Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với một nước Ả rập
Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và UAE.
Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Ả rập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum chiều 28/10 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Chia sẻ về những thành tựu quan trọng của Việt Nam, Thủ tướng cho biết trong lĩnh vực kinh tế, GDP cả nước tăng gần 5 lần từ mức khoảng 100 tỷ USD lên khoảng 480 tỷ USD năm 2024, nếu tăng trưởng kinh tế đạt 7%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum (Ảnh: Đoàn Bắc).
Chúc mừng Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực, Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE đồng thời chia sẻ mong muốn sớm quay lại thăm Việt Nam để chứng kiến những thành tựu phát triển và đổi mới.
Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) – Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Ả rập.
Đây cũng là Hiệp định thương mại tự do có thời gian đàm phán nhanh nhất của Việt Nam, thể hiện sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo cũng như bộ, ngành hai nước, nhằm tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước.
Video đang HOT
Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết Hiệp định CEPA, hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Ả rập (Ảnh: Đoàn Bắc).
Đặc biệt, sự kiện này cũng mở ra con đường có ý nghĩa lịch sử cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông.
Với các nội dung đàm phán toàn diện, Hiệp định CEPA hứa hẹn mang lại lợi ích cân bằng cho cả Việt Nam và UAE, phù hợp với mong muốn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực của hai nước.
5 trọng tâm hợp tác
Trên tinh thần “đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, đồng lòng trong phối hợp, quyết liệt trong triển khai”, hai Thủ tướng đã thảo luận và thống nhất 5 trọng tâm hợp tác thời gian tới.
Một là tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tạo tin cậy chính trị hơn nữa; thành lập các nhóm công tác chung nhằm triển khai thực chất quan hệ Đối tác Toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum (Ảnh: Đoàn Bắc).
Hai là triển khai hiệu quả Hiệp định CEPA để tạo đột phá cho trao đổi thương mại, mở cửa thị trường, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương trên 10 tỷ USD trong thời gian tới; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh lẫn nhau.
Ba là tăng cường hợp tác trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo. Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp UAE đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm và UAE có thế mạnh như hạ tầng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tài chính số và đặc biệt về trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE về những thành tựu quan trọng của Việt Nam (Ảnh: Đoàn Bắc).
Bốn là đẩy mạnh hợp tác về giao lưu nhân dân, văn hóa và du lịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ chỉ đạo mở đường bay thẳng từ Việt Nam – UAE để tạo điều kiện hơn nữa cho nhân dân hai nước tăng cường tham quan, hiểu biết lẫn nhau.
Năm là tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, trong bối cảnh cả hai nước chia sẻ nhiều quan điểm chung về những vấn đề khu vực và quốc tế.
Tuyên bố ký kết 6 văn kiện hợp tác Việt Nam – UAE
Bên cạnh việc chứng kiến Lễ ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE đã chứng kiến lễ tuyên bố ký kết 6 văn kiện khác.
Những văn kiện này gồm: Bản ghi nhớ về đầu tư, đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính; Bản ghi nhớ về trao đổi kinh nghiệm về hiện đại hóa và phát triển Chính phủ; Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương UAE; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Tổng Cục Hải quan và Cảng Abu Dhabi; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Liên đoàn Công nghiệp – Thương mại Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại – Công nghiệp Abu Dhabi.
Vì sao Trung Quốc ồ ạt mua cau Việt Nam rồi đột ngột giảm mua?
Trung Quốc ồ ạt gom mua cau Việt Nam, khiến giá cau trong nước liên tiếp lập kỷ lục. Tuy nhiên, khoảng một tuần trở lại đây, thương lái bất ngờ giảm thu mua.
Từ đầu vụ cau (tháng 8 hàng năm), giá cau tươi liên tục tăng do nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng, kỷ lục lên đến 120.000 đồng/kg. Nhiều người trồng cau cho biết bán hơn một tấn cau, có thể mua được một lượng vàng.
Khi người nông dân vui mừng vì giá cau tăng cao đúng thời điểm thu hoạch rộ thì thương lái thông báo dừng thu mua khiến nhiều chủ vườn hoang mang. Ngày 27/10, giá cau tại nhiều địa phương rớt xuống chỉ còn 45.000-50.000 đồng/kg, thậm chí một số loại rớt còn 30.000-35.000 đồng/kg.
Thực tế, Trung Quốc ồ ạt mua cau của Việt Nam chủ yếu do sản lượng cau sản xuất ở quốc gia này bị sụt giảm mạnh do hàng loạt vườn cau ở đảo Hải Nam - vùng trồng chính ở quốc gia này bị bệnh vàng lá. Ngoài ra, bão Yagi làm nhiều vườn cau bị thiệt hại nặng, ước tính sản lượng cau ở đảo năm nay giảm tới 40%. Điều này khiến giá thu mua cau trên thị trường tăng cao kỷ lục.
Tuy nhiên, giá cau lao dốc thời gian gần đây chủ yếu liên quan đến nhu cầu của các nhà máy chế biến. Nhiều công ty chế biến cau ở Trung Quốc gặp áp lực tài chính trước bối cảnh giá mặt hàng này tăng cao liên tục.
Ông Wang, một người thu mua cau ở Văn Xương, Hải Nam (Trung Quốc) nói với Jiupai News giá thu mua cau cao nhất vào ngày 21/10 ở mức gần 50 nhân dân tệ/catty (tương đương hơn 178.000 đồng/0,6kg), nhưng giá đã liên tục giảm trong vài ngày qua.
"Việc giá cau giảm chủ yếu liên quan đến nhu cầu của các nhà máy chế biến. Nếu giá vẫn ở mức cao, các công ty chế biến cau quy mô nhỏ sẽ gặp áp lực tài chính lớn", ông nói.
Giá cau Trung Quốc giảm khiến giá cau tại Việt Nam lao dốc theo (Ảnh: Ifeng News).
Trong bối cảnh giá cau liên tục lập đỉnh, một số nhà máy chế biến cau tại Trung Quốc đã áp dụng biện pháp "giới hạn giá". Chẳng hạn, một công ty chế biến cau ở tỉnh Hồ Nam đã phát thông báo giá thu mua cau không được quá 32 nhân dân tệ/catty (114.000 đồng/0,6kg). Việc giới hạn giá này đã buộc một số nông dân trồng cau tại Trung Quốc phải hạ giá bán.
Theo Trung tâm giám sát giá tỉnh Hải Nam, ngày 18/10, giá mua cau trung bình tại địa phương này tăng lên mức 44,27 nhân dân tệ/jin (tương đương hơn 155.000 đồng/0,5kg), tăng tới hơn 175% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đến ngày 25/10, giá mua cau tại địa phương này đã rớt xuống còn 33,75 nhân dân tệ/jin (tương đương hơn 120.000 đồng/0,5kg).
Theo "Báo cáo đánh giá và nghiên cứu rủi ro thiên tai tháng 6/2023" do Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Hải Nam công bố, tính đến tháng 6/2023, diện tích trồng cau ở tỉnh Hải Nam đã đạt 2,5 triệu mẫu Anh, tương đương hơn 1,01 triệu ha. Hiện nay, cau đã trở thành cây trồng nhiệt đới có giá trị sản lượng lớn nhất ở đảo này.
Trước đây, tại Trung Quốc, cau được sử dụng như một loại dược liệu quan trọng, có tác dụng chống lão hóa, chống oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, hạ đường huyết... Bên cạnh đó, tại quốc gia này, cau còn được sử dụng làm nguyên liệu trong các sản phẩm như kẹo cao su, nước tăng lực, đồ ăn vặt...
Bay chặn, ép hạ cánh với máy bay vi phạm vùng trời Việt Nam Khi máy bay vi phạm vùng trời Việt Nam hoặc bay sai phép bay nhưng không chấp hành hiệu lệnh sẽ bị Quân đội nhân dân bay chặn, bay kèm, bay ép hạ cánh... Chính phủ vừa ban hành Nghị định 139/2024 quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép máy bay vi phạm Vùng trời Việt Nam hạ cánh tại...