Việt Nam lên tiếng về bản đồ thềm lục địa Malaysia đệ trình lên LHQ
Việt Nam bảo lưu quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý trên biển Đông như nêu trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc năm 2009.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Malaysia đệ trình bản đồ giới hạn thềm lục địa lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chiều 9/1 nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ( UNCLOS 1982), Việt Nam được hưởng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của mình được xác định phù hợp với UNCLOS 1982, đồng thời Việt Nam cũng bảo lưu quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý trên biển Đông như đã nêu trong công hàm gửi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc năm 2009″.
Trước đó, hôm 12/12, Malaysia đã chính thức đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc yêu cầu xác lập giới hạn thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của nước này. Theo điều 76 của UNCLOS 1982, nếu một nước cho rằng thềm lục địa của mình vượt ra ngoài 200 hải lý, nước đó phải đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, cùng các dữ liệu kỹ thuật và khoa học, để ủy ban này xem xét./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
Video đang HOT
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định thế nào?
Việt Nam là một quốc gia ven biển có đầy đủ các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được quy định trong Công ước về Luật Biển Quốc tế 1982.
Các khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định rõ ràng, đầy đủ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Vùng đặc quyền kinh tế
Điều 57 Luật Biển 1982 nêu rõ Vùng đặc quyền kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật Biển 1982 quy định:
Đối với các quốc gia ven biển: Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.
Các vùng biển của quốc gia theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. (Ảnh: tuyengiao.vn)
Đối với các quốc gia khác: Được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không; được tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, được tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế. Tuy nhiên, mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.
Thềm lục địa
Khoản 1 và khoản 5 Điều 76 của Luật biển năm 1982 có quy định về thềm lục địa, theo đó thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc tới giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn.
Tuy nhiên, bề rộng tối đa của Thềm lục địa tính theo bờ ngoài của rìa lục địa, không được vượt quá giới hạn 350 hải lý tính từ Đường cơ sở, hoặc không quá 100 hải lý bên ngoài đường thẳng sâu 2.500m. Như vậy Thềm lục địa cách đường cơ sở từ 200 đến tối đa là 350 hải lý tùy theo nền của lục địa.
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như dầu khí, các tài nguyên sinh vật như cá, tôm...) của mình. Vì đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó. Nghĩa là chỉ quốc gia ven biển mới có quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gì. Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đối với thềm lục địa không được đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước phía trên, không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác.
Khi tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở, quốc gia ven biển phải nộp một khoản đóng góp tiền hay hiện vật theo quy định của công ước. Quốc gia ven biển có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học. Mọi nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Tất cả các quốc gia khác đều có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thỏa thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc đường cáp đó.
Như vậy đối với những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mọi hành động thăm dò và khai thác của quốc gia khác mà không được sự đồng ý và thỏa thuận của Việt Nam là xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Mặc dù đã được quy định rõ ràng như vậy nhưng thời gian qua nhiều nước đang phớt lờ, không thực thi Công ước Luật biển năm 1982, vi phạm chủ quyền biển đảo, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đặc biệt, hành vi mới đây của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở biển Đông đều là thành viên.
Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
(Tổng hợp)
SONG HY
Theo VTC
Bộ Ngoại giao bình luận về căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc ở Natuna Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển, không làm phức tạp tình hình. Đảo Natuna Lớn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Flickr) Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho...