Việt Nam làm chủ công nghệ diesel hóa xe quân sự
Mỗi năm, xưởng Z735 sửa chữa, đại tu diesel hóa 300 xe quân sự đạt tiêu chuẩn kĩ thuật cao, bảo đảm an toàn…
Mỗi năm, Xưởng Z735 (Cục Kỹ thuật Quân khu 7) sửa chữa, đại tu, đi-ê-den hóa gần 300 ô tô, xe tăng-thiết giáp, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, bảo đảm an toàn, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của lực lượng vũ trang (LLVT) quân khu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực vượt khó, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Trung tá QNCN Đỗ Quang Nghĩa, Trưởng ban Kỹ thuật KCS cho biết: Những năm gần đây, Xưởng Z735 được giao nhiệm vụ đi-ê-den hóa một số loại xe máy quân sự. Đây là nhiệm vụ mới, đầy khó khăn, vất vả, nhất là khi cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị còn hạn chế; trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chưa đồng đều. Song, đơn vị đã lựa chọn những đồng chí có trình độ, kinh nghiệm nghiên cứu trước, sau đó phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho cán bộ, nhân viên. Chỉ huy xưởng chủ động tổ chức, sắp xếp các bộ phận, theo từng công đoạn, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2015, xưởng thực hiện đi-ê-den hóa được 10 chiếc xe ZIL-130 và xe thiết giáp BTR-152 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cán bộ, nhân viên kỹ thuật thực hiện đi-ê-den hóa ô tô.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, bảo đảm an toàn, tiết kiệm nguyên vật liệu, toàn xưởng luôn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, tìm nhiều giải pháp, đẩy mạnh phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tận dụng vật tư trong sửa chữa, thay thế.
Những năm trước đây, Phân xưởng Sửa chữa ô tô rất vất vả trong kiểm tra tình trạng kỹ thuật bộ chế hòa khí. Mỗi lần kiểm tra, đơn vị phải chuyển đến phòng thí nghiệm, hoặc nhà máy lớn. Khắc phục khó khăn trên, Thiếu tá QNCN Hà Duy Tài, nhân viên Ban Kỹ thuật KCS đã có sáng kiến xây dựng hộp dụng cụ kiểm tra phục hồi nhanh bộ chế hòa khí. Thành phần hộp gồm: Bộ dụng cụ chế tạo màng da bơm tăng tốc chế hòa khí; bộ kim chuẩn; dụng cụ phục hồi nhanh mặt chế hòa khí. Sáng kiến được đưa vào áp dụng từ năm 2010 đã góp phần giúp phân xưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 2010 đến nay, cán bộ, nhân viên Xưởng Z735 đã có 35 sáng kiến được áp dụng, nhiều sáng kiến được Quân khu 7, Bộ Quốc phòng khen thưởng, như “Thiết bị kiểm thử bơm dầu trợ lực lái”,”Bộ vam tháo thanh giằng cầu”…
Các sáng kiến có giá trị cao, hiệu quả ứng dụng tốt được Xưởng Z735 khen thưởng kịp thời và nhân rộng trong đơn vị, qua đó khơi dậy lòng nhiệt huyết, yêu nghề của người lính thợ. Bên cạnh đó, xưởng có chính sách hỗ trợ kinh phí, phân công cán bộ có kinh nghiệm làm “bà đỡ” cho các sáng kiến. Xưởng Z735 còn luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, nhất là huấn luyện khai thác, làm chủ trang thiết bị công nghệ mới, đi-ê-den hóa… Khi thực hiện nhiệm vụ mới, độc lập, khó khăn, xưởng đều chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trước cho cán bộ, nhân viên. Hằng năm, đơn vị còn tổ chức tốt các hội thi, như: Thi “Thợ giỏi”, “Phân xưởng an toàn”, thi nâng bậc thợ. Mỗi nhiệm vụ, đơn vị đều xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu đến từng bộ phận, kiểm tra, đôn đốc bảo đảm tiến độ, kỹ thuật, xây dựng xưởng chính quy, an toàn; phòng, chống cháy, nổ.
