Việt Nam-Nga ký thỏa thuận thăm dò dầu mỏ
Ngày 16/6, tại Trung tâm triển lãm quốc tế “Crocus Expo” ở thủ đô Moskva của LB Nga, các chủ tịch, giám đốc điều hành ngành năng lượng và chính khách từ nhiều quốc gia đã tham dự phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị Dầu mỏ thế giới lần thứ 21, dự kiến kéo dài 5 ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã tham dự phiên họp toàn thể. Sau đó, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Chủ tịch tập đoàn Rosneft của Nga Igor Sechin, Tổng giám đốc công ty dầu mỏ Zarubezhneft Alexander Kudasov và Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam ( PetroVietnam) Đỗ Văn Hậu đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về khả năng hợp tác tiến hành nghiên cứu địa chất chung các lô 125 và 126 thuộc Bể Phú Khánh, trên thềm lục địa ngoài khơi Việt Nam.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cùng các quan chức Việt Nam cũng đã có buổi làm việc, trao đổi với Tổng giám đốc Alexander Kudasov và công ty dầu mỏ Zarubezhneft. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã thăm gian triển lãm của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) tại Triển lãm Dầu mỏ thế giới lần thứ 21, sự kiện được tổ chức song song với Hội nghị trên.
Diễn ra ba năm một lần, Hội nghị Dầu mỏ thế giới năm nay được tiến hành trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới leo tới ngưỡng cao kỷ lục trong vòng 9 tháng qua do tình trạng bạo lực tại Iraq. Hội nghị thể hiện rõ mong muốn tiếp tục đầu tư vào Nga của các tập đoàn phương Tây bất chấp những căng thẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Tham gia hội nghị trên có khoảng 4.000 đại biểu, trong đó có 30 bộ trưởng, 400 giám đốc điều hành và người đứng đầu các tổ chức công nghiệp đến từ hơn 80 nước. Trong số các đại biểu có Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Abdullah El-Badri, nhiều nhân vật đứng đầu các tập đoàn dầu khí khổng lồ của phương Tây như Giám đốc điều hành tập đoàn BP của Anh Bob Dudley, Chủ tịch Hội đồng quản trị Exxon Mobil Mỹ Rex Tiller, cùng lãnh đạo các tập đoàn dầu khí lớn khác của Nga.
Video đang HOT
Chủ đề chính của hội nghị lần này là “Đảm bảo nguồn cung năng lượng có trách nhiệm cho thế giới đang phát triển”. Các vấn đề thảo luận gồm: nguồn dầu mỏ và khí đốt truyền thống và phi truyền thống; lĩnh vực tài chính; quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng; an ninh môi trường; đảm bảo ổn định năng lượng; vận chuyển dầu và khí đốt, các dự án tại Bắc cực.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich nhấn mạnh an ninh năng lượng toàn cầu phải đảm bảo phân bổ rủi ro một cách cân bằng giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu năng lượng. Ông cũng trình bày các nhân tố chính trong “Chiến lược Năng lượng của Nga tới năm 2035″, gồm tăng sản lượng dầu mỏ thông qua việc đẩy mạnh thăm dò địa chất, hình thành các tổ hợp dầu mới chủ yếu ở miền Đông, cũng như ứng dụng các phương pháp công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả. Phó Thủ tướng Dvorkovich lưu ý rằng Nga muốn tăng cường hiện diện tại thị trường năng lượng châu Á-Thái Bình Dương, cũng như duy trì sự hiện diện tại thị trường phương Tây. Đến năm 2035, Nga dự kiến đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào lĩnh vực dầu mỏ.
TTXVN/Tin Tức
Nga nâng tầm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí
Ngày 10/6, tại Hà Nội, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi tiếp đoàn công tác của Bộ Năng lượng Cộng hoà Liên bang (CHLB) Nga do Thứ trưởng Yury P. Sentyurin dẫn đầu thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.
Cùng đi với đoàn có Chủ tịch Tập đoàn dầu khí GazProm Ayukov và nhiều quan chức cao cấp của một số công ty dầu khí lớn của Nga. Tham gia buổi làm việc còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtun.
Phát biểu chào mừng đoàn công tác, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác Bộ Năng lượng CHLB Nga tại Việt Nam. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sự có mặt của Đoàn công tác Bộ Năng lượng Nga vào thời điểm này là rất có ý nghĩa, nằm trong chương trình triển khai Hiệp định hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - CHLB Nga, đưa hợp tác kinh tế nói chung và về năng lượng và dầu khí giữa Việt Nam và CHLB Nga lên một tầm cao mới, điều này đúng với tinh thần mà Tổng thống Nga V.Putin phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam là "hợp tác về năng lượng và dầu khí là then chốt, đây cũng chính là thế mạnh của hai nước chúng ta".
