Việt Nam nêu vấn đề biển Đông tại Liên Hiệp Quốc
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố các hành động đơn phương có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở biển Đông.
Theo website baochinhphu.vn, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ hôm 28-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh: AP
Ông Phạm Bình Minh nêu rõ và khẳng định sự kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
“Tuy nhiên, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông, bao gồm những sự cố nghiêm trọng xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các khu vực hàng hải của chúng tôi theo định nghĩa của UNCLOS. Các quốc gia có liên quan nên kiềm chế các hành vi đơn phương có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước khác trong khu vực, bao gồm Việt Nam. Trung Quốc hồi tháng 7 ngang ngược cử đội tàu Địa chất hải dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam. Trung Quốc hung hăng tuyên bố hành động của họ không sai. Thậm chí họ triển khai các lực lượng quân sự và bán quân sự nhằm đe dọa, bắt nạt Việt Nam hòng tìm kiếm ưu thế. Tuy nhiên, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam, bên cạnh các giải pháp đối thoại, vẫn kiên quyết bảo vệ vùng biển chủ quyền.
Phát biểu trước lãnh đạo và đại diện 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ nghĩa đa phương và những thành tựu to lớn mà các thể chế đa phương, nhất là Liên Hiệp Quốc đã đạt được suốt 3/4 thế kỷ qua.
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định đối ngoại đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại cũng như trong tổng thể quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam cũng đã ngày càng chứng tỏ vai trò là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong các tiến trình đa phương với những đóng góp trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Liên Hiệp Quốc, từ gìn giữ hòa bình tới phát triển bền vững và mới đây Việt Nam đã được các nước tin tưởng bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng chủ nghĩa đa phương đang đứng trước thách thức gay gắt do tác động của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân túy, suy giảm cam kết chính trị và thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, tăng cường sức sống cho chủ nghĩa đa phương là một yêu cầu cấp bách đối với cộng đồng quốc tế.
Video đang HOT
Là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong muốn cùng các quốc gia thành viên tăng cường sự phối hợp, bổ trợ lẫn nhau giữa Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực để cùng đóng góp vào nỗ lực chung ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình bền vững.
Kỳ họp thường niên lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 17 tới 30-9. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự phiên họp Đại hội đồng và Hội nghị ngoại trưởng ASEAN không chính thức tại New York, Mỹ từ ngày 26 đến 29-9.
TRI TÚC
Theo PLOC
Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác song phương
Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp với tư cách là những quốc gia độc lập.
"Việt Nam và Ấn Độ có nhiều lợi ích song trùng cả ở trên bình diện song phương và khu vực. Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Ấn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là khi hai bên chính thức mở các đường bay thẳng kết nối các thành phố hai nước vào cuối năm nay". Tân đại sứ Cộng hòa Ấn Độ Pranay Verma khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn VOV mới đây.
Tân đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma.
PV: Thưa Đại sứ, đã ba năm kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ nâng tầm mối quan hệ song phương lên "Đối tác chiến lược toàn diện". Xin ngài chia sẻ những việc đã làm được để thực hiện tầm nhìn của hai bên?
Đại sứ Prayna Verma: Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp với tư cách là những quốc gia độc lập. Chúng ta đã cùng giúp đỡ nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn, đồng thời hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng đất nước. Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác này thường xuyên được khẳng định, đặt biệt là khi hai nước nâng tầm quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" trong chuyến thăm của Thủ Tướng Narendra Modi đến Việt Nam vào tháng 9/2016. Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước và khiến mối quan hệ này trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn.
Nếu chỉ tính riêng đến số lần lãnh đạo cấp cao hai nước viếng thăm lẫn nhau trong vài năm qua thì bạn sẽ thấy được khái niệm về đà phát triển đáng kinh ngạc trong mối quan hệ của hai nước chúng ta, và mỗi chuyến thăm này càng thúc đẩy hơn nữa phạm vi và chất lượng của hợp tác giữa hai bên. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt nam-Ấn Độ được thể hiện trên nhiều lĩnh vực hợp tác phong phú - từ hợp tác chính trị, đến kinh tế và đối tác phát triển, quốc phòng an ninh và các trao đổi văn hóa cũng như giao lưu nhân dân.