Để nâng cao năng lực công nghệ, trình độ sửa chữa, Xưởng Z735 đã chủ động liên kết với một số nhà máy, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cử cán bộ đến đào tạo, tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhằm tiếp thu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sửa chữa xe ô tô đời mới. Cùng với nguồn kinh phí trên cấp, đơn vị lựa chọn đầu tư nâng cấp trạm, xưởng phù hợp. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị còn thực hiện tốt phong trào thi đua, các cuộc vận động, quan tâm giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, ngoài làm nhiệm vụ tại xưởng, cán bộ, nhân viên còn cơ động bám sát các đơn vị để sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, diễn tập; cứu hộ, cứu nạn của LLVT quân khu.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Thành tựu công nghiệp quốc phòng nổi bật Việt Nam năm 2014 (P2)
Vận hành dây chuyền sản xuất vũ khí bộ binh hiện đại, chế tạo radar cảnh giới tầm trung RV-02 và mục tiêu bay UAV-02 cũng là những thành tựu rất đáng chú ý của ngành CNQP Việt Nam.
4. Nhận chuyển giao, vận hành dây chuyền sản xuất vũ khí bộ binh hiện đại
Video đang HOT
Đầu năm nay, nhiều hãng tin nước ngoài đã đưa tin về việc Israel Weapon Industries (IWI) xây dựng tại Việt Nam một nhà máy sản xuất súng trường tấn công Galil ACE 31 và ACE 32 với mục đích thay thế súng trường Kalashnikov đang trang bị trong Quân đội Việt Nam.
Triển lãm các loại vũ khí bộ binh hiện đại được sản xuất trong nước. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Sau đó, hình ảnh về súng trường tấn công Galil ACE cùng các loại kính ngắm tiên tiến đi kèm được sản xuất tại nhà máy Z111 đã xuất hiện trong một số phóng sự phản ánh những chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Bên cạnh súng trường tấn công Galil ACE và tiểu liên Uzi sản xuất theo giấy phép của phía Israel, trên cơ sở dây chuyền, Việt Nam còn tự tiến hành cải tiến, sản xuất một số loại vũ khí bộ binh thế hệ mới.
Trong tấm ảnh trên, ngoài súng trường tấn công Galil ACE 31/32 và tiểu liên Uzi còn có sự xuất hiện của súng carbine M-18 do Việt Nam cải tiến dựa trên nguyên mẫu XM-177E2, súng trường tấn công AKMN với kính ngắm đêm được sản xuất trong nước.
Súng trường tấn công Galil ACE 32 được giới thiệu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Đặc biệt, mẫu súng AK ở vị trí đầu hàng thứ 2 từ trái sang được Việt Nam cải tiến từ AKM bằng cách lắp thêm ốp lót tay nhựa có ray picatinny ở dưới, ray gắn khí tài quang học bên thân, báng gấp ngang và loa che lửa kiểu AK-74 kết hợp với súng phóng lựu kiểu M203.
Mẫu súng AK cải tiến này được đánh giá có tính năng chiến đấu không hề thua kém AK-103.
5. Chế tạo thành công radar cảnh giới tầm trung RV-02
Phóng sự phát trên Kênh Quốc phòng Việt Nam tối ngày 10/7/2014 cho biết: Viện Kỹ thuật Quân sự Phòng không - Không quân phối hợp cùng một số đơn vị khác đã thành công trong việc chế tạo radar cảnh giới tầm trung RV-02.
Radar RV-02 ra đời với sự chủ động hoàn toàn về công nghệ thiết kế, chế tạo, gia công ở tất cả các khâu, dựa trên nền tảng radar RV-01 hợp tác thiết kế cùng với Belarus.
Trong quá trình đưa vào sử dụng, những hạn chế của RV-01 đã được nghiên cứu và khắc phục cùng với những ứng dụng tiên tiến nhất trong công nghệ sản xuất radar.
RV-02 phát triển hơn so với các thế hệ radar trước đó một phần ở tính hiện đại của hệ thống xử lý tiên tiến, với việc số hóa toàn bộ quá trình thực hiện, được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính thay vì các nút cơ như thế hệ radar trước.