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ (phải) và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Yury P. Sentyurin
Đề cập đến khả năng hợp tác năng lượng giữa Nga và Việt Nam, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng với mục tiêu không chỉ phục vụ cho ngành năng lượng trong nước mà với thềm lục địa giàu tiềm năng và lợi thế có nhiều cảng nước sâu, Việt Nam phấn đấu trở thành một trung tâm lọc hoá dầu trong khu vực. Bên cạnh việc triển khai các nhà máy cở sở lọc hoá dầu Long Sơn, Nghi Sơn, Việt Nam đang xem xét phát triển các dự án khác, gần nhất là tiến hành nâng cấp dự án nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất với công suất 8-9 triệu tấn/năm, gấp 2 lần so với hiện nay. Do đó Việt Nam rất hoan nghênh GazProm và các công ty dầu khí lớn của CHLB Nga tiếp tục quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, ngài Thứ trưởng Bộ Năng lượng CHLB Nga Sentyurin đã bày tỏ lời cảm ơn đối với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương về sự đón tiếp thân tình và nồng hậu đối với đoàn. Ông cũng đỉểm lại những thành tựu hợp tác trong lĩnh vực dầu khí của hai quốc gia mà điển hình là Xí nghiệp liên danh dầu khí Vietso Petro, một mẫu hình trong hợp tác dầu khí của Nga ở châu Á. Ông cho biết, Đoàn công tác của Bộ Năng lượng dầu khí Liên bang Nga sang Việt Nam lần này với số lượng thành viên đông đảo và có chương trình làm việc sâu rộng với Bộ Công thương Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam xung quanh dự án nâng cấp Nhà máy lọc hoá dầu Dung Quất và xem xét một số dự án năng lượng quan trọng khác. Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga cũng dành thời gian giới thiệu về thế mạnh của ngành năng lượng và dầu khí của Liên bang Nga, cụ thể như Tập đoàn Dầu khí GazProm. Không chỉ là một tập đoàn lớn trên thế giới có kinh nghiệm phong phú, có tiềm lực tài chính lớn, có mạng lưới ở châu Âu, Trung đông và nhiều nước trên thế giới, không chỉ khai thác mà bao bồm cả các ngành lọc hoá dầu (nhựa đường, phân bón, khí hoá lỏng, hoá chất...) và các mạng lưới phân phối xăng dầu ở châu Âu và thế giới. Với thế mạnh đó, Liên bang Nga sẵn sàng chia sẻ để phát triển ngành dầu khí của Việt Nam.
Ông Sentyurin bày tỏ sự vui mừng phấn khởi về những đìều mà đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đưa ra về chiến lược phát triển ngành Năng lượng và dầu khí của Việt Nam. Ông cho biết, chính sách đối ngoại mới của Nga là quay sang phương Đông, trong đó có chính sách về năng lượng, do đó đây là cơ hội lớn để khai thác thế mạnh tiềm năng của hai nước là dầu khí. Và Liên bang Nga cũng đang biến chính sách đó thành thực tế. Bằng chứng là Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga do Phó thủ tướng Thường trực Liên bang Nga đứng đầu đã đặt mục tiêu ưu tiên vào dự án năng lượng, trong đó có dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngài Thứ trưởng cũng khẳng định, Chính phủ Nga nói chung và Bộ Năng lượng Nga dành sự ưu tiên ủng hộ lớn cho các dự án và hợp tác năng lượng với Việt Nam.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtun bày tỏ sự ủng hộ nhất trí cao về chủ trương cần thiết mở rộng và nâng tầm hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí giữa CHLB Nga và Việt Nam.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến của đoàn công tác Bộ Năng lượng Nga. Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: tiềm năng hợp tác của hai bên về năng lượng và dầu khí là rất lớn. Việt Nam đang quan tâm phát triển các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, cả hệ thống lọc hoá dầu, chế biến và phân phối. Do đó Việt Nam hoan nghênh các Tập đoàn dầu khí quốc tế, trong đó có các Tập đoàn của Liên bang Nga hợp tác khai thác trên thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như Công ước về luật biển năm 1982.
Buổi làm việc giữa Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác của Bộ Năng lượng Nga
Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam. Ban kinh tế Trung ương với chức năng của mình là cơ quan thẩm định cuối cùng các dự án quan trọng, trong đó có các dự án năng lượng và dầu khí, sẽ góp sức quan trọng vào việc biến các chương trình hợp tác kinh tế nói chung và các dự án hợp tác năng lượng dầu khí nói riêng giữa hai quốc gia thành hiện thực, góp phần vào sự phát triển của hai dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Yury P. Sentyurin đã cảm ơn các ý kiến của Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và thay mặt Bộ Năng lượng Nga mời đồng chí Trưởng Ban sang thăm và làm việc với Bộ Năng lượng Nga vào thời gian gần nhất.
Trọng Tâm
Theo Dantri
Kiev không thể kiểm soát Donetsk và Luhansk Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexander Turchynov ngày 30-4 tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này đã được đặt vào tình trạng hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu. Theo ông, biện pháp này liên quan đến mối đe dọa từ phía Nga. Tổng thống Turchynov cho biết: "Tôi đã ra lệnh thành lập các lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ ở...