Việt Nam – một trong 10 nước có giá xe đắt nhất thế giới
Cùng với Việt Nam, người dân ở các quốc gia như Singapore, Cuba, Triều Tiên hay Trung Quốc cũng phải bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều so với các nước khác để được sở hữu một chiếc ô tô.
Mỹ là quốc gia đáng mơ ước với những người có ý định sở hữu xe hơi, với giá xe thấp, nhiên liệu rẻ, và hệ thống đường sá tuyệt vời. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có những điều kiện tuyệt vời như vậy. Ở một số nước, chi phí bỏ ra để sở hữu một chiếc xe bình thường có khi tương đương với giá trị của một chiếc siêu xe.
1. Cuba
Ở Cuba, người sở hữu Peugeot giống như lái siêu xe trên đường, bởi xung quanh chủ yếu là xe cổ.
Kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm mua bán xe vào năm 2011, thị trường xe cộ tại Cuba đã bắt đầu chuyển mình. Tuy nhiên, mức thu nhập quá thấp và giá xe trên trời khiến xe hơi vẫn là một thứ xa xỉ không có trong giấc mơ của đa số người dân nơi đây.
Một chiếc Lada đời 1970 có giá khoảng 12.000 USD ở Cuba. Một chiếc Hyundai Santa Fe đã qua sử dụng đời 2010 được niêm yết giá 90.000 USD, trong khi giá xe mới tại Mỹ chỉ từ 25.000 đến 30.000 USD. Chiếc Hyundai Accent đã qua sử dụng, đời 2011 cũng được niêm yết giá 51.500 USD tại Cuba.
Thậm chí, chiếc Peugeot 508 mới, đời 2013 hiện được bán với giá 263.185 USD, trong khi mẫu xe này phiên bản cao cấp nhất cũng chỉ có giá 37.000 USD tại Mỹ.
2. Singapore
Dù giá xe cao nhất nhì thế giới, nhưng siêu xe vẫn tràn ngập tại Singapore.
Tại quốc đảo nhỏ bé này, việc ùn tắc giao thông là nỗi ám ảnh đối với nhiều người, vì vậy, họ tìm mọi cách giảm ùn tắc bằng cách đặt ra hàng rào thuế quan, khiến người bình thường hầu như không thể sở hữu xe hơi. Tại Singapore, xe hơi rất đắt tiền, và bạn không thể sửa xe một cách dễ dàng.
Giá một chiếc Lamborghini Aventardor LP700-4 tại quốc gia này là 1,2 triệu USD. Một chiếc Toyota Fortuner có giá 150.000 USD, hay một chiếc Corolla Altis được niêm yết 104.000 USD. Giá của một chiếc Scion FR-S mới là 135.421 USD.
Mặc dù giá xe cao ngất ngưởng như vậy, nhưng vẫn không thể ngăn được giới giàu có tại quốc gia này sở hữu xe hơi. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục chiếc Lamborghini nối dài trên phố khi đi du lịch tại Singapore.
3. Bắc Triều Tiên
Đường phố Bình Nhưỡng rất rộng nhưng hiếm khi xuất hiện xe hơi chạy trên đường.
Video đang HOT
Nếu may mắn nắm được một chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị nơi đây, bạn sẽ có cơ hội sở hữu xe hơi. Đây có lẽ là đất nước có tỷ lệ sở hữu xe hơi thấp nhất trên thế giới. Chỉ có 30.000 chiếc xe trên tổng số 24 triệu dân.
Tại quốc gia này, rất hiếm khi xuất hiện một chiếc Mercedes. Hầu hết xe hơi được sản xuất tại nhà máy Bình Nhưỡng 4.10, một nhà máy được dùng sản xuất xe GAZ-51 (một loại xe tải nhẹ của Liên Xô trước chiến tranh). Vì vậy, những chiếc xe tải chạy trên đường phố trở thành nét đặc trưng không thể nhầm lẫn tại Bình Nhưỡng.
Hầu hết mọi người không thể sở hữu một chiếc xe hơi, và thị trường xe hơi nơi đây phụ thuộc khá nhiều vào những quyết sách của chính phủ. Chính sách phân phối nhiên liệu và giấy phép đi lại khá phức tạp.
4. Việt Nam
Vì mức giá quá cao nên đa số người Việt vẫn chưa thể sở hữu xe ô tô.
Có lẽ không cần giới thiệu nhiều, bởi Việt Nam quá nổi tiếng với những “siêu xe triệu đô”. Mức thuế, phí được tính theo kiểu cộng dồn khiến giá xe tại Việt Nam thường bị đội lên gấp 3 lần giá gốc. Để sở hữu một chiếc Toyota Vios 1.5 nhập khẩu, người Việt phải chi 28.000 USD. Toyota Corolla Altis 2.0 có giá 43.000 USD, hay một chiếc Toyota Fortuner cũng có giá 43.000 USD. Toyota Camry 2.5G có giá 61.000 USD, trong khi mức giá tại Mỹ của mẫu xe này là khoảng 22.000 USD. Giá một chiếc BMW 760Li là 318.000 USD, so với con số tại Mỹ chỉ là khoảng 140.000 USD.
