“Việt Nam nên có hai mẫu lễ phục”
Việt Nam nên có hai bộ lễ phục, một bộ mang phong cách hiện đại dùng cho dịp ngoại giao; một bộ lễ phục mang phong cách truyền thống, mặc vào dịp lễ lớn trong nước.
Đó là đề xuất của ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam tại lễ phát động cuộc thi mẫu lễ phục Nhà nước do Bộ VHTT – DL tổ chức sáng 1/8.
Cần thiết có lễ phục?
Đại diện ban tổ chức, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, yêu cầu thiết kế 4 mẫu lễ phục. Cụ thể gồm: Mẫu lễ phục của nam và nữ theo hướng hiện đại; Mẫu lễ phục của nam và nữ theo hướng truyền thống.
Các mẫu lễ phục phải mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế; phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam; khuyến khích thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước.
Theo ông Thành, đây là đề bài tương đối “mở”, không có định hướng hay áp đặt cho các nhà thiết kế, do đó, các nhà thiết kế có thể rộng đường sáng tạo.
Ở vòng chung khảo, từ 4 bộ lễ phục này, ban tổ chức sẽ chọn ra một bộ của nam, một bộ nữ để trao giải, vinh danh. Ông Thành lưu ý, cũng có thể chọn bộ theo hướng hiện đại, hoặc truyền thống.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Người Lao Động)
Thứ trưởng Bộ VHTT – DL Vương Duy Biên cho rằng, lễ phục thể hiện bản sắc văn hóa, tự tôn, tự hào dân tộc của của mỗi quốc gia. Nhất là nước ta, dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử. Hiện nay, giao lưu quốc tế mở rộng, nước ta cần có một bộ trang phục thể hiện khí thế đất nước, độc lập, tự chủ…
Cũng theo ông Biên, trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định lễ phục. Đẹp đến đâu, chưa bàn đến nhưng các quan chức của họ mặc lễ phục tiếp khách thể hiện bản sắc văn hóa của đất nước ấy. Nước ta cũng cần bộ trang phục đẹp, truyền thống nhưng thuận tiện cho giao tiếp quốc tế.
Video đang HOT
Không giống như các cuộc thi khác, sau khi có kết quả, trao giải xong rồi mang cất đi. Cuộc thi mẫu lễ phục sẽ chọn 20 bộ vào vòng chung khảo để cho trình diễn.
“Chúng tôi mời các nhà chuyên gia, hội đồng nghệ thuật, giới truyền thông cho ý kiến. Những người sẽ mặc trình diễn không phải ‘chân dài’ mà là những người ở độ tuổi, vóc dáng khác nhau. Đó là những người thật, cuộc đời thật… sẽ dùng lễ phục”, ông Biên nói.
Nên có hai mẫu lễ phục
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, trong dư luận vừa qua, vẫn còn những ý kiến về bộ lễ phục nên theo hướng hiện đại, cải cách từ Âu phục comple. Có ý kiến ngược lại, nên theo hướng truyền thống lấy tinh thần từ chiếc áo dài tuyền thống dành cho nam.
“Chúng tôi quyết định đưa ra cả hai phương án để phát huy tất cả tính sáng tạo của người thiết kế. Lễ phục theo phong cách hiện đại hay truyền thống đều được miễn là đẹp và đáp ứng các tiêu chí như ban tổ chức yêu cầu”, ông Biên nói.
Nếu tìm được mẫu lễ phục tốt, Bộ VHTT – DL sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, để dùng cho các lãnh đạo mặc đi ngoại giao. Nếu không, các nhà thiết kế cũng đã cống hiến thêm mẫu đẹp cho người tiêu dùng.
Thứ trưởng Vương Duy Biên (ngồi giữa) tại lễ phát động tuyển chọn thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam đề xuất nên có hai mẫu lễ phục theo cả hướng truyền thống và hiện đại.
Ví dụ, dịp lễ truyền thống như: Giỗ tổ Hùng Vương, trình Quốc thư… dùng bộ lễ phục truyền thống; dịp ngoại giao với quan khách, bạn bè quốc tế mặc bộ hiện đại.
“Tôi nhớ ông cựu Quốc vương Sihanouk của nước Campuchia, có khi ông mặc lễ phục truyền thống, nhưng có cơ hội ông cũng mặc Âu phục. Do vậy, tôi muốn chọn hai bộ lễ phục cho nam và hai bộ cho nữ để sử dụng vào mỗi dịp, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Như thế sự lựa chọn sẽ thoải mái hơn”, ông Quốc đề xuất.
