các cơ quan hữu quan Trung Quốc triển khai các thỏa thuận đã đạt được tại phiên họp vừa qua.
Tức là Trung Quốc cũng công nhận là họ đã không thi hành những thỏa thuận.
Qua phản ứng và những lời nói của ông Dương Khiết Trì, tôi nghĩ là Việt Nam đã gặt hái được kết quả là nhắc nhở với Trung Quốc và cho mọi người biết rằng Trung Quốc đã không nghiêm chỉnh thi hành những gì đã ký kết với Việt Nam và ông Dương Khiết Trì bắt buộc nhận xét rằng bây giờ họ sẽ thi hành tốt hơn.
Họ có làm hay không là chuyện khác, nhưng ít ra Việt Nam một lần nữa nhắc nhở Trung Quốc và cho các nước trong khu vực và cho dân chúng mình biết rằng Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách mà Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc, và những chính sách đó có lợi cho an ninh của Việt Nam cũng như an ninh của các nước khác trong khu vực.
Hoạt động "ngoại giao" của Bộ Quốc phòng Việt Nam : ý nghĩa và hiệu quả ?
Ngô Vĩnh Long : Không ngoài chủ trương củng cố quan hệ với Trung Quốc đã bị sứt mẻ rất lớn, và để lập lại quan điểm của Việt Nam, cũng như - tôi nghĩ - mua thời gian để củng cố quốc phòng cho Việt Nam.
Ngô Vĩnh Long : Có nguy cơ đó, nhưng hiện nay, các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, các nước Châu Âu, kể cả Đức, đang có thái độ mềm dẻo đối với Trung Quốc vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề kinh tế thế giới, và những cuộc họp quan trọng sắp tới đây... Đối với Việt Nam, vấn đề mềm dẻo với Trung Quốc vào lúc này do đó cũng không có gì khác thường.
Có điều là khi Trung Quốc đặt giàn khoan (vào bên trong thềm lục địa của Việt Nam), lẽ ra Việt Nam phải nắm lấy thời cơ đó để kiện Trung Quốc và đưa họ ra trước Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế khác.
Bây giờ, cơ hội đã mất, cho nên vấn đề quan trọng là bắt Trung Quốc phải nhấn mạnh và đồng ý là những cái ký kết với Việt Nam, Trung Quốc đã không thi hành, do đó từ nay về sau Trung Quốc phải đàng hoàng hơn, nếu không thì Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc.
Vấn đề là từ nay cho đến lúc chuyện đó xẩy ra, Việt Nam phải vận động các nước trong và ngoài khu vực, và phải có một tiếng nói rõ ràng, để các nước hiểu rõ Việt Nam muốn gì.
Theo RFI
Kẻ đánh gãy tay chân, nứt sọ con riêng của vợ khai gì? Sĩ khai, do nhậu về và bảo con riêng của vợ tắt ti vi đi ngủ nhưng cháu bé không nghe lời nên tức giận xô cháu bé vào tường rồi dùng khúc gỗ đánh. Chiều 5/11, Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM cho biết, đã hoàn tất hồ sơ, chuyển nghi can Nguyễn Tấn Sĩ (28 tuổi,...