RV-02 đã đạt được nhiều bước đột phá về tính năng kỹ chiến thuật, khả năng chống nhiễu tích cực và tiêu cực cũng được nâng cao rõ rệt. Ngoài ra, khả năng chống trinh sát điện tử của đối phương cũng tốt hơn.
Giàn ăng ten của radar RV-02. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Radar RV-02 sở hữu giàn ăng ten có chiều cao 21,6 m với 28 chấn tử được thiết kế và gia công bằng kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo phát hiện mục tiêu ở cự ly cách xa hàng trăm km trên mọi điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau.
Trên giàn cố định các vị trí để lắp đặt cáp quang truyền sóng, đây cũng là một cải tiến quan trọng của RV-02 vì cáp quang giúp quá trình truyền tín hiệu được tiến hành nhanh chóng và chính xác hơn.
RV-02 với sự tham gia của hệ thống thủy lực điều khiển tự động, có thời gian triển khai - thu hồi chỉ khoảng 10 - 15 phút, thấp hơn nhiều so với các đài radar cũ là từ 45 - 60 phút.
Quá trình vận hành của RV-02 cũng rất đơn giản và hiệu quả. Hệ thống thiết bị hiện đại giúp RV-02 đạt được nhiều tính năng ưu việt như khả năng bám bắt các mục tiêu có diện tích phản xạ nhỏ hoặc sử dụng công nghệ tàng hình.
Radar RV-02 trên xe tự hành. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Đại tá Nguyễn Phùng Bảo, Viện tích hợp hệ thống Học viện Kỹ thuật Quân sự cho hay: "Phải nói đây là một trong những loại đài radar sử dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, thậm chí nó có nhiều điểm còn tốt hơn cả những sản phẩm cùng loại hợp tác nghiên cứu với nước ngoài".
Khi được đưa vào trang bị hàng loạt, RV-02 hứa hẹn sẽ là một trong những sản phẩm công nghệ hiện đại góp thêm vào hệ thống cảnh giới bảo vệ bầu trời bình yên của Tổ quốc.
Việt Nam chế tạo thành công radar cảnh giới tầm trung RV-02
6. Chế tạo thành công mục tiêu bay cho Su-30MK2
Trong huấn luyện tác chiến trên không nói chung và với máy bay Su-30MK2 nói riêng thì khoa mục bắn đạn thật có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhằm phục vụ cho công tác huấn luyện không đối không thì bia bay mục tiêu là thiết bị cực kỳ cần thiết. Các bia bay này phải có tốc độ, diện tích phản xạ radar cũng như đường bay gần giống với máy bay đối phương.
Mục tiêu bay UAV-02. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Nhằm chủ động trong việc cung cấp các mục tiêu bay cũng như giảm thiểu chi phí so với khi nhập khẩu thiết bị tương tự của nước ngoài. Các cán bộ, kỹ sư của Viện Kỹ thuật Quân sự, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tự nghiên cứu, thiết kế và cho ra đời mục tiêu bay UAV-02.
UAV-02 sử dụng 2 động cơ phản lực; sải cánh 2,8 m; chiều dài thân 2,5 m; tốc độ hành trình từ 250 - 350 km/giờ; bán kính hoạt động 100 km; độ cao bay tối đa 8.000 m; khối lượng 38 kg khi nạp đủ nhiên liệu; thời gian hoạt động tối đa 45 phút.
UAV-02 đã đáp ứng những yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, đảm bảo thực hiện tốt vai trò mục tiêu tiêm kích cho máy bay Su-30MK2 huấn luyện đánh chặn trên không.
Theo Tri Thức
Thành tựu công nghiệp quốc phòng nổi bật Việt Nam năm 2014 Cải tiến tên lửa phòng không S-125-2TM, đóng thành công tàu tên lửa Molniya 1241.8 và tàu kiểm ngư cỡ lớn là 3 trong số những thành tựu CNQP nổi bật của Việt Nam trong năm 2014. 1. Tự tiến hành cải tiến tên lửa phòng không S-125 Pechora S-125 Pechora (SA-3 Goa) là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên...