Việt Nam lên kịch bản ứng phó với vi rút chết người Ebola
Trước diễn biến nhanh chóng mặt của dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola với con số mắc, tử vong ngày càng tăng lên, Tổ chức Y tế Thế giới cân nhắc việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu.
Trước tình huống khẩn cấp này, Bộ Y tế cũng vừa ban hành Kế hoạch hành động Phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam.
3 kịch bản ứng phó
Ngày 7/8, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cập nhật mới nhất của WHO về tình hình mắc mới bệnh do Ebola cho thấy số mắc, tử vong do vi rút này tăng lên từng ngày.
Các trường hợp mắc mới và chết tiếp tục được báo cáo tại 4 nước (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone). Từ ngày 02-04/8/2014 đã ghi nhận thêm 108 trường hợp mắc mới bao gồm 45 trường hợp tử vong cụ thể tại: Guinea (10 mắc, 5 tử vong),Liberia (48 mắc, 27 tử vong), Nigeria(5 mắc, 0 tử vong), Sierra Leone (45 mắc, 13 tử vong).
Tính đến ngày 7/8/2014 thế giới đã ghi nhận 1.711 trường hợp nhiễm vi rút Ê-bô-la trong đó có 932 trường hợp tử vong tại 04 nước vùng Tây Phi gồm Guinea (495 mắc/363 tử vong), Liberia (516 mắc/282 tử vong), Nigeria (9 mắc, 1 tử vong), và Sierra Leone (691 mắc, 286 tử vong). Đặc biệt đã ghi nhận trên 100 cán bộ y tế đã lây nhiễm vi rút Ebola.
Một trường hợp tử vong đầu tiên là người đàn ông 40 tuổi ngoài Châu Phi có nghi ngờ liên quan đến vi rút Ebola cũng được ghi nhận. Theo đó, người đàn ông này trở về Saudi Arabia từ Sierra Leone, phải nhập viện vì những dấu hiệu tương tự với sốt xuất huyết do Ebola và đã tử vong. Nếu trường hợp này được khẳng định thì đây sẽ là ca bệnh Ebola đầu tiên tử vong ngoài lục địa châu Phi.
Việt Nam cũng đưa ra những đánh giá diễn biến dịch trên thế giới quá nhanh, thời gian tử vong rất nhanh và cũng đưa ra 3 phương án để ứng phó với dịch bệnh.
Theo đó, tình huống 1 khi chưa ghi nhận ca bệnh, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng. Trong tình huống này, công tác tăng cường giám sát phát hiện tại cửa khẩu được tăng cường, thực hiện kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola tại khu vực cửa khẩu để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan vào Việt Nam. Giai đoạn này cũng bắt đầu thực hiện tờ khai y tế bắt buộc với hành khác nhập cảnh từ vùng dịch. Theo đó, từ ngày 15/8, Bộ Y tế sẽ triển khai tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch chưa qua 21 ngày tại tất cả các cửa khẩu quốc tế; bằng đường hàng không, đường bộ.
Tại hệ thống bệnh viện cũng sẵn sàng về trang thiết bị, thuốc… sẵn sàng tiếp nhận, thu dung khi có bệnh nhân.
Video đang HOT
Tình huống 2 khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập thì cần khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực hạn chế nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Theo đó, ngay sau khi có ca bệnh xâm nhập, ngoài việc giám sát phát hiện tại cửa khẩu, cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc vi rút Ebola có yếu tố dịch tễ liên quan, theo dõi sức người người có tiếp xúc với người bệnh trong vòng 21 ngày.
Trong điều trị sẽ thực hiện nghiên ngặt cách ly với bệnh lý nguy hiểm nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây lan và sẽ điều trị bệnh nhân tại tuyến cao nhất để hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng cần phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng. Lúc này, việc quan trọng là tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc với toàn bộ người dân trong khu ổ dịch.
Về điều trị sẽ phân tuyến, triển khai bệnh nhân để giảm tải bệnh viện tuyến cuối. Các bệnh viện cũng cần chủ động kế hoạch mở rộng thu dụng, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
Kiểm soát khó khăn
Lý giải việc Việt Nam sẽ thực hiện tờ khai y tế bắt buộc với hành khách trở về từ vùng dịch từ 15/8, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc thực hiện tờ khai y tế phải phối hợp với nhiều bộ ngành nên cần có thời gian chuyển bị. Nhất là tại các nước Châu Phi không có đường bay thẳng về Việt Nam, hành khách có thể quá cảnh ở nhiều quốc gia, nhiều hãng bay khác nhau, về Việt Nam từ cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ… nên để thực hiện kiểm soát khách nhập cảnh về từ những nước này thực sự rất khó khăn.
