Việt Nam mong Mỹ sớm ổn định tình hình
Việt Nam chia sẻ với Mỹ về các cuộc biểu tình có xu hướng bạo lực, mong muốn tình hình sớm quay lại bình thường, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.
“Việt Nam quan tâm và chia sẻ với Mỹ về tình trạng một số vụ biểu tình tại vài khu vực đang có xu hướng bạo lực, ảnh hưởng đến kinh tế cũng như an sinh xã hội. Chúng tôi mong tình hình sẽ sớm ổn định để người dân quay lại cuộc sống bình thường”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo thường kỳ chiều 11/6.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam khi làn sóng biểu tình chống bất bình đẳng sắc tộc, bạo lực cảnh sát ở Mỹ đang lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các cuộc biểu tình nổ ra và lan rộng ra khắp nước Mỹ từ cuối tháng 5 sau khi người đàn ông da màu George Floyd ở bang Minnesota bị sĩ quan Derek Chauvin ghì chết.
Cảnh sát ngăn người biểu tình ở Philadelphia hôm 30/5. Ảnh: AP.
Phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, song một số vụ bạo động, cướp phá đã xảy ra tại một số thành phố Mỹ. Nhiều người biểu tình xuống đường cũng khiến số ca nhiễm nCoV mới tăng cao, trong bối cảnh Mỹ chưa kiểm soát được Covid-19. Nước này hiện ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 113.000 ca tử vong.
Nhắc đến tình hình người Việt tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết chưa có thông tin nào về việc công dân Việt Nam bị ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình.
Ngày 1/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đăng khuyến cáo trên website, đề nghị công dân Việt Nam không đến khu vực có biểu tình, tuân thủ các quy định sở tại, hạn chế đi lại, liên hệ với cảnh sát và cơ quan ngoại giao khi cần trợ giúp. Từ đầu tháng 5, Việt Nam cũng đã tổ chức ba chuyến bay đưa tổng cộng hơn 1.000 người Việt từ Mỹ về nước tránh Covid-19.
Bà Hằng cũng cho hay Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan đang phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại và Banglades để hồi hương 22 người Việt mắc kẹt tại Nepal do các nước hạn chế đi lại để chống Covid-19.
Việt Nam đã đưa hơn 5.000 công dân ở nhiều nước trên thế giới hồi hương tránh Covid-19, sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước căn cứ vào diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương.
George Floyd và cảnh sát ghì gáy 'từng ẩu đả nhau'
George Floyd và Derek Chauvin, cảnh sát da trắng ghì gáy khiến anh tử vong, cùng làm việc trong hộp đêm và từng ẩu đả nhau, theo đồng nghiệp cũ.
David Pinney, một đồng nghiệp cũ của George Floyd và Derek Chauvin, cho biết cả hai đều làm bảo vệ hộp đêm ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, cùng thời điểm và biết nhau "rất rõ". "Họ từng cụng đầu nhau. Điều này liên quan đến việc Derek cực kỳ hung hăng với một số khách quen trong hộp đêm, đây là một vấn đề", Pinney giải thích.
Chauvin, 44 tuổi, bị truy tố tội giết người cấp độ hai, tức cố ý giết người nhưng không có suy tính hay kế hoạch từ trước, và ngộ sát về cái chết của Floyd, 46 tuổi, sau khi ghì gáy lên cổ người đàn ông này gần 9 phút hôm 25/5. Hình phạt cho giết người cấp độ hai có thể lên tới 40 năm tù. Video ghì gáy đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.
Derek Chauvin ghì gáy George Floyd trong vụ khống chế ở Minneapolis hôm 25/5. Ảnh: CBS.
Luật sư của gia đình Floyd kêu gọi truy tố Chauvin tội giết người cấp độ một "vì chúng tôi tin rằng anh ta biết George Floyd là ai". Giết người cấp độ một là mức độ nghiêm trọng nhất. Ba dấu hiệu cấu thành tội phạm gồm: cố ý, có cân nhắc và suy tính. Hình phạt có thể tới án tử hình hoặc tù chung thân không ân xá.
Maya Santamaria, chủ sở hữu của câu lạc bộ, nói rằng bà đã thuê Chauvin sau khi cựu cảnh sát này kết thúc ca làm việc mỗi ngày. Floyd thường xuyên làm bảo vệ tại hộp đêm trong năm qua và cả hai đều làm việc vào tối thứ ba.
Khi được hỏi liệu bà có nghĩ rằng Chauvin có vấn đề với người da màu, Santamaria trả lời: "Đúng, tôi nghĩ rằng anh ta dè chừng và hăm dọa".
Chauvin hôm 8/6 hầu tòa qua video trực tuyến và không phản đối mức tiền bảo lãnh 1,25 triệu USD do công tố viên đưa ra. Phiên xử tiếp dự kiến diễn ra ngày 29/6, trong đó Chauvin sẽ đưa ra lời biện hộ và tòa án sẽ xem xét các bằng chứng liên quan.
George Floyd chết trong lúc bị cảnh sát ghì cổ như thế nào. Video: NY Times.
New York cho công khai hồ sơ vi phạm của cảnh sát Các nghị sĩ bang New York bãi bỏ đạo luật không cho phép công khai các hành vi sai phạm của cảnh sát, sau cái chết của người da màu George Floyd. Các nhà lập pháp bang New York quyết định bãi bỏ một đạo luật đã tồn tại hàng chục năm qua ở bang, trong đó cho phép giữ kín hồ sơ...