Việt Nam mong Ấn Độ ‘hỗ trợ’ giải quyết tranh chấp Biển Đông
Sau hàng loạt động thái bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm 27/10 đã kêu gọi “sự ủng hộ tích cực” của Ấn Độ nhằm giải quyết các tranh chấp trong hòa bình.
Trong ngày 28/10, Thủ tướng Việt Nam đã tham gia các cuộc họp bàn với Thủ tướng Narendra Modi đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đón các tàu Hải quân Ấn Độ tới cập cảng để giao lưu hữu nghị.
Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra 1 tháng sau vụ việc tàu Hải quân Ấn Độ INS Airavat bị phía Trung Quốc yêu cầu rời khỏi Biển Đông khi đang trên đường tới thăm Việt Nam.
“Việc giải quyết hợp lý các tranh chấp trên Biển Đông nhằm duy trì nền hòa bình, ổn định, anh ninh đường biển, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực là vì lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Video đang HOT
Tàu Trung Quốc (bên trái) xuất hiện gần nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng Năm.
Trên tinh thần đó, Việt Nam hy vọng Ấn Độ với vai trò một cường quốc trong khu vực và quốc tế, sẽ tích cực hỗ trợ các bên liên quan để giải quyết một cách hòa bình mọi tranh chấp, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình, từ đó đóng góp vào sự duy trì hòa bình, ổn định, anh ninh đường biển, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông”, Times of India dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn đánh giá cao tầm quan trọng lớn lao của tình bạn và tình hợp tác với mọi quốc gia bao gồm Trung Quốc.
Thủ tướng nói: “Do đó, Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tăng cường các mối liên kết đa chiều với khu vực Đông Nam Á. Vì tình bạn và trao đổi, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục cho phép tàu thuyền từ các nước khác bao gồm Ấn Độ tới thăm Việt Nam. Việt Nam hy vọng rằng Ấn Độ với vai trò ngày càng quan trọng, sẽ có những đóng góp trách nhiệm và tích cực đối với sự duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới”.
Trước đó, Trung Quốc đã phản đối sự hiện diện của Ấn Độ trên Biển Đông để tham gia các dự án khai thác dầu. Hồi tháng trước, Trung Quốc đã đề nghị tàu Hải quân Ấn Độ INS Airavat, vốn trên hành trình cập cảng Việt Nam và đi qua hải phận quốc tế trên Biển Đông, rời khỏi vùng biển mà Trung Quốc tự nhận là “hải phận của nước này”.
Thể hiện rõ quan điểm trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam và các quốc gia châu Á nhấn mạnh tầm quan trọng thi hành luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh đường biển, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Khi được hỏi liệu Việt Nam sẽ giải quyết tranh chấp với Trung Quốc theo con đường song phương hay hành động theo luật pháp quốc tế, Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn đánh giá cao tình bạn truyền thống, hợp tác toàn diện với Trung Quốc và giải quyết tranh chấp tuân theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp trên Biển Đông.
“Việt Nam luôn tôn trọng giải quyết mọi tranh chấp thông qua giải pháp hòa bình mà không sử dụng hoặc đe dọa bằng vũ lực dựa trên cơ sở tự kiềm chế và tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực thi luật pháp quốc tế, công ước UNCLOS 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Sanjeev Balyan chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới sân bay New Delhi.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn có cách tiếp cận chủ động phù hợp với luật pháp quốc tế và tận dụng mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, theo đuổi đối thoại để tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề ở Biển Đông.
Khi được hỏi về việc Việt Nam – Ấn Độ quyết định tăng cường hợp tác quân sự và liệu hành động này có phải nhằm vào Trung Quốc, Thủ tướng nói: “Chính sách ngoại giao của Việt Nam vẫn trước sau như một. Chúng tôi không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại nước khác”.
Trên lĩnh vực hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên Biển Đông, Thủ tướng cho hay: “Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động hợp tác kinh tế giữa các công ty dầu khí Việt Nam với đối tác nước ngoài bao gồm các công ty Ấn Độ tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tuân theo luật pháp Việt Nam và quốc tế mà điển hình là công ước UNCLOS 1982.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Times of India, một nhật báo tiếng Anh được đọc nhiều nhất ở Ấn Độ.
Theo Infonet