Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của công ước
Phát biểu tại hội nghị kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982) tại Hàn Quốc tháng 8.2012, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh Công ước Luật Biển là “một trong những công cụ pháp lý quan trọng nhất của thế giới… góp phần vào hòa bình an ninh quốc tế, cũng như việc sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đại dương, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý”.
Hải quân nhân dân Việt Nam tuần tra trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa – Khánh Hoà.
Năm 2012 cũng đánh dấu 18 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Việt Nam đã và đang là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực thi các quy định của Công ước, vì một trật tự pháp lý công bằng trên biển nhằm bảo đảm hòa bình ổn định lâu dài và hướng tới phát triển bền vững.
Sau hơn 4 năm họp trù bị và 9 năm đàm phán, ngày 10.12.1982, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước Luật Biển 1982) được 107 quốc gia ký tại Montego Bay (Jamaica), đánh dấu thành công của Hội nghị LHQ về Luật Biển lần thứ 3, với sự tham gia của trên 150 quốc gia có biển và không có biển và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Sau Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển 1982 được coi là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia.
Công ước Luật Biển 1982 có hiệu lực từ ngày 16.11.1994, 12 tháng kể từ ngày Guyana, nước thứ 60 phê chuẩn Công ước ngày 16.11.1993. Ngày 24.9.2012, quốc gia Châu Phi Swaziland chính thức phê chuẩn UNCLOS, trở thành thành viên thứ 164 của Công ước. Là một văn kiện đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật, Công ước Luật Biển 1982 được coi là hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương. Công ước xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế.
Đồng thời, Công ước cũng thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước. Đặc biệt, liên quan đến các tranh chấp về việc giải thích hoặc áp dụng công ước có thể nảy sinh giữa các thành viên, Công ước Luật Biển năm 1982 đòi hỏi các quốc gia giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của Hiến chương LHQ, đồng thời nêu rõ các cơ chế tài phán để giải quyết tranh chấp. Công ước đạt được là một giải pháp cả gói, các quốc gia thành viên không được phép bảo lưu khi tham gia Công ước.
Video đang HOT
Công ước Luật Biển 1982 là thành quả của nỗ lực xử lý hài hòa các khác biệt về lợi ích và quan điểm, tạo ra một trật tự pháp lý cân bằng trên biển, vừa cân bằng lợi ích giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, giữa phạm vi vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và vùng biển tự do hàng hải, vừa dung hòa được quyền và nghĩa vụ của các nhóm quốc gia có biển, không có biển, quốc gia quần đảo và các nhóm khu vực…
Công ước Luật Biển ra đời là chiến thắng của các nước đang phát triển trong cuộc đấu tranh để ghi nhận các quyền của mình trong mối quan hệ với các nước phát triển, là sự điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ đã tồn tại trong lịch sử của các quốc gia để thay thế bằng một trật tự pháp lý mới hiện đại công bằng hơn, điều hòa tốt hơn giữa việc khai thác và bảo tồn các tài nguyên biển để hướng tới sự phát triển bền vững cho nhân loại.
Là một quốc gia ven biển với hơn 3.200km bờ biển tiếp giáp với vịnh Bắc Bộ, biển Đông và vịnh Thái Lan, các hoạt động kinh tế trên biển chiếm một tỉ trọng lớn, mang lại nhiều giá trị kinh tế cho Việt Nam. Việc duy trì một trật tự pháp lý công bằng nhằm bảo đảm môi trường biển hòa bình, ổn định để phát triển luôn là mục tiêu và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Chính vì thế, Việt Nam đã và đang tham gia hết sức tích cực và có trách nhiệm ngay từ khi Công ước Luật Biển được dự thảo, cho đến khi được ký kết và có hiệu lực pháp lý.
Năm 1977, CHXHCN Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về Luật Biển. Đoàn Việt Nam khi đó đã đóng góp vào cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển và các nước XHCN ngay trong hội nghị. Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua UNCLOS; sau đó Việt Nam lại là một trong 119 nước đầu tiên ký kết Công ước vào tháng 12.1982, là nước thứ 64 phê chuẩn Công ước trước khi Công ước chính thức có hiệu lực.
Cũng trong quá trình Hội nghị lần thứ 3 của LHQ về Luật Biển, nắm bắt được xu thế tiến bộ chung, ngày 12.5.1977, Chính phủ ta đã ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam. Đây là một trong số các tuyên bố sớm nhất theo tinh thần Công ước ở khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó ngày 12.11.1982, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam. Các tuyên bố này phản ánh nỗ lực của Việt Nam tuân thủ các quy định của Công ước, xây dựng hệ thống luật pháp về biển, định hướng các hoạt động khai thác biển và đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên cơ sở các quy định của Công ước.
Từ khi trở thành thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế theo Công ước. Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương và thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực. Tại các diễn đàn liên quan, Nhà nước ta luôn khẳng định các quốc gia phải tuân thủ đúng các quy định trong Công ước trong hoạt động sử dụng biển, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo Công ước. Là một quốc gia ven biển Đông, Nhà nước ta triển khai nhiều hoạt động khai thác các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình để xây dựng và phát triển đất nước.
Trong khi tiến hành các hoạt động ở biển Đông, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của Công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia khác ven biển Đông cũng như các quốc gia khác theo đúng các quy định của Công ước. Đồng thời, Nhà nước ta đã kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982. Trong thời gian tới, Việt Nam đang nỗ lực cùng các bên liên quan tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 cho các tranh chấp trên biển Đông.
Áp dụng các quy định của Công ước, Việt Nam đã tiến hành đàm phán phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn với các quốc gia láng giềng trong khu vực biển Đông, chủ trương giải quyết những vấn đề bất đồng thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình. Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thành phân định ranh giới thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với Thái Lan (1997); hoàn thành phân định lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (2000); hoàn thành phân định ranh giới thềm lục địa với Indonesia (2003).
Đồng thời, tuân thủ thời hạn và các thủ tục theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, tháng 5.2009, Việt Nam và Malaysia đã cùng đệ trình Báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía nam biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Những thành tựu trên một mặt chứng tỏ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của Công ước, mặt khác chứng tỏ giá trị và ý nghĩa của Công ước trong việc tạo lập trật tự pháp lý trên biển vì hòa bình ổn định và phát triển chung.
Một sự kiện quan trọng là ngày 21.6.2012, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Biển và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2013. Luật Biển là biểu hiện rõ nét nhất quyết tâm của Việt Nam thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế nói chung và Công ước Luật Biển nói riêng. Đây là một quá trình lập pháp bình thường nhưng có ý nghĩa to lớn, nhằm đưa Công ước Luật Biển vào thực tiễn. Điều 2 khoản 2 Luật Biển quy định “Trường hợp quy định của Luật này khác với quy định của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó”.
Việc đặt Công ước Luật Biển có giá trị pháp lý cao hơn so với pháp luật quốc gia thể hiện tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc, có trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý trên biển. Nội dung của Luật Biển Việt Nam về cơ bản phù hợp với những quy định trong Công ước Luật Biển, khẳng định các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, nhấn mạnh chủ trương giải quyết các tranh chấp bất đồng liên quan đến biển, đảo với các quốc gia láng giềng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tuân thủ pháp luật quốc tế và Công ước Luật Biển.
Sau 30 năm kể từ ngày ra đời, Công ước Luật Biển đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một trật tự pháp lý mới công bằng và toàn diện, điều chỉnh tất cả các khía cạnh của việc khai thác và quản lý biển giữa các quốc gia. Là một thành viên của Công ước Luật Biển, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chủ động, tích cực, có tinh thần trách nhiệm trong việc vận dụng các quy định của Công ước một cách thiện chí, giải quyết các vấn đề còn tồn tại bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế nói chung và Công ước Luật Biển nói riêng. Việt Nam hy vọng các quốc gia trong khu vực biển Đông sớm cụ thể hóa các quy định của Công ước, hình thành một Bộ luật ứng xử của các bên tại biển Đông góp phần vào hòa bình, ổn định phát triển bền vững ở khu vực.
Theo laodong
Làm rõ 3 nhóm vấn đề cử tri quan tâm
Trao đổi với cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Đại tá Nguyễn Đức Chung, ĐBQH TP Hà Nội, Giám đốc CATP Hà Nội đã làm rõ nhiều vấn đề nóng hổi đang được dư luận nhân dân quan tâm.
Cảnh sát giao thông hướng dẫn, giáo dục trẻ em ý thức công dân
Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng, Đại tá Nguyễn Đức Chung khẳng định, đây là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội, nội dung các phiên thảo luận và chất vấn, trả lời chất vấn công khai đã thể hiện rất rõ điều này. Quan điểm chung đã nhận định phòng, chống tham nhũng là vấn đề có tính chất sống còn. Nhiệm vụ hàng đầu là làm trong sạch, lành mạnh đội ngũ cán bộ và bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, những năm qua, thành tựu đạt được chưa tương xứng với mong muốn của cử tri. Vì thế, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng để củng cố, kiện toàn hơn nữa bộ máy cơ quan phòng chống tham nhũng, để làm sao trong thời gian tới nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này.
Về xử phạt xe không chính chủ
Với một vấn đề "nóng" là xử phạt đối với người đi xe không chính chủ, Đại tá Nguyễn Đức Chung đi thẳng vào việc triển khai thực hiện Nghị định 71/CP của Chính phủ, trên tinh thần thẳng thắn, không né tránh. Để người dân nắm được thông tin rõ ràng nhất, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, Nghị định 71/CP có hiệu lực từ ngày 10-11-2012. Ông nêu rõ quan điểm: "Về mặt luật pháp, khi một Nghị định của Chính phủ ra đời và có hiệu lực pháp luật thì mọi công dân và người thi hành công vụ phải chấp hành". Ghi nhận những ý kiến phản hồi từ dư luận, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết, CATP Hà Nội đã kiểm tra kỹ lưỡng lại. Theo đó, trong 5 năm qua, trước khi thực hiện Nghị định 71/CP, CATP Hà Nội đã phạt hơn 662 trường hợp chưa sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới phạt người sử dụng ô tô là chính. Đại tá Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, tại cuộc họp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mới đây, ông đã nêu lên một thực tế là CSGT, không riêng gì của Hà Nội, gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý xe chưa sang tên, đổi chủ...
Trở lại câu hỏi có thực hiện quy định tại Nghị định 71/CP hay không, Giám đốc CATP Hà Nội thẳng thắn, về nguyên tắc, là người thực thi công vụ, CATP Hà Nội phải thực hiện. Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Đức Chung cũng phân tích rõ nhiều vấn đề bất cập đang hiện hữu để người dân cùng chia sẻ. Giám đốc CATP nêu rõ: "Với trách nhiệm của mình, trước ngày 10-11-2012, CATP Hà Nội đã trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề này để phổ biến quan điểm của CATP Hà Nội là thực hiện nghiêm túc Nghị định 71/CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian này, chúng tôi tăng cường khâu hướng dẫn, giải thích cho người dân nắm rõ được chính sách, dành thời gian thực hiện việc sang tên đổi chủ đối với phương tiện của mình. Tuy vậy, qua điều tra khảo sát lại thì thấy còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, việc tính lệ phí trước bạ còn cứng nhắc. Có người mua xe 3-4 năm nhưng đi rất ít, có người mua 6 tháng lại sử dụng rất nhiều song đều được áp mức lệ phí trước bạ như nhau. Ngoài ra, thủ tục đăng ký còn khá phiền hà, tốn kém khiến người dân không muốn sang tên...".
Chia sẻ với người dân, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, với trách nhiệm của ngành công an, CATP Hà Nội đang tập hợp tất cả những bất cập này để trong thời gian tới sẽ có kiến nghị, đề xuất tới cấp có thẩm quyền. Ông nói: "Tới một lúc nào đó, cũng phải sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tế...".
Nhiều giải pháp phòng ngừa tội phạm từ mâu thuẫn gia đình
Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề bạo lực gia đình, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, tình hình tội phạm liên quan tới bạo lực gia đình đang diễn biến phức tạp. Tính từ ngày 6-11-2011 cho tới 15-11-2012, toàn thành phố xảy ra 106 vụ giết người thì trong đó có 67 vụ có liên quan tới mâu thuẫn trong gia đình. Có những vụ phạm tội đau lòng, gây phẫn nộ lớn trong dư luận như con giết bố mẹ, chồng giết vợ, bố dượng hiếp con, anh em chia lìa... Có thể nói, một trong những diễn biến tội phạm nóng hiện nay là tội phạm liên quan tới bạo lực trong gia đình.
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân khiến tội phạm trong gia đình phát triển, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho rằng, gốc rễ ở đây là do đạo đức xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Do quyền lợi cá nhân, quyền lợi kinh tế nên người ta quên hết lễ giáo, tình cảm gia đình. Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, việc giáo dục truyền thống trong dòng họ, dòng tộc gia đình bị bỏ quên. Ông nói: "Con em chúng ta lớn lên trong môi trường cơ chế thị trường, thiếu sự quan tâm của gia đình, không được giáo dục, hướng dẫn, rèn luyện đầy đủ, dẫn đến học đòi, hư hỏng...".
Đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết, CATP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp khác nhau để phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này. Hiện nay, CATP Hà Nội đang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP để thực hiện các giải pháp liên quan tới phòng ngừa các mâu thuẫn trong gia đình. Từ tháng 5-2012, CATP Hà Nội đã triển khai kế hoạch phòng ngừa tới các quận, huyện để rà soát mâu thuẫn trong các gia đình, dòng tộc, trên cơ sở đó đẩy mạnh hoạt động của các đoàn thể và tổ hòa giải ở cơ sở vào từng gia đình nhằm nắm bắt tình hình và tiến hành hòa giải có hiệu quả hơn. Chủ trương chung là khuyến khích các dòng họ, dòng tộc xây dựng hương ước, quy ước để trên cơ sở đó đề cao tính tự giác, đề cao danh dự của dòng họ, dòng tộc mình. Từ đó, có thể bảo ban, giúp đỡ nhau xử lý sớm các mâu thuẫn trong gia đình ngay từ lúc mới phát sinh.
Đồng thời, CATP Hà Nội cũng đẩy mạnh chương trình phối hợp giữa ngành công an - nhà trường - gia đình để giáo dục con em, phòng ngừa các loại tệ nạn như cờ bạc, ma túy, nghiện Internet... Chương trình này bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định.
Rèn ý thức công dân từ nhỏ
Sáng qua 3-12, Phòng CSGT-CATP Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho gần 1.000 học sinh của trường Tiểu học Tràng An, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thông qua hình thức đố vui, những hình ảnh trực quan sinh động, đại diện Đội Khám nghiệm, tuyên truyền Phòng CSGT tập trung vào việc hướng dẫn học sinh cách nhận biết ký hiệu cũng như tác dụng của một số biển, đèn báo báo hiệu dừng lại khi có đèn đỏ hay đi bộ sang đường cần phải chú ý quan sát, chấp hành theo đèn báo hiệu. Ngoài ra, CSGT cũng phổ biến quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy cho các em học sinh nhắc nhở phụ huynh cần đội mũ bảo hiểm, bảo vệ an toàn cho con em mình khi đưa, đón các cháu đến trường.
Theo ANTD
"Robot" hành chính Trong 2 tháng qua, huyện miền núi cao Nam Trà My, Quảng Nam đã thực hiện chủ trương trả lương cho 100% cán bộ công nhân viên chức qua thẻ ATM. Điều oái ăm là toàn huyện này chưa có được 1 trụ ATM nào cả. Hai thầy giáo méo mặt đẩy xe vượt rừng hơn 1 ngày đường từ xã Trà nam...