Điều này thể hiện những cam kết của chúng ta trong việc xây dựng một mối quan hệ lâu dài, với quan điểm chiến lược, dựa trên tầm nhìn chung và những quan tâm đồng nhất đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực mà chúng ta đang sống. Ngày nay, Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành Động Hướng Đông của Ấn Độ và là đối tác chủ chốt trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việt Nam sẽ đảm nhận nhiệm vụ là Chủ Tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào năm 2020, chúng tôi mong chờ được thắt chặt hơn nữa đối thoại và hợp tác với Việt Nam trong các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới, dựa trên tinh thần mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
PV: Thưa Đại sứ, Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng trao đổi về thương mại và đầu tư vẫn chưa đạt được như mong đợi. Ngài có ý kiến gì về việc này? Chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy hơn nữa những tiềm năng trong lĩnh vực này?
Đại sứ Prayna Verma: Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ. Từ con số khiêm tốn 200 triệu USD vào năm 2000, thương mại hai bên đã đạt được gần 14 tỉ USD vào năm nay. Chúng tôi tự tin vào việc đạt được mục tiêu thương mại hai chiều là 15 tỉ USD vào năm 2020 như lãnh đạo hai bên đã đặt ra.
Ngày nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong khu vực ASEAN. Về phía Việt Nam thì Ấn Độ là đối tác thương mại đứng thứ mười.
Hợp tác đầu tư giữa hai bên cũng tăng lên nhanh chóng, trong đó đầu tư từ Ấn Độ đã đạt khoảng 1,7 tỉ USD nếu tính cả những đầu tư qua nước thứ ba. Những lĩnh vực đầu tư bao gồm năng lượng, khai khoáng, chế biến nông sản, Công nghệ thông tin, linh kiện ô tô v.v. Chúng ta cũng đã thiết lập được các cơ chế thể chế để xem xét cũng như thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên tôi phải đồng ý với ý kiến anh vừa nêu. Là hai quốc gia trong số những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất hiện nay, cùng những sự bổ sung lần nhau giữa hai nền kinh tế, hợp tác kinh tế của chúng ta vẫn còn chưa đạt được tiềm năng. Với những thế mạnh của Ấn Độ mà Việt Nam có quan tâm như dược phẩm, công nghệ thông tin, năng lượng và cơ sở hạ tầng thì vẫn còn tiềm năng lớn cho các đầu tư mới trong những lĩnh vực này.
Tương tự như thế, với trọng tâm của Ấn Độ về đầu tư - cả trong và ngoài nước - như một động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế, chúng tôi mong chờ các nguồn đầu tư từ Việt Nam vào Ấn Độ khi mà con số này hiện nay mới chỉ dừng ở mức 25 triệu USD.
Một trong những lý do cản trở hợp tác kinh tế sâu sắc hơn nữa giữa hai nước đó là việc thiếu sự kết nối trực tiếp. Chúng tôi hy vọng việc mở các đường bay trực tiếp vào tháng sau sẽ khiến doanh nghiệp hai bên sát lại gần nhau, tạo ra nhiều cơ hội cho việc hợp tác thương mại và du lịch của hai bên. Với những di sản Phật giáo chung mà chúng ta có, du lịch có thể là một lực đẩy quan trọng để nâng cao hơn nữa hợp tác về kinh tế cũng như giao lưu nhân dân giữa hai bên.
PV: Thưa Đại sứ, dự kiến vào cuối năm nay, chúng ta sẽ khai trương các đường bay thẳng giữa các điểm đến của hai nước. Vậy sự kiện này sẽ thúc đẩy kết nối và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước như thế nào?
Đại sứ Prayna Verma: Hiện tại, chúng ta mất tới 12 giờ đồng hồ để di chuyển từ New Delhi tới Hà Nội. Đây là điều rất bất bình thường bởi về mặt địa lý, chúng ta ở rất gần nhau. Tôi nghĩ rằng khả năng kết nối về giao thông giờ đây là "gia vị chính" cho sự hội nhập gần gũi hơn về mặt xã hội. Bởi thế, một đường bay thẳng sẽ xóa đi các rào cản kết nối, thúc đẩy sự phát triển. Tôi mong muốn rằng việc làm này, tự thân nó sẽ giúp duy trì trao đổi giữa hai nước, hướng tới những lợi ích lớn hơn trong tương lai. Tôi rất kỳ vọng vào các đường bay thẳng này. Tôi mong muốn du khách Việt Nam sẽ tới thăm Ấn Độ và tận mắt chứng kiến những kỳ quan của Ấn Độ. Và tương tự thế, sẽ có rất nhiều du khách Ấn Độ rất nóng lòng được tới Việt Nam trong tương lai.
PV: Thưa Đại sứ, hợp tác quốc phòng an ninh là một trụ cột quan trọng khác trong mối quan hệ của chúng ta. Gói tín dụng của chính phủ Ấn Độ cho phép Việt Nam mua các thiết bị quân sự từ Ấn Độ. Tầm quan trọng của hành động này đối với hợp tác quốc phòng giữa hai bên là gì?
Đại sứ Prayna Verma: Hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam và thể hiện niêm tin và sự thấu hiểu sâu sắc lẫn nhau của chúng ta.
Từ những trao đổi truyền thống giữa Bộ Quốc Phòng hai nước, hợp tác về mặt này hiện nay đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, giữa các binh chủng và trong các hoạt động trao đổi quân sự, bao gồm những chuyến thăm của lãnh đạo quân sự cấp cao cũng như những dịp tập trận song phương. Lực lượng hải quân của chúng ta cũng thực hiện nhiều chuyến thăm tàu và cảng của nhau.
Một lĩnh vực nữa trong việc hợp tác này là thông qua sự phát triển nhanh chóng của hợp tác trong công nghiệp quốc phòng và công nghệ tập trung vào việc hiện đại hóa quốc phòng và xây dựng nhân lực.
Như anh đã nói, Ấn Độ đã cấp cho Việt Nam một gói tín dụng ưu đãi trị giá 100 triệu USD để đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Lực lượng Tuần Tra bờ biển của Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thủ Tướng Modi đến Việt Nam năm 2016, Ấn Độ cũng cam kết cấp một gói tín dụng ưu đãi khác trị giá 500 triệu USD cho Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang xem xét các dự án cụ thể để sử dụng gói tín dụng này phục vụ nhu cầu của Việt Nam.
Một lĩnh vực hợp tác quan trọng nữa chính là việc tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Ví dụ, trong 12 tàu tuần tra cao tốc cho Lực lượng Tuần Tra bờ biển của Việt Nam sử dụng gói tín dụng của Ấn Độ thì 7 chiếc sẽ được đóng ở Việt Nam. Điều này sẽ giúp thúc đẩy năng lực sản xuất quốc phòng của VN.
PV: Thưa Đại sứ, Ấn Độ và Việt nam có cùng quan điểm về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Ấn Độ có thể đóng góp như thế nào vào việc tìm ra giải pháp cho căng thẳng đang leo thang ở khu vực này?
Đại sứ Prayna Verma: Lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông là nhất quán và đã được nêu ra trong một vài dịp mà gần đây nhất là trong tuyên bố của người phát ngôn của Bộ ngoại giao Ấn Độ vào tuần trước.
Biển Đông là một phần của mối quan tâm toàn cầu. Ấn Độ vì thế cũng có mối quan tâm gắn liền với hòa bình và ổn định của khu vực này. Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ cho tự do hàng hải vào hàng không cũng như hoạt động thương mại hợp pháp trong những vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật biển của Liên hiệp quốc. Ấn Độ cũng tin tưởng rằng bất kỳ sự khác biệt nào cũng phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên sự tôn trọng các quy trình hợp pháp và ngoại giao, không sử dụng đe dọa và vũ lực.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với đối tác quốc tế để duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
PV: Đại sứ giá đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác dầu khí song phương trên Biển Đông?
Đại sứ Prayna Verma: Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ dừng các hoạt động hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực năng lượng, bởi đó là hợp tác dài hạn giữa hai nước. Chúng tôi cam kết duy trì hợp tác năng lượng với Việt nam trong tương lai .
Xin cảm ơn Đại sứ Pranay Verma./.
Theo Phan Tùng/VOV1
Nga phản pháo Mỹ vụ tấn công hóa học tại Syria Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallem phản pháo việc Mỹ đổ lỗi cho chính quyền nước này thực hiện cuộc tấn công hóa học nhằm cản trở tiến trình chính trị. Nói với hãng thông tấn Tass, ông Muallem nhấn mạnh: "Đó là những cáo buộc sai trái. Khi chúng tôi tiến triển trong tiến trình chính trị cho người dân Syria,...