Việt Nam lên án các vụ tấn công khủng bố tại Paris, Pháp
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Thủ tướng Pháp Manuel Valls.
Ngày 14/11, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những vụ tấn công tại Pháp ngày 13/11/2015 khiến nhiều người thiệt mạng, bị thương và bị bắt làm con tin, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lê Hải Bình
“Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra vào ngày 13/11/2015 tại Pháp khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương. Việt Nam xin chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà Chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực mà Chính phủ và nhân dân Pháp đang triển khai, những kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng.
Ngày 14/11/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Cùng ngày Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Laurent Fabius”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không công dân Việt Nam là nạn nhân của những vụ tấn công nói trên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:
“Ngay sau khi được tin về những vụ tấn công xảy ra tại Paris ngày 13/11/2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngay lập tức làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu những thông tin liên quan đến công dân Việt Nam tại những khu vực xảy ra tấn công. Trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp bằng mọi cách phối hợp với các cơ quan chức năng của Pháp hỗ trợ, tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sáng ngày 14/11/2015 cho biết theo Cơ quan xử lý khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Pháp, hiện chưa có thông tin cụ thể về quốc tịch của những nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương.
Video đang HOT
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hiện đang khẩn trương theo sát những diễn biến liên quan để có thể kịp thời tiến hành các biện pháp bảo hộ trong trường hợp xác định có công dân Việt Nam là nạn nhân những vụ tấn công.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã mở 02 đường dây nóng 00.33.67.7622624 và 00.33.66.3541759 cùng hoạt động với tổng đài Bảo hộ công dân trong nước 084.4.62844844 để sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công dân Việt Nam là nạn nhân của những vụ tấn công nêu trên”.
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng đã mở thêm đường dây nóng 84981848484 để tiếp nhận những thông tin liên quan đến công dân Việt Nam.
Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam
Theo_Người Đưa Tin
Chủ tịch nước: "Ngoại giao là tai mắt, là chiếc ăng-ten của Đảng, Nhà nước"
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Ngoại giao là tai mắt, là chiếc ăng-ten của Đảng và Nhà nước. Ngày nay, cán bộ Ngoại giao là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận không tiếng súng".
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam Nam (28/8/1945-28/8/2015), chiều 20/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ lão thành ngoại giao
Cuộc tụ họp của các cán bộ lão thành ngoại giao
Cùng tham dự buổi gặp mặt có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm
Các cựu cán bộ ngoại giao tay bắt mặt mừng, trao nhau những cái ôm thân mật, ôn lại kỷ niệm xưa khi còn công tác. Họ là những thế hệ cán bộ ngoại giao qua các thời kỳ đại diện cho hơn 2.000 cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu và 2.400 cán bộ ngoại giao hiện còn đang công tác.
Căn phòng khách tại Phủ Chủ tịch hôm nay tràn ngập một không khí cởi mở và thân mật, những tiếng trò chuyện vui vẻ, những lời thăm hỏi ân cần...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, một số vị lão thành còn gọi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cái tên thân mật "đồng chí Tư Sang", và bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao tới ngành ngoại giao.
Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và một số cán bộ ngoại giao lão thành đã xúc động khi nói về truyền thống của ngành ngoại giao trong 70 năm qua, về những thành tựu, những bài học cũng như truyền thống của ngành.
Ngoại giao là "tai mắt"
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu, đóng góp quan trọng của ngành Ngoại giao trong suốt chặng đường lịch sử 70 năm qua.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Bộ Ngoại giao có vinh dự và may mắn mà không Bộ, ngành nào khác có được. Đó là ngay từ những ngày đầu thành lập Ngành đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chỉ đạo, dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng.
Trong giai đoạn đất nước ta gặp nhiều khó khăn, bị bao vây cấm vận, ngoại giao là lực lượng đi đầu trong việc vận động bạn bè thế giới hiểu rõ về chính nghĩa của Việt Nam, phá thế bao vây cô lập, đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, tiến hành 30 năm qua đã giúp Ngoại giao Việt Nam thực sự cất cánh, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước tặng quà lưu niệm cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
"Ngày nay, cán bộ Ngoại giao lại là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận không tiếng súng góp phần bảo vệ từ xa thành quả cách mạng, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng đề cập đến thực tế tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Là tai mắt, là chiếc ăng-ten của Đảng và Nhà nước, Ngoại giao có nhiệm vụ định vị Việt Nam một cách có lợi nhất trong cục diện khu vực và quốc tế, bảo vệ vững chắc các lợi ích an ninh quốc gia, công cuộc xây dựng và vị thế của đất nước.
"Để làm tròn sứ mệnh cao cả đó, việc xây dựng, đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, tinh thông về nghiệp vụ và ngoại ngữ, vững vàng về bản lĩnh chính trị có ý nghĩa sống còn. Đây không chỉ là trách nhiệm mà cũng là nghĩa vụ của các thế hệ cán bộ ngoại giao lão thành và các đồng chí đã nghỉ hưu", Chủ tịch nước nói.
Nam Hằng
Theo Dantri
Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần Phát biểu trước Quốc hội về tình hình, kế hoạch phát triển của đất nước trong 2 năm 2014-2015; các nhiệm vụ, mục tiêu cần tập trung trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại,... là những hoạt động, chỉ đạo nổi bật của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trong tuần qua. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay...