Việt Nam nhắc Trung Quốc hành xử theo luật tại biển Đông
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong khuôn khổ Hội nghị Mekong Lan Thương thông qua Tuyên bố chung Tam Á.
Chiều 23/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương được tổ chức tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc.
Tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc.
Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới gần đây ở Biển Đông, đồng thời đề nghị Trung Quốc cùng thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết bất đồng, tranh chấp trên cơ sở Luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 23/3. Ảnh: chinhphu.vn
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng mong muốn các bên triển khai tốt các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển giữa hai nước; cùng các nước ASEAN thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), không có các hành động mới gây phức tạp thêm tình hình; xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cảm ơn Chính phủ Trung Quốc đã đáp ứng tích cực đề nghị của Việt Nam về việc gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng, Vân Nam xuống hạ lưu sông Mekong, góp phần hỗ trợ khắc phục tình trạng hạn hán cho các nước hạ lưu sông Mekong.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hoan nghênh Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sang tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ nhất và Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao.
Video đang HOT
Ông nhấn mạnh Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Trung-Việt theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt; nhất trí hai bên duy trì trao đổi cấp cao, sẵn sàng tăng cường giao lưu nhân dân, phát huy hiệu quả các nhóm công tác, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất sớm có tiến triển, kiểm soát tốt bất đồng, không ngừng đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt đi vào chiều sâu.
Đồng thời, Trung Quốc cam kết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với các nước liên quan giúp Việt Nam khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Sau đó, Hội nghị với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai” đã khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong- Lan Thương.
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ nhất. Ảnh: Baochinhphu
Theo đó, sáu nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị – an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong- Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa sáu nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong- Lan Thương.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc đã thông báo cam kết hỗ trợ 300 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mekong- Lan Thương cũng như dành 10 tỷ Nhân dân tệ cho các khoản vay ưu đãi, 5 tỷ USD cho các khoản vay bên mua và 5 tỷ USD cho các khoản vay đặc biệt. Trung Quốc cũng sẽ dành 18.000 suất học bổng và 5.000 suất đào tạo mỗi năm cho các nước Mekong trong vòng 3 năm tới.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong- Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đã đề xuất ba dự án, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt, hạn hán trong lưu vực sông Mekong- Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.
Các dự án trên đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong- Lan Thương.
Cúc Phương(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Phó Thủ tướng: Các nước đều lo ngại về tình hình Biển Đông
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay tại hội nghị của ASEAN và các hội nghị liên quan, các nước đều nêu lo ngại về tình hình Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề tôn tạo, bồi đắp các đảo đá được nêu hẳn trong Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị (Ảnh: VOV)
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và các Hội nghị liên quan là những hội nghị quan trọng nhất trong năm của các Ngoại trưởng ASEAN tại Malaysia.
Trong khuôn khổ AMM 48 và các Hội nghị liên quan, ngày 6/8 đã diễn ra các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Hội nghị Ngoại trưởng của các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS FMM-5) và Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 22 (ARF-22).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự các hội nghị này.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước quan tâm và trao đổi nhiều tại các Hội nghị. Nhiều Bộ trưởng đã tỏ quan ngại về những hoạt động gần đây trên Biển Đông, nhất là việc bồi đắp và xây dựng các đảo đá.
Các Ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện kiềm chế; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các Ngoại trưởng cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thông tin về những diễn biến phức tạp hiện nay ở Biển Đông. Ngoại trưởng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam và ASEAN về duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Phó Thủ tướng đề nghị các nước đối tác tiếp tục ủng hộ lập trường cùng các nỗ lực của ASEAN, và đóng góp tích cực, xây dựng cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và quan hệ hữu nghị ở khu vực.
Trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc các hội nghị tại Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh, duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, nhất là đối với các nước ASEAN, được các Bộ trưởng hết sức quan tâm tại tất cả các Hội nghị; trong đó biển Đông là một trong những vấn đề được các Bộ trưởng quan tâm nhất, vì tình hình Biển Đông không chỉ tác động đến an ninh trong khu vực mà tác động đến các vấn đề liên quan đến các nước bên ngoài khu vực.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề Biển Đông không chỉ là vấn đề giải quyết tranh chấp về chủ quyền, mà còn liên quan đến các tuyến đường giao thông vận tải hàng hải cũng như hàng không; do đó, không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực mà cả các nước bên ngoài khu vực. Tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc bồi đắp mở rộng, tôn tạo quy mô lớn các đảo đá tại Biển Đông, khiến các nước hết sức lo ngại.
Ông Phạm Bình Minh cho hay, tại tất cả các Hội nghị của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước đều nêu lo ngại về tình hình Biển Đông. Đây là một trong những chủ đề được các Bộ trưởng ASEAN đạt sự nhất trí khá cao, bày tỏ quan ngại.
"Trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48, các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề tôn tạo, bồi đắp các đảo đá được nêu hẳn trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần phải thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là Điều 5, thực hiện tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình tại khu vực Biển Đông. Các Bộ trưởng cũng khẳng định quyết tâm cần phải thúc đẩy đàm phán để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông", ông Phạm Bình Minh nói.
An Bình
Theo Dantri
Phó Thủ tướng tiếp Đại sứ Lào và Đại sứ Singapore Chiều ngày (07/3), tại trụ sở Bộ Ngoại giao, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đã tiếp Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsavanh Phomvihane đến chào xã giao nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm...