Việt Nam không tham gia trò chơi cạnh tranh quyền lực nước lớn
“Chúng tôi sẽ không tham gia vào bất cứ trò chơi cạnh tranh quyền lực nào của các nước lớn. Việt Nam không theo bất cứ một phía nào để chống một phía khác”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
LTS: Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu vừa có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ trong mấy ngày vừa qua. Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông về tiềm năng phát triển quan hệ quốc phòng hai nước.
Thưa Thứ trưởng, đâu là những trọng tâm trong quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam – Hoa Kỳ?
Điều quan trọng nhất trong quan hệ quốc phòng 2 nước là xây dựng lòng tin. Hai bên cần hợp tác để cùng giữ gìn hoà bình, cùng phát triển đóng góp cho ổn định của khu vực và thế giới. Đó là điều quan trọng nhất mà hợp tác quốc phòng đem lại.
Để đạt được mục tiêu ấy thì có rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian dài, với một nhịp độ vừa phải, làm hài lòng cả hai bên, phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, đồng thời cũng phải phù hợp với đặc thù của lịch sử quan hệ hai nước.
Mối quan hệ ấy, đầu tiên, và quan trọng nhất là hai bên tìm kiếm những điểm tương đồng về quan điểm an ninh khu vực, đảm bảo cho hoà bình ổn định bền vững.
Thứ hai, với lịch sử đặc biệt, chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng hậu quả của chiến tranh kéo dài. Nên việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là vô cùng quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nó không chỉ để giải quyết hậu quả của quá khứ, mà còn mở cánh cửa tương lai. Không còn chiến tranh, không còn hận thù mà là sự hợp tác. Bản chất là hợp tác để mang lại hoà bình, ổn định, trong đó Việt Nam đóng một vai trò tích cực, đầy đủ trách nhiệm.
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear. Ảnh: vov.vn
Sau những hợp tác đặc biệt như trên, thì chúng ta cũng có những hợp tác ở các lĩnh vực khác tuỳ theo khả năng và nhu cầu mỗi bên. Ví dụ như hợp tác về đào tạo, an ninh biển, tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển…
Vậy quan hệ quốc phòng có vai trò và ý nghĩa thế nào trong tổng thể quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ?
Đó là làm sao để hai nhà nước, nhân dân hai nước và cả thế giới thấy rằng, chúng ta có thể yên tâm hợp tác với Hoa Kỳ. Chúng ta cũng để phía Hoa Kỳ thấy, khi hợp tác với Việt Nam, thì hoà bình, ổn định, tôn trọng chế độ chính trị của nhau, bình đẳng với nhau là những điều kiện đầu tiên. Cho đến nay, Hoa Kỳ cũng thừa nhận tất cả các giá trị đó của Việt Nam. Đó chính là động lực cho các lĩnh vực quan hệ khác phát triển.
Khu vực châu Á – TBD, Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông vẫn còn những nguy cơ tiềm tàng gây bất ổn an ninh. Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ nên phát triển theo hướng thế nào để góp phần giúp chúng ta đảm bảo an ninh và chủ quyền của đất nước?
Video đang HOT
Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng hỏi tôi câu này.
Tôi trả lời rằng, trong quan hệ quốc phòng nói riêng và quan hệ chiến lược nói chung, trong bối cảnh khu vực châu Á – TBD có sự can dự của nhiều thế lực, nhiều nước lớn, với nhiều yếu tố và sức mạnh khác nhau, thì chúng tôi yêu cầu hai điểm.
Thứ nhất là hoà bình, ổn định cho Việt Nam.
Thứ hai, chúng tôi sẽ không tham gia vào bất cứ trò chơi cạnh tranh quyền lực nào của các nước lớn. Việt Nam không theo bất cứ một phía nào để chống một phía khác.
Chúng ta với tư cách là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, thành viên LHQ cũng như thành viên ASEAN, chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình đóng góp vào hoà bình, ổn định của thế giới trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, hiến chương LHQ.
Đó cũng chính là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của nước ta.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu VN không phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ quốc phòng với Mỹ, thậm chí là liên minh quân sự với Mỹ, thì sẽ bỏ lỡ cơ hội đảm bảo tốt hơn chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền trên biển?
Đây không phải là điều chúng ta nghĩ ra vào thời điểm này. Đây là quy luật, là chân lý, là bài học ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Giữ độc lập tự chủ, không tham gia bất cứ trò chơi quyền lực nào, không dựa vào bên này chống bên kia”.
Đây cũng là quy luật phát triển của đất nước ta trong những năm mãi về sau này. Giữ độc lập tự chủ, không tham gia bất cứ trò chơi quyền lực nào, không dựa vào bên này chống bên kia… Cái đó không có nghĩa là chúng ta cố thủ, mà có nghĩa là chúng ta giữ được trách nhiệm của mình với hoà bình ổn định khu vực.
Không phải chỉ các hành động gây ảnh hưởng đến quốc gia thì chúng ta mới chống, mà gây phương hại đến bất cứ quốc gia nào khác ta cũng sẽ không đồng tình và sẽ phản đối bằng khả năng của mình. Nên việc giữ được độc lập tự chủ ấy sẽ đảm bảo cho Việt Nam có được một nền hoà bình lâu dài, bền vững.
Thứ trưởng nói rằng giải quyết hậu quả chiến tranh là một trong những trọng tâm trong hợp tác quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ. Vậy công việc này được hai bên phối hợp triển khai thế nào?
Từ trước khi bình thường hoá quan hệ, hai bên đã hợp tác để tìm kiếm hài cốt binh lính Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Cho đến nay, đây vẫn là một nội dung chủ yếu, quan trọng và điển hình trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Chúng ta đã rất tích cực, làm cho người dân và chính phủ Hoa Kỳ hiểu rằng, Việt Nam thực sự là một đất nước nhân đạo. Bằng tất cả khả năng của mình, ta đã giúp tìm kiếm hài cốt quân nhân của họ, những người trước đây đã mang chiến tranh đến Việt Nam.
Một điểm nữa là việc khắc phục hậu quả dioxin. Vừa qua, họ đã giúp chúng ta một dự án ở Đà Nẵng. Sắp tới đây sẽ tiếp tục khảo sát và xây dựng một dự án ở Biên Hoà. Đây là vấn đề lâu dài và chúng ta cũng mong Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác hỗ trợ để xử lý.
Tôi mới gặp ông Leahy, Chủ tịch thường trực Thượng viện. Ông Leahy hết sức nhiệt tình trong việc hợp tác với Việt Nam giải quyết hậu quả dioxin.
Một lĩnh vực nữa trong khắc phục hậu quả chiến tranh là giải quyết hậu quả bom mìn. Hoa Kỳ cũng có những động thái quan tâm tới vấn đề này, đã ký với ta biên bản ghi nhớ về khắc phục hậu quả bom mìn. Lần này sang Hoa Kỳ tôi có đặt vấn đề với Bộ ngoại giao và Thượng viện Hoa Kỳ là ký biên bản rồi thì cần có những dự án cụ thể.
Chính phía Hoa Kỳ đã đánh giá cao nỗ lực của VN trong hỗ trợ họ giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là tìm kiếm quân lính Hoa Kỳ mất tích trong cuộc chiến. Vậy ở chiều ngược lại, phía Hoa Kỳ hợp tác như thế nào với VN trong tìm kiếm hàng trăm nghìn bộ đội của ta hy sinh, mất tích trong chiến tranh nhưng chưa tìm thấy hài cốt?
Chúng ta có trách nhiệm với đất nước chúng ta, với những người đã hy sinh và đặc biệt là với gia đình họ. Hàng trăm nghìn gia đình VN hiện vẫn đang chờ tìm hài cốt con em mình, ngay trên đất nước mình. Cái này là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta. Chúng ta tự làm, chứ không phải chờ ai giúp chúng ta làm việc này cả.
Tuy nhiên, chúng ta hoan nghênh sự hợp tác, giúp đỡ của các nước, trong đó có Hoa Kỳ. Đặc biệt là cung cấp cho chúng ta thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị để chúng ta đẩy nhanh hơn việc tìm kiếm các liệt sỹ Việt Nam còn đang mất tích.
Trong thời gian qua, sự hợp tác của một số nước từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam như Australia, Hàn Quốc, và đặc biệt là Hoa Kỳ, thực sự cũng giúp Việt Nam cải thiện tốc độ tìm kiếm các liệt sỹ.
Chúng ta cảm ơn Hoa Kỳ đã giúp chúng ta trong lĩnh vực này và cũng đề nghị họ, yêu cầu họ làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin, tạo điều kiện tốt hơn để chúng ta tìm kiếm các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiên tranh chống Mỹ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Theo Vietnamnet
Trung Quốc xác nhận điều tra Thứ trưởng An ninh
Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16/1 đã chính xác thức nhận cuộc điều tra nhằm vào Thứ trưởng An ninh Mã Kiện, nhân vật cấp cao mới nhất bị "sa lưới" trong chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Ông Mã Kiện. (Ảnh: SCMP)
Ông Mã Kiện, Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia, cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc, đã bị tình nghi "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", cụm từ thường ám chỉ các tội danh tham nhũng, cơ quan điều tra nội bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết trên trang web ngày 16/1.
Bộ An ninh quốc gia được cho là chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài và giám sát các phần tử chống đối Trung Quốc. Đây là một cơ quan lớn nhưng không có trang web cũng như địa chỉ công khai.
Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc thường được so sánh với Cơ quan tình báo Liên Xô KGB.
Li Fengzhi, một cựu mật vụ tại Bộ an ninh quốc gia và đã đào tẩu sang Mỹ, tiết lộ với báo giới hồi năm 2009 rằng ông đã ngày càng tức giận với công việc được giao là theo dõi những người chống đối và các nhóm tôn giáo.
Thông báo trên diễn ra sau các cuộc điều tra nhằm vào các nhân vật cấp cao nhất trong bộ máy an ninh Trung Quốc, mà nổi bật nhất là ông Chu Vĩnh Khang, từng giữ chức Bộ trưởng an ninh thời còn là Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị cho tới khi về hưu năm 2012.
Hàng chục trợ lý và các thành viên gia đình của ông Chu, trong đó nhiều người công tác trong ngành an ninh và cảnh sát, đã bị bắt trong năm ngoái, theo báo chí Trung Quốc.
Báo chí nhà nước Trung Quốc ngày 15/1 đưa tin rằng ông Chu đã lập bè cánh với Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh, nhân vật chính trong cuộc điều tra giết người, tham nhũng quy mô lớn hồi năm 2013 và bị kết án tù chung thân.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 11/2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.
Trong một diễn biến khác, quân đội Trung Quốc ngày 15/1 đã công bố danh sách 16 quan chức cấp cao bị điều tra trong năm 2014, trong đó có 15 vị tướng.
An Bình
Theo Dantri/AFP
Trung Quốc bắt Thứ trưởng An ninh quốc gia do nghi tham nhũng Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh ngày 12/1, các nhà điều tra chống tham nhũng của Trung Quốc đã bắt giữ Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc Mã Kiện, trong một vụ án tham nhũng được cho là có liên quan đến Tập đoàn công nghệ Phương Chính (Founder Group) của Trung Quốc...