“Nếu triển khai tờ khai y tế với tất cả các chuyến bay, tất cả các cửa khẩu thì sẽ rất tốn kém, không cần thiết và có thể gây hỗn loạn. Vì thế, nhân viên an ninh tại các cửa khẩu khi làm thủ tục nhập được giao nhiệm vụ xem hộ chiếu xác định hành khách có đi từ 4 nước này trong vòng 21 ngày không. Nếu có thì hành khách sẽ được yêu khai tờ khai y tế”, ông Phu cho biết.
Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Ebola giống với triệu chứng của nhiều bệnh. Vì thế, yếu tố dịch tễ cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện, khoanh vùng ổ dịch. Ví như khi có người vừa từ Châu phi về trong vòng 21 ngày mà có triệu chứng thì mình phải chỉ điểm ngay, hai là cũng có triệu chứng đó nhưng đang nằm ở cộng đồng thì mình phải khai thác các yếu tố dịch tễ, có tiếp xúc với người mới trở về từ Châu Phi…
Ông Phu cũng khuyến cáo với hành khách trở về từ vùng dịch cần có sự hợp tác chặt chẽ cùng ngành y tế. Theo đó, ngoài khai tờ khai y tế, mọi người cũng cần tự theo dõi sức khỏe của mình khi trở về nhà. Nếu có biểu hiện gì bất thường trong 21 ngày trở về từ vùng dịch cần liên hệ theo số điện thoại trên tờ khai được phát để được hướng dẫn.
Người có tiếp xúc với khách mới về từ nước có dịch thì nên cảnh giác. Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi.. thì nên đến cơ sở y tế kịp thời. Những trường hợp có biểu hiện sốt được tạm thời cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Ngành y tế sẽ tiếp tục khai thác hành khách tiếp xúc với những ai để lên danh sách theo dõi.
Dù tình hình dịch tại các nước Tây Phi đang rất căng thẳng, tuy nhiên tiến sĩ Phu cũng khuyến cáo người dân nên bình bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức. Để phòng bệnh cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa… . Bởi vi rút Ebloa không lây qua đường hô hấp mà lây trực tiếp qua tiếp xúc, tiếp xúc trực viếp với da, niêm mạc bị tổn thương, dịch tiết cơ thể, máu của người hoặc động vật nhiễm bệnh. Vì thế, nếu thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh phòng bệnh sẽ hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm chết người này.
Hồng Hải
Theo Dantri
Việt Nam nâng cấp độ cảnh báo với dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử
Hơn 1.600 ca nhiễm, gần 900 ca tử vong do Ebola. WHO nhận định đây là dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất trong lịch sử 40 năm qua tại các nước Tây Phi. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã nâng cấp độ cảnh báo với dịch bệnh nguy hiểm này.
Vụ dịch trầm trọng nhất trong lịch sử
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Tổ chức thế giới (WHO) nhận định Ebola là dịch lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại các nước Châu Phi. Bệnh lây truyền nhanh, tử vong cao, nếu không nỗ lực kiểm soát phòng chống, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ và nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, 4 nước Tây Phi đã ghi nhận hơn 1.600 ca bệnh do vi rút này, gần 890 người tử vong, trong đó trên 100 trường hợp là cán bộ y tế nhiễm Ebola. Đặc biệt chỉ trong vòng hai ngày (31/7 và 1/8); 4 nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone báo cáo thêm 163 trường hợp mắc mới, 61 ca tử vong. Guinea có 13 ca mắc mới nhưng đến 12 người tử vong, con số này tại Liberia 77 và 28 người tử vong.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch chiều 6/8, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trước dịch bệnh nguy hiểm này, nhiều quốc gia đã nâng cảnh báo với dịch.
Liberia đã đóng hầu hết các cửa khẩu chính và cách ly nghiêm ngặt các vùng bị nhiễm bệnh. Senegal đóng cửa khẩu đất liền với Guinea. Nigeria ngưng chuyến bay qua các nước có dịch bệnh và tăng cường kiểm dịch tại sân bay. Nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Guiniea, Leberia và Sierra Leone đã hạn chế nhân viên của họ đến đây. Tổ chức Hòa bình Mỹ cũng rút 340 nhân viên tình nguyện từ 3 quốc gia đang có dịch về nước.
