Việt Nam mua tàu ngầm của Nga
Việt Nam đã thoả thuận mua tàu ngầm, máy bay và thiết bị kỹ thuật quân sự với sự trợ giúp phù hợp của Nga, website của chính phủ Việt Nam hôm nay cho biết.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chính thức mời Nga hợp tác và giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với các điều kiện bảo đảm cần thiết.
Thông tin được công bố trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Liên bang Nga trong hai ngày 14 và 15/12.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh:chinhphu.vn
Tại Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Dmitry Medvedev; hội đàm với Thủ tướng Vladimir Putin; gặp gỡ các doanh nghiệp hai nước, dự lễ khai trương Chi nhánh Ngân hàng liên doanh Việt-Nga tại Matxcơva; thăm một số cơ sở công nghiệp, kinh tế và văn hóa của Nga ở Matxcơva.
Video đang HOT
Kết quả các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai bên cùng các thỏa thuận được ký kết khẳng định quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí sau hội đàm, Thủ tướng Nga Putin nhấn mạnh: Quan hệ Nga-Việt đạt được độ tin cậy rất cao, bởi hai dân tộc có tình cảm đặc biệt, kể cả trong những năm tháng gian khổ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong quá trình xây dựng đất nước. Hai bên không chỉ tự hào về di sản quan hệ từ trước tới nay mà còn tự hào mối quan hệ hai nước Việt Nam – Liên bang Nga ngày nay phát triển năng động, hết sức tốt đẹp và kết quả hội đàm hôm nay là minh chứng cho điều này.
Các nhà lãnh đạo hai bên nhấn mạnh ý nghĩa quyết định của cơ chế đối thoại chính trị thường niên cấp cao và cấp cao nhất giúp lãnh đạo hai nước kịp thời trao đổi ý kiến và thống nhất các biện pháp phát triển quan hệ song phương.
Hai bên đánh giá quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga đang phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực, cả về chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế – thương mại, khoa học – kỹ thuật, văn hoá, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Vladimir Putin ký bản ghi nhớ về kết quả các cuộc hội đàm. Ảnh: chinhphu.vn
Các nhà lãnh đạo ghi nhận rằng hợp tác kinh tế-thương mại song phương đang tiến triển tốt. Tuy chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, trao đổi thương mại hai chiều năm 2009 vẫn tăng hơn 5%, dự kiến đạt 1,5 tỷ USD cả năm, TTXVN cho hay. Hai bên cũng nhất trí xem xét khả năng tiến hành đàm phán ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do song phương nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa hai nước thâm nhập thị trường của nhau. Hai bên khẳng định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, để sớm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trong một vài năm tới, trang web của chính phủ Việt Nam đưa tin.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Putin đã ký “Bản ghi nhớ về kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Nga”; chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác về năng lượng, ngân hàng, đầu tư thương mại, quân sự.
Về giáo dục, hai bên sẽ xúc tiến thành lập Đại học quốc tế Việt – Nga tại Việt Nam, ký Hiệp định công nhận lẫn nhau văn bằng. Kể từ năm học 2010-2011, hàng năm Chính phủ Nga dành cho Việt Nam 300 suất học bổng đào tạo ở Nga.
Tổng thống Nga Medvedev sẽ sang thăm chính thức và dự Hội nghị Cấp cao Nga – ASEAN lần thứ hai tại Hà Nội cuối năm 2010.
Theo VNE
Việt Nam mua tàu ngầm không tổn hại lợi ích Trung Quốc
Đài Tiếng nói nước Nga nhận định hợp đồng quân sự giữa Nga và Việt Nam, trong đó có việc mua tàu ngầm, không làm tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc.
Tàu ngầm diesel/điện trong quá trình thử nghiệm ở Nga.
Theo Đài tiếng nói nước Nga, 2 trong số 6 tàu ngầm diesel-điện mà Việt Nam đặt mua của Nga sẽ được bàn giao trong năm 2013. Trước thông tin trên, Đài tiếng nói nước Nga cho rằng rõ ràng Bắc Kinh không hài lòng với sự tăng cường sức mạnh của Hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ, ông Vasily Kashin nhận định, hợp đồng quân sự giữa Nga và Việt Nam không làm tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc.
Theo Đài tiếng nói nước Nga, một số nhà bình luận quân sự Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước triển vọng Việt Nam sở hữu các tàu ngầm mới. Trong số này có Thiếu tướng Doãn Trác, người phát biểu rằng tàu ngầm Việt Nam có thể đe dọa tuyến đường biển quan trọng đi qua Eo biển Malacca và Biển Đông. Trung Quốc nhập dầu thô và nhiều nguyên liệu khác từ châu Phi và Trung Đông thông qua những tuyến đường này.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các tàu ngầm nước ngoài ở Biển Đông kể từ khi một căn cứ tàu ngầm mới của Trung Quốc được xây dựng gần thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Đây sẽ là nơi đóng quân của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc mang tên lửa Julang-2 /Sóng Lớn. Trung Quốc cho rằng, hoạt động của các lực lượng hải quân nước ngoài trong khu vực là tiềm năng đe dọa lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của nước này.
Đài tiếng nói nước Nga cho rằng Rõ ràng Trung Quốc không thể thờ ơ với biểu hiện tăng cường không ngừng sức mạnh của Hải quân Việt Nam, ở vào thời điểm khi căng thẳng tranh chấp lãnh hải giữa hai nước vẫn còn tồn tại.
Theo xahoi
Xuất khẩu vũ khí của Nga năm 2012 đạt kỷ lục Năm 2012, xuất khẩu vũ khí của Nga đạt kỷ lục 14 tỷ USD, vượt mức kê hoạch đề ra là 13,5 tỷ USD, Tổng thống Vladimir Putin đã tự hào đưa ra con số này tại cuôc họp của Ủy ban hợp tác kỹ thuât-quân sự ngày hôm qua. Thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga là Trung Quốc...