Ông Quốc cũng cho rằng, trang phục cũng thể hiện cá tính và tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Khi chọn được lễ phục, để tự “nó” thuyết phục nhân nhân chứ không nên có sự bắt buộc.
Bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho rằng, hoàn toàn có thể có hai bộ lễ phục. “Bởi trên thực tế, truyền thống hay hiện đại là do người dùng lựa chọn. Chúng tôi không bắt buộc chỉ một bộ, chỉ cố gắng tìm ra bộ đẹp nhất”, bà Hương nói.
Bộ lễ phục của nam và nữ được chọn cần hòa nhau, cùng là mẫu lễ phục theo hướng hiện đại hoặc theo hướng truyền thống. Không có chuyện chọn mẫu lễ phục của nam theo hướng truyền thống nhưng lại chọn của nữ theo hướng hiện đại. Thứ trưởng Bộ VHTT – DL Vương Duy Biên
Dương Tùng (Khampha.vn)
'Cần xem lại quyết định cấm đốt pháo'
"Tôi hoan nghênh chủ trương cho phép pháo hỏa thuật chỉ có ánh sáng, hiệu ứng âm thanh. Đến lúc nào đó kể cả pháo nổ cũng nên như vậy, nhưng phải quản lý tốt", ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Chia sẻ với VnExpress bên lề Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, đốt pháo không phải là truyền thống riêng của Việt Nam, cũng không phải của châu Á mà của rất nhiều cộng đồng cư dân thế giới. Truyền thống này bắt đầu từ những quan niệm về tâm linh, đời sống; từ mối liên tưởng giữa sức mạnh của thiên nhiên, như tiếng sấm, được phản ánh vào tâm thức của con người. Mỗi quốc gia, mỗi vùng văn hóa có biểu hiện khác nhau và trong xã hội truyền thống đó là một phần của đời sống, không chỉ thể hiện trong dịp lễ tết mà còn thấy trong nhiều nghi thức, lễ hội.
- Ông suy nghĩ gì khi biết thông tin từ Tết Nguyên đán 2014 có thể được đốt pháo không tiếng nổ?
- Tôi hoan nghênh chủ trương có thể cho phép đốt pháo hỏa thuật (chỉ có ánh sáng, hiệu ứng âm thanh) và nghĩ rằng đến lúc nào đó kể cả pháo nổ cũng nên như vậy. Nhưng điều kiện là chúng ta phải quản lý tốt. Một số nước từng cấm và sau đó người ta nới lỏng dần ra. Nếu trở lại được tiếng pháo của văn hóa thì đó là điều hết sức đáng mừng.
Tôi chỉ băn khoăn là trong cơ chế thị trường người ta sẽ tìm đến cái lợi ích, người sản xuất, buôn bán pháo vì hiệu quả kinh tế mà có thể làm những quả pháo không có chất lượng, pháo độc hại nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Nếu trở lại được tiếng pháo của văn hóa thì đó là điều hết sức đáng mừng". Ảnh: Hoàng Hà.
- Rất nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại không quản lý, nhất là trong hoàn cảnh nhiều chính sách của nhà nước bị lợi dụng, biến tướng, ông nghĩ sao về điều này?
- Trước đây, Chính phủ quyết định cấm pháo, tôi cho là đúng đắn vì ta không còn quản lý pháo như một sản phẩm văn hóa. Pháo lúc đó chủ yếu là mặt hàng thương mại mà ta không quản lý được việc sản xuất, sử dụng. Việc sản xuất, sử dụng hết sức bừa bãi, gây những hậu quả hết sức tai hại như cháy nổ, chết người. Tôi đã chứng kiến thời kỳ đó có những bánh pháo làm bằng thuốc nổ mà chắc chắn có thể gây hỏa hoạn cho cả khu dân cư.
Tuy nhiên, phân tích kỹ việc cấm ấy không phải do tự thân quả pháo mà là quản lý kém và ý thức người dân kém. Cho nên nếu việc quản lý tốt hơn, ý thức người dân được tăng cường hơn thì việc trở lại những sinh hoạt vốn có trong đời sống xã hội tôi cho là tích cực. Cái khó là nhà quản lý phải cân đong, đo đếm được chuyện này và có lộ trình, đặc biệt phải quản lý chặt chẽ.
- Nhiều người mạnh dạn đề xuất cho đốt cả pháo nổ, theo ông lúc này đã phải là thời điểm thích hợp?
- Trở lại giá trị văn hóa thì vấn đề quản lý phải đặt lên hàng đầu. Quản lý nhà nước là quan trọng nhất, sau đó là ý thức người dân. Người dân thèm khát một tiếng pháo văn hóa thì họ cũng cần biết đấu tranh chống lại tiếng pháo vô văn hóa. Muốn cái đó thì quản lý tốt với những chế tài rất nghiêm việc sản xuất lậu. Một giải pháp tôi rất hoan nghênh, đó là để đảm bảo chất lượng pháo thì chỉ giao một số cơ sở sản xuất của nhà nước, quân đội có trách nhiệm, công nghệ cao, quản lý sản xuất.
Còn nếu sau này những làng pháo nổi tiếng như Bình Đà khôi phục lại dưới sự quản lý chặt và tạo hành lang pháp lý, mang lại lợi ích cho người sản xuất, có trách nhiệm với người sử dụng thì tôi cho là bình thường. Tôi dự lễ hội rước pháo ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) thấy người dân tuân thủ rất nghiêm, vác quả pháo không nổ, chứng tỏ họ vẫn giữ truyền thống và hy vọng một ngày nào đó tiếng pháo lại nổ. Một truyền thống hết sức văn hóa và là điều đáng suy nghĩ, làm sao cho ngày đó đến gần, nhưng rõ ràng phải đảm bảo an toàn.
- Cảm xúc của ông vào thời điểm giao thừa khi đã vắng tiếng pháo nổ?
- Cuộc đời cái gì rồi dần cũng quen đi, nhưng những năm đầu tiên thì bức xúc lắm. Là người ít nhiều quan tâm tới văn hóa, tôi nghĩ tới một ngày nào đó tiếng pháo sẽ trở lại trong đời sống văn hóa Việt Nam. Đó là mong muốn tốt đẹp, là một đòi hỏi nhưng cũng là vấn đề dân trí. Và người dân phải ý thức được chuyện đó, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau đóng góp thì mới thành công được.
Tôi nhớ ngày xưa, khi còn nhỏ, cái xác pháo đẹp lắm. Mùi thuốc pháo thơm lắm. Bởi vì lúc đó người ta chủ yếu làm bằng than của rễ xoan và một chút diêm sinh. Vỏ pháo lúc nổ xé ra thì đẹp như cánh hoa đào. Nhưng sau này, người ta chỉ cần tiếng nổ, nổ càng to càng tốt. Và nhất là tâm lý người Việt thì thích cạnh tranh nhau dẫn đến nguy hiểm, sự vô ý thức như ném pháo.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Việt Trường: "Đề xuất cho đốt pháo vào thời điểm này là quá sớm. Chúng ta thực hiện Chỉ thị 406 năm 1994 của Thủ tướng từ cách đây gần 20 năm và để đạt được hiệu quả như hiện giờ, tôi cho đó là một chính sách thành công điển hình dù việc này động chạm đến một tập tục, truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Trong thời gian gần đây, do công tác quản lý có hơi lơi lỏng thì dịp Tết đã thấy lại cảnh đốt pháo công khai, phổ biến ở Hải Dương và một số tỉnh như năm vừa rồi. Tôi rất e ngại việc này, nếu pháo làm ra đúng như Bộ Quốc phòng thông tin là chỉ tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, không có tiếng nổ... thì xã hội sẽ quay lại với không khí, thói quen đốt pháo, việc này sẽ lợi bất cập hại. Đợi đến khi trình độ phát triển chung của dân trí đạt được mức độ nhất định, tôi ví dụ, từ lĩnh vực khác để quy chiếu sang, bao giờ mà 2h sáng người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam vẫn dừng trước đèn đỏ, lúc không hề có cảnh sát giao thông, chỉ một mình lưu thông trên đường lái xe vẫn tự dừng lại thì có thể cho đốt pháo lại. Trong tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các loại chất nổ để tiến hành các hoạt động tội phạm, rồi khủng bố tuy chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam nhưng cũng phải đề phòng. Giờ ta không cẩn thận thì sự an toàn của người dân thêm một yếu tố nữa không được đảm bảo".
Theo VNE
Việt Nam khẳng định chủ quyền biển, đảo từ hàng ngàn năm trước Ngày 9/5, tại Đồng Nai, Hội Luật gia và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị giới thiệu về lịch sử chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tại hội nghị, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nói chủ quyền...