"Dịch Ebola tại Tây Phi đang tăng kinh khủng trong những ngày gần đây. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đánh giá nguy cơ lây theo đường du lịch là cực thấp nhưng thời điểm này đã chuyển sang cảnh báo 'không loại trừ lây sang đường hàng không. Việt Nam cũng là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao", TS Phu nhận định.
Tổng giám đốc WHO Margaret Chan từng nhấn mạnh, đây là đợt bùng phát dịch chưa từng có, rất khó kiểm soát. Dịch diễn ra tại những khu vực có dân di biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không. Điều này trái ngược với những gì diễn ra trong các vụ dịch trước đây. Nếu tình hình tiếp tục trở nên xấu hơn, nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn.
Việt Nam khuyến cáo công dân hạn chế di chuyển đến vùng có dịch
Trước nguy cơ lây lan dịch Ebola vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ, đồng thời, triển khai việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó, phòng chống dịch bệnh...
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị tập trung giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện, phát hiện sớm ca bệnh do vi rút Ebola nếu có. Người đi du lịch được khuyến cáo hạn chế đến các quốc gia đang có dịch.
Ngay chiều muộn ngày 6/8, sau khi kết thúc cuộc họp Ban chỉ đạo, Bộ Y tế cũng có công văn khẩn gửi tới các bộ ngành tiên quan đề nghị phối hợp chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc tại các cửa khẩu. Theo đó, những hành khách đến từ vùng dịch (là 4 nước Tây Phi gồm: Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigeria) trong vòng 21 ngày sẽ phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc khi nhập cảnh vào Việt Nam. Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh Ebola, cần nhanh chóng tiến hành cách ly triệt để và thực hiện các biện pháp xử lý y tế theo quy định. Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 15/8 tại tất cả các cửa khẩu quốc tế.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng gửi công văn khẩn đến Bộ Ngoại giao, khuyến nghị Bộ ngoại giao thông báo tới các cơ quan, tổ chức có cán bộ, công dân đang ở hoặc phải đi đến vùng dịch. Bộ Y tế cũng đề nghị hạn chế cử cán bộ đi đến quốc gia có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết.
Trong trường hợp buộc phải đi, cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chia sẻ thường xuyên thông thi về khách nhập cảnh từ các quốc gia này để Bộ Y tế có các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh.
Theo TS Trần Đắc Phu, bệnh do vi rút Ebola (sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (thuộc nhóm A), có khả năng lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao tới 90%. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, cơ quan, tổ chức cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Người mắc bệnh do vi rút thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao kéo dài, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, đi ngoài ra máu...). Thể nặng thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc.
Bệnh nguy hiểm bởi tốc độ lan truyền, nguy cơ tử vong cao và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu.
Để phòng bệnh, người dân cần lưu vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Ngày 6/8 Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do vi rút Ebola. Theo đó, dù Ebola chưa ghi nhận tại Việt Nam nhưng Bộ Y tế cũng nhìn nhận, đây là bệnh dịch rất nguy hiểm và không được chủ quan. Do đó, chỉ cần phát hiện 1 ca bệnh xác định (có kết quả xét nghiệm dương tính với virut Ebola) đã được coi là một ổ dịch. Những người có tiền sử ở/đi/đến từ vùng/ quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc động vật nhiễm vi rút trong vòng 21 ngày mà có các triệu chứng bệnh như trên đều được xác định là ca bệnh nghi ngờ, cần được cách ly, chẩn đoán nhanh và xử lý kịp thời, triệt để, không để lây lan. Hướng dẫn giám sát do Bộ Y tế ban hành quy định chi tiết 3 tình huống và phương thức giám sát ca bệnh nhiễm vi rút Ebola từ cửa khẩu đến cộng đồng, bao gồm các tình huống giám sát khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam cho đến khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng. Các biện pháp triển khai chống dịch đối với người bệnh, người tiếp xúc gần và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở điều trị cũng như vấn đề khử trùng xử lý môi trường cũng được quy định cụ thể tại bản Hướng dẫn này.
Hồng Hải
Theo Dantri
Viêm não Nhật Bản và những điều nên biết Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao. Viêm não Nhật Bản (còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B) là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ...