Việt Nam nêu mô hình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng dù có khác biệt về vấn đề Biển Đông, các nước cần duy trì hòa bình, hợp tác để từng bước giải quyết mâu thuẫn.
“Biển Đông là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Nếu chúng ta cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển”, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch ngày 2/6 phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
“Cách đây vài ngày tại Hà Nội, tôi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thống nhất rằng Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt đối với vấn đề Biển Đông, nhưng duy trì hòa bình, hợp tác là lợi ích chung của hai nước và khu vực”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói thêm.
Video đang HOT
Ông nhấn mạnh đây là nền tảng để biến Biển Đông thành vùng biển “Hòa bình – hợp tác – phát triển”, trên cơ sở đó thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột.
“Tôi tin Trung Quốc luôn ý thức về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, họ đang khởi xướng ý tưởng xây dựng ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, sẽ ủng hộ, cùng Việt Nam và các nước biến điều đó thành hiện thực”, ông Ngô Xuân Lịch nói. “Làm được như vậy, Trung Quốc và Việt Nam sẽ đóng góp một ‘mô hình tốt’ cho việc giải quyết tranh chấp”.
Việt Nam và một số nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ trương của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đang dẫn đầu phái đoàn Việt Nam dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn thường niên tại Singapore quy tụ các bộ trưởng và quan chức quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương, thảo luận về các thách thức và an ninh trong khu vực. Đối thoại năm nay được tổ chức từ 31/5 – 2/6, có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.
Nguồn: VnExpress
Trung Quốc 'vừa đấm vừa xoa' Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Bắc Kinh cho rằng Mattis cáo buộc sai về Trung Quốc, nhưng đánh giá cao đóng góp của ông cho quan hệ quốc phòng hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (trái) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Lầu Năm Góc hồi tháng 11. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi phản đối cáo buộc sai lệch về Trung Quốc trong thư từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Tuy nhiên, trong thời gian tại nhiệm, Bộ trưởng Mattis có những nỗ lực tích cực để tạo ra ổn định trong quan hệ quốc phòng song phương", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói trong cuộc họp báo ngày 27/12.
Mattis gửi thư xin từ chức vì bất đồng quan điểm với Tổng thống Donald Trump ngày 20/12. Trong thư, Mattis nói "Mỹ phải cương quyết, không mơ hồ trong cách tiếp cận với những quốc gia có lợi ích chiến lược ngày càng xung đột với chúng ta", trong đó ông cho rằng Trung Quốc và Nga là "những quốc gia muốn định hình thế giới theo cách của họ".
Sau khi nhận được thư từ chức của Mattis, Trump tuyên bố Bộ trưởng Quốc phòng sẽ rời nhiệm sở vào ngày 1/1/2019 và chỉ định Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan làm quyền bộ trưởng. Bình luận về việc này, Ngô Khiêm bày tỏ mong muốn quan hệ quốc phòng hai nước sẽ phát triển ổn định và thuận lợi sau khi Shanahan nắm quyền quản lý Lầu Năm Góc.
Dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng vì chiến tranh thương mại cũng những bất đồng về Đài Loan, Biển Đông và các điểm nóng địa chính trị khác. Các quan chức Mỹ nói rằng Bộ trưởng Mattis tìm cách xây dựng quan hệ tốt với Bộ Quốc phòng Trung Quốc để tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
"Mattis là người khéo léo, có đủ kinh nghiệm để tránh gây xung đột", một quan chức Trung Quốc nhận xét. Trong khi đó, Thứ trưởng Shanahan xuất thân là một kỹ sư ở Boeing và chưa có nhiều kinh nghiệm trong quân đội Mỹ.
Theo Nguyễn Tiến (VnExpress)
Đối thoại Shangri-La 2019: Ngăn ngừa xung đột, đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La 2019 đã khép lại với ba phiên đối thoại toàn thể với các nội dung liên quan đến các chủ đề: Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế, Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh, Đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định. Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng...