Việt Nam là khách hàng nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga
Tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2012 đạt 15,7 tỉ USD và Việt Nam là một trong những khách hàng nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.
Tàu ngầm lớp Kilo mà Nga đóng cho Việt Nam, mang tên Hà Nội – Ảnh: TTXVN
Nga hiện là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2012 đạt 15,7 tỉ USD, theo hãng tin Interfax (Nga).
Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết 43% trong tổng số vũ khí xuất khẩu của Nga là ở thị trường châu Á, và Ấn Độ, Việt Nam, Algeria là những khách hàng nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.
Phát biểu với báo giới trước thềm triển lãm Quốc phòng và An ninh châu Á năm 2013 (4-7.11 tại Thái Lan), CEO của Rosoboronexport, ông Viktor Brakunov cho biết: “Gần một nửa số công nghệ quân sự và lượng vũ khí xuất khẩu của Nga có điểm đến là khu vực Đông Nam Á và các quốc gia thuộc châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng lượng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhờ vào kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang của các nước trong khu vực này”.
Hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn một nghiên cứu Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới (WATAC, trụ sở ở Nga) hồi năm 2012 cho rằng, trong giai đoạn 2008-2011, 6,3% trong tổng số vũ khí xuất khẩu của Nga là bán cho Việt Nam, với doanh thu khoảng 1,88 tỉ USD.
WATAC ước tính trong giai đoạn 2012-2015, 7,6% tổng số vũ khí xuất khẩu của Nga là bán cho Việt Nam, với doanh thu khoảng 2,43 tỉ USD.
Video đang HOT
Với ước tính này, WATAC cho rằng Việt Nạm sẽ từ vị trí thứ 4 nhảy lên vị trí thứ 3 trong top 3 khách hàng nhập khẩu nhiều vũ khí của Nga nhất tại khu vực châu Á (Ấn Độ đứng vị trí hàng đầu và Trung Quốc đứng hàng thứ 2).
Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo (dự án 636 Varshavyanka) vào năm 2009. Hợp đồng này, bao gồm cả việc huấn huyện cho đội vận hành tàu ngầm Việt Nam, có thể trị giá đến 2 tỉ USD, theo hãng tin RIA Novosti (Nga).
Ông Igor Korotchenko, Tổng giám đốc WATAC, nhận định rằng ngoài tàu ngầm Kilo, Việt Nam cũng đã ký hợp đồng mua các tàu chiến, hệ thống phòng không và chiến đấu cơ Sukhoi của Nga.
Nhưng với hợp đồng mua tàu ngầm Kilo, Việt Nam đã trở thành khách hàng mua khí tài hải quân lớn nhất của Nga.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam hôm nay 12.11, Tổng thống Vladimir Putin đã có một bài viết ca ngợi quan hệ Nga-Việt với tựa đề: “Nga-Việt Nam: Cùng nhau đi tới những chân trời hợp tác mới”.
Trong bài viết này, ông Putin có nhắc đến hợp tác quân sự Nga-Việt: “Lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự cũng có những kết quả mới về chất. Ở đây, chúng ta không chỉ nói đến những lô hàng xuất khẩu mà hiện nay, Việt Nam cũng đang triển khai tổ chức sản xuất những trang thiết bị kỹ thuật quân sự tiên tiến với sự tham gia của các công ty Nga”.
Theo TNO
Quá trình thành hình 6 tàu ngầm của Việt Nam
Việt Nam ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga từ năm 2009, và những "hố đen trong đại dương" dần được hình thành kể từ đó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thị sát tàu ngầm Hà Nội hồi tháng 5. Ảnh: Chinhphu
Hợp đồng đóng 6 chiếc tàu ngầm trị giá 2 tỷ USD được công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, Nga, ký kết trong chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2009. Các tàu ngầm thuộc lớp Kilo được đóng theo Dự án 636 M. Loại tàu này nổi tiếng với độ ồn rất nhỏ, tăng tính bí mật trong khi hoạt động và vì thế được mệnh danh là "hố đen trong đại dương".