5. Indonesia
Indonesia cũng có giá xe đắt ngang ngửa Việt Nam.
Hãy tưởng tượng, một chiếc Toyota Prius bình thường có giá 60.000 USD. Nếu mức giá đó vẫn chưa đủ làm bạn choáng, hãy nhìn sang một chiếc Chrysler 300C, nó được bán giá 110.000 USD. BMW M3 được bán giá 175.000 USD. Nếu muốn một chiếc siêu xe Ferrari 458 Italia, bạn sẽ phải chi không dưới 700.000 USD. Rolls-Royce Phantom được bán giá 1 triệu USD.
Tại quốc gia này, sẽ không khó để bắt gặp những chiếc Mercedes Benz S280. Thật kỳ quặc nhưng đó là sự thực. Một chiếc xe to lớn như S-class nhưng được đẩy bằng động cơ bé tẹo, và phải mất 15 giây để tăng tốc từ 0-100 km/h. Động cơ nhỏ nhằm mục đích lách mức thuế cao. Một chiếc S600 được bán giá 300.000 USD, trong khi tại Mỹ, chiếc xe này có giá 120.000 USD.
6. Malaysia
Do chính sách bảo hộ xe nội nên xe hơi nhập khẩu tại Malaysia có giá khá đắt.
Tại quốc gia này, một chiếc Scion FR-S được niêm yết 73.529 USD. Mercedes SLS AMG được bán giá 600.000 USD, Bentley Mulsanne 873.000 USD, Honda Civic 2.0 40.000 USD, hay Toyota Camry 2.5G có giá 56.000 USD.
Những chiếc xe hạng trung như Honda Accord và Toyota Camry được xem là xe hơi sang trọng. Thậm chí, những tính năng an toàn đều bị các đại lý cắt bớt để giảm chi phí. Thuế tiêu thụ đặc biệt và chính sách bảo hộ những hãng sản xuất xe hơi nội địa khiến giá bán cao khủng khiếp. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc Proton chạy đầy đường, và những chiếc xe nhập là đồ chơi xa xỉ của giới nhà giàu.
7. Saint Kitts và Nevis
Những cung đường đẹp như mơ nơi đây lại vắng bóng xe hơi bởi giá quá cao.
Đây là những quốc đảo tại vùng biển Caribbean. Giá một chiếc Kia Soul đời 2012 đã chạy 15.000 km được niêm yết 22.000 USD, trong khi chiếc xe như thế này được bán giá 11.000 USD. Một chiếc Toyota FJ Cruiser chạy 24.000 km được niêm yết giá 48.000 USD. Tất nhiên mức giá này vẫn còn mềm hơn nhiều so với Việt Nam.
Đường sá nơi đây đẹp đến mơ mộng, khiến người ta nghĩ là những thiên đường để lái xe, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Mức giá cao không tưởng là bởi hàng rào thuế nhập khẩu nơi đây.
Vee Langs, một quản lý tại đây cho biết St Kitts là một hòn đảo nhỏ bé, và khó có thể tìm kiếm một chiếc xe mới tại nơi này. Khi bạn bị hỏng đèn một chiếc Toyota, bạn phải mất nhiều năm sưu tầm từ các đại lý, nhưng không phải ai cũng may mắn mua được.
Vee Langs hiện đang lái một chiếc Toyota Sprinter Cielo hatchback đời 1990, tay lái thuận, 5 tốc độ. Nó là chiếc xe hoàn hảo trên hòn đảo này trong con mắt của nhiều người. Anh cho biết rất hiếm khi lái xe, bởi nhiên liệu là một mặt hàng xa xỉ.
8. Vương quốc Anh
Giá mua xe tại Anh không quá đắt, nhưng chi phí để vận hành nó đắt gấp nhiều lần trị giá chiếc xe.
Có lẽ khá nhiều người bất ngờ khi Vương quốc Anh lại được xếp vào một trong những nơi có giá xe đắt nhất. Nhưng mọi việc đều có nguyên nhân. Tại đây, những chiếc xe cũ giá rẻ rất khó được lưu hành, bởi Anh là quốc gia duy nhất tại châu Âu sử dụng tay lái nghịch.
Rất khó khăn để sở hữu chiếc xe thứ hai tại Anh. Giá xe rất rẻ, nhưng mức giá bảo hiểm đắt khủng khiếp. Nếu chiếc xe có trị giá 1.000 bảng, mức phí bảo hiểm sẽ dao động từ 4.500 đến 9.000 bảng.
9. Brazil
Brazil đánh thuế xe và thuế nhiên liệu rất cao.
Tại Brazil, mức thuế để sở hữu một chiếc xe mới là 100%, rất ít lựa chọn về mẫu mã xe, thuế nhiên liệu bị đánh quá nặng, thủ tục quá rườm rà và còn nhiều thứ khác. Chẳng hạn một chiếc Corolla 2014 tại Mỹ có giá 16.000 USD, chỉ được coi như loại xe nhỏ gọn, phổ thông, nhưng Brazil được niêm yết 25.000 USD và xem là loại xe sang trọng.
10. Trung Quốc
Vấn nạn tắc đường khiến Trung Quốc phải dựng nên hàng rào thuế quan đối với xe nhập.
Xe hơi vẫn là một thứ gì đó tương đối mới mẻ với đại đa số dân Trung Quốc. Giao thông tại quốc gia 1,4 tỷ dân cũng thực sự khủng khiếp. Khói bụi, kẹt xe sẽ dập tắt mọi đam mê của con người. Trung Quốc có xu hướng bảo hộ ngành xe hơi nội địa nên những chiếc xe nhập khẩu phải chịu mức giá cao ngất trời.
Minh Anh
Theo TTVN
Giá xe siêu đắt ở Cuba
Chiếc Peugeot 508 có giá 262.000 USD trong khi lương trung bình chỉ là 20 USD mỗi tháng.
Có hiệu lực từ tháng 1, luật mới xóa bỏ hạn chế trong việc mua xe thực thi kể từ nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, giá bán quá cao khiến chỉ một tỷ lệ rất nhỏ khách hàng có thể sở hữu những chiếc ôtô được sản xuất trong thời gian gần đây.
Thái độ hồ hởi của người dân Cuba khi luật mới được áp dụng không kéo dài lâu khi họ nhìn thấy các bảng giá xe, thứ tăng ngất ngưởng so với giá gốc: 400% hoặc hơn, biến những chiếc sedan gia đình đắt chẳng kém các mẫu xe thể thao cao cấp.
Đường phố ở Cuba có vô số những mẫu xe của những năm 1950. Ảnh: Drive.
Theo hãng tin Reuters, chính phủ Cuba cho biết có thể đầu tư 75% từ lợi nhuận bán xe mới vào hệ thống giao thông công cộng. Nhưng tổng doanh số tại 11 đại lý cấp quốc gia ở đất nước này chỉ đạt 1,28 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, theo thông tin từ Iset Vazquez, phó chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu Cuba CIMEX. Chính phủ gỡ bỏ giới hạn mua xe mới đối với người dân, nhưng cũng chỉ 50 chiếc ôtô và 4 môtô bán ra trên toàn thị trường Cuba trong nửa đầu năm nay.
Từ ngày 1/1 trở về trước, người Cuba phải xin giấy phép từ chính phủ để mua xe từ các nhà bán lẻ gồm các loại xe từ mới đến xe đã qua sử dụng, thường trước đó là xe cho thuê. Còn năm nay, người dân được tự do mua xe mới, nhưng phần lớn doanh số dường như là xe đã qua sử dụng với mức giá trung bình 23.800 USD, gồm cả xe môtô.
Một đại lý Peugeot ở thủ đô Havana dán niêm yết mẫu 206 đời 2013 ở mức 91.000 USD khi luật mới có hiệu lực, và báo giá 262.000 USD cho mẫu 508 có phong cách thể thao hơn. Trong khi đó, mức lương tháng trung bình của người lao động khoảng 20 USD.
Được tự do mua xe mới kể từ tháng 1 năm nay, nhưng với phần lớn người Cuba, chỉ có thể đứng từ xa ngắm xe bởi giá bán một trời một vực so với thu nhập. Ảnh:Newscom/RTR.
Mức giá cao cũng gây lo ngại đối với các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư tiềm năng, những người phải được phép của chính phủ để nhập một chiếc xe mới hoặc đã qua sử dụng mà không cần phải tăng giá quá cao.
Thực tế, Cuba chỉ đang dần nới lỏng thị trường xe. Năm 2011, chính phủ nước này bắt đầu cho phép người dân tự mua và bán xe đã qua sử dụng cho nhau. Trước đó, chỉ những chiếc xe vào Cuba trước năm 1959, thời điểm diễn ra cuộc cách mạng, có thể được tự do mua đi bán lại, và đó cũng là lý do của sự xuất hiện vô số những chiếc xe Mỹ thời những năm 1950 trên đường phố Cuba. Những chiếc Chevrolet và Buick lăn bánh bên những chiếc Lada là chuyện thường thấy ở quốc gia này.
Mỹ Anh
Theo VNE
Đắt "cắt cổ", xe mới ế ẩm tại Cuba Dù luật cấm mua xe mới tại Cuba đã bị gỡ bỏ, người dân cũng chẳng mấy mặn mà với việc tậu ôtô. Hồi tháng 12/2013, chính phủ Cuba đã chính thức gỡ bỏ luật cấm mua ôtô được sản xuất sau năm 1959. Đây là lần đầu tiên chính phủ Cuba gỡ bỏ luật cấm mua xe mới kể từ khi quốc...