Xưởng Admiralty Verfi ở St. Petersburg phụ trách đóng 6 tàu và dự kiến bàn giao cho Việt Nam đến năm 2016. Bên cạnh việc đóng tàu, hợp đồng còn bao gồm cả hạng mục huấn luyện thủy thủ Việt Nam và cung cấp các thiết bị, vật tư kỹ thuật cần thiết.
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội được khởi đóng vào ngày 25/8/2010 và hạ thủy sau đó hai năm. Từ khi hạ thủy, nó thực hiện hơn 100 lần thử nghiệm lặn tại những độ sâu khác nhau. Các thử nghiệm đều đạt và vượt yêu cầu đề ra. 53 sĩ quan, thủy thủ Việt Nam đã huấn luyện cùng tàu ngầm trong nhiều tháng tại Nga.
Hồi tháng 5, trong chuyến thăm Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Kaliningrad để thị sát tàu ngầm Hà Nội. Trước các lính hải quân Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh rằng với tư tưởng hòa bình và tự vệ, cũng như nhiều quốc gia, việc sở hữu lực lượng tàu ngầm của Việt Nam không ngoài mục tiêu gì khác là việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Video Thủ tướng thị sát tàu ngầm Hà Nội
Tàu ngầm thứ hai mang tên HQ-183 TP Hồ Chí Minh được khởi đóng một năm sau tàu ngầm Hà Nội. Tháng 7/2012, tàu ngầm TP Hồ Chí Minh hoàn tất quá trình kiểm tra cấp nhà nước sau khi lặn thử nghiệm hai lần, trong đó có một lần ở độ sâu 190 m.
Hai tàu HQ-182 và HQ-183 có thể sẽ bơi về Việt Nam theo hành trình từ Nga qua kênh đào Suez ở châu Phi, qua Ấn Độ Dương để vào Thái Bình Dương trong năm nay. Tàu ngầm Hà Nội dự kiến bắt đầu hành trình về Việt Nam trong năm nay.
Tàu ngầm HQ-184 Hải Phòng được hạ thủy vào tháng 8. Cùng thời gian này, tàu ngầm mang tên HQ-186 Khánh Hòa đã được đưa vào chế tạo. Tỉnh Khánh Hòa, ở duyên hải Nam Trung Bộ, sẽ là nơi đặt căn cứ của đội tàu ngầm.
Theo các chuyên gia, ưu thế quan trọng nhất của Kilo 636 là có tiềm năng hiện đại hóa lớn, cho phép tích hợp vũ khí tối tân, bao gồm cả tên lửa chống tàu Club, giúp mở rộng đáng kể phạm vi tấn công mục tiêu.
Ngoài vũ khí hiện đại, những tàu ngầm Kilo 636 đóng cho hải quân Việt Nam lần đầu tiên được thiết lập các hệ thống mới nhất đảm bảo hoạt động sống của thủy thủ đoàn và các hệ thống máy tính tối tân.
Tàu thuộc Dự án 636 được thiết kế để chống tàu ngầm và chống tàu mặt nước, đồng thời là một phương tiện hữu hiệu để bảo vệ các căn cứ hải quân, khu vực bờ biển, và đảm bảo thông tin liên lạc. Ngoài ra, tàu còn thực hiện nhiệm vụ trinh sát và các hoạt động tuần tra ngăn chặn thông tin liên lạc của đối phương.
Tàu ngầm lớp Kilo là một trong những loại tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Các quốc gia đang vận hành hoặc đang đặt hàng loại tàu ngầm này bao gồm Nga, Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romania và Việt Nam.
Theo VNE
Iran, Nga đang cố dàn xếp hợp đồng S-300 Iran tuyên bố đang tiến hành đàm phán với Nga để xúc tiến việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300, theo đài Press TV ngày 6.10. Tên lửa S-300 - Ảnh: Reuters Ngày 5.10, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, bà Marzieh Afkham, nói cuộc thương thuyết này vẫn đang tiếp diễn và "phù hợp với